Cứu hộ 116 mùa mưa bão: Quá tải và đầy nguy hiểm
Mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng Trung tâm cứu hộ 116 Hà Nội đã phải làm việc hết công suất, thậm chí là 24/24h để giải cứu phương tiện ra khỏi đoạn đường sạt lở, ngập lụt và tai nạn giao thông. Trong tháng 6 và 7, công tác cứu hộ tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái với trên 300 trường hợp ôtô bị hư hỏng do tai nạn giao thông, ngập nước, đặc biệt là có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.
Giải cứu “bốn bánh” bị ngập giữa lòng Thủ đô
Điện thoại của Đội xe cứu hộ 116 ở Pháp Vân liên tục reo vang khiến cho anh Phan Huy Minh, Đội trưởng hai tay hai máy mà cũng không trả lời kịp cho khách. “Mới đầu mùa mưa mà làm không hết việc, nhiều lúc không còn xe đành phải cáo lỗi với khách hàng”- anh Minh phân trần. Câu chuyện giữa tôi và anh liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại khẩn cấp của khách hàng gọi đến nhờ cứu xe “bốn bánh” cho họ.
Như đã thành lệ, mỗi trận mưa to, nhiều tuyến phố của Hà Nội lại chìm trong biển nước. Từ đầu mùa mưa đến nay, Hà Nội đã xảy ra 3 trận ngập khiến cho hàng trăm phương tiện bị chết máy phải đứng giữa đường. Trận mưa tối chủ nhật (ngày 22/7) làm cho nhiều người đi xe “bốn bánh” bị ngập trong nước.
Điện thoại của Đội xe cứu hộ 116 không kịp trả lời khi có tới gần 100 cuộc gọi điện. Cao điểm là vào lúc 22h đến 24h, khách hàng gọi điện la lối vì họ phải chờ lâu quá. Hàng chục chiếc ôtô đi vào phố Hàng Chuối, Lý Thường Kiệt, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Đình Hổ, Lĩnh Nam, gầm cầu Thanh Trì… bị chết máy.
“Tâm lý của khách là muốn được đưa xe ra ngay khỏi nơi ngập nước, vì thế mà họ giục liên tục. Nhưng có những tuyến phố chẳng khác gì ao như phố Huỳnh Thúc Kháng, xe cứu hộ không thể vào được” – lái xe cứu hộ Nguyễn Thái Linh cho biết. Xe bị ngập nước và chết máy ở 26 Lý Thường Kiệt, chị Nguyễn Thu Hương tỏ ra rất sốt ruột vì đã gần nửa đêm mà chưa thể về nhà.
Gần 1 tiếng sau khi gọi cứu hộ 116, chiếc xe của chị đã về đến garage. “Đêm tối thế này, rất may là bên cứu hộ còn xe, nếu không thì đành phải bỏ xe ở đây” – chị Hương cho biết. Theo anh Phan Huy Minh thì trận mưa tối 22/7 Đội xe cứu hộ 116 đã kéo được 35 chuyến xe ra khỏi nơi ngập lụt và chuyến xe cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ vào lúc 4h sáng 23/7.
Video đang HOT
Cứu hộ container bị tai nạn ở QL5.
Anh Minh cũng cho biết thêm, từ tháng 6 đến nay, Hà Nội ngập 3 lần cao điểm là trận mưa gây ngập nhiều tuyến phố vào tối 14/6, Đội xe cứu hộ 116 đã kéo được 63 chuyến. “Cứ mưa to là náo loạn, nếu mưa trong 1 giờ thế nào cũng có xe hỏng, còn mưa trong 2 giờ thì điện thoại không có phút nào nghỉ. Khách hàng nào cũng muốn được kéo trước, nhưng chúng tôi phải ưu tiên trong nội thành để tránh ùn tắc giao thông.
Trong lúc mưa to mà có hiện tượng ngập úng, đoạn đường nào có cảnh báo, phân luồng thì tốt nhất khách hàng không nên đi vào. Nếu trường hợp xe bị ngập thì nên tắt máy, đỗ tại chỗ, gọi bảo hiểm và cứu hộ đến. Nếu cứ tiếp tục nổ máy là hỏng xe”- anh Minh cảnh báo.
Liên tiếp “cứu” xe tai nạn giao thông
Làm nghề cứu hộ đã hơn 10 năm, anh Minh chứng kiến rất nhiều kiểu tai nạn giao thông mà khi lực lượng cứu hộ đến, xe tai nạn đã bị vùi sâu dưới vực hoặc lật đổ tan tành. Xem cuốn sổ ghi chép cẩn thận từng cuộc gọi cứu hộ 116 của khách hàng, tôi không khỏi xót xa khi hầu hết đều do tai nạn giao thông. Có ngày ở đây nhận tới 60 cuộc gọi cứu hộ vì tai nạn giao thông. Công suất làm việc của xe và tài xế ở đây liên tục, có đêm mỗi tài xế kéo tới 3 đến 5 chuyến xe.
Tài xế Nguyễn Quang Thủy vừa đi “cứu” chiếc xe tải chở hàng bị lật từ Thái Bình về, đang ăn vội bát mì tôm thì đã được anh Minh giao nhiệm vụ, đi ngay Bắc Ninh để “cứu” chiếc Mazda bị tai nạn. Tài xế ở đây như “con thoi”, vừa đi chuyến này xong, lại phải đi ngay chuyến khác, có vụ tai nạn ở mãi trong vùng sâu như Điện Biên Đông hoặc Mường Tè (Lai Châu) thì chuyện họ nhịn đói ăn mì tôm là chuyện thường ngày.
“Từ tháng 6 đến nay chúng tôi cứu hộ gần 200 xe ôtô bị tai nạn giao thông, chủ yếu ở đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. So với thời điểm này năm ngoái số trường hợp cứu hộ tăng hơn. Nguyên nhân thường là do trời mưa, lái xe đi tốc độ cao, đường ướt dễ gặp tai nạn”- anh Phan Huy Minh cho biết. Làm nghề cứu hộ, ngoài kỹ năng lái xe, tài xế phải có kỹ năng cứu hộ và phán đoán.
Tài xế Hoàng Văn Đạt kể lại: Tuần trước anh được giao nhiệm vụ kéo chiếc taxi của hãng Hương Lúa bị tai nạn rơi xuống sông Vân Đình, huyện Ứng Hòa. Đến nơi thì xe chìm chỉ còn thấy mỗi nóc. Tình thế buộc anh phải lặn xuống đáy sông để chằng, buộc xích thì mới kéo được xe lên. Vì chằng dưới sông rất khó nên anh phải lặn tới vài lần mới làm xong.
Có những vụ cứu hộ khá hy hữu như vụ một chiếc máy xúc 35 tấn bị chìm xuống hố bom ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khiến cho 4 đơn vị cứu hộ đều bó tay vì càng kéo thì xe càng chìm sâu dưới bùn. Cuối cùng, Đội cứu hộ 116 phải dùng xe chuyên dụng, vận dụng kinh nghiệm mới lôi được “con khủng long” lên khỏi vũng bùn.
Cứu hộ 116 đã trở thành cái tên có thương hiệu không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh phía Bắc. Điều cần nhất của nghề cứu hộ là nhân viên phải có kinh nghiệm ứng phó, thao tác nhanh bởi những vụ tai nạn trên quốc lộ cần phải được giải cứu càng nhanh càng tốt để tránh ùn tắc giao thông. Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 20/7 cũng vậy.
Lái xe container BKS 16LD-1107 ngủ gật khiến cho chiếc xe mất lái đâm vào vệ đường và lật ngửa ở khu vực huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, làm cho toàn bộ sữa trên xe đổ lênh láng ra đường. Hai lái xe có kinh nghiệm của Đội xe cứu hộ 116 trong vòng nửa tiếng đã kéo được chiếc container đứng dậy. Hay vụ xe tải chở hoa quả bị tàu hỏa đâm phải ở khu vực huyện Thường Tín cũng chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã được kéo đi, trả lại giao thông thông thoáng cho phương tiện qua lại.
“Không chỉ trời mưa, mà trong 2 tháng nay, những ngày trời nắng nóng chúng tôi đã cứu hộ rất nhiều ôtô cháy do bị rơm quấn vào ống xả. Vào những ngày trời mưa, lái xe nên theo dõi bản tin thời tiết. Đến đoạn đường có khả năng gây sạt lở nên dừng lại để thăm dò, nếu an toàn thì hãy đi. Đa số các vụ đổ xe là do lái xe ít kinh nghiệm. Nếu chẳng may gặp tai nạn, tùy từng trường hợp, bình tĩnh gọi cho bảo hiểm rồi mới gọi cứu hộ theo số điện thoại 090.9.116.116” – anh Phan Huy Minh khuyến cáo
Theo CAND
Hàng chục đò ngang nguy hiểm bị đình chỉ
Đầu mùa mưa bão năm nay, thanh tra liên ngành các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã đình chỉ hàng chục đò ngang không đảm bảo an toàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi vừa tiến hành đợt kiểm tra tại các bến đò ngang ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Tấn Dũng, Phó thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi, hầu hết phương tiện tham gia chở khách tại các bến đò ngang đều không đảm bảo an toàn kỹ thuật, nguy cơ tai nạn trong mùa mưa lũ năm nay rất lớn. Đoàn đã lập biên bản đình chỉ 45 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.
Ông Dũng cho biết, đoàn kiểm tra yêu cầu các địa phương có bến đò ngang hoạt động tăng cường giám sát vận tải hành khách ở bến đò, nhất là vào thời điểm mưa lớn, nước lũ dâng cao. Ở những bến đò có nhiều hành khách qua lại cần bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua sông, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Hành khách đi đò qua sông Trà ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thường không quan tâm đến việc mặc áo phao. Ảnh: Trí Tín
Ông Nin, chủ phương tiện đò ngang ở bến sông Trà, thôn Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh giải thích: "Áo phao lúc nào cũng có nhưng hành khách không chịu mặc nên tui cất ở nhà, chứ để trên ghe thêm chật chội".
Trước mùa mưa bão năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam cũng đã kiểm tra 23 bến đò ngang, đình chỉ hoạt động 9 bến đò không đảm bảo an toàn. 11 tàu thuyền hoạt động nhưng không đăng ký, đăng kiểm và thiếu đảm bảo an toàn vận chuyển khách cũng bị lập biên bản, trong đó có 2 nhà hàng nổi ở xã Duy Vinh. Tổ kiểm tra liên ngành đã xử phạt và đình chỉ hoạt động 7 phương tiện không giấy phép và thiếu an toàn.
Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đã trang bị thêm áo phao, phao cứu sinh cho các chủ phương tiện. Tại TP Đà Nẵng, thanh tra giao thông phối hợp cảnh sát giao thông đường thủy... cũng đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu thủy nội địa.
Kiểm tra 13 tàu du lịch, lực lượng liên ngành phát hiện tất cả người điều khiển đều không có bằng điều khiển phương tiện đường thủy phục vụ hoạt động du lịch. Toàn bộ tàu du lịch đều không có bảng hướng dẫn và nội quy đi tàu, không hướng dẫn cho du khách cách thức sử dụng áo phao trước khi khởi hành.
Theo VNExpress
Sạt lở uy hiếp hàng chục hộ dân Hàng chục hộ dân thôn Bắc Sơn sống trong lo âu nớp nớp vì ngôi nhà thân yêu có thể sụp xuống sông Bến Hải bất cứ khi nào. Người dân lo lắng vì sạt lở Do ảnh hưởng bởi các đợt bão lũ vào cuối năm 2009 và năm 2010, tuyến kè dọc sông Bến Hải đoạn qua các thôn Bắc Sơn,...