Cựu Thủ tướng Berlusconi: Nên rút khỏi Eurozone
Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 1/6 cho rằng, Italy nên rút khỏi khu vực đồng euro ( Eurozone), trừ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) đồng ý bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế Italy và bảo lãnh các khoản nợ của chính phủ nước này.
Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. (Ảnh: Getty)
Theo mạng điện tử “www.rte.ie”, ông Berlusconi viết trên trang Facebook của mình: “Chúng ta (Italy) phải nói với Châu Âu một cách mạnh mẽ rằng ECB nên bắt đầu việc in tiền. Nếu không, chúng ta phải có sức mạnh để nói lời chào tạm biệt và rời khỏi Eurozone trong khi vẫn ở trong Liên minh Châu Âu (EU), hoặc nói với Đức rằng nước này nên rời khỏi Eurozone nếu họ không đồng ý. Ý tưởng &’điên rồ’ của tôi là Ngân hàng Trung ương Italy nên in đồng euro hoặc in loại tiền tệ riêng của chúng ta.”
Bình luận trên của ông Berlusconi được đưa ra tiếp sau cuộc bầu cử địa phương được tổ chức hồi tháng 5 mà đã chứng kiến việc các chính đảng chủ chốt bị giánh những đòn khá nặng, trong khi đảng “Phong trào 5 Ngôi sao” của nhà hài kịch Beppe Grillo, vốn cũng muốn Italy rút khỏi Eurozone, lại giành được nhiều thắng lợi.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Ipsos tiến hành trong tuần này cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của ông Berlusconi hiện chỉ đứng ở mức 16,8%, thấp hơn so với cả đảng Dân chủ (PD) trung tả và đảng “Phong trào 5 Ngôi sao.”
Cựu Thủ tướng Berlusconi gần đây đã bày tỏ dấu hiệu rằng ông đang chuẩn bị để nắm giữ một vai trò tích cực hơn giữa lúc cuộc tổng tuyển cử kế tiếp vào năm tới đang đến gần. Hồi tháng trước, ông Berlusconi đã đề xuất thay đổi hệ thống chính phủ của Italy thành một hệ thống có tổng thống được bầu theo kiểu của Pháp.
Trong bối cảnh sự ủng hộ đối với Chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Mario Monti đang sụt giảm, sự ủng hộ đối với đồng euro cũng đã bắt đầu suy yếu. Một cuộc thăm dò trong tuần này của Trung tâm nghiên cứu Pew đóng tại Washington cho thấy 44% số người dân Italy cho rằng đồng euro đã và đang gây tổn hại cho đất nước họ.
Lâu nay, ông Berlusconi thường có những đề xuất mang tính khiêu khích và sau đó đều lẳng lặng bác bỏ chúng. Tuy nhiên, bình luận lần này của ông Berlusconi về đồng euro lại phù hợp với thái độ chỉ trích ngày càng gia tăng của các chính đảng khác đối với đồng tiền chung này.
Đảng Liên đoàn Phương Bắc (LN), một đồng minh cũ của ông Berlusconi và hiện đang phản đối Chính phủ Monti cũng như luôn hoài nghi về đồng euro, đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh ông. Phó Chủ tịch Quốc hội Maurizio Fugatti, người của LN, nói trong một tuyên bố: “Giữa lúc cuộc khủng hoảng đang trở nên tồi tệ, việc chuẩn bị cho sự sụp đổ của hệ thống này, mà sẽ đưa Italy rời khỏi khu vực đồng euro, là điều đúng đắn.”/.
Theo TTXVN
Quỹ cứu trợ Eurozone nâng lên hơn 1.000 tỷ USD
Theo AFP và Reuters, ngày 30/3, các Bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt, nâng quy mô "tường lửa" chống khủng hoảng nợ lên hơn 1.000 tỷ USD giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha đặt ra yêu cầu cần các biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Sau một hội nghị chủ chốt ở Copenhagen (Đan Mạch), Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter thông báo đã đạt được thỏa thuận nâng "tường lửa" của khu vực Eurozone lên "tổng cộng hơn 800 tỷ ero (1.067 tỷ USD)."Bà Fekter cho biết 800 tỷ euro nói trên bao gồm 500 tỷ từ quỹ cứu trợ cố định ESM (Cơ chế Bình ổn châu Âu), sẽ có hiệu lực từ tháng Bảy tới, cùng 200 tỷ thuộc các khoản vay đã cam kết, và 100 tỷ là các khoản vay song phương và ngân quỹ của Liên minh châu Âu (EU).
Theo bà Fekter, hai quỹ cứu trợ của Eurozone - ESM và EFSF (Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu) - sẽ được triển khai song song từ nay tới giữa năm 2013.
Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cho biết nước này có thể phải cần tới gói cứu trợ thứ ba nếu các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ quốc tế yêu cầu Athens thực hiện không giúp ổn định nền kinh tế kiệt quệ của nước này cũng nhưng khôi phục lòng tin trên các thị trường.
Đây là lần đầu tiên ông Papademos công khai "đối đầu" với người dân trước rủi ro, vốn đã được giới chức EU, IMF và Đức tranh cãi về khả năng chương trình khắc khổ mà nước này đang áp dụng thất bại một khi người dân không nỗ lực.
Tháng trước, Hy Lạp đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU đảm bảo cung cấp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro sau khi Athens đạt được thỏa thuận để các chủ nhợ tư nhân tham gia quá trình tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử./.
Theo TTXVN
G20 có thể không đạt thỏa thuận bơm tiền hỗ trợ EU Tại hội nghị trong hai ngày 24 và 25/2 ở thủ đô Mexico, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tập trung bàn thảo về các giải pháp nhằm tăng cường sự hỗ trợ tài chính giúp châu Âu đối phó với...