Cứu người bị nạn hay bỏ mặc, vì đâu?
Vụ bỏ mặc người bị tai nạn ở Tân Phú, TP.HCM khiến dư luận bức xúc nhưng cứu người như thế nào cho an toàn, chuyên nghiệp mới là vấn đề cần bàn.
Việt Nam vốn là một xã hội “duy tình”, khi xem xét hành vi của ai đó thường được quy kết rằng đúng hay sai, có đạo đức hay không.
Cách nay mươi năm, khi một ai đó bị tai nạn thì chắc hẳn sẽ có người cứu giúp. Nhưng những năm gần đây, chuyển sang xã hội mà khi phán xét hành vi của ai đó thường căn cứ trên các luật định thì tình hình có chiều hướng phức tạp hơn.
Hậu cứu người là rắc rối, phiền hà
Nếu một ai đó gặp rủi ro như tai nạn giao thông (TNGT), điện giật, té vào ban ngày, người giúp đỡ trước sự chứng kiến của nhiều người thì chuyện khá đơn giản. Nhưng nếu điều đó xảy ra vào ban đêm và chỉ có một mình đối diện với người bị nạn thì trong tình huống như thế ở Việt Nam hiện nay rất khó phán xét.
Sẽ là thiếu thực tế nếu phán xét ngay rằng người đó là vô cảm, thiếu đạo đức. Thực tế cho thấy nhiều người rơi vào cảnh làm ơn mắc oán, bị vướng vào những chuyện rắc rối mà mình không lường trước được. Có người bị hành hung vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn, có người bị lôi vào những vụ án phức tạp kéo dài hàng năm trời với tư cách là nhân chứng, hay đơn giản hơn là bị lưu giữ và phải khai báo rất phức tạp, mất thời gian.
Một câu chuyện có thật là một công dân thấy một người nằm bên vệ đường, anh ta đến lay người kia xem thế nào, rồi bỏ đi sau khi biết nạn nhân đã chết, dấu vân tay lưu lại trên cơ thể người chết làm cho anh ta dính vào vòng lao lý nhiều năm trời. Ngoài ra còn có thể kể ra vô vàn lý do khác nữa khiến người ta ngần ngại, chẳng hạn muốn giúp nhưng không có kỹ năng có thể làm cho người bị nạn nặng hơn, chưa kể là có người yếu bóng vía, sợ máu, sợ người chết…
Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông khuya 25-6 ở quận Tân Phú khiến cô gái tử vong. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Điều cần làm: Gọi ngay cho cơ quan chức năng
Như vậy, vấn đề là ở chỗ làm sao mỗi quốc gia, mỗi TP cần tạo ra một phương thức hoạt động đơn giản và hiệu quả nhất mà ai cũng có thể tham gia tiếp cận trợ giúp ở khâu ban đầu. Phương thức ấy phải đảm bảo ai cũng làm được, từ trẻ em đến người già, mà khi làm nó thì không phải lo lắng bị phán xét là có đạo đức hay thiếu đạo đức, nhân đạo hay vô cảm, dũng cảm hay nhát gan.
Video đang HOT
Đó là một số điện thoại dễ nhớ, dễ tiếp cận và một lực lượng phản ứng nhanh, mạnh trong mọi tình huống. Khi đó người đi đường chỉ cần gọi đến số điện thoại ấy và lập tức, đội phản ứng nhanh xuất hiện để tiếp cận, xử lý mọi chuyện còn lại.
Ở các nước phát triển, khi bạn thấy một vụ cướp giật, một vụ tai nạn, một đám cháy thì cơ quan hữu trách không yêu cầu bạn phải nhảy vào can thiệp ngay. Việc đầu tiên mà họ yêu cầu là bạn phải ghi nhớ những thông tin quan trọng nhất như địa điểm, số xe, hình dạng, tình huống và gọi ngay vào số điện thoại khẩn cấp cho đơn vị chức năng, ví dụ ở Mỹ là 911, ở Nhật là 119.
Rất nhiều nước họ yêu cầu nếu bạn không có kỹ năng, sức khỏe thì không nên tham gia việc cứu hộ. Chẳng hạn bạn không biết bơi, không biết sơ cứu y tế, không biết tác chiến, không có dụng cụ bảo hộ phòng cháy thì đừng lao vào, vì có thể bạn sẽ bị thương, bị chết thiệt thân.
Điều bạn cần làm là cố gắng la to, báo cho mọi người biết, trong đó có gọi điện thoại. Thường sau vài phút nhận tin, lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp sẽ có mặt ngay tại hiện trường triển khai các nghiệp vụ cần thiết.
Lực lượng phản ứng nhanh cần chuyên nghiệp
Ở Việt Nam cũng có công tác trợ giúp nhưng hoạt động không hiệu quả do tính chuyên nghiệp chưa cao. Một ví dụ điển hình nhất là có rất ít người nhớ được tất cả số điện thoại khẩn cấp (111, 112, 113, 114 và 115) và mỗi số như thế sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực cụ thể nào. Nếu gọi đúng thì bao lâu có phản hồi, nếu gọi cấp cứu TNGT vào số 114 (cứu hỏa) thì chắc sẽ không thành công.
Trong khi ở Mỹ, mọi chuyện được coi là bất thường ở bất cứ lĩnh vực nào, ở chỗ nào, chỉ cần gọi vào số 911 là ngay lập tức có phản hồi. Lực lượng cảnh sát ở Mỹ hoạt động rất chuyên nghiệp và thực hiện tất cả chức năng như giữ gìn trật tự an ninh, cứu hỏa, cứu thương, cứu hộ cứu nạn và các tình huống khẩn cấp khác.
Cách làm như thế rất dễ dàng cho người dân và cũng dễ dàng cho các cơ quan chức năng vận hành một cách nhanh chóng, tăng hiệu quả xử lý trường hợp khẩn cấp. Bất cứ khách nước ngoài nào bước chân đến Mỹ đều được khuyến cáo về con số 911, còn ở Việt Nam khách du lịch nước ngoài mỗi khi gặp sự cố không biết gọi cho ai, vào số nào ngoài việc ngơ ngác và khóc lóc.
Tích hợp các số khẩn cấp và phản ứng nhanh
Tại các TP lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đang xây dựng TP thông minh thì việc tích hợp số điện thoại khẩn cấp ở các lĩnh vực khác nhau chỉ trong một số duy nhất là điều hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề còn lại là làm sao xây dựng cho được một lực lượng phản ứng nhanh, linh hoạt, hoạt động rộng khắp, hiệu quả làm chỗ dựa tin cậy cho người dân.
Khi làm được như vậy thì bất cứ người dân nào cũng sẵn lòng làm cánh tay nối dài của lực lượng cứu hộ mà không cần phải kêu gọi thiện tâm. Còn những người gây ra hậu quả xấu mà bỏ mặc nạn nhân lại là một chuyện khác, lúc đó không còn là vô cảm nữa mà là tội ác và phải bị trừng trị theo luật định.
TS NGUYỄN MINH HÒA
Theo PLO
Cô gái bị nạn không ai cứu và quyết định của bạn
Vụ việc cô gái bị bỏ mặc khi tai nạn ở quận Tân Phú, TP.HCM đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.
Ngay sau các bài viết " V ụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Tôi đau lắm" (tác giả là bạn đọc Thái Hoàng) ; "Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Vì sao tôi chọn bỏ đi?" (tác giả là bạn đọc Võ Phạm) được đăng tải, PLO đãnhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc xung quanh vấn đề bỏ mặc người bị tai nạn.
Vì sợ vạ lây nên không dám cứu
Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi bỏ mặc cô gái gặp tai nạn ở quận Tân Phú là do sợ gặp rắc rối về sau. Chúng tôi xin tổng hợp lại một số ý kiến bình luận của bạn đọc được gửi về theo chiều hướng này.
- Tôi từng giúp người và suýt bị người nhà nạn nhân đánh chết vì tôi chở người bị tai nạn vào bệnh viện nhưng họ lại nghĩ tôi là người gây tai nạn. Họ không hỏi một lời, tự dưng 4 người xúm lại đánh tôi. Sau đó lại xin lỗi. Đúng là cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán... Những người bạn cứu không phải ai cũng có hiểu biết - Nguyễn Tự Lập.
Nhiều người đi đường chỉ đứng nhìn hai nạn nhân nằm trên vỉa hè ở quận Tân Phú.
- Nhìn clip thì thấy đúng là quá vô cảm và tự nhủ rằng nếu có mình ở đó thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác, rằng mình đã tìm mọi cách để cứu cô gái ấy. Thế nhưng, thật tâm nhìn lại, nếu ngay lúc đó ở trong hoàn cảnh đêm hôm khuya vắng như thế, tôi không chắc mình có đủ can đảm để quyết định dừng lại cứu hay không- Lê Phương.
- Thật là tội nghiệp cho cô gái trẻ bị tai nạn mà không ai cứu giúp. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ như tác giả bài viết trên. Đưa người vào bệnh viện thì bị giữ lại để xem có phải là người gây tai nạn không, sau đó còn bị công an mời lên mời xuống... Nếu nạn nhân còn sống thì đỡ hay có camera như vụ vừa rồi thì được minh oan, không thì rắc rối với gia đình nạn nhân và pháp luật. Trước khi kêu gọi tình người với nhau thì ít nhất các cơ quan chức năng như bệnh viện, công an phải có cách làm việc như thế nào đó để mọi người cảm thấy yên tâm khi giúp người- Tu Huynh
- Tui giúp đưa một bà già khoảng hơn 70 tuổi một chút bị tai nạn về nhà bà ở Trác Văn-Duy Tiên-Hà Nam. Bà bảo với người nhà bà là tui gây tai nạn cho bà. Cả nhà họ chửi tui. May mà chưa bị đánh- Linh.
- Cách đây vài năm, tôi cũng suýt trở thành nạn nhân lúc cứu giúp người bị nạn, máu chảy rất nhiều... Sau đó, người nhà nạn nhân lao vào đánh vì tưởng tôi là thủ phạm. Vụ khác, sau khi đưa nạn nhân đi bệnh viện, tôi bị giữ lại rất lâu làm "thủ tục" giấy tờ thay người nhà và sau đó là công an mời tới lấy lời khai... Điều chán nhất là tôi bị đối xử như kẻ có lỗi... Lòng tốt, lòng trắc ẩn ai cũng có ít nhiều, nhưng trải qua sự phức tạp sau khi hành hiệp hay đã từng bị rầy rà bởi các cơ quan công quyền, thì việc mọi người né chuyện là dễ hiểu, dù bị chê là vô cảm. Xã hội phương tây ở các nước giàu cũng thế thôi! - NSQ13
Dù bị vạ lây nhưng vẫn phải cứu người
Tuy nhiên, hầu hết các bình luận bạn đọc gửi về là bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng những người đi đường thấy cô gái và người thanh niên gặp nạn mà vẫn không giúp là quá vô cảm. Rất nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy xắn tay áo bằng nhiều cách cứu người trong khả năng của mình (gọi cảnh sát, xe cứu thương, hoặc cùng thuyết phục những người đi đường khác đưa nạn nhân đến bệnh viện...
- Cô gái ấy nằm trên lề đường ở quận Tân Phú (TP. HCM) một mình suốt mười mấy phút sáng sớm 25-6. Cô đã ra đi vĩnh viễn mà không thể nhắn gửi ai đó chuyển một lời tới mẹ, tới con gái. Cặp mắt cô trước khi khép lại rất có thể đã nhìn thấy những bóng người lướt qua. Sao mọi người tàn ác đến như vậy? Đừng ngụy biện cho sự hẹp hòi, ích kỷ và bởi sự tàn ác của mình nữa. Không chở họ đi bệnh viện thì cũng móc điện thoại để gọi cho cảnh sát hay y tế mà. Nhưng họ vô cảm và quá tàn ác với đồng loại khi chỉ đứng nhìn rồi đi- Bùi Ngọc
- Đừng nhìn thấy những rắc rối xung quanh rồi tự co mình lại, không dám làm gì. Cứ hãy giúp người đi đã...- Hoàng Đông.
- Chính tôi đã từng cứu giúp người gặp nạn ít nhất 3 lần mà cũng không có được đến một lời cảm ơn. Mặc kệ, việc cần thì mình cứ làm thôi! - Xuân Trường.
- Người xưa từng dạy: "Thi ân bất cầu báo". Nếu bạn có lòng cứu người thì cứ làm, đừng ngụy biện này nọ. Bạn đứng đó "tư duy" thì có khi đã muộn cho nạn nhân. Sao phải đắn đo- Phạm Minh Thạo
- Giúp người thì đừng nghĩ lý do. Giúp người là vì cái tâm chứ không phải vì một lý do nào khác. Nếu trong một hoàn cảnh như vậy, tôi giúp cô gái đó có thể sống sót, dù tôi ở tù tôi cũng đồng ý. Nhiều người nghĩ quá nhiều lý do để từ chối rồi dần họ sẽ bỏ mặc hết với nhũng lý do đó. Sự vô tâm của những đi ngang qua vụ tai nạn này, kèm theo sự nhẫn tâm của tài xế taxi là một bài học đắng lòng cho cộng đồng - Trần Văn Tài.
Từ các bình luận của bạn đọc đã phản ánh sinh động bức tranh xã hội trong câu chuyện này. Chúng tôi cho rằng, việc cứu giúp người gặp nạn có thể khiến người tốt gặp rắc rối, bị hiểu nhầm sau đó. Tuy nhiên, không thể vì những rắc rối đó mà chúng ta có thể dửng dưng bỏ mặc đồng loại của mình. Tính mạng con người phải được đặt lên trên hết, dù bất kể lý do gì. Những hiểu nhầm hay rắc rối về sau rồi cũng sẽ được hóa giải, nhưng sự sống-chết của một người có khi nằm ở quyết định của bạn trong vài giây.
TRÚC PHƯƠNG
Theo PLO
Giận chồng, người phụ nữ ăn lá ngón tự tử Giận chồng, chị K. vào rừng lấy lá ngón ăn tự tử. Phát hiện sự việc, mọi người nhanh chóng đưa người phụ nữ này đến cơ sở y tế cấp cứu. Ngày 25-5, UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, xác nhận trên địa bàn vừa có một người dân ăn lá ngón tự tử. Nạn nhân là chị...