Cứu hộ động vật hoang dã: Cứu xong là… chết!
Hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm như bò tót, cá tra dầu, mèo cá… đã chết khi các cơ quan cứu hộ ra tay đã khiến dư luận hết sức lo ngại về những bất cập, chậm trễ trong việc cứu hộ động vật hoang dã hiện nay
Sự kiện mới nhất là việc một con bò tót tại Thừa Thiên-Huế đi lạc vào sân bay Phú Bài ngày 23-7 và sau khi được các chuyên gia cứu hộ bắn thuốc mê đã chết vào chiều 24-7. Cuộc cứu hộ này hết sức rầm rộ với hàng trăm người tham gia, chi phí lớn, thậm chí mời cả chuyên gia cứu hộ của Thảo Cầm Viên từ TPHCM ra Huế “tác nghiệp” nhưng kết quả bất thành.
Con bò tót khi xâm nhập sân bay Phú Bài vẫn rất khỏe mạnh. Ảnh: QUANG NHẬT
Đủ kiểu chết
Các cơ quan chức năng kết luận con bò tót này chết do nội tạng bị bầm dập, phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết, gan, mật bị sưng, ruột non và ruột già xuất huyết. Ngoài ra, cơ quan chức năng dẫn giải là do đây là loài hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh không phù hợp nên bị căng thẳng, sức khỏe đã suy kiệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi: Một con bò tót to lớn, nặng 1,2 tấn, khỏe mạnh như vậy liệu có chết do nguyên nhân tự nhiên hay do sự chậm chân, bất cẩn trong cứu hộ khi có thông tin cơ quan chức năng đã bắn 2 mũi thuốc mê khi truy lùng bò tót và sau đó tiêm thêm hàng chục mũi thuốc mê khác vào con vật này?
Trước đó vào ngày 5 và 21-7, trên sông Hậu đoạn qua khu vực xã Quốc Thái, huyện An Phú – An Giang, ngư dân bắt được 2 con cá tra dầu nặng 71 kg và 86 kg. Hai con cá này đều được anh Huỳnh Thanh Hồng, ngụ xã Khánh An, huyện An Phú, mua lại với giá hơn 27 triệu đồng. Con cá đầu tiên (nặng 71 kg) đã chết sau 3 ngày chăm sóc trước khi có đoàn cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản và Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đến để đưa nó về trại giống. Trong lần thứ hai, anh Hồng đã chủ động báo với Chi cục Thủy sản để kịp thời đưa nó về trại giống để chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, con cá này đã không thể sống nổi trong bể tạo ôxy có các hóa chất cần thiết… của chi cục.
Cũng tại An Giang, trước đó vào năm 2009, 2 cá thể mèo cá, một loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam đã bị người dân giết thịt, 2 cá thể khác thì bị bán nuôi làm kiểng. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác như sếu, gấu,… cũng đã chết trước khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Cứu hộ… hên xui
Video đang HOT
Ngày 25-7, ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết cá tra dầu thuộc nhóm động vật quý hiếm và có tên trong Sách đỏ Việt Nam cũng như thế giới nhưng thời gian vừa qua, cán bộ Chi cục Thủy sản chỉ làm công việc cứu hộ cho cá theo kiểu… hên xui chứ không phải là bảo tồn động vật quý hiếm. Muốn làm được điều đó phải có trung tâm cứu hộ đúng tiêu chuẩn như đối với các động vật trên cạn (trừ cá sấu và rùa). Mặt khác, nguồn kinh phí cũng như cán bộ chuyên môn phục vụ công tác bảo tồn về cá quý hiếm chưa đạt yêu cầu. “Hiện chúng tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm của các cán bộ được đào tạo thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là chính. Do đó, cách tốt nhất là người dân nên có ý thức bảo tồn bằng cách tự thả chúng về môi trường tự nhiên như ở các nước Lào, Thái Lan hoặc Campuchia đã làm. Thế nhưng, điều này sẽ rất khó thực hiện ở Việt Nam” – ông Dũng khẳng định.
Con cá tra dầu nặng 76 kg được cứu hộ nhưng sau đó đã chết! Ảnh: THỐT NỐT
Về cái chết của con bò tót ở sân bay Phú Bài, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, ngoài mong muốn. Cơ quan chức năng đã lựa chọn phương án tối ưu và đã làm hết sức. Tuy nhiên, dư luận vẫn nghi ngờ trình độ cứu hộ của các chuyên gia bất cập là nguyên nhân gây nên cái chết của con bò tót này.
Thả nhiều loài quý hiếm về thiên nhiên
Trong 6 tháng đầu năm 2012, hơn 210 cá thể thuộc 26 loài động vật hoang dã quý hiếm như cá sấu xiêm, gấu ngựa, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, rái cá, mèo rừng, hồng hoàng, trĩ đỏ, hổ mang chúa… đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TPHCM, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, Cát Tiên cứu hộ. Theo ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc WAR, số lượng động vật hoang dã được cứu hộ rất nhỏ so với số đang bị buôn bán, tiêu thụ, nuôi nhốt trái phép.
Theo NLD
"Chuyên án" bắt bò tót: "Thẫn thờ khi bò chết!"
"Về mặt khoa học và quy trình trong việc bắt con bò tót này không có gì lấn cấn. Ngoài tiêm thuốc mê còn có thuốc trợ lực, thuốc bổ, thuốc chống sốc... Tuy nhiên, con bò tót vẫn chết là sự việc đáng tiếc".
Đó là khẳng định của Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, người vừa trở về TPHCM sau khi kết thúc "chuyên án" khống chế, bắt giữ bò tót trong sân bay ở Thừa thiên - Huế. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phan Việt Lâm về việc này.
Thưa ông, ông có thể kể về việc ông cùng 2 cán bộ của Thảo cầm viên ra Huế cứu hộ bò tót?
Khi có thông tin một con bò tót xâm nhập sân bay ở Huế, tôi đã được Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ra hỗ trợ các cơ quan hữu quan ở Huế để bắt giữ và cứu hộ con bò tót. Nhận được sự điều động trên, tôi và 2 bác sĩ thú y khác có kinh nghiệm đã tức tốc bay ra Huế. Tại đây, sau khi các bên như công an, kiểm lâm, thú y... đã có sự thống nhất, kế hoạch bắt giữ và cứu hộ bò tót mới được tiến hành.
Quy trình tiếp cận và khống chế con bò tót quý hiếm này được tiến hành như thế nào, thưa tiến sĩ?
Chúng tôi dùng xe máy cày, vượt qua những đoạn đường lồi lõm để tiến gần về phía con bò tót. Khi cách con bò hơn 30m, chúng tôi cho bắn phát súng có thuốc gây mê. Con bò lồng lộn và còn húc 2 cái làm móp xe máy cày. Sau đó chúng tôi dùng lưới, dây để khống chế con bò rồi cẩu lên xe chở ra khỏi sân bay.
Con bò tót quý hiếm đã chết
Có ý kiến cho rằng, các ông không đủ can đảm tiếp cận bò nên đã tiêm quá nhiều thuốc gây mê để khi con bò bất động hoàn toàn mới dễ dàng tiếp cận?
Không ai sợ đến mức tiêm nhiều tiêm bừa thuốc mê vào đâu. Số lượng thuốc chúng tôi dùng trong giới hạn cho phép. Chúng tôi bắn, tiêm mỗi mũi là mỗi loại thuốc khác nhau chứ không phải tất tần tật đều là thuốc gây mê. Khi thấy con bò có triệu chứng chảy nước dãi thì chúng tôi không chích thuốc gây mê mà là trợ lực rồi đến thuốc bổ, chống sốc.
Tôi khẳng định là quy trình khống chế, tiếp cận và gây mê, hồi sức cho bò tót đã được áp dụng tốt nhất. Chúng tôi có đầy đủ kinh nghiệm, làm từ tốn từng bước một.
Trong phân bổ vùng thì bò tót không có ở Thừa thiên - Huế. Vì vậy, có thể con bò tót này từ các vùng khác tràn về hoặc từ Lào sang, hoặc có giả thiết ai đó chở trên đường thì bò sổng xuống.
Chúng tôi đã xác định trước, với con bò khoẻ mạnh tiêm 10 mũi thuốc mê không sao nhưng đây là con bò tót hoang dã, bị truy đuổi và có dấu hiệu bệnh tật nên bao giờ thuốc cũng bắt đầu từ liều thấp và theo dõi sát sao phản ứng của con bò như thế nào sau mỗi liều thuốc. Chúng tôi đã bàn và lường trước những tình huống. Tất cả các bên đều thống nhất rồi mới thực hiện chứ không bỡ ngỡ khi thực hiện và không phán đoán làm bừa, làm ẩu.
Xin ông cho biết nguồn gốc các loại thuốc đã bắn, tiêm vào con bò tót này?
Thuốc do Thảo cầm viên mang ra. Thuốc nhập mua đàng hoàng. Toàn thuốc tốt của Pháp, Úc. Thuốc này chúng tôi đã sử dụng cho cả nghìn con thú ở Thảo cầm viên. Ở đây bọn tui đã tiêm cho cả ngàn con. Thuốc mà có vấn đề thì chắc thú ở đây đã chết hết. Anh cứ tin về mặt khoa học là không có gì. Trước khi thực hiện, công an, thú y, kiểm lâm... đều đã lập biên bản thống nhất liều lượng bao nhiêu, loại thuốc, chủng loại, hình mẫu, lọ thuốc cũng được lưu giữ lại. Cứ tin tưởng là chúng tôi đã áp dụng khoa học hiện đại nhất.
Vậy tại sao con bò tót quý hiếm vẫn chết?
Chúng tôi từng đi cứu hộ nhiều nơi và cứu hộ, chăm sóc bò tót nhiều lần. Ngay cả Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đang nuôi 3 con nên việc cứu hộ, chữa bệnh cho bò tót không có gì lạ. Chỉ có điều, chưa lần nào chúng tôi cứu hộ bò tót trong tình trạng bò bị nắng gắt, thiếu nước như khí hậu miền Trung. Tôi không nói chúng tôi là người giỏi nhất nhưng chúng tôi là người nhiệt tình và có kinh nghiệm nhiều trong việc cứu hộ động vật hoang dã nhưng cuối cùng con bò tót đã chết. Đó là rủi ro của cứu hộ. Ở Anh, Mỹ cũng xảy ra rủi ro này.
Việc cứu hộ lần này nên tách ra thành 2 vế là bắt giữ bò tót để đảm bảo an toàn cho người dân, an ninh sân bay và cứu hộ tức là cứu con bò sau khi bị bắt giữ. Vế thứ 2 đã không thành thì không riêng gì chúng tôi mà anh em cứu hộ, công an ai cũng buồn, ngồi thẫn thờ 11-12h đêm mới về.
Phải chăng con bò tót chết do thiếu nước?
Thiếu nước cũng là một nguyên nhân vì cả khu vực đó là gần sân bay, làm gì có nước để bò uống. Ngoài ra, con bò cũng có những triệu chứng mang mầm bệnh khi bị viêm nhiễm đường ruột, chảy máu trong phân...
Cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi!
Theo Thanh Niên
Con bò tót ở sân bay Phú Bài đã chết Đến 16 giờ chiều nay 24.7, con bò tót xâm nhập vào khu vực sân bay Phú Bài đã được khống chế. Tuy nhiên, đến 18 giờ 20 phút, ông Nguyễn Viết Hoạch, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã xác nhận với phóng viên Thanh Niên, sau...