Cứu sống trẻ mắc tay chân miệng cấp độ nặng nhất
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu thành công một bé trai bị tay chân miệng cấp độ 4 – cấp độ nặng nhất của bệnh.
Bé N.A.T (10 tháng tuổi, trú tại khu Ngọc Tháp, xã Phú Hộ, Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, ý thức lơ mơ, tím quanh môi và gốc mũi, da niêm mạc tái nhợt, mạch quay bắt yếu, chi lạnh, phải đặt ống nội khí quản thở máy và có trào bọt hồng máu từ phổi.
Theo lời kể của gia đình, hai ngày trước khi nhập viện, trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, có xuất hiện nốt trong miệng. Gia đình có đưa bé đến cơ sở y tế tư nhân truyền dịch 2 lần nhưng tình trạng trẻ không cải thiện. Đỉnh điểm là buổi trưa ngày nhập viện, trẻ lên cơn co giật, tím tái nên gia đình vội vàng đưa bé đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định trẻ có dấu hiệu tổn thương thần kinh, phù phổi cấp, suy tuần hoàn do tổn thương cơ tim. Sau khi xét nghiệm tìm căn nguyên E71 dương tính trẻ được chẩn đoán bệnh tay chân miệng cấp độ 4.
Trẻ được tiến hành hồi sức tích cực, an thần thở máy bảo vệ phổi, sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch liều cao, điều chỉnh rối loạn toan kiềm điện giải và có chỉ định dùng IVIG (IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus).
Bệnh nhi mắc tay chân miệng cấp độ 4 được các y bác sĩ chăm sóc tích cực, sức khỏe cải thiện tốt.
Sau 5 ngày hồi sức tích cực bệnh nhân đã dừng thuốc vận mạch, rút được ống nội khí quản, tự thở tốt, chức năng tim cải thiện, ăn uống khá hơn.
ThS.BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh tay chân miệng do virus EV71 rất nguy hiểm do các biểu hiện bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Ngoài các biểu hiện ngoài da như: lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, thở nhanh, da tái, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở ý tế chuyên khoa để các bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Các cấp độ của bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Video đang HOT
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh:
Tay chân miệng cấp độ 1: Bệnh ở mức độ nhẹ với các tổn thương ngoài da, loét miệng.
Tay chân miệng cấp độ 2: Bệnh trở nên nặng hơn, bắt đầu gây ra các biến chứng về hệ thần kinh, tim mạch nhẹ.
Tay chân miệng cấp độ 3: Bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nặng đến thần kinh, tim mạch và hô hấp.
Tay chân miệng cấp độ 4: Bệnh ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng với các triệu chứng sốc, đe dọa tử vong ở trẻ.
Dịch COVID-19 tăng trở lại: Chủ động phòng ngừa
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tình trạng dịch COVID-19 lây lan trở lại, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ biến thể của virus SARS-CoV-2
Phóng viên: Sự gia tăng trở lại của dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia trong thời gian gần đây có đáng lo ngại không, thưa ông?
- TS-BS HOÀNG MINH ĐỨC - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Liên quan dịch COVID-19, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1.
Ngoài ra, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác cũng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, ví dụ: bệnh Nipah tại Ấn Độ, cúm A/H5N1 tại Campuchia, cúm H1N2 tại Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông.
TS-BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
WHO cũng cho biết số ca nhập viện do COVID-19 trong tháng 12-2023 ở gần 50 quốc gia đã tăng 42% so với tháng 11-2023, tập trung tại châu Âu và châu Mỹ. Tỉ lệ nhập viện vào khu chăm sóc đặc biệt cũng tăng 62%. Đáng chú ý, có 10.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng trước - thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh dịch nhưng theo WHO, đây là mức "không thể chấp nhận được".
Do đó, WHO kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát, đáp ứng tốt nhất có thể việc cung cấp vắc-xin và điều trị y tế cho người dân. Một số quốc gia ở châu Âu cũng tiếp tục khuyến nghị thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang.
Biến thể JN.1 của SARS-CoV-2 được cảnh báo vẫn gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã ghi nhận biến thể này chưa và vắc-xin có tác dụng với các biến thể mới không?
- Virus SARS-CoV-2 liên tục tạo ra các biến thể mới và mới nhất là JN.1. Theo phân loại của WHO, JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm.
Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus - bao gồm mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của vắc-xin đối với virus - cùng việc chẩn đoán, điều trị và các biện pháp xã hội, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế cập nhật thường xuyên thông tin, chủ động áp dụng biện pháp giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp ngay tại cửa khẩu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
JN.1 đang là biến thể được báo cáo nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể khác của SARS-CoV-2.
Dẫu vậy, số ca mắc COVID-19 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung vẫn được dự báo gia tăng trong thời gian tới. Ở những quốc gia đang vào mùa đông, trường hợp phải nhập viện có thể tăng.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận các biến thể mới của SARS-CoV-2. Với các biến thể hiện nay, theo WHO, vắc-xin hiện thời vẫn có tác dụng phần nào.
Ông có thể nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam?
- Tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 đã ghi nhận 419 ca mắc COVID-19, nhập viện rải rác ở 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng gấp 2,4 lần so với 2 tuần trước đó; số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng; hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.
Tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát. Việc các quốc gia ghi nhận ca mắc tăng là bình thường vì dịch chưa hết hẳn. Những ca mắc COVID-19 tại các nước chủ yếu ở mức độ nhẹ, nhiễm chủng Omicron, chưa ghi nhận sự bất thường.
Ở nước ta, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B - theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, được giám sát như các bệnh cúm mùa thông thường khác. Tuy nhiên, nước ta đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường nên dễ dẫn đến xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm tập trung đông người...
Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống giám sát tại các cửa khẩu. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập nước ta, vừa qua, Cục Y tế dự phòng có văn bản gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường kiểm dịch y tế biên giới. Việc này không chỉ nhằm giám sát dịch COVID-19 mà còn để theo dõi nhiều dịch bệnh khác.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Bởi vậy, chúng tôi đề nghị các trung tâm, cơ sở y tế cập nhật thường xuyên thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập Việt Nam để chủ động áp dụng biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu. Đồng thời, phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, lồng ghép COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2, để theo dõi các biến thể của virus.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025. Kế hoạch nêu rõ phương án sẵn sàng bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Cảnh báo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia tăng Thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... và một số bệnh có vắc xin dự phòng tiếp tục ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi. Cục Y...