Cựu học sinh của GS Hồ Ngọc Đại tiết lộ những điều chỉ có ở trường Thực Nghiệm
“Bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn miễn sao bạn sống hết mình với đam mê và trở thành những con người lương thiện – đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi, những cựu học sinh Thực Nghiệm, những chú “chuột bạch” được thọ nhận từ Công nghệ giáo dục”.
Nhà báo Hà Việt Anh trong một lần đến thăm GS Hồ Ngọc Đại.
Vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng phản đối phương pháp giáo dục Công nghệ giáo dục. Đỉnh điểm là sau khi một clip đánh vần bằng ô vuông và hình tròn của giáo viên được đăng tải. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người lên tiếng bênh vực phương pháp dạy tiếng Việt của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại .
Chúng tôi xin đăng tải chia sẻ của nhà báo Hà Việt Anh, một cựu học sinh trường Thực Nghiệm về những giá trị mà ngôi trường và phương pháp giáo dục này mang lại.
“Học trò sẽ được tỏa sáng theo cách của mình”
Ở trường Thực Nghiệm, thầy cô không cho điểm như ở các trường khác, mà chấm bằng các chữ A, B, C, D.
Có lẽ vì cách đánh giá đó mà chúng tôi chưa bao giờ thấy áp lực điểm số, không ganh tỵ, đố kị với nhau, không nhìn bạn ngồi bên cạnh có điểm số cao hơn mình với ánh mắt hằn học. Chỉ biết sướng khi mình được A, vui khi được B, thấy mình cần cố gắng hơn vào lần kiểm tra tới nếu nhận được C hoặc D.
Trên lớp các thầy cô cũng ít khi khen các bạn học giỏi, mà thường khuyến khích các bạn học chưa tốt.
Nhà trường cũng không phân biệt môn chính (Văn, Toán, Ngoại ngữ…) – môn phụ ( nhạc, họa thể dục…). Môn học nào cũng đáng được trân trọng, chỉ cần bạn yêu thích nó.
Nếu bạn giỏi thể dục có thể sau này bạn trở thành vận động viên, bạn giỏi Toán bạn sẽ nghiên cứu khoa học, bạn giỏi Văn có thể làm nhà báo, nhà thơ, bạn vẽ đẹp sau này sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư…
Ở trường Thực Nghiệm, thầy cô qua năm tháng hun đúc nơi bạn niềm tin rằng bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn miễn sao bạn sống hết mình với đam mê và trở thành những con người lương thiện. Đây cũng là mong ước cháy bỏng của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của Công nghệ Giáo dục, một nhà sư phạm luôn lấy hạnh phúc đi học của trẻ làm tôn chỉ.
Mãi sau này khi các con tôi (cháu lớn khóa 26 và cháu bé khóa 34) đi học ở trường Thực Nghiệm, trước mỗi kì thi các bạn ấy thông báo: “Ngày mai con thi các môn nhóm 2, tuần sau sẽ thi các môn nhóm 1 mẹ ạ”, chứ nhà trường vẫn không dùng những cụm từ “môn chính”, “môn phụ”. Nhóm 1 là các môn có nhiều tiết (ít nhất 1 tiết/ ngày), nhóm 2 là các môn ít tiết (1-2 tiết 1 tuần).
Video đang HOT
Cách gọi này giúp cho học sinh Thực Nghiệm ít bị mặc cảm khi mình chưa giỏi một hoặc một số môn nào đó, và hoàn toàn tự tin nếu nổi trội về thể dục, nhạc, họa…
Với chúng tôi không chỉ “Đi học là hạnh phúc – Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui” đâu, mà mỗi học sinh Thực Nghiệm đều được tạo điều kiện để “Tỏa sáng theo cách của mình”.
Cha mẹ mong muốn nhất điều gì ở con trẻ?
Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực Nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hài lòng với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.
Khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go. Cả 2 điều ấy công nghệ giáo dục đã làm được một cách xuất sắc.
Chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người. Vì dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm.
Đành rằng cách đánh vần không làm cho con trẻ thông minh hay giỏi giang hơn người nhưng cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên “Thực Nghiệm” chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa học “thử – sai – thử lại”, tự xây dựng kiến thức cho mình từ những gợi ý của thầy cô theo tôn chỉ: “thầy thiết kế – trò thi công”, “lấy học trò làm trung tâm của bài giảng”.
Từ cách đây chẵn 40 năm, nếu khẩu hiệu của các trường học là “Tiên học lễ – Hậu học văn”, thì khẩu hiệu của trường Thực Nghiệm chúng tôi là “ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC – MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI”.
Khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực Nghiệm chúng tôi đã đọc thơ lục bát.
Khi cả nước bỏ chữ thường chuyển sang viết chữ cải cách thì chúng tôi vẫn an nhiên viết theo lối truyền thống (rồi sau này cả nước lại bỏ chữ cải cách).
Khi trường trường lớp lớp viết theo văn mẫu thì với một đề Văn, trong lớp tôi người viết văn, người viết đồng dao, người làm thơ, thậm chí có người vẽ để trả bài cho cô.
Khi các bạn trường khác tối về vẫn phải làm bài tập thì chúng tôi chơi, đọc sách, vẽ vời vì trong ngày đã có tiết tự học để giải quyết hết bài vở.
Khi trong suốt mấy chục năm trời Bộ GD-ĐT chưa thể quyết định nổi cho trẻ học ngoại ngữ từ lớp mấy thì chúng tôi đã học ngoại ngữ từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường tiểu học.
Khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò chúng tôi sẵn sàng lên gặp ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình – điều mà chỉ có thể gặp (may ra) ở các ngôi trường dân lập tiên tiến ngày nay…
Theo Danviet
Những học trò xuất sắc từ trường Thực nghiệm nói gì về chương trình đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại?
Đều trải qua phương pháp học chữ bằng hình tròn, ô vuông của GS Hồ Ngọc Đại, các cựu học sinh của trường Thực nghiệm Hà Nội đã có những chia sẻ bất ngờ về cách học này.
Thời gian gần đây, dư luận đang sôi sục tranh cãi về phương pháp đánh vần "lạ" theo sách giáo khoa từ trường Công nghệ Giáo Dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Cụ thể, hàng loạt clip và ảnh về vụ việc giáo trình dạy học có dạy cách dạy đọc thơ, câu bằng các ô vuông và hình tròn được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Nhiều người khi nhìn vào phương pháp học này đã tỏ ra phẫn nộ, bởi họ cho rằng người lớn còn không hiểu, trẻ em lấy gì mà hiểu được? Không ít ý kiến đòi "tẩy chay" phương pháp đánh vần của GS Hồ Trọng Đại. Đồng thời vị GS lớn tuổi cũng phải hứng chịu rất nhiều lời mỉa mai, công kích nặng nề từ dư luận.
Được biết chương trình này đã được đưa vào thực nghiệm từ cách đây 40 năm và trường Thực nghiệm Hà Nội là nơi đầu tiên áp dụng chương trình. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích thì chính thế hệ học trò cũ của trường Thực nghiệm Hà Nội cho rằng Công nghệ Giáo dục đã giúp họ học từ phương pháp này cách sống là chính mình, tích cực.
Thậm chí trong những khóa học đầu tiên, trường đã đào tạo ra nhiều gương mắt xuất sắc, trở thành những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực. Trước làn sóng tranh cãi nảy lửa, những cựu học sinh từng theo học chương trình này có những chia sẻ thẳng thắn về trải nghiệm của mình.
GS Ngô Bảo Châu
Trước những ồn ào tranh cãi về cách đánh vần "lạ" theo sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, GS Ngô Bảo Châu - cựu học sinh trường Thực nghiệm (Hà Nội) - đã bày tỏ quan điểm của mình.
GS Ngô Bảo Châu.
Trên trang Facebook cá nhân, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ: "Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, tôi đảm bảo học theo phương pháp của thầy Đại vẫn biết đánh vần như thường. Tuy nhiên, đôi khi có thể viết sai chính tả (chưa chắc đã do lỗi của phương pháp)".
Năm 2010, GS Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields. Ông Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields.
GS Ngô Bảo Châu hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Tính đến năm 2010, ông là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong học hàm GS.
PGS Nguyễn Lân Hiếu
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu (Phó GĐ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) với tư cách là học trò Thực nghiệm khóa 1 đã có chia sẻ thẳng thắn: "Trước hết phải khẳng định cách học tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên. Thơ lục bát có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên đồng với âm thứ 6 của câu dưới.
Ngoài ra ông Hiếu cũng cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội với những lời lẽ phản cảm chỉ trích chương trình Công nghệ Giáo dục những ngày qua. Ông Hiếu kiên quyết "lôi ra ánh sáng" những ý đồ đen tối nhằm vào trường Thực nghiệm và cá nhân GS Hồ Ngọc Đại để trục lợi.
"Triết lý đơn giản của GS Hồ Ngọc Đại là cần cho trẻ em phát triển tự nhiên theo hướng vốn có. Triết lý ấy đi cùng tôi theo năm tháng.
Tôi tự hào về mái trường của mình và tự hào vì có những người bạn tri kỷ. Các bạn tôi là bằng chứng rõ ràng nhất cho một phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Các bạn thật tuyệt vời, khi "cơn bão" tấn công đột ngột đến, chưa một phút nào họ bị lung lay niềm tin vào lẽ phải luôn tồn tại. Hình ảnh của trường trong tôi là những gương mặt thân quen của thầy, cô và bạn bè như một đại gia đình ấm áp" - PGS Hiếu nhấn mạnh.
Những lời xin lỗi đã được cất lên
Sau buổi họp báo dài 2 tiếng, giải đáp những vấn đề xung quanh công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại đã giúp nhiều người hiểu rõ hơn, thậm chí thay đổi hẳn quan điểm về vấn đề này. Không ít người trước đó còn lên mạng phản đối dữ dội, chỉ trích gay gắt cách đánh vần mới nay khi hiểu rõ vấn đề đã xin lỗi thầy Đại, thừa nhận mình đã không tìm hiểu cặn kẽ thông tin đã vội vàng kết luận.
"Hôm nay, mình chính thức xin lỗi giáo sư Hồ Ngọc Đại vì những phát ngôn hồ đồ của mình lần trước về cách dạy đánh vần cho học sinh lớp 1 của chương trình công nghệ giáo dục. Sau khi nghiên cứu bài giảng của thầy Phạm Toàn về cách đánh vần, đọc những gì mà các cựu học sinh trường thực nghiệm chia sẻ thì mình thấy phương pháp dạy học này hay chứ không phải tào lao như dân mạng phán tuy nó hơi khó chút nhưng nó có quy tắc rõ ràng chứ không phải thích làm gì thì làm. Và với đầu óc trong sáng của trẻ nhỏ, chúng tiếp thu dễ dàng hơn chúng ta tưởng... Em xin lỗi giáo sư Hồ Ngọc Đại vì những phát ngôn tào lao về phương pháp dạy học của giáo sư khi em chưa hiểu về phương pháp này và em ước gì chương trình thực nghiệm của thầy được nhân rộng đại trà" - Facebook Nguyen Binh viết.
Dù đã có nhiều người từ phê phán quay sang xin lỗi nhưng đến nay, câu chuyện Công nghệ giáo dục mà đặc biệt là cách đánh vần Tiếng Việt "lạ" vẫn tiếp tục gây tranh cãi kịch liệt. Chuyện bùng nổ tranh cãi trên mạng vốn trước nay không hiếm nhưng việc một số người sau khi thay đổi quan điểm đã thẳng thắn thừa nhận, xin lỗi công khai như trên đây có lẽ là không có nhiều. Bởi vậy mà sự việc này cũng giống như hồi chuông cảnh báo chúng ta hãy luôn tỉnh táo và bình tĩnh khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về một vấn đề còn đang gây tranh cãi. Mỗi lượt bình luận, chia sẻ thiếu suy xét từ dân mạng dù vô tình hay chủ ý đều có thể "góp gió thành bão", đẩy câu chuyện đi xa hơn và dẫn tới những màn "ném đá" tập thể. Thử đặt mình vào vị trí nạn nhân, bạn sẽ thấy khi hành xử không đúng mực trong cộng đồng mạng, chộp giật thông tin và vội vàng quy kết sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đến mức nào.
(Theo Đời Sống và Pháp Luật)
Chủ tịch QH: "Giáo dục thực nghiệm gì mà kéo dài mấy chục năm như vậy" "Thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, chắc từ hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam học phổ thông. Công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm, thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy?", Chủ tịch Quốc hội bình luận. Sáng nay (12.9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)....