Cựu Phó Thống đốc NHNN nói lời sau cùng, xin giảm án cho thuộc cấp
Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong được HĐXX tuyên mức án khoan hồng. Có bị cáo đã không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc nghẹn ngào.
Sau gần 2 ngày xét xử, hôm nay (6/12), bị cáo Đặng Thanh Bình (cựu Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 4 đồng phạm được nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên được trình bày, bị cáo Hà Tấn Phước (cựu Tổ trưởng Tổ giám sát, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) mong HĐXX ghi nhận tất cả những quan điểm bào chữa mà các luật sư của bị cáo trình bày tại tòa.
“Bị cáo đã cố gắng hết sức mình nhưng vẫn không làm tròn được trách nhiệm. Bị cáo không mong hậu quả như ngày hôm nay, mong HĐXX xem xét, cũng như cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ để giảm án cho bị cáo”, bị cáo Phước nói.
Tiếp đến, bị cáo Phạm Thế Tuân (cựu Tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM) trình bày bản thân rất đau lòng khi phải đứng trước tòa để bị xét xử.
Bị cáo Tuân nói: “40 năm bị cáo công tác trong ngành ngân hàng, khi sắp đến tuổi nghỉ ngơi thì được Thống đốc NHNN giao trách nhiệm tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém theo Đề án 24 của Chính phủ. Nhưng không may hậu quả xảy ra khiến bị cáo và các đồng nghiệp mất tất cả, từ công việc đến sự nghiệp. Bị cáo mong HĐXX tuyên mức án khoan hồng nhất”.
Video đang HOT
Khi được HĐXX gọi lên nói lời sau cùng, bị cáo Lê Văn Thanh (cựu Chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh Long An) không kiềm chế được cảm xúc và đã bật khóc. Bị cáo Thanh cho rằng hậu quả xảy ra như ngày hôm nay có một phần trách nhiệm của bị cáo.
“Bị cáo và các anh em đã cố gắng hết sức nhưng hậu quả vẫn xảy ra”, Thanh nói rồi bật khóc nghẹn ngào.
Cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình (đứng) xin cho mình được hưởng án treo và xin tòa giảm án cho các thuộc cấp.
Được xác định vai trò cầm đầu, cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cũng thừa nhận một phần trách nhiệm về những sai phạm trong việc tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín ( TrustBank).
“Việc giám sát hoạt động tái cơ cấu tại TrustBank diễn ra trong bối cảnh các tổ chức tín dụng hoạt động rất phức tạp, có nơi cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật. Sai phạm xảy ra một phần do các anh em trong Tổ Giám sát chưa tuân thủ nghiêm các quy định. Bị cáo mong HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo cũng xin HĐXX giảm án cho các cấp dưới của bị cáo”, bị cáo Đặng Thanh Bình đề nghị.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX tuyên bố nghỉ nghị án, do tính chất phức tạp của vụ án, cần có thời gian xem xét toàn diện nên chủ tọa quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào lúc 9h ngày 10/12 tới.
Theo Danviet
Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình hầu tòa trong vụ án Ngân hàng Xây dựng
Hôm nay, 5/12, TAND cấp cao tại TP HCM sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) theo đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cùng 4 bị cáo khác.
Ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trước đó, phiên tòa sơ thẩm hồi đầu tháng 7/2018 tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù; Lê Văn Thanh, cựu Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An 2 năm 6 tháng tù; Hà Tấn Phước, cựu Tổ trưởng tổ giám sát, cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An 2 năm tù; Ngô Văn Thanh, cựu thành viên tổ giám sát, cựu Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An 1 năm 6 tháng tháng tù; Phạm Thế Tuân, cựu Tổ phó tổ giám sát, cựu Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM 1 năm tù.
Sau đó, cả 5 bị cáo đã đồng loạt làm đơn kháng cáo. Ông Đặng Thanh Bình cho rằng, việc tòa sơ thẩm đánh giá ông có vai trò chính trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB, hiện nay là CB), thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, với chức vụ được giao, ông Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng (NH) yếu kém theo đề án 254 của Chính phủ, chỉ đạo công tác thanh tra giám sát trong đó có hoạt động tái cơ cấu, tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
Điều kiện nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu phải có năng lực tài chính, tuy nhiên bị cáo Bình lại có bút phê việc kiểm tra năng lực sẽ thực hiện sau, tạo điều kiện cho nhóm Phạm Công Danh sử dụng tiền, gây thất thoát 15.000 tỷ đồng tại VNCB. Đồng thời, bị cáo không có chỉ đạo quyết liệt nào để thanh tra giám sát ngân hàng dù đã có những báo cáo về sai phạm.
Hậu quả của vụ án là, từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, Ngân hàng Đại Tín làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.
Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, bản án sơ thẩm xác định, quá trình giám sát, cả 4 thành viên tổ giám sát gồm các ông Lê Văn Thanh, Hà Tấn Phước, Ngô Văn Thanh Phạm Thế Tuân khi phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm, đã không quyết liệt dùng biện pháp phù hợp, kiên quyết thu hồi tiền cho VNCB.
Vi Nguyễn
Hôm nay, nguyên Phó Thống đốc NHNN cùng đồng phạm hầu tòa phúc thẩm Theo kế hoạch, hôm nay (24/9), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. TAND cấp cao tại TP HCM đã xác nhận sẽ xét xử phúc thẩm vụ ông Đặng Thanh Bình,...