Cựu phi công nói UFO ‘gây nhiễu’ radar Mỹ
Trung tá David Fravor, phi công tiêm kích Mỹ, nói UFO có hành động như “gây chiến” khi chủ động gây nhiễu radar trong lần chạm mặt năm 2014.
Trung tá David Fravor, phi công hải quân Mỹ, hồi tháng 11/2014 nhận lệnh xuất kích để kiểm tra không phận sau khi nhân viên vận hành radar thông báo phát hiện một số bất thường trên bầu trời ngoài khơi bờ biển California, Mỹ.
Các phi công bay cùng Fravor quay được video về một vật thể bay không xác định (UFO). Các đoạn video này xuất hiện trên YouTube từ cuối năm 2017 và được Lầu Năm Góc giải mật hồi tháng 4.
“Lần chạm trán này không giống kiểu ‘chúng tôi nhìn thấy rồi nó biến mất’ hay ‘tôi thấy ánh sáng trên bầu trời rồi nó biến mất’. Chúng tôi, 4 phi công được đào tạo về kỹ năng quan sát, đã nhìn thấy UFO trong một ngày quang đãng”, Fravor, người đã nghỉ hưu, kể lại trong cuộc phỏng vấn với chuyên gia Lex Fridman của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hôm 8/9.
Cựu phi công nói mỗi khi ông điều khiển chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet tiến gần vật thể hình con nhộng này, nó đều tăng tốc nhanh chóng rồi biến mất trong chưa đầy một giây. “Tôi nói với người ngồi ở ghế sau rằng ‘Này anh bạn, tôi không biết anh thế nào, nhưng tôi thấy thật kỳ quái’”, Fravor nói.
Sau khi hạ cánh, Fravor kể về UFO với đồng nghiệp là Chad Underwood, người sử dụng radar để xác định được vị trí của UFO, nhưng sau đó bị nó gây nhiễu. “Anh ấy yêu cầu người phụ trách radar bám bắt và theo dõi vật thể để biết được vị trí, tốc độ và hướng đi của nó”, Fravor cho biết.
Cựu phi công hải quân Mỹ David Fravor trong buổi phỏng vấn với chuyên gia thuộc MIT, ngày 8/9. Ảnh: MIT.
“Radar đủ thông minh để biết tín hiệu phản hồi có bị gây nhiễu hay không. Khi bị gây nhiễu, nó sẽ thông báo với bạn. Radar lần này bị nhiễu ở mọi chế độ, có thể nói rằng nó đang bị gây nhiễu”, Fravor nói. “Khi ai đó chủ động gây nhiễu một nền tảng khác, về mặt kỹ thuật, đó là hành động gây chiến”.
Khi được hỏi nhận định về nguồn gốc của UFO, cựu phi công Fravor cho biết vật thể có thể thực hiện những điều mà chưa công nghệ nào của con người làm được. “Tôi không muốn nhắc đến ‘người ngoài hành tinh’, nhưng tôi nghĩ chúng ta chưa phát triển được công nghệ như vậy. Đó là một bước nhảy vọt khổng lồ về công nghệ”, Fravor nói.
Ba video tiêm kích hải quân Mỹ “chạm mặt” UFO được Học viện Khoa học và Nghệ thuật To the Stars công bố lần đầu trong tháng 12/2017-3/2018. Đơn vị này cho biết họ chuyên nghiên cứu thông tin về các hiện tượng chưa xác định trên không.
Video do camera hồng ngoại quay cho thấy các UFO di chuyển nhanh chóng. Hai đoạn ghi âm cho thấy binh sĩ Mỹ tỏ ra kinh ngạc về tốc độ di chuyển của các vật thể, một người cho rằng đó có thể là UAV. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 gọi đây là “một đoạn video quái quỷ” và cho biết ông tự hỏi “liệu nó có thật không”.
Các nghị sĩ quốc hội và quan chức Lầu Năm Góc từ lâu bày tỏ quan ngại về các máy bay không xác định bay qua căn cứ quân sự Mỹ, tạo ra rủi ro cho phi cơ phản lực của nước này. Nguồn gốc của chúng là chủ đề tranh cãi, nhiều người cho rằng đây là máy bay không người lái (UAV) của đối phương tìm cách thu thập thông tin tình báo, chứ không phải vật thể bay của người ngoài hành tinh.
Mỹ công bố ảnh hiếm về tên lửa xuyên lục địa
Mỹ đăng ảnh hồng ngoại cho thấy cận cảnh tên lửa Minuteman III đang lấy độ cao, điều hiếm khi được làm trong các vụ thử trước đây.
"Chúng tôi cần phải chia sẻ những hình ảnh tuyệt vời về đợt phóng thử tên lửa đạn đạo Minuteman III hôm 2/9, được chụp bởi đội phụ trách máy quay quang học ở căn cứ không quân Vandenberg. Đây là những hình ảnh hiếm khi được thấy", tài khoản Facebook của Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc không quân Mỹ (AFGSC) đăng bài viết hôm 9/9.
Bên dưới bài đăng là hai bức ảnh sắc nét được chụp bằng camera hồng ngoại, cho thấy hình ảnh đen trắng của tên lửa Minuteman III đang lấy độ cao với luồng lửa dữ dội phụt ra từ động cơ.
Quả đạn Minuteman III lấy độ cao sau khi rời bệ phóng hôm 2/9. Ảnh: AFGSC.
Đây là động thái rất hiếm gặp, do quân đội Mỹ thường không chia sẻ hình ảnh độ nét cao về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang bay. Sau mỗi vụ thử, Lầu Năm Góc chỉ công bố ảnh và video tên lửa rời ống phóng, cũng như vệt lửa để lại khi nó bay qua bầu trời. Các vụ phóng thử tên lửa Minuteman III cũng thường diễn ra ban đêm, khiến hình ảnh không cho thấy chi tiết đầy đủ.
AFGSC cũng công bố video dài hơn bình thường về vụ phóng ngày 2/9. Bộ Quốc phòng Mỹ không cho biết nguyên nhân của những động thái này.
Quả đạn Minuteman III trong đợt phóng trên mang theo một phương tiện hồi quyển. Nó rơi xuống khu vực mục tiêu ở quần đảo Marshall trên Thái Bình Dương, cách căn cứ Vandenberg hơn 6.700 km. "Đợt thử nghiệm nhằm đánh giá độ chính xác và tin cậy của hệ thống ICBM, mang lại nhiều dữ liệu quý giá để bảo đảm năng lực răn đe hạt nhân an toàn và hiệu quả", không quân Mỹ cho hay.
Tên lửa Minuteman III phóng thử hôm 2/9. Video: USAF.
LGM-30 Minuteman III là một phần trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ, bên cạnh tên lửa Trident III trên tàu ngầm lớp Ohio và vũ khí hạt nhân trang bị cho máy bay ném bom chiến lược. Minuteman III có tầm bắn khoảng 13.000 km, tốc độ pha cuối 28.700 km/h, độ cao bay tối đa 1.120 km. Mỗi tên lửa mang được một đầu đạn W87 với sức công phá tối đa tương đương 475.000 tấn thuốc nổ TNT.
Không quân Mỹ hôm 8/9 trao hợp đồng 13,3 tỷ USD cho tập đoàn Northrop Grumman để phát triển dòng ICBM nhằm thay thế các hệ thống Minuteman III đã biên chế từ thập niên 1970.
Máy bay quân sự Mỹ lao xuống ruộng cháy rụi Máy bay cảnh báo sớm E-2C của hải quân Mỹ rơi xuống cánh đồng đậu tương khi bay huấn luyện song không gây thương vong. Một máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye ngày 31/8 gặp nạn ở khu vực lân cận đảo Wallops, hạt Accomack, bang Virginia, Mỹ. Truyền thông địa phương đưa tin trinh sát cơ E-2C rơi xuống một ruộng...