Cựu đô đốc Mỹ kêu gọi tăng cường sức mạnh hải quân
Hải quân Mỹ cần có 325 đến 350 tàu, tức tăng thêm 50-75 tàu so với mức hiện nay mới bảo đảm an ninh toàn cầu cũng như thương mại trên biển của Mỹ, đặc biệt khu vực Thái Bình Dương, báo Stars and Strapes dẫn lời cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Timothy Keating cho rằng Hải quân Mỹ cần phải đầu tư lực lượng nhiều hơn để đảm bảo an ninh – Ảnh: Hải quân Mỹ
“Khi Hải quân của chúng tôi teo lại một chút, sẽ có những thách thức ngày càng tăng đối với nguồn tài trợ để có thêm tàu nhằm chứng minh sự sẵn sàng, quan hệ đối tác, và sự hiện diện của chúng tôi đến tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”, báo Stars and Strapes dẫn lời Đô đốc về hưu Timothy J. Keating, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói tại một hội thảo của Liên đoàn tư vấn Hải quân Mỹ hôm 29.7.
Ông Keating, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương từ năm 2007 đến 2009, cho rằng Hải quân Mỹ cần khoảng 325 đến 350 tàu, tức tăng thêm 50 đến 70 tàu như hiện nay để bảo đảm an ninh cho Mỹ cũng như an ninh toàn cầu. Theo trang web của Hải quân Mỹ, nước này đang có 273 tàu chiến, Stars and Strapes cho hay.
Hải quân Mỹ là lực lượng “cảnh sát trên biển” có trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ các chuyến hàng thực phẩm, quần áo và thiết bị điện tử được chuyển tới Mỹ từ nước ngoài, theo trang tin Mỹ. Ngoài ra Hải quân nước này cũng bảo đảm cho hoạt động của các tuyến cáp quang biển, nơi 95% lưu lượng thông tin của thế giới được truyền đi.
Video đang HOT
“Nếu không có “lực lượng cảnh sát” ở đó, các chuyến hàng sẽ gặp rắc rối trên đường vận chuyển… Hải quân và Thủy quân lục chiến cùng Cảnh sát biển Mỹ phải có mặt để giúp ngăn chặn các mối đe dọa từ phía hải tặc”, bà Mackenzie Eaglen, nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (trụ sở tại thủ đô Washington) nói.
Bà Eaglen cũng nhận xét rằng lực lượng hải quân Mỹ hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, cụ thể là số lượng tàu sân bay cần thiết. Hiện Mỹ có 11 tàu sân bay so với thế giới chỉ có 4 chiếc, nhưng thực tế Mỹ chỉ có 9 chiếc đang hoạt động.
Về vấn đề an ninh, tranh chấp trong khu vực, ông Keating cho hay hiện hầu hết hàng hoá của thế giới được sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển qua Biển Đông, do vậy khu vực biển này ngày càng được Hải quân Mỹ quan tâm, nhất là khi Trung Quốc đang tiếp tục ra yêu sách chủ quyền với hầu hết các bãi đá trên vùng biển này cũng như xây các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa. “Tôi sẽ không ngần ngại bay qua các đảo này hoặc đi tàu tiếp cận thật gần chúng”, ông Keating nói.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Thái Lan cân nhắc mua 3 tàu ngầm, tăng cường sức mạnh hải quân
Thái Lan đang lên kế hoạch cải thiện sức mạnh cho lực lượng Hải quân Hoàng gia bằng việc mua 3 tàu ngầm trong những năm tới. Giới phân tích đánh giá, Bangkok có thể sẽ mua tàu của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Tàu ngầm lớp Bogo của Hàn Quốc. (Ảnh: US Navy)
Tuần trước, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã đệ trình chính thức đề nghị mua tàu ngầm lên chính phủ.
Ngoài ra, Hải quân Hoàng gia Thái Lan cũng thành lập một ủy ban cân nhắc kế hoạch mua sắm này, với người đứng đầu là trợ lý Tư lệnh Hải quân Thái Lan, Đô đốc Narongpol na Bangchang.
Tờ Bangkok Post dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết ủy ban trên có nhiệm vụ cân nhắc mẫu tàu ngầm của các nước và đưa ra quyết định trong vòng 3 tháng tới.
Hiện chưa có nhiều thông tin về việc Thái Lan sẽ mua tàu ngầm của nước nào. Song theo giới quan sát, có khả năng Hải quân Hoàng gia thái Lan sẽ cân nhắc mẫu tàu ngầm lớp Bogo của Hàn Quốc.
Ngoài ra, còn có tin cho rằng Bangkok cũng đang cân nhắc các mẫu tàu ngầm của Trung Quốc.
Cách đây không lâu, Tư lệnh Hải quân Thái Lan, Đô đốc Kraisorn Chansuvanich cho biết kể cả chính phủ Thái Lan chấp thuận việc mua tàu ngầm trong năm nay, hải quân nước này cũng sẽ cần thời gian từ một đến vài năm để đàm phán với các đối tác và tổ chức các lớp huấn luyện. Do đó, ông cho rằng cần phải mất 5 hoặc 6 năm để những mẫu tàu ngầm mới chính thức được đưa vào sử dụng.
Với tình hình hiện nay, Tư lệnh Kraisorn đã hối thúc chính phủ Thái Lan sớm thông qua kế hoạch trên. Ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của những mẫu tàu ngầm mới trong quá trình hiện đại hóa quân đội Thái Lan cũng như nâng cao khả năng phòng vệ của nước này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia láng giềng trong khu vực đã mua sắm thêm tàu ngầm trong những năm qua.
Giới quan sát đánh giá Hải quân Thái Lan thiếu phương án lựa chọn khi không có những tàu ngầm thế hệ mới, dù trước đây nước này từng hướng đến việc mua các mẫu tàu ngầm của Đức và Hàn Quốc.
Kể từ khi chính phủ mới được thành lập, Thái Lan chú trọng tới việc tập trung sức mạnh cho hải quân và một trong số kế hoạch được đưa ra là mua thêm tàu ngầm.
Ngọc Anh
Theo Dantri/ The Diplomat