Cựu đại tá biên phòng đề nghị làm rõ mình chuyển tiền hối lộ cho ’sếp’ nào
Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu cho sếp và nhiều đơn vị để bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh đề nghị chỉ rõ mình đã chuyển tiền cho sếp nào.
Không làm rõ thì “chắc chắn bỏ lọt tội phạm”
Chiều 28.12, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, các luật sư và bị cáo trình bày phần bào chữa trước tòa.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh tại tòa. Ảnh TRỌNG ĐỨC
Tự bào chữa, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) thừa nhận có nhận tiền của trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh), song cho rằng mình không phạm tội nhận hối lộ để thực hiện hành vi bảo kê cho hoạt động buôn lậu của ông Hữu.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh lập luận, nếu là hành vi bảo kê thì giữa mình và Phan Thanh Hữu phải có tin nhắn qua lại chi tiết về tên tàu, vị trí tàu… để có thể chuyển lại cho các đơn vị chức năng “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu của Hữu, song điều này hoàn toàn không có.
“Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư (Viện Kiểm sát – PV) nói bị cáo bảo kê nhưng không làm rõ bảo kê như thế nào. Nếu là bảo kê, anh Hữu phải nhắn tin cho bị cáo, bị cáo nhắn tin lại cho các đơn vị. Sau đó mà tàu vẫn bị bắt thì các đơn vị đó và bị cáo phải chịu trách nhiệm hàng hóa của Hữu. Đó mới là hành vi bảo kê”, cựu đại tá biên phòng nói.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh cũng phủ nhận cáo buộc từ 10.2019 – 2.2021, bị cáo nhận tiền từ Phan Thanh Hữu để bảo kê cho việc buôn lậu xăng dầu của Hữu sang Campuchia thông qua hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu thông qua cửa khẩu quốc tế thuộc tỉnh An Giang.
Theo cựu đại tá, hoạt động tạm nhập tái xuất với xăng dầu được quy định rất chặt chẽ, hơn nữa, tại An Giang không có cửa khẩu quốc tế nào đủ điều kiện để thực hiện hoạt động này cho một tàu có tải trọng tới 3.000 tấn mà Phan Thanh Hữu khai.
“Không có việc Hữu đưa tiền cho bị cáo trong giai đoạn này. Đề nghị tòa xem xét vì bị cáo đã hiểu việc đại diện Viện Kiểm sát hôm qua nói với bị cáo rằng phải “dám làm dám chịu”. Nếu xác định được việc này thì bị cáo sẵn sàng chịu hình phạt pháp luật bị cáo không có gì để kêu”, bị cáo Nguyễn Thế Anh nói trước tòa.
Video đang HOT
Về số tiền nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Thế Anh cũng nói việc Viện Kiểm sát cáo buộc mình nhận 60.000 USD và 950 triệu đồng từ 3.2020 – 8.2020 để đưa cho các đơn vị, thủ trưởng, trong đó tự bị cáo hưởng 30.000 USD là không đúng.
“Việc này hoàn toàn vô lý, hoàn toàn không có chuyện này. Đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ bị cáo đưa tiền cho ai, thủ trưởng là thủ trưởng nào để làm rõ cho bị cáo. Đưa cho các hải đội, hải đoàn là đưa cho ai, đưa cho chủ thể nào thì mới buộc tội cho bị cáo”, cựu đại tá tự bào chữa, và cho rằng, nếu không làm rõ được chủ thể nào nhận tiền thì “chắc chắn có việc bỏ lọt tội phạm”, còn mình thì mắc thêm tội chiếm đoạt số tiền này.
Chi tiền hối lộ cho “sếp” và nhiều đơn vị
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, án sơ thẩm kết luận số tiền bị cáo đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu thông qua Nguyễn Văn An từ tháng 10.2019 đến tháng 1.2021 với tổng số tiền 6,2 tỉ đồng và 560.000 USD.
Cụ thể, từ tháng 10.2019 đến 2.2020, bị cáo Nguyễn Văn An (trú TP.HCM, em họ của Nguyễn Thế Anh) thay mặt Nguyễn Thế Anh nhận mỗi tháng 30.000 USD và 100 triệu đồng.
Từ tháng 3.2020 đến tháng 8.2020, mỗi tháng nhận 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 9.2020 đến tháng 1.2021 (thời điểm Phan Thanh Hữu bị bắt), mỗi tháng nhận 10.000 USD.
Đại diện Viện Kiểm sát cho hay, theo lời khai của bị cáo Nguyễn Văn An, từ tháng 9.2020, An điện thoại cho ông Hữu để lấy tiền như trước thì được trả lời Nguyễn Thế Anh đã chuyển làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang nên không chi tiền nữa.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh gọi điện cho ông Hữu dọa “anh muốn gì”, nên Hữu buộc phải tiếp tục chi cho Nguyễn Thế Anh mỗi tháng 10.000 USD cho tới khi bị bắt.
Theo lời khai của Phan Thanh Hữu, số tiền Hữu phải đưa cho Nguyễn Thế Anh nhiều như vậy là theo yêu cầu của Nguyễn Thế Anh. Số tiền này được Nguyễn Thế Anh nói để chi cho cấp trên và các lực lượng khác. Do vậy, Hữu nhất trí phải chi số tiền này.
“Trong đó, phần của Thế Anh là 30.000 USD; sếp của Thế Anh là 30.000 USD; Hải đoàn Biên phòng 18 là 300.000 USD; Đoàn đặc nhiệm số 3 là 350 triệu đồng, Hải đoàn Biên phòng Vũng Tàu là 100.000 USD, Hải đoàn 28 là 200.000 USD”, đại diện Viện Kiểm sát công bố.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh bị cáo buộc lợi dụng chức vụ được giao, nhận hối lộ trong thời gian dài để bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) – người vừa bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án 16 năm tù.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi 7.2022, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị tuyên phạt chung thân tội nhận hối lộ và 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, tổng hình phạt là tù chung thân.
Trần tình về thành tích chiến đấu, cựu đại tá biên phòng xin giảm án trước tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay 28-12, các bị cáo trình bày, làm rõ những tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá biên phòng, kể ra nhiều thành tích trong chiến đấu, trong đó có thương tật 49% vẫn đau lúc 'trái gió trở trời'.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá biên phòng, tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: ĐỨC TRỌNG
Sáng 28-12 tại Hà Nội, Tòa án Quân sự trung ương tiếp tục xét xử phúc thẩm hai cựu thiếu tướng tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, 4 cùng bảy bị cáo khác trong vụ nhận hối lộ, bảo kê "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu.
Trần tình về các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) nêu các thành tích trong chiến đấu, trong công tác. Trong đó, ông nhắc đến sự kiện 14-3-1988, lúc đó ông cùng tập thể tàu HQ-931 được lệnh có mặt tại nơi xảy ra chiến sự để làm nhiệm vụ.
Ông cũng nêu về các lý do sức khỏe, trong đó trước phiên tòa sơ thẩm đã bị nằm liệt giường ba tháng nên đến khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, sức khỏe của ông yếu, nhận thức giảm. Hiện nay, sức khỏe đã được cải thiện nhờ tập thể dục.
Ở phiên phúc thẩm chiều qua 27-12, hội đồng xét xử công bố bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) được thống kê có rất nhiều bằng khen, khen thưởng với mức độ khác nhau, lên đến 29 lần khen thưởng.
Tại phiên tòa sáng nay, trần tình về các thành tích trong chiến đấu, công tác, cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh nhắc đến vụ chủ trì chuyên án, triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia do cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu, lần đầu tiên khám phá ma túy đá được cất giấu trong các khối đá granite trong xe container.
Cùng với đó là rất nhiều bằng khen gồm: ba huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng nhất, nhì, ba; huy chương Quân kỳ quyết thắng; bằng khen của Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia về công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; hai lần có tám năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hai lần là chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.
"Hôm qua khi nhắc đến các thành tích của bị cáo, cũng như được người thân gửi đơn đến tòa xin giảm nhẹ cho bị cáo, bị cáo rất xúc động. Trước tình cảm này, bị cáo xem xét hành vi của mình, khai báo làm sao khách quan, đúng sự thật để giải quyết vụ án đúng, cũng có lợi cho mình" - hội đồng xét xử nói về trường hợp bị cáo Thế Anh.
Sau khi lắng nghe hội đồng xét xử, bị cáo Thế Anh xúc động nói bản thân bị thương tật 49% trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đến nay chưa làm chứng nhận thương tật.
"Vừa rồi nếu không bị bắt, bị cáo đã thực hiện việc này rồi. Đến nay 49% thương tật, lúc trái gió trở trời bị cáo vẫn bị đau, hiện nay một bên tai bị cáo không nghe được, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét" - ông xúc động nói trước tòa.
Hội đồng xét xử ghi nhận sự chuyển biến của cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh trong phiên tòa hôm qua, từ kháng cáo kêu oan đến khai báo nhận tội hối lộ. Nhưng với tội thứ hai về tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép thì cần đánh giá đúng hành vi.
"Những gì bị cáo làm, bị cáo xin nhận rồi. Nhưng việc đó bị cáo không làm, bị cáo xin trình bày như vậy, đúng sự thật như vậy, bị cáo không có nói với Nguyễn Văn An đi Lào hoặc cho tiền Nguyễn Văn An" - ông Thế Anh nói.
Để làm rõ thêm tình tiết này, luật sư hỏi Nguyễn Thế Anh về nhận định trong bản án sơ thẩm về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép có nêu: Ngày 20-3-2021, ông có đáp một chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc để thực hiện việc đó, ông cho hội đồng xét xử được biết, ngày 20-3-2021 có bay chuyến bay từ Hà Nội vào Phú Quốc hay không?
Ông Thế Anh trả lời trong ngày 20-3-2021 không có bay chuyến bay nào từ Hà Nội vào Phú Quốc.
Trước đó, ngày 15-7-2022, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh tù chung thân về tội nhận hối lộ, 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.
Tám bị cáo còn lại đều bị kết án về tội nhận hối lộ gồm cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Nguyễn Văn An cùng bị phạt 15 năm tù; bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) lãnh 12 năm tù; Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù; Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù; Phạm Văn Trên 10 năm tù; Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.
Đối với Phan Thanh Hữu, ngày 8-12, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt 16 năm tù về tội buôn lậu.
Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo khác. Trong đó, đến phần xét hỏi của bị cáo Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng), hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ thêm các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị bị cáo cung cấp các căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, bị cáo Lâm không cung cấp được căn cứ ngay tại tòa.
Đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để yêu cầu xác minh, làm rõ bảo đảm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lâm. Hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét vấn đề này.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2019 "ông trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu cùng cựu đại tá Phùng Danh Thoại và một số người góp gần 54 tỉ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Phan Thanh Hữu biết ông Lê Văn Minh là tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng.
Sau đó, ông Lê Văn Minh trực tiếp nhận và thông qua vợ, con để nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồng nhằm tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.
Đầu năm 2020, Hữu thông qua ông Minh để làm quen với cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh. Được ông Thanh đồng ý, từ tháng 3-2020 đến tháng 1-2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỉ đồng cho con trai là Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Xuân (vợ ông Thanh).
Cựu đại tá biên phòng nói trùm buôn lậu 'tự nguyện đưa tiền chứ không đòi' Cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh khai đã nhận tiền hối lộ để bảo kê đường dây buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu, song nói rằng ít hơn nhiều so với cáo buộc và do ông Hữu tự đưa chứ không đòi. Chiều 27.12, Tòa án Quân sự T.Ư tiếp tục phiên phúc thẩm vụ án nhận hối lộ,...