Cứu doanh nghiệp, phá ‘băng’ bất động sản
Đó là những giải pháp trọng điểm 2014 được lãnh đạo bộ, ngành khẳng định tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ trong ngày 23.12.
Hội nghị trực tuyến diễn ra hôm qua 23.12 – Ảnh: Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: “So với tháng 12.2012, chỉ số CPI tháng 12.2013 tăng 6,04%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đạt mục tiêu đề ra là khoảng 8%, thấp hơn mức tăng giá cuối năm 2012 6,81%”. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay chỉ ước đạt 5,421%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5%. Ông Vinh đánh giá, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài thì đây là mức tăng hợp lý, thể hiện sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra ba khó khăn lớn của nền kinh tế: Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp (DN) còn gặp quá nhiều khó khăn; Thứ hai nợ xấu được kiềm chế, tốc độ tăng nợ giảm so với năm ngoái, nhưng tỷ lệ vẫn ở mức cao; Thứ ba nguy cơ mất cân đối ngân sách. Tuy vậy, một tín hiệu tích cực đến thời điểm hiện tại, báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy tình hình thu ngân sách đã khả quan hơn. “Đến hôm nay nhiều địa phương hoàn thành kế hoạch như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Trong đó, địa bàn trọng điểm Hà Nội, quý 4/2013 dự báo hụt vài chục nghìn tỉ đồng nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ”, ông Ninh nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, trong bối cảnh khó khăn còn tiếp tục kéo sang 2014, trước tiên chính sách cần ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giúp DN phục hồi nhanh hơn. Qua đó, đảm bảo được việc làm, tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, tăng tích lũy tái đầu tư. “Hiện nay, lãi suất đã giảm nhưng DN vẫn rất khó tiếp cận vốn. Đơn cử, như Quỹ hỗ trợ DN đứng ra bảo lãnh, nhưng ngân hàng vẫn đòi DN phải có cái gì để thế chấp, khác gì đi vay tại ngân hàng. Vì vậy, cần mở rộng tín dụng, nới lỏng tiền tệ hơn nữa, giảm thủ tục cho vay”, ông Thảo đề xuất. Đối với thị trường bất động sản, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị cần giải pháp mạnh hơn để phá băng: “Nên chăng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra gói riêng của mình, giải cứu nguồn vốn nhà đầu tư đang đọng ở đây, vì phần lớn tiền nợ thuộc lĩnh vực ngân hàng. Các DN cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường, phải kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, giảm giá các dự án, chứ như vừa qua không chịu giảm giá rất khó giảm hàng tồn kho”.
Video đang HOT
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBN TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết thời gian qua bằng nhiều giải pháp, thành phố hỗ trợ mạnh mẽ các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Ông mong muốn năm tới Chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đối tượng này.
Triệt phá tội phạm băng nhóm, có tổ chức Báo cáo về tình hình an ninh trật tự, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang “gói” trong một câu ngắn gọn: “Tội phạm trên nhiều lĩnh vực gia tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp”, với con số cụ thể là 59.111 vụ, tăng 0,53% so với 2012. Đáng chú ý, ngoài các vụ phạm pháp hình sự, án ma túy, cờ bạc… bị triệt phá, năm nay lực lượng công an phát hiện 435 vụ tham nhũng, nhiều hơn 104 vụ so 2012, kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm soát truy tố nhiều vụ án lớn. Ông Quang đặc biệt nhấn mạnh, điểm nổi bật của tội phạm trong 2013 là tính chất hoạt động có tổ chức, băng nhóm, thường sử dụng vũ khí nóng đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng, bến bãi, khai thác khoáng sản… “Trong 2014, lực lượng công an dồn trọng điểm vào đấu tranh tội phạm có tổ chức để phát hiện kịp thời, vô hiệu hóa, triệt phá triệt để băng nhóm”, ông Quang nói. Về tình hình khiếu kiện, ông Quang đề nghị: “Các cơ quan chức năng nên trả lời thẳng thắn, trả lời ngay đúng hay sai theo thẩm quyền của mình, tránh trả lời chung chung, trả đơn lòng vòng đi nhiều nơi gây tâm lý trông chờ, hi vọng, khó khăn trong giải quyết dứt điểm”.
Theo TNO
Dự án kém hiệu quả, 'tư lệnh' bị kỷ luật
Người đứng đầu các cấp có thẩm quyền, nếu phê duyệt chủ trương đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của nhà nước trong đầu tư công sẽ bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày dự luật Đầu tư công - Ảnh: Ngọc Thắng
Đó là quy định đáng chú ý của dự thảo luật Đầu tư công do Chính phủ trình Quốc hội (QH) ngày hôm qua (16.11).
Ai được phê duyệt ?
Theo dự thảo luật trình QH, đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (KT-XH) và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển KT-XH. Các nguồn vốn gồm: ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA...
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết dự thảo luật đã phân định được thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Theo đó, QH sẽ quyết định chủ trương đầu tư các chương trình và dự án quan trọng quốc gia. Tiếp đó, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư gồm: các dự án nhóm A; các chương trình đầu tư công khác sử dụng vốn ngân sách T.Ư, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; các chương trình sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Đối với các dự án sử dụng nguồn trên, nhưng thuộc nhóm B và C, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng, người đứng đầu của các tổ chức chính trị, nghề nghiệp quyết định chủ trương đầu tư.
Tại địa phương, hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp quyết định các dự án trọng điểm nhóm B của địa phương đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương. HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí chương trình, dự án trọng điểm của địa phương. Đối với chủ tịch UBND, được quyết định chủ trương đầu tư: các chương trình, dự án nhóm B, nhóm C khác đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND các cấp; các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại không thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Trách nhiệm người đứng đầu
Với việc phân cấp thẩm quyền, luật cũng quy định rõ trách nhiệm của từng cấp. Theo đó, về quyết định chủ trương đầu tư: Người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình, dự án và phải bị xử lý kỷ luật. Trường hợp quyết định trên do kết quả thẩm định chương trình, dự án không đúng thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia thẩm định phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do kết quả thẩm định của mình và phải bị xử lý kỷ luật.
Đối với người quyết định chương trình, dự án, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm các quy định về thẩm quyền trong quá trình lựa chọn chủ chương trình, chủ đầu tư; và chịu trách nhiệm liên đới trong việc triển khai dự án chậm tiến độ, không đúng với quyết định đầu tư, có sai phạm trong quá trình triển khai chương trình, dự án đầu tư công. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quyết định đầu tư chương trình, dự án.
Dự thảo luật cũng quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan T.Ư, chủ tịch UBND các cấp, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các hậu quả do không tổ chức thực hiện việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công hoặc không báo cáo theo quy định.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kiểm tra QH cơ bản nhất trí với quy định của dự án luật. Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.
Thông qua luật Việc làm và luật Thi đua, khen thưởng Sáng 16.11, với đa số đại biểu nhất trí, QH đã thông qua luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi, bổ sung). Luật sửa đổi 32 điều, có hiệu lực từ 1.6.2014, nhằm mục tiêu nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay sau đó, QH cũng thông qua luật Việc làm gồm 7 chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015 quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm...
Phê chuẩn thêm một Ủy viên Ủy ban thường vụ QH Sáng 16.11, với 414 phiếu đồng ý trong số 455 phiếu hợp lệ của các ĐB, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trở thành thành viên thứ 18 của Ủy ban Thường vụ QH. Ngoài ra, nhân sự đề cử cho 5 vị trí cấp phó chủ nhiệm các ủy ban của QH cũng được đa số các ĐB nhất trí. Theo đó, ông Nguyễn Lâm Thành trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Các ông Phạm Trí Thức, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Thuần Phong, Vũ Hải Hà lần lượt trở thành Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại.
Theo TNO
Chủ tịch Hà Nội: "Tôi không thấy dự án nhà ở nào giảm giá" "Tôi hơi thấy lạ là trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả"... "Các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường thì mới mong qua được giai đoạn khó khăn", Chủ tịch UBND thành phố Hà...