Cựu ngoại trưởng Úc: Cần điều tàu chiến thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
Cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans đề nghị Úc nên triển khai tàu chiến ở Biển Đông để phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cựu Ngoại trưởng Úc, ông Gareth Evans – Ảnh: AFP
Trong cuộc hội đàm cấp cao với Mỹ hồi tuần trước, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Úc đã nhất trí tăng cường hợp tác hải quân trên Biển Đông; nhưng đến nay Úc vẫn chưa xác nhận thông tin nước này có thể cùng Mỹ điều tàu tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Trường Sa, theo đài ABC (Úc) ngày 20.10.
Cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans cho biết Canberra nên có hành động riêng của mình. “Mỹ đã tuyên bố rõ muốn duy trì tự do hàng hải bằng cách điều tàu tuần tra sâu trong vùng 12 hải lý để chứng tỏ họ không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Trường Sa. Và tôi nghĩ rằng Úc cũng lên làm điều tương tự, nhưng không nhất thiết là phải phối hợp với Mỹ”, ông Evans trả lời phỏng vấn ABC.
Đến nay, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vẫn chưa bình luận về khả năng Úc phối hợp Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. “Mỹ tuyên bố sẽ hành động theo luật quốc tế và tất nhiên chúng tôi ủng hộ điều đó”, bà Bishop nói trong buổi họp báo ngày 19.10.
Ông Evans cho rằng ngoài tàu hải quân, tàu thương mại cũng có thể tham gia thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Tàu quân sự và cả tàu thương mại đều có thể thực thi quyền tự do hàng hải bằng cách không cần phải xin phép khi đi sâu vào trong khu vực 12 hải lý”, ông Evans nói.
Đài ABC xác nhận thông tin có hai tàu của Hải quân Úc hoạt động trên Biển Đông là tàu hộ tống HMAS Arunta và tàu chở dầu HMAS Sirius vừa kết thúc tập trận với Hải quân Singapore ở Biển Đông; cùng tàu hộ tống HMAS Stuart vừa ghé thăm Nhật Bản.
Phúc Duy
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ phải 'ngậm bồ hòn' nhìn chiến hạm Mỹ áp sát đảo nhân tạo
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc không thể làm gì nếu chiến hạm Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp của nước này trên Biển Đông và việc dùng vũ lực là hành động tự sát.
Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: US Navy
Thứ năm tuần trước, tờ Navy Times của Mỹ đưa tin hải quân nước này đang lên kế hoạch điều tàu chiến tuần tra trong khu vực 12 hải lý xung quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngay sau đó, một loạt các tờ báo lớn của Mỹ như NYTimes và Wall Street Journal đều loan báo thông tin này. Tờ NYTimes cho biết các quan chức Mỹ đã thông báo với nhiều nước đồng minh trong khu vực về kế hoạch tuần tra trên, và nó có thể sẽ diễn ra "trong vài ngày tới". Tờ báo này còn cho rằng hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ gần những hòn đảo phi pháp này sẽ thử thách cam kết "không quân sự hóa" những hòn đảo trên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng trước.
Tự do Hàng hải
Chương trình Tự do Hàng hải của hải quân Mỹ được hình thành từ năm 1979, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, nhằm đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, trên không theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), dù Mỹ không phải là nước tham gia UNCLOS.
Mục tiêu của FONOPS là thách thức những "tuyên bố quá đáng" mà các quốc gia đưa ra về hải phận và không phận không tuân theo quy định của UNCLOS. Nói cách khác, FONOPS không thách thức chủ quyền của một quốc gia đối với một thực thể trên biển, mà chỉ đảm bảo rằng những tuyên bố, yêu sách mà quốc gia này đưa ra với thực thể đó phải tuân thủ các quy định của UNCLOS.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng phối hợp giám sát chương trình FONOPS, và thông thường nó sẽ được thực hiện theo ba bước. Đầu tiên, Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối những yêu sách chủ quyền quá đáng. Tiếp đó, hai bộ cùng tham vấn với các tổ chức quốc tế về tính hợp pháp của những yêu sách này theo luật pháp quốc tế, và cuối cùng Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra để thể hiện bằng sức mạnh rằng Mỹ không thừa nhận những yêu sách quá đáng đó.
Một đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: Telegraph
Trong giai đoạn 2013-2014, hải quân Mỹ đã thực hiện tổng cộng 54 chiến dịch FONOPS, trong đó chủ yếu là thuộc khu vực phụ trách của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Bộ tư lệnh này cũng cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện các hoạt động tuần tra FONOPS trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ngay sau khi có lệnh.
Không thể khai hỏa
Hôm thứ năm tuần trước, tờ South China Morning Post dẫn lời một "nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc (PLA)" cho hay Quân đoàn Pháo binh Số hai, lực lượng hạt nhân chiến lược của PLA, có thể "khai hỏa bắn vào tàu Mỹ nếu tàu này tuần tra bảo vệ tự do hàng hải gần đảo nhân tạo". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng tuyên bố "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào vi phạm lãnh hải và không phận" nước này tự nhận ở Trường Sa.
Thông tin này làm dấy lên lo ngại trong giới phân tích về nguy cơ nổ ra xung đột nguy hiểm trên Biển Đông, bởi việc khai hỏa bắn vào tàu chiến Mỹ sẽ được coi là hành động gây chiến.
Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng trên website của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), tiến sĩ Mira Rapp-Hooper, thành viên Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc CNAS, đã chỉ ra rằng cách phản ứng trên của Trung Quốc là vô lý và thái quá, và Bắc Kinh sẽ phải "bó tay" nếu tàu chiến Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng 9, năm tàu chiến của Trung Quốc đã đi qua khu vực 12 hải lý ngoài khơi một đảo thuộc quần đảo Aleut trên biển Bering của Mỹ mà không hề xin phép nhà chức trách Mỹ, với lý do những con tàu này đang thực thi quyền "đi qua vô hại" theo quy định của UNCLOS. Tiến sĩ Rapp-Hooper cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sự "đạo đức giả và cả ngạo mạn" khi cho rằng họ có quyền đi qua lãnh hải của Mỹ, trong khi tàu chiến Mỹ không được phép đi vào vùng biển quốc tế gần những đảo họ bồi đắp phi pháp.
Trong trường hợp tàu chiến Mỹ thực hiện chiến dịch FONOPS vào khu vực 12 hải lý quanh những hòn đảo phi pháp trên mà Trung Quốc phản ứng lại bằng vũ lực, Bắc Kinh sẽ thể hiện cho cả cộng đồng thế giới thấy sự ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của mình, khi chống lại những nguyên tắc mà họ vừa mới thực thi cách đó không lâu. Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc gây chiến với Mỹ không khác gì hành động "tự sát" và PLA sẽ không bao giờ làm như vậy.
Chuyên gia Rapp-Hooper chỉ ra rằng những hòn đảo mà Trung Quốc đang xây đều là đảo nhân tạo, và theo UNCLOS, chúng không có quyền có lãnh hải hay không phận bao quanh, mà chỉ được quy định một khu vực an toàn trong phạm vi 500 mét.
Ngay cả khi tàu chiến Mỹ đi qua những đảo có chủ quyền của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể có những hành động bất cẩn, bởi quyền "đi qua vô hại" này được UNCLOS bảo vệ, giống như những gì tàu chiến Trung Quốc đã thực hiện ở biển Bering.
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa trên biển. Ảnh: ChinaMil
Chuẩn bị của Mỹ
Theo chuyên gia này, Mỹ cần có một số bước chuẩn bị quan trọng trước khi thực hiện chiến dịch FONOPS ở Biển Đông, nhằm đảm bảo Trung Quốc không có những hành động liều lĩnh trái với luật pháp quốc tế.
Trước hết, Washington cần phải thông báo rộng rãi cho các nước trong khu vực về kế hoạch của mình, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của dư luận các nước đó đối với hành động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đã từng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đe dọa đến tự do hàng hải ở khu vực này.
Sự ủng hộ của dư luận các nước với hành động của Mỹ sẽ cho thấy rằng đây không phải là đòn "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là vấn đề về chính sách đối ngoại khu vực và thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, chuyên gia này cho rằng song song với hoạt động FONOPS quanh đảo nhân tạo Trung Quốc, tàu chiến Mỹ cần tham vấn với các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, để thực hiện hoạt động tương tự tại những khu vực khác, để tránh việc Trung Quốc phản ứng rằng Mỹ "thiên vị" trong vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Rapp-Hooper nhấn mạnh hoạt động FONOPS của hải quân Mỹ ở Biển Đông là cần thiết nhằm "duy trì các giá trị chung của quốc tế" và chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay. Đây cũng sẽ là tín hiệu mạnh mẽ để Trung Quốc hiểu rõ rằng họ không thể phớt lờ luật pháp và dư luận quốc tế bằng những yêu sách ngang ngược và những tuyên bố không đi liền với hành động của họ.
Trí Dũng
Theo VNE
Mỹ quyết thách thức Trung Quốc ở Trường Sa Mỹ vừa trình bày với các đồng minh châu Á về kế hoạch tuần tra hải quân áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth của Mỹ trong một đợt tuần tra ở Biển Đông hồi tháng 5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ Tờ The New York Times ngày...