Cựu Ngoại trưởng Mỹ “vẽ đường” cho Trung Quốc?
Đề xuất của Kissinger được cho là “tiếp tay” cho Trung Quốc thực thi tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khuyên Trung Quốc nên nghe theo chính sách của Đặng Tiểu Bình trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhà ngoại giao kì cựu của Mỹ nhắc lại rằng “Đặng Tiểu Bình trước đây đã giải quyết một số vấn đề dựa trên phương châm không nhất thiết mọi điều đều phải xử lý trong thế hệ hiện tại. Có lẽ hãy chờ thế hệ sau, nhưng đừng làm cho vấn đề tồi tệ hơn”.
Ông Kissinger cũng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc nên khẩn trương giảm bớt đối đầu.
Phát biểu được ông Kissinger đưa ra tại Singapore ngày 28/3/2015 khi tới dự lễ tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Video đang HOT
Ông Kissinger tại Singapore hôm 28/3
Bình luận này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp cùng với các hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế coi lời khuyên của ông Kissinger gắn liền với một quan điểm của Đặng Tiểu Bình về tranh chấp biển đảo thường xuyên được nhắc đến: Tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác.
Có ý kiến cho rằng gợi ý này giống như một đề xuất để Bắc Kinh thoát khỏi sự cô lập của quốc tế mà không bị mất mặt.
Bên cạnh đó, việc đề nghị Mỹ-Trung “tháo ngòi nổ tranh luận” có thể coi là một cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ có sự can thiệp hạn chế để chống lại hành động leo thang của Trung Quốc.
Trả lời hãng tin Bloomberg, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng: “Nếu đề nghị của Kissinger được lắng nghe, lời khuyên khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình có thể giúp Trung Quốc giữ được thể diện. Một khi các bên tranh chấp tạm gác vấn đề chủ quyền để cùng khai thác, điều đó có thể gỡ bỏ một nhân tố gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung”.
Tuy nhiên, có những ý kiến phân tích rất đáng chú ý bởi chúng được đưa ra dựa trên “lý lịch” của Kissinger. Ông này là cựu Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Richard Nixon. Chính Kissinger là tác nhân thúc đẩy tiến trình hòa giải Bắc Kinh-Washington vào đầu thập niên 1970.
Việc Kissinger khuyên Trung Quốc hãy để tranh chấp Biển Đông cho các thế hệ tương lai giải quyết, đồng thời kêu gọi Mỹ-Trung giảm bớt đối đầu đã bị một số chuyên gia cho là nhằm “tiếp tay” cho Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Đông.
Lính Mỹ tập trận đổ bộ trên Biển Đông. Phía sau là tàu đổ bộ USS Denver (LPD 9)
Ở vế thứ nhất, Kissinger đã “gợi ý” để Trung Quốc cố tình trì hoãn giải quyết dứt điểm tranh chấp thông qua các cơ chế hiện có trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982. Qua đó, Trung Quốc có thêm thời gian để đơn phương tiến hành chiến lược của riêng mình nhằm độc chiếm biển đông.
Ở vế thứ hai, giới phân tích cho rằng đề xuất giảm căng thẳng của Kissinger nhắm vào cả hai nước Mỹ và Trung Quốc, nhưng sẽ khiến Mỹ bị “trói tay”. Kissinger phải chăng muốn gợi ý Mỹ không dính líu vào bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp Biển Đông và hãy để Trung Quốc giải quyết vấn đề này với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có sẵn sàng tự kiềm chế hành động, trong đó có các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không? Trung Quốc liệu có từ bỏ các hành động leo thang xung đột và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” tại Biển Đông hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không nếu Trung Quốc không bị kiềm chế, nếu cộng đồng quốc tế (trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của các nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản) không tạo sức ép về mọi mặt buộc “con rồng” này phải tuân thủ luật pháp quốc tế…
Theo Đất Việt