Cựu Thứ trưởng Công an nói gì về việc chia chác công sản 300 tỷ?
Chiều qua (11/6), lên bục thẩm vấn, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đã trình bày lý do kháng cáo và cũng giải thích rõ khoản bán công sản tại 129 Pasteur (TP.HCM) lấy gần 300 tỷ để làm gì.
Bán công sản vì 2 mục đích
Trình bày lý do kháng cáo tại Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội trong phiên phúc thẩm, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành xin giảm án treo.
Tại phiên sơ thẩm, ông này bị tuyên phạt phạt 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 điều 285, Bộ Luật hình sự 1999.
Được chủ toạ cho phép, ông Thành nêu 5 lý do để làm căn cứ kháng cáo.
Theo đó, đầu tiên, vị cựu Thứ trưởng cho biết, chủ trương bán lô nhà đất ở số 129 Pasteur được ông này ký duyệt là theo phân công, chỉ đạo của cấp trên, căn cứ đề nghị của Tổng cục V ( Tổng cục Tình báo).
Tiếp theo, việc bán công sản này nhằm mục tiêu phát triển tiềm lực ngành và trả kinh phí xây dựng trụ sở Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng (TP.Hà Nội). Lý do thứ 3, theo bị cáo Thành, quyền thẩm định giá thuộc về UBND TP.Hồ Chí Minh, ông Thành chỉ gửi công văn đề nghị.
Cựu Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành cho biết, việc bán công sản 129 Pasteur có chủ trương từ trước, một để phát triển, hai để trả nợ xây dựng.
Thứ tư, công sản này Tổng cục IV (Tổng cục Hậu cần) đã báo cáo với ông, đưa ra khỏi sổ sách quản lý của Bộ Công an, trách nhiệm của ông chỉ có giới hạn.
Cuối cùng, ông Thành mong muốn được xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ, những đóng góp của ông và gia đình liệt sĩ.
Bị cáo Bùi Văn Thành chỉ có một hành vi liên quan đến vụ mua bán công sản số 129 Pasteur.
Tại phiên toà, ông Thành trình bày, việc bán tài sản số 129 là có chủ trương của Đảng uỷ Công an Trung ương. Sau khi có văn bản của công ty Nova Bắc Nam 79 gửi Bộ Công an xin mua, bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V) ký văn bản trình Bộ trưởng, ông Thành là người tiếp nhận việc này.
Lúc này, với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách, ông Thành đã đề nghị Tổng cục V thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Sau đó có báo cáo, ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, ông Thành đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần kỹ thuật triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của pháp luật.
Cam đoan không chia chác
Tại toà hôm nay, trước câu hỏi của thẩm phán, chủ toạ phiên toà Nguyễn Vinh Quang, trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng bán tài sản 129 Pasteur, Phan Văn Anh Vũ không có liên hệ, làm việc, bàn bạc trao đổi gì với bị cáo. Các bị cáo khác trong vụ án như Bách, Tuấn, Tân cũng không có trao đổi gì trước khi có văn bản của Tổng cục V lên Bộ.
Trước câu hỏi có được chia chác, bàn bạc trong việc xử lý bán tài sản, vị cựu Thứ trưởng Bộ Công an này cam đoan không và khẳng định đã trả lời rất cụ thể trong các biên bản điều tra.
Theo cáo trạng được VKSNDTC đã ban hành, ngoài 4 vụ chuyển nhượng đất công tại Đà Nẵng thì tại TP.HCM, Vũ “nhôm” cũng đã thực hiện 3 vụ thâu tóm nhà, đất công gây thất thoát tài sản Nhà nước gồm: nhà đất số 8 đường Nguyễn Trung Trực; nhà đất số 15 Thi Sách (quận 1) và nhà đất số 129 Pasteur (quận 3).
Đất vàng 29 Pasteur đã được Phan Văn Anh Vũ làm “xiếc” hòng trục lợi.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, ngày 13/5/2015, Tổng cục V có báo cáo số 1582 gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất cho phép Công ty 79 được mua chỉ định Nhà đất số 129 Pasteur để phục vụ công tác nghiệp vụ.
Ngày 28/5/2015, ông Bùi Văn Thành, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an, ký Tờ trình số 150, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của Nhà đất số 129 Pasteur cho Công ty 79 để phục vụ công tác nghiệp vụ.
Ngày 24/10/2015, ông Bùi Văn Thành tiếp tục ký Công văn số 2384 đề nghị Sở TNMT, sở Tài chính TPHCM trình Hội đồng Thẩm định giá đất phê duyệt Chứng thư thẩm định giá bán bất động sản Nhà đất số 129 Pasteur.
Ngày 26/10/2015, Công ty CP Thông tin Thẩm định giá Tây Nam Bộ ban hành Chứng thư thẩm định giá số 15/10/329 xác định giá trị tài sản là: 301 tỷ đồng. Ngày 21/01/2016, Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ ra Chứng thư thẩm định giá số 16/01/329, xác định tài sản trên có giá: 294 tỷ đồng.
Ngày 28/01/2016 Công ty CP Đầu tư Peak View đã thanh toán 300 tỷ đồng cho Công ty CP Nova Bắc Nam 79. Ngày 04/02/2016, Chứng thư thẩm định giá số 16/01/329 là 294,2 tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Văn Thành cam đoan không chia chác, hưởng lợi nhuận từ vụ bán công sản 129 Pasteur.
Ngày 03/3/2016, UBND TPHCM có Quyết định số 876 duyệt phương án xác định giá đất theo giá thị trường đối với Nhà đất số 129 Pasteur với tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình là 294,2 tỷ đồng.
Ngày 24/4/2016, Công ty CP Bắc Nam 79 đăng ký thay đổi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với Nhà, đất tại số 129 Pasteur. Ngày 01/6/2016, UBND TP. HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với với đất tại 129 Pasteur cho Công ty CP Đầu tư Peak View.
Ngày 13/01/2018, 3 cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư Peak View thực hiện chuyển nhượng 100% cổ phần với giá 350,01 tỷ đồng cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – Gia Định. Hiện nay, Nhà đất này do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – Gia Định quản lý, sử dụng.
Tại Kết luận định giá tài sản số 02, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án là: 222,8 tỷ đồng.
Theo Danviet
Cựu thứ trưởng Bộ Công an nói ký văn bản để Vũ "nhôm" thâu tóm đất công vì "quá tin cấp dưới"
Tại phiên toà chiều ngày 11-6, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân khai đã quá tin cấp dưới dẫn đến việc Vũ "nhôm" thâu tóm đất công và sử dụng sai công dụng.
Ngày 11-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành về những hành vi sai phạm của 2 ông để Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") thâu tóm đất công sản tại TP Đà Nẵng và TP HCM.
Bị cáo Trần Việt Tân
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Việt Tân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng vào thời điểm tháng 9-2009, bị cáo giữ chức vụ Tổng Cục phó Tổng Cục V, đến tháng 12-2009 giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục V. Sau đó, năm 2011 được bổ nhiệm là Thứ trưởng cho đến năm 2016 thì nghỉ hưu. "Thời gian làm Tổng Cục Trưởng, bị cáo phụ trách chỉ đạo chung cục B61, đến khi Thứ trưởng Bộ cũng phụ trách chỉ đạo Tổng Cục V"- bị cáo Tân khai và thừa nhận nếu theo quy định cấp dưới vi phạm pháp luật thì lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm.
Bị cáo Trần Việt Tân khai báo tại phiên toà - Ảnh chụp màn hình
Theo cựu thứ trưởng, trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công an có ký 6 văn bản liên quan đến 3 tài sản gồm: 16 Bạch Đằng; 15 Thi Sách và số 8 Nguyễn Trung Trực liên quan đến Công ty Bắc Nam 79.
Bị cáo Tân cũng khai thêm nội dung bị cáo ký là do Tổng Cục V trình lên, lúc ký đã kiểm tra kỹ trước khi gửi văn bản các địa phương. Tuy nhiên, chủ tọa tiếp tục hỏi: "Có kiểm tra thì sao xảy ra việc Vũ mua đất rồi sang tên cho cá nhân và bán cho doanh nghiệp khác?". Về nội dung này, ông Trần Việt Tân khai không được cấp dưới báo cáo.
Tại lô đất số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), ông Tân khai chỉ ký 2 văn bản thúc đẩy thủ tục hành chính vì khi đó, đất đã được giao cho công ty của Vũ "nhôm". Lúc này, HĐXX công bố tài liệu liên quan đến dự án 16 Bạch Đằng, trong văn bản vào ngày 12-10-2015, UBND TP HCM mới phê duyệt bán 16 Bạch Đằng cho Công ty Bắc Nam 79 nhưng bị cáo ký 5-1-2015. "Vậy thì sao có thể chuyện giao đất từ tháng 1-2015 được"- Chủ toạ nhấn mạnh.
Tiếp đến tại dự án số 8 Nguyễn Trung Trực, ông Tân ký văn bản gửi Chính phủ đề nghị phê duyệt giá thuê đất cho công ty bình phong làm trụ sở. Tuy nhiên, trong văn bản thứ 2 mà cựu thứ trưởng Trần Việt Tân ký gửi UBND TP HCM lại có nội dung đề xuất cho công ty bình phong của Vũ "nhôm" xây khu phức hợp cao tầng.
HĐXX công bố lời khai các bị cáo và tài liệu thu thập cho thấy Công ty Bắc Nam 79 không có vốn, không có tiềm lực như nội dung văn bản Bộ Công an gửi đi. HĐXX hỏi: "Bị cáo có kiểm tra không?". Bị cáo Tân đáp: "Tôi tin anh em cấp dưới".
VKS tiếp tục hỏi bị cáo Trần Việt Tân: "Bị cáo tại sao lại không kiểm tra trước khi ký?". Bị cáo Tân đáp: "Quản lý công ty bình phong chỉ là 1 việc rất nhỏ trong công tác quản lý của vị trí của bị cáo. Một ngày bao nhiêu ý kiến và văn bản như vậy thì rất khó. Anh em báo cáo như thế nào thì tôi tin như vậy".
Bị cáo Bùi Văn Thành - Ảnh chụp màn hình
Trả lời HĐXX, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cho biết từ sau phiên sơ thẩm đã làm đơn kháng cáo xin được giảm án và mong muốn "được hưởng án treo", bởi các lý do: Khi ký vào các văn bản giúp Vũ "nhôm" thuê mua các tài sản là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên chứ không phải do bị cáo tự ý; việc ký các văn bản cũng nhằm mục đích xây dựng tiềm lực cho lực lượng, còn việc Vũ "nhôm" lợi dụng vào đó để trục lợi thì bị cáo không nắm được.
Ngoài ra, ông Thành đề nghị HĐXX xem xét để "giới hạn về trách nhiệm" cho bị cáo, bởi theo quy định pháp luật, Tổng cục IV do bị cáo phụ trách, có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản của Bộ Công an, đã thực hiện chế độ báo cáo quản lý công sản chặt chẽ và có sự phân công cụ thể cho từng đơn vị để chịu trách nhiệm...
Tại phiên toà, cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành cũng khẳng định không bàn bạc với Vũ "nhôm" và các bị cáo khác trong vụ án cũng như không được hưởng lợi ích gì từ việc ký các văn bản giúp công ty bình phong thuê, mua nhà đất công sản.
Ng. Hưởng
Theo nld.com.vn
Giám đốc Công an Đà Nẵng giới thiệu Vũ "nhôm" làm tình báo? Vũ "nhôm" khai được đích thân Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã giới thiệu mình cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an. Chiều 11-6, phiên xét xử Phan Văn Anh Vũ cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Công an tiếp tục làm việc. Một nội dung đáng chú ý liên quan tới phần xét hỏi của luật...