Cứu sống thai nhi có 6 vòng dây rốn quấn từ cổ xuống bụng
Ca phẫu thuật được tiến hành thành công lúc 17h30 ngày 22-5 tại Bệnh viện Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh.
Bé trai nặng 2,12kg, là con đầu của sản phụ P.V.A.T (30 tuổi), có thể được xem là một trường hợp rất may mắn.
Bé chào đời mang theo đến 6 vòng dây rốn quấn cổ, quấn bụng và quấn chéo từ cổ xuống bụng.
Video đang HOT
Theo các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật, đây là trường hợp hầu như chưa từng thấy, vì dây rốn quấn liên tục ở 3 vị trí và mỗi vị trí đều có 2 vòng, tất cả các vòng đều chặt.
Sản phụ T nhập viện ở tuổi thai 29 tuần 5 ngày, từ ngày 3-4-2020 với nhiều nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường, thai chậm tăng trưởng. Sản phụ được theo dõi chặt chẽ, điều trị tích cực tại bệnh viện và thường xuyên được hội chẩn đái tháo đường để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Sau 7 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ đã thành công trong việc kéo dài thai kỳ hơn 1,5 tháng an toàn với các chỉ số sinh học của sản phụ được kiểm soát tốt và tình trạng thai có cải thiện, tuy không được như kỳ vọng, song cơ hội sống đã được cải thiện rất đáng kể.
Khi bé ra đời, các bác sĩ đã rất bất ngờ và cảm thấy may mắn vì với 6 vòng dây rốn quấn chặt, việc mất tim thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có dấu hiệu báo trước, bất kể việc theo dõi chặt chẽ tới mức nào.
Bác sĩ Quốc Hùng, một người theo dõi ca phẫu thuật, cho biết: “30 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp đặc biệt này. Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm giảm lưu lượng máu qua thai dẫn đến hậu quả thai suy dinh dưỡng nặng”.
Hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi là gì?
Dây rốn quấn cổ còn gọi tràng hoa quấn cổ, là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hoặc nhiều vòng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, cho biết nguyên nhân khiến dây rốn quấn cổ là do thai nhi thường xuyên cử động, xoay chuyển trong không gian tử cung chật hẹp của mẹ hoặc cấu tạo tế bào gốc thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối, dây rốn dài bất thường, thai đôi hoặc đa thai.
Tràng hoa quấn cổ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, trong thời gian chuyển dạ hoặc khi sinh. Ảnh: Health Reflect
Hiện tượng dây rốn quấn xung quanh cổ thai nhi khá phổ biến nhưng thông thường em bé chỉ bị quấn 1-2 vòng, không ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên trong trường hợp em bé bị dây rốn quấn trên 3 vòng có thể làm cho mạnh máu bị nén lại, hạn chế tuần hoàn máu đến thai nhi, thiếu máu não và oxy, thậm chí tử vong cho thai. Khi dây rốn quấn cổ nhiều vòng có thể khiến đầu thai nhi cúi, không tốt cản trở việc sinh qua đường âm đạo.
Đa số trường hợp dây rốn quấn cổ thai nhi có thể sinh thường và bé vẫn khỏe nhưng người mẹ cần theo dõi kỹ cử động thai. Khi siêu âm thai, bác sĩ sẽ phát hiện được bé có bị dây rốn quấn cổ hay không và theo dõi đến khi sinh em bé thành công. Trong đó, siêu âm Doppler màu có thể đánh giá lưu lượng máu từ mẹ đến thai qua động mạch rốn, ngoài ra cũng có thể xem được số vòng dây rốn quấn cổ thai nhi. Nếu lượng máu từ mẹ qua thai bị giảm thì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, còn nếu số vòng rốn quấn nhiều làm đầu thai nhi ngửa ra sẽ ảnh hưởng đến việc sanh ngã âm đạo.
Để tránh gặp hiện tượng này, phụ nữ có thai nên chú ý có những hoạt động nhẹ nhàng, tránh lao động nặng, hoạt động quá sức hay tập thể thao cường độ cao. Nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ, mẹ phải theo dõi những chuyển động của bé, quá ít hoặc quá nhiều chuyển động cũng có thể là dấu hiệu xấu và cần đến bệnh viện kiểm tra kịp thời. Nếu cần, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.
Theo VNE
Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa thai kỳ Bước vào 3 tháng giữa thai kỳ, em bé đã biết đạp và có tương tác với mẹ khiến mẹ rất thích thú. Vậy mẹ có băn khoăn về sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa diễn ra như thế nào không? 1. Sự phát triển của thai nhi ở tuần 13 đến tuần 15 Thai nhi ở tuần 13...