Cựu lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương tham mưu, gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng của Nhà nước
Trong vụ án cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và 27 cán bộ cấp dưới cùng đồng phạm để tư nhân thâu tóm hai khu đất “vàng” của Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng sắp xét xử vào ngày 15/8 tại Hà Nội, hai cựu lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương và một cựu lãnh đạo cấp phòng của Cục Thuế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định gây thất thoát của Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Đó là ông Lê Văn Trang (SN 1959 tại Bình Dương, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương), ông Võ Thanh Bình (SN 1954 tại TP Hồ Chí Minh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương) và ông Nguyễn Thái Thanh (SN 1968 tại Bình Dương, cựu Phó trưởng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương).
Ba bị can (từ trái qua): Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình và Nguyễn Thái Thanh.
Tháng 3/2021, ông Lê Văn Trang và ông Võ Thanh Bình đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Nguyễn Thái Thanh bị Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối các cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, ông Lê Văn Trang với vai trò là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, có nhiệm vụ tổ chức triển khai thu ngân sách Nhà nước đối với các khoản thu theo quy định của cơ quan thuế được Bộ Tài chính và HĐND tỉnh Bình Dương giao. Khi UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 về việc giao khu đất 43ha cho Tổng Công ty Bình Dương, Lê Văn Trang đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương cùng lãnh đạo Phòng Quản lý các khoản thu từ đất và kết luận: Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề xuất UBND tỉnh Bình Dương cho áp dụng giá đất bình quân là 51.914 đồng/m2 (giá đất bình quân năm 2006) để thu tiền sử dụng đất đối với các khu đất thuộc Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu), mà không đề xuất UBND tỉnh Bình Dương tính thu tiền sử dụng đất theo giá tại thời điểm có quyết định giao đất năm 2012.
Video đang HOT
Căn cứ kết luận của ông Lê Văn Trang, ông Võ Thanh Bình với trách nhiệm là Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ký Văn bản số 11906/CT-QLCKTTĐ ngày 16/11/2012 gửi UBND tỉnh Bình Dương đề xuất việc áp đơn giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với khu đất 43ha và 145ha của Tổng Công ty Bình Dương trái quy định của pháp luật.
Cáo trạng xác định, ông Lê Văn Trang là người có trình độ hiểu biết, có kinh nghiệm quản lý thu thuế. Mặt khác, ông Lê Văn Trang ý thức được trách nhiệm của cơ quan thuế là phải tính đúng, tính đủ tiền sử dụng đất. Nhưng khi cán bộ Phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế tỉnh Bình Dương) đề xuất mức giá không hợp lý và nội dung đề xuất trái quy định, nhưng ông Lê Văn Trang vẫn đồng ý mà không đề xuất UBND tỉnh Bình Dương tính tiền sử dụng đất theo giá tại thời điểm có quyết định giao đất. Sau đó, ông Lê Văn Trang giao cho ông Võ Thanh Bình ký văn bản gửi UBND tỉnh, đề xuất việc áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất.
Với vai trò là Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, phụ trách mảng các khoản thu từ đất, ông Võ Thanh Bình đã trực tiếp tham gia cuộc họp, thống nhất với ông Lê Văn Trang sau đó ký văn bản đề xuất UBND tỉnh Bình Dương áp giá đất là 51.914 đồng/m2. Điều đáng nói là trước khi ký văn bản đề xuất UBND tỉnh Bình Dương áp giá “đất bèo”, ông Võ Thanh Bình biết đề xuất trên là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn ký văn bản đề xuất gửi cấp trên. Hành vi trái pháp luật trên của ông Lê Văn Trang và ông Võ Thanh Bình là một trong những nguyên nhân để ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương) chấp thuận đơn giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với khu đất 43ha và 154ha trái quy định của pháp luật về đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Viện KSND tối cao xác định, hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Văn Trang và ông Võ Thanh Bình nêu trên là trái quy định của Luật Đất đai và trái với Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Trang bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại Điều 219 BLHS. Liên quan đến hành vi phạm tội của hai cựu lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thái Thanh (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương) cũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ba cha con liên kết chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng trong vụ "ăn đất" ở Bình Dương
Trong vụ án cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cùng 27 cán bộ cấp dưới và đồng phạm để tư nhân thâu tóm hai khu đất Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng sắp xét xử tới đây tại TAND TP Hà Nội, có ba cha con là bị can trong vụ án này, trực tiếp bàn luận và tham gia vào các phi vụ làm ăn bất hợp pháp để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
1. Nguyễn Đại Dương sinh năm 1965, cư trú tại TP Hồ Chí Minh, là con rể ông Nguyễn Văn Minh, SN 1955, cư trú tại TP Hồ Chí Minh, là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng.
Ông Nguyễn Văn Minh (trái) và con rể Nguyễn Đại Dương.
Xuất phát từ mối quan hệ con rể - cha vợ với ông Nguyễn Văn Minh, Dương được ông Minh cho biết, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) sẽ triển khai thực hiện dự án trên khu đất 43ha tại tỉnh Bình Dương nên cả hai thống nhất cùng thành lập công ty liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án. Do đó, Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nắm quyền chỉ đạo và giao cho Nguyễn Quốc Hùng (bị can trong vụ án này) làm Tổng Giám đốc công ty và người đại diện theo pháp luật.
Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, Dương đã chỉ đạo Hùng ký hợp đồng với Tổng Công ty Bình Dương, đồng thời thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha của Tổng Công ty Bình Dương chỉ với giá 570.000 đồng/m2. Mặc dù Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng Dương nhờ người đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và trực tiếp điều hành công ty này. Quá trình liên doanh, năm 2016, sau khi Công ty Âu Lạc sử dụng tiền góp vốn của các cổ đông để góp 60 tỷ đồng/140 tỷ đồng tại Công ty Tân Phú, và dù Tổng Công ty Bình Dương chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, cũng chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, nhưng Dương đã trực tiếp đàm phán, thoả thuận với Đặng Thị Kim Oanh về việc Công ty Tân Phú đã nhận chuyển nhượng khu đất 43ha từ Tổng Công ty Bình Dương. Công ty Âu Lạc sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho công ty của Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng. Dương giao cho Nguyễn Quốc Hùng - đại diện Công ty Âu Lạc ký "Hợp đồng hứa mua, hứa bán vốn góp" số 77/2016-HĐHMHB ngày 19/8/2016 với Công ty Thuận Lợi (Công ty gia đình của Đặng Thị Kim Oanh) với các nội dung trên.
Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do Dương điều hành, ngày 8/12/2016, ông Minh đại diện cho Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng. Theo Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016 của Tỉnh uỷ Bình Dương thì Tổng Công ty Bình Dương phải bàn giao khu đất 43ha sang Công ty Impco; giao hoàn tất thủ tục đăng ký biến động khu đất 43ha sang Công ty Tân Phú vào ngày 1/3/2017 và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú vào ngày 7/3/2017. Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán 140 tỷ đồng/ hơn 250 tỷ đồng cho Tổng Công ty Bình Dương, nhưng đại diện Tổng Công ty Bình Dương đã ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc và hoàn thiện hồ sơ tài chính, thủ tục pháp lý nhằm thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp hai thành viên có 30% vốn của Nhà nước sang doanh nghiệp một thành viên do Công ty Âu Lạc là chủ sở hữu. Viện kiểm sát xác định, Dương liên đới cùng ông Minh và đồng phạm khác gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 965 tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Đại Dương đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" với vai trò đồng phạm tích cực.
2. Nguyễn Thục Anh (SN 1982, con gái ông Nguyễn Văn Minh, vợ Nguyễn Đại Dương) là Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển, nắm giữ 51% vốn điều lệ. Trần Đình Như Ý là Thành viên HĐTV Công ty Phát Triển, nắm giữ 49% vốn điều lệ. Năm 2011, Thục Anh và Như Ý được ông Nguyễn Văn Minh và Võ Hồng Cường (chồng Như Ý) trao đổi, bàn bạc đưa Công ty Phát Triển vào liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 145ha thay thế hai doanh nghiệp nước ngoài. Thục Anh và Như Ý biết rõ Công ty Phát Triển không có kinh nghiệm và không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Nhưng xuất phát từ việc Như Ý đang hợp tác cùng Thục Anh nên ông Minh thống nhất, sẽ sử dụng nguồn tài chính của Tổng Công ty Bình Dương để hỗ trợ tài chính cho Công ty Phát Triển thực hiện dự án trên (Công ty Phát Triển phải trả số tiền rất lớn nhận chuyển nhượng cho công ty nước ngoài, và không phải góp đủ vốn theo cam kết trong hợp đồng), đồng thời tiếp tục kế thừa giá trị khu đất 145ha như khi liên doanh thực hiện dự án với hai doanh nghiệp nước ngoài năm 2007. Từ đó, Công ty Phát Triển sử dụng pháp nhân công ty tham gia liên doanh, thực hiện dự án trên khu đất 145ha theo định hướng của ông Minh.
Năm 2018, với mục đích có nguồn tiền xử lý dư nợ tạm ứng tại Tổng Công ty Bình Dương, ông Minh đã chỉ đạo Thục Anh và Như Ý chuyển nhượng 15% vốn điều lệ cho Tổng Công ty Bình Dương. Cũng theo mục đích của ông Minh, sau đó Thục Anh và Như Ý đã nhận chuyển nhượng 32% vốn góp của Công ty Phát Triển đang nắm giữ tại Công ty Tân Thành. Do không có năng lực tài chính, Thục Anh và Như Ý đã phải vay ngân hàng để nộp đủ số vốn góp còn thiếu và ký Hợp đồng chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành cho em rể Như Ý. Thông qua việc chuyển nhượng 15% vốn điều lệ cho Tổng Công ty Bình Dương, Thục Anh và Như Ý đã giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng của Tổng Công ty Bình Dương. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của ông Minh, Thục Anh và Như Ý đã chuyển 251 tỷ đồng cho ông Minh để hoàn ứng cho Tổng Công ty Bình Dương. Số tiền còn lại gần 393 tỷ đồng được phân chia cho Thục Anh và Như Ý theo tỷ lệ góp vốn 51% và 49%. Cụ thể, Thục Anh được hưởng hơn 200 tỷ đồng, Như Ý được hưởng hơn 192 tỷ đồng. Hành vi của Thục Anh và Như Ý đã phạm vào tội "Tham ô tài sản".
3. Như vậy, ông Nguyễn Văn Minh với vai trò là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương, là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất trong việc điều hành hoạt động và quản lý tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ông Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng hoạt động của Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Bình Dương theo mục đích cá nhân để vụ lợi. Cũng vì động cơ vụ lợi, ông Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc, là công ty tư nhân do con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương nắm quyền điều hành, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỷ đồng.
Tại khu đất 145ha, ông Minh đã cố ý vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm điều lệ, quy chế quản lý tài chính khi tạo điều kiện cho hai công ty "sân sau" nhận chuyển nhượng vốn góp và góp vốn thay hai nhà đầu tư nước ngoài, nhằm sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành. Từ đó, ông Minh chỉ đạo các đồng phạm dưới quyền hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành, không có báo cáo và không được Tỉnh uỷ Bình Dương phê duyệt.
Trong quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Bình Dương, với động cơ cá nhân, ông Minh chỉ đạo các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất 145ha không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá gây thất thoát cho Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng. Hành vi của ông Minh đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" với vai trò chủ mưu, tích cực thực hiện tội phạm.
Hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương chuẩn bị hầu tòa tại Hà Nội Tháng 8 tới đây, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đồng phạm trong đại án kinh tế tham nhũng trao "đất vàng" cho tư nhân. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, dự kiến ngày 15.8 tới, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở...