Cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng tham ô kit test Covid-19, bán lại cho Việt Á
Lợi dụng nhà sản xuất đóng gói lượng kit test Covid-19 luôn dư để bù khoản hao hụt khi sử dụng thực tế, lãnh đạo và nhân viên CDC Đà Nẵng đã tham ô, lấy số lượng còn dư bán lại cho Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á.
Sáng nay 25.8, TAND TP.Đà Nẵng xét xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng).
Các bị cáo Tôn Thất Thạnh (59 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Nhàn (41 tuổi, cùng P.Thạch Thang, Q.Hải Châu) và Lê Thị Kim Chi (37 tuổi, ngụ P.Hòa Khê, Q.Thanh Khê, cùng TP.Đà Nẵng), bị Viện KSND TP.Đà Nẵng truy tố về tội tham ô tài sản.
Tôn Thất Thạnh (áo trắng) khi bị tống đạt quyết định khởi tố, tạm giam về hành vi tham ô tài sản. Ảnh NGUYỄN TÚ
Theo điều tra, năm 2018, Tôn Thất Thạnh được bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Xét nghiệm, Lê Thị Kim Chi là nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng.
Năm 2020 – 2021, CDC Đà Nẵng ký 16 hợp đồng mua sắm với Công ty CP công nghệ Việt Á gồm 81.350 kit sinh phẩm tách chiết thủ công và 410.000 kit tách chiết tự động.
Bị cáo Tôn Thất Thạnh được đưa đến tòa. Ảnh NGUYỄN TÚ
Từ năm 2020, khoa xét nghiệm được CDC Đà Nẵng cấp phát hóa chất, sinh phẩm để xét nghiệm Covid-19. Trưởng khoa Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát hiện với số lượng kit theo quy cách đóng gói thì sử dụng được cho một lượng mẫu xét nghiệm nhiều hơn, do nhà sản xuất đóng gói số lượng nhiều hơn để bù trừ cho khoản hao hụt khi pha chế trong thực tế.
Video đang HOT
Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong quá trình điều tra của công an. Ảnh NGUYỄN TÚ
Cụ thể, với sinh phẩm tách chiết thủ công theo đóng gói là 50 kit/hộp thì pha chế được 53 – 54 kit xét nghiệm; với sinh phẩm tách chiết tự động thì quy cách đóng gói 960 kit/thùng thì pha chế được 1.150 – 1.250 kit xét nghiệm.
Theo quy định, kit thừa phải được lập biên bản, xác định số lượng; nếu nguyên nhân do nhà sản xuất cung cấp thừa thì được hạch toán lên tài khoản thu nhập khác của đơn vị và nhập vào kho để tiếp tục sử dụng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh NGUYỄN TÚ
Bị cáo Lê Thị Kim Chi. Ảnh NGUYỄN TÚ
Nhưng Nhàn nảy sinh ý định báo cáo không trung thực về thực tế sử dụng, hàng tồn kho, để ngoài sổ sách, báo cáo tiêu hao đối với một số lượng hóa chất, sinh phẩm nhất định để chiếm đoạt.
Cuối năm 2020, Nhàn xin ý kiến và được Thạnh thống nhất, nên trao đổi với Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để bán lại số hóa chất, sinh phẩm này. Việt đồng ý mua với điều kiện còn nguyên hộp, đầy đủ phụ kiện.
Từ đó, Nhàn chỉ đạo Chi báo cáo tiêu hao theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất, không báo cáo đúng thực tế tồn kho, rồi lấy số hóa chất, sinh phẩm dư này bán lại cho Công ty CP công nghệ Việt Á.
Lê Thị Kim Chi khai nhận tại cơ quan điều tra. Ảnh NGUYỄN TÚ
Tài sản tham ô trị giá gần 5,3 tỉ đồng, Công ty CP công nghệ Việt Á chưa trả tiền
Tổng cộng, số hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế mà Nhàn và Chi được Thạnh thống nhất tham ô tài sản, chiếm đoạt của CDC Đà Nẵng và đã bán lại cho Công ty CP công nghệ Việt Á gồm: 21.000 kit tách chiết tự động, 10.000 kit tách chiết thủ công, 18.050 tube rỗng 1,5 ml, 2.400 kit xét nghiệm PCR Covid-19 (đều của Công ty CP công nghệ Việt Á bán cho CDC Đà Nẵng), 19.000 tube rỗng 1,5 ml của Hàn Quốc, 37.500 tube rỗng 1,5 ml của Mỹ.
Nhưng đến nay, Công ty CP công nghệ Việt Á vẫn chưa đưa tiền cho Thạnh, Nhàn và Chi.
Đối với 7.584 kit xét nghiệm Covid-19 do Tập đoàn Vingroup tài trợ trị giá gần 772 triệu đồng, Nhàn, Chi đã hoàn thành việc chiếm đoạt của CDC Đà Nẵng nhưng chưa tiêu thụ được.
Theo định giá, tổng số hàng hóa này trị giá gần 5,3 tỉ đồng, trong đó 7.584 kit xét nghiệm Covid-19 chưa chiếm đoạt đã được Công an TP.Đà Nẵng trả lại cho CDC Đà Nẵng.
Quá trình điều tra xác định trong vụ án tham ô tài sản này, Tôn Thất Thạnh là bị cáo đầu vụ, là người tổ chức; Nhàn giữ vai trò vừa tổ chức vừa thực hiện, Chi là người thực hiện theo chỉ đạo. Trong quá trình điều tra, 3 bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Có dấu hiệu tội phạm trong mua sắm vật tư phòng, chống COVID-19 tại CDC Đà Nẵng
Kết quả thanh tra cho thấy có nhiều vi phạm, thiếu sót và cả dấu hiệu tội phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thông báo kết luận thanh tra không thông tin cụ thể việc mua vật tư xét nghiệm COVID-19 từ Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Ngày 29/6, Thanh tra TP Đà Nẵng đã thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng).
Theo đó, CDC Đà Nẵng đã có nhiều vi phạm, thiếu sót trong việc lập, thẩm định, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong việc tổ chức đấu thầu, trong việc thực hiện hợp đồng thầu.
Cụ thể, về xây dựng giá gói thầu có dấu hiệu hợp thức hóa các báo giá, ngày ghi trên các báo giá sau thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không đủ căn cứ để xây dựng giá gói thầu. Việc xác định giá gói thầu để thực hiện mua sắm có tham khảo giá trúng thầu nhưng cao hơn giá mà đoàn thanh tra tra cứu trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền.
Việc thông báo chào giá, chào hàng cạnh tranh, thành phần báo giá, đăng tải thông báo mời chào, tiếp nhận báo giá, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều sai sót; sử dụng báo giá của các nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, nhà thầu trúng thầu không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định. Trong việc tổ chức đấu thầu, CDC Đà Nẵng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, chỉ định thầu rút gọn cho 1 nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, vi phạm Luật Đấu thầu.
Kết quả thanh tra cũng chỉ ra việc tiếp nhận hàng trước thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là vi phạm Luật đấu thầu. Có sự chênh lệch hàng hóa giữa phiếu nhập kho và hợp đồng cung cấp hàng hóa phản ảnh việc nhập kho, theo dõi, quản lý tại trung tâm không đầy đủ, thiếu chặt chẽ. CDC Đà Nẵng thực hiện phân bổ vật tư y tế với giá trị hơn 1,36 tỉ đồng để thực hiện xét nghiệm COVID-19 có thu tiền đối với công dân nhập cảnh từ nguồn ngân sách nhà nước không đúng theo các quyết định của Sở Y tế nhưng chưa hoàn trả số tiền trên vào ngân sách nhà nước...
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cho thấy có dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu do cửa hàng Đại Phát và Công ty Tam Lập Phát trúng thầu. Căn cứ các quy định tại nghị định số 86, thông tư liên tịch số 3 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Thanh tra TP Đà Nẵng đã chuyển Cơ quan điều tra Công an thành phố điều tra, xử lý đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm.
Nhiều vi phạm, thiếu sót đã xảy ra trong quá trình mua sắm vật tư xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng.
Thanh tra Đà Nẵng cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổng hợp và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện của 3 nhà cung cấp báo giá đối với phương thức xác định giá gói thầu là giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau; kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cơ quan điều tra Công an thành phố tiến hành điều tra, xử lý đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm đã được thanh tra chuyển sang; đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Cục Thuế thực hiện kiểm tra, xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Thanh tra Đà Nẵng đề nghị Sở Y tế thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh về những vi phạm, hạn chế trong công tác hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, sinh phẩm...
Đối với CDC Đà Nẵng, Thanh tra thành phố đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý về những vi phạm, hạn chế, thiếu sót trong mua sắm, đấu thầu, quyết toán kinh phí vật tư y tế, sinh phẩm; tổ chức, rà soát và có biện pháp khắc phục thực hiện đúng quy định đối với công tác mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, sinh phẩm và nộp số tiền trên 1,3 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Cơ quan Công an khám xét tại trụ sở CDC Đà Nẵng tối 20/6.
Trước đó, ngày 20/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại CDC Đà Nẵng và khởi tố bị can 3 cá nhân, trong đó bắt tạm giam ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng. Hiện Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ các vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng.
Dư luận tại Đà Nẵng rất quan tâm và chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ, kết luận trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 trị giá hơn 275 tỉ đồng, trong đó xấp xỉ 250 tỉ đồng mua từ Công ty Việt Á- doanh nghiệp đang bị điều tra do liên quan đến hành vi "lại quả" hàng loạt các quan chức, cán bộ để bán kit test COVID-19 với giá cao, thu lợi hàng ngàn tỉ đồng.
Đà Nẵng: Án tham nhũng, chức vụ tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022 Số vụ án tham nhũng, chức vụ tại TP.Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 được phát hiện tăng cao so với cùng kỳ; so với cùng kỳ năm 2019 thì tăng đến 450%. Ngày 12.7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, UBND TP cho biết đã có báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng,...