Cứu sông Hậu
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm dòng sông Hậu, các lực lượng chức năng của TP.Cần Thơ đang quyết liệt vào cuộc để cứu lấy con sông này.
Đường ống xả nước thải đưa ra lòng sông Ba Láng tại Công ty TNHH Thuận Hưng bị phát hiện – Ảnh: PC49 cung cấp
Sau nhiều tháng “mật phục”, lúc 22 giờ ngày 4.9, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP.Cần Thơ) bắt quả tang công nhân của Công ty TNHH Phương Duy (trụ sở tại KCN Trà Nóc 2, Q.Ô Môn) xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Hậu. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này xả thải ra sông.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Trinh, Trưởng PC49, thời gian gần đây các doanh nghiệp dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với lực lượng kiểm tra nhằm xả chất thải chưa qua xử lý xuống các kênh, rạch trên sông Hậu.
Trước đó, PC49 đã phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Huy Việt – Tây Đô (P.Thuận An, Q.Thốt Nốt) và Công ty TNHH Thuận Hưng (P.Ba Láng, Q.Cái Răng) lén lút xả thải bằng “quy trình” rất công phu. Công ty Huy Việt – Tây Đô (chuyên sản xuất cồn, thực phẩm, khí CO2…) cho bơm nước thải chưa qua xử lý xuống xà lan, đợi đến tối đem xả ra sông Hậu (đoạn P.Trung Kiên) qua 2 đường ống bằng kim loại có gắn van được lắp đặt ở đuôi xà lan. Còn Công ty Thuận Hưng (chuyên gia công, sản xuất, chế biến hàng thủy sản đông lạnh) thì bị bắt khi đang xả nước thải không qua xử lý bằng hệ thống ngầm ra sông Ba Láng (một nhánh của sông Hậu, thuộc Q.Cái Răng).
Theo một trinh sát PC49, việc lắp đặt máy bơm, ống ngầm có van xả đã được công ty này thực hiện thời gian dài và có sự chỉ đạo rất chặt chẽ từ ban giám đốc đến người thực hiện. Do đó, khi phát hiện, lực lượng kiểm tra phải thuê công nhân đào khắp khu vực sản xuất mới xử lý triệt để hệ thống ống ngầm.
Đào tìm đường ống ngầm xả thải ra sông của một doanh nghiệp
Tại hội nghị sơ kết ngành tài nguyên – môi trường TP.Cần Thơ vào tháng 7.2015, bà Đỗ Thị Ngọc Hoa, Trưởng phòng TN-MT Q.Ô Môn, cho biết mặc dù lực lượng chức năng từ T.Ư đến địa phương đã nhiều lần xử phạt Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu, song công ty này vẫn tiếp tục xả nước thải có màu đen, hôi thối ra tuyến kênh giáp ranh giữa P.Long Hưng (Q.Ô Môn) và xã Thới Hưng (H.Cờ Đỏ).
Video đang HOT
Ngày 29.7.2015, Sở TN-MT TP.Cần Thơ chủ trì cuộc họp cùng với Công an TP.Cần Thơ, Phòng TN-MT H.Cờ Đỏ làm việc, yêu cầu công ty này phải chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn; nếu tái phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Sở TN-MT TP.Cần Thơ nhìn nhận, hiện các KCN tập trung thải ra khoảng 30.000 m3 nước/ngày đêm, cộng với nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư khoảng 70.000 m3/ngày đêm thải trực tiếp ra sông, rạch. 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng kiểm tra 49 đơn vị tại các KCN trên địa bàn thì tất cả đều vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy, tại rạch Sang Trắng 1 cách KCN Trà Nóc 2 khoảng 200 m, hàm lượng COD (mức độ hiện diện chất hữu cơ trong nước) vượt chuẩn cho phép từ 5 – 6 lần. Trong khi đó, ở rạch Sang Trắng 2, nơi cách xa KCN hơn thì hàm lượng hữu cơ vượt tiêu chuẩn 4 – 6 lần.
Mai Trâm
Theo Thanhnien
Sông, hồ Tam Kỳ ngày càng ô nhiễm
Cá chết nổi trắng hồ điều hòa Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cho thấy nguồn nước tại các ao hồ và các con sông đang ở mức ô nhiễm đáng báo động.
Nước hồ điều hòa Nguyễn Du ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt - Ảnh: Hoàng Sơn
Hồ điều hòa thành hồ... ô nhiễm
Những ngày qua, cá trên hồ điều hòa Nguyễn Du liên tục chết, nổi trắng mặt nước. Công nhân của BQL Các công trình công cộng TP.Tam Kỳ liên tục dùng thuyền chèo quanh hồ để vớt cá đem đi xử lý nhưng đến ngày 15.7, lượng cá chết vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt, tại các vị trí cống thoát nước, xác cá dạt vào bèo thành lớp ken đặc.
Chị Trần Huyền Trân (23 tuổi, sinh sống gần hồ này) cho biết: "Tôi ở đây đã gần 5 năm qua nhưng chưa bao giờ thấy cảnh cá chết nhiều như vậy. Không chỉ cá nhỏ như cá rô phi mà nhiều con cá lóc nặng 3-4 kg cũng chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ, bốc mùi hôi thối nồng nặc".
Một công nhân thu gom cá tại hồ Nguyễn Du cho hay, mỗi ngày anh thường vớt được khoảng 7-8 thùng cá chết. Trước khi chết, cá có biểu hiện lờ đờ, hai mắt phù to cho đến khi bị vỡ ra.
Theo ghi nhận của PV, hồ Nguyễn Du là hệ thống 2 hồ lớn cạnh nhau được nối thông bằng một đường cống dẫn khá rộng. Nước từ hồ này dẫn trực tiếp ra sông Bàn Thạch thông qua hệ thống kênh rộng chừng 4m. Tuy nhiên, con kênh này hiện đang bị bèo phủ kín nên nước thoát rất chậm.
Trong khi đó, do thời tiết nắng mưa bất thường, xác cá phân hủy nhanh nên môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều hộ dân có nhà sát hồ rất bức xúc vì tình trạng cá chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại khối phố 5 (P.An Mỹ), nước hồ điều hòa ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Có thời điểm giữa mùa nắng nóng, tảo trong hồ với rong rêu chết hàng loạt gây nên mùi hôi rất khó chịu. Vào mùa mưa, mặc dù nước lưu thông tốt hơn nhưng mùi hôi tanh vẫn không giảm.
Bên cạnh đó, tình trạng xả rác, phóng uế bừa bãi quanh hồ cũng khiến cảnh quan hồ điều hòa trông nhếch nhác, mất vệ sinh.
Hồ Nguyễn Du có diện tích khoảng 4ha, có tác dụng tạo cảnh quan đô thị, điều tiết khí hậu và điều tiết lượng nước. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm như hiện nay, hồ không còn tác dụng điều hòa hoặc điều tiết gì. Thậm chí, với việc "hứng" nước thải sinh hoạt của các khu dân cư cho đến nước thải bệnh viện, hồ trở thành mối lo ngại là nơi "ươm" và phát tán mầm bệnh. Trước tình trạng cá chết hàng loạt, Phòng TN-MT TP.Tam Kỳ đã kiểm tra và cho biết nguyên nhân ban đầu là do cá thiếu oxy. Phòng này cũng đã báo cáo UBND TP.Tam Kỳ để xử lý.
Sông "chết" theo
Theo kết quả quan trắc môi trường của Sở TN-MT Quảng Nam, trong năm 2014, các ao hồ điều hòa tại TP.Tam Kỳ gồm hồ Duy Tân, Nguyễn Du và hồ Ngã Ba đều ô nhiễm nặng nề. Trong đó hồ Nguyễn Du nặng nhất, không đảm bảo cho việc tưới tiêu vì môi trường có tính kiềm mạnh, ô nhiễm chất hữu cơ, amoni, phốt phát, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi sinh coliform. Mức độ ô nhiễm của hồ Nguyễn Du cao từ tháng 1-9 trong năm.
Kết quả quan trắc môi trường nước trong các năm 2013, 2014 cho thấy mức độ ô nhiễm không có dấu hiệu giảm so với các năm trước. Riêng trong năm 2014, tình trạng ô nhiễm các thông số đã nêu có tính liên tục và kéo dài trong suốt năm. Trong khi đó, các hồ Ngã Ba và hồ Duy Tân có thể dùng để tưới tiêu nhưng không thể dùng để sinh hoạt.
Hiện nguồn nước tại 2 hồ này bị ô nhiễm chất hữu cơ, dẫu mỡ... nhưng nhẹ hơn so với hồ Nguyễn Du.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do các hồ tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, nước thải các bệnh viện chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Qua đợt quan trắc gần nhất, ngành chức năng tiếp tục khẳng định cả 3 hồ điều hòa đều ô nhiễm với các thông số đã nêu vượt nhiều lần cho phép.
Điều đáng lo ngại là hiện ngước từ các hồ này đều đổ ra các sông trên địa bàn Tam Kỳ khiến cho các con sông cũng "chết"... theo. Các kết quả quan trắc trong năm 2014 cho thấy sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ đang bị ô nhiễm và diễn biến theo chiều hướng xấu.
Chẳng hạn, sông Bàn Thạch nơi nhận nước trực tiếp từ các hồ điều hòa bị ô nhiễm các chất hữu cơ gấp 2 lần cho phép vào tháng 7.2014. Các chất dinh dưỡng (ion vô cơ) vượt từ 1,2-4,2 lần cho phép trong 4 lần quan trắc khác nhau. Sở TN-MT Quảng Nam cho biết các nhánh sông thuộc hệ thống sông Tam Kỳ - Núi Thành đang chuyển biến theo hướng xấu đi, đặc biệt là sông Bàn Thạch và Trường Giang.
Do đó, sở này đã đề nghị Phòng TN-MT Tam Kỳ kiểm soát nguồn nước thải từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống dọc theo tuyến đường Bạch Đằng. Đối với các hồ điều hòa tại Tam Kỳ, chính quyền địa phương cần có kế hoạch kiểm soát nguồn ô nhiễm, cải thiện nước hồ.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Nam cho biết: "Do thời tiết nắng nóng, chất hữu cơ trong nước nhiều nên cá tại hồ điều hòa thiếu oxy và chết".
Theo bà Hạnh, hiện toàn thành phố chưa có hệ thống xử lý nước thải nên tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn không chỉ riêng ở các hồ điều hòa mà còn ở cả các sông.
"Tình trạng ô nhiễm hiện nay chỉ được giải quyết khi hệ thống thu gom xử lý nước thải toàn thành phố (hiện đang được thi công) vận hành", bà Hạnh nói thêm.
Hoàng Sơn
Theo Thanhnien
Cá chết nổi trắng hồ điều hòa Nguyễn Du Gần 1 tuần qua, cá tại hồ điều hòa Nguyễn Du (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) bỗng dưng nổi lên mặt nước, hai mắt sưng to rồi chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cá chết nổi trắng hồ khoảng 1 tuần qua gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - Ảnh: Hoàng Sơn Chiều nay 11.7, ông Trần Văn...