Cựu đại tá bảo kê xăng lậu: “Nếu nhận hối lộ cứ bắn tôi đi”
Luật sư bào chữa cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh bị cáo buộc nhận hối lộ bảo kê buôn lậu xăng, cho biết Nguyễn Thế Anh nhiều lần nói: “Nếu tôi nhận hối lộ cứ bắn tôi đi”.
bị cáo Nguyễn Thế Anh tại tòa ngày 15.7
Ngày 14.7, phiên tòa sơ thẩm, xét xử 14 bị cáo trong vụ nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, biên phòng tiếp tục phần tranh tụng.
“Bị tạt a xít vì chống tội phạm”
Nêu lý lẽ gỡ tội cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (49 tuổi, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang), luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong giai đoạn từ tháng 10.2019 – 1.2021, các vị trí, chức vụ của Nguyễn Thế Anh không có chức năng, nhiệm vụ chống tội phạm, không liên quan hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) như cáo trạng của viện kiểm sát Quân sự T.Ư quy kết.
Luật sư này dẫn chứng cả 3 vị trí công việc của bị cáo Nguyễn Thế Anh là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được biệt phái sang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (10.2019 – 3.2020); Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (3 – 8.2020) và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang (8.2020 – 1.2021) đều là các vị trí quản lý với nhiệm vụ được giao là nắm bắt thông tin, giúp việc, đề xuất văn bản hoạt động cho các cơ quan này.
Do đó, luật sư cho rằng, cáo trạng cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh có chức vụ trong phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm buôn lậu nhưng không thực hiện, để cho Phan Thanh Hữu thực hiện hành vi buôn lậu, là không có căn cứ.
“Suốt thời gian nói trên, bị cáo Nguyễn Thế Anh đã khẳng định tại tòa không vi phạm kỷ luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Ngược lại, Nguyễn Thế Anh có nhiều thành tích trong phòng chống tội phạm, thậm chí bị tạt a xít trả thù vì chống tội phạm cương trực quá”, luật sư nói.
Về hành vi nhận tiền hối lộ để bảo kê hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu, theo luật sư, do không có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới hoạt động này, nên không thể cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh tội “nhận hối lộ” vì Nguyễn Thế Anh không làm theo yêu cầu nào của Phan Thanh Hữu.
Theo luật sư, nếu như cựu đại tá Nguyễn Thế Anh có nhận tiền từ Phan Thanh Hữu thì chỉ có thể cáo buộc bị cáo này lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ hoặc nhận quà trái quy định chứ không phải hối lộ.
Cơ quan điều tra ép phải khai nhận?
Trong khi đó, theo luật sư, cáo buộc của viện kiểm sát Quân sự T.Ư và đại diện viện kiểm sát tại tòa đối với hành vi nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Thế Anh từ Phan Thanh Hữu chỉ thông qua lời khai của Hữu và Nguyễn Văn An (33 tuổi, trú TP.HCM, em họ Nguyễn Thế Anh) chứ không có bất cứ chứng cứ khách quan nào.
Từ đó, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra làm rõ Phan Thanh Hữu có đưa tiền cho cho bị cáo Nguyễn Văn An hay không? Nếu có đưa thì đưa bao nhiêu và mục đích gì? Nguyễn Văn An có đưa tiền lại cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh hay không?
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, bị cáo Nguyễn Thế Anh có khi nào thỏa thuận với Phan Thanh Hữu hay không?
Theo luật sư Cường, đây đều là mấu chốt để buộc tội cựu đại tá Nguyễn Thế Anh.
Video đang HOT
“Trong các lần làm việc với luật sư, ông Nguyễn Thế Anh đều khẳng định mình không nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. bị cáo nhiều lần nói: nếu tôi làm thế cứ bắn tôi đi. Xin thưa với tòa như vậy”, luật sư Cường nói.
Cáo trạng cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh đã nhận tổng cộng 6,2 tỉ đồng và 56.000 USD từ “trùm” xăng lậu Phan Thanh Hữu để giúp Hữu buôn lậu xăng. Trong các lần nhận tiền theo tháng, bị cáo Nguyễn Thế Anh không ra mặt, mà nhờ em họ là Nguyễn Văn An nhận thay.
Khi Hữu bị bắt, bị cáo Nguyễn Thế Anh đã đưa cho An 50 triệu đồng để tổ chức cho An vượt biên sang Lào bỏ trốn, nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh kêu oan, khai rằng không quen Hữu và không nhận hối lộ từ Hữu và bị cơ quan điều tra ép phải khai nhận.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố khẳng định tài liệu vụ án và lời khai của Hữu và Nguyễn Văn An đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Thế Anh đã phạm tội “nhận hối lộ” và “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Từ đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thế Anh mức án chung thân về tội “nhận hối lộ”, từ 1 – 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, tổng hình phạt là chung thân.
Hai cựu Thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển bị đề nghị 15-17 năm tù
Hai cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh bị VKS Quân sự Trung ương đề nghị mức án 15-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Sáng 14/7, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm" tiếp tục phần thẩm vấn.
Đây là vụ án có liên quan đến đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh - cầm đầu.
Sau khoảng một tiếng thẩm vấn, trước khi chuyển sang phần tranh tụng, đại diện VKS Quân sự Trung ương đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo.
Quang cảnh phiên tòa sáng 14/7. (Ảnh: Đình Hiếu).
Theo đó, cựu Đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thông qua công việc đã quen biết và đã góp vốn 5 tỷ đồng để cùng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ở TPHCM), Phạm Hùng Cường (56 tuổi, ở TP Hải Phòng) và Trọng "dầu" (chưa rõ nhân thân lai lịch) tổ chức buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, giá trị gần 2.800 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động buôn lậu từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, Phùng Danh Thoại đã thu lợi tổng số tiền là 22,3 tỷ đồng.
Đại diện VKS Quân sự Trung ương đọc bản luận tội. (Ảnh: Đình Hiếu).
VKS nhấn mạnh, hành vi trên của Phùng Danh Thoại đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điểm a, b khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với các đối tượng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, điều tra, chuyển VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố đối với các bị can Hữu, Viễn, Cường. Phùng Danh Thoại là quân nhân phạm tội nên thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng trong quân đội.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu Đại tá, cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cựu Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, bị xét xử với 2 tội danh "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
VKS cáo buộc, với chức vụ trên, Nguyễn Thế Anh đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng.
"Vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Nguyễn Thế Anh đã đồng ý bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu và đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020 với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD", đại diện VKS trình bày trong bản luận tội.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh. (Ảnh: Thông tấn quân sự).
Sau khi hành vi buôn lậu của Phan Thanh Hữu và các đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, bắt giữ. Để che giấu hành vi nhận hối lộ của mình, Nguyễn Thế Anh hướng dẫn, đưa tiền cho Nguyễn Văn An (em họ của An) đi trốn và thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn sang Lào trái phép, đủ yếu tố cấu thành tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Hành vi lợi dụng vị trí, chức vụ công tác của mình hứa hẹn, giúp đỡ, nhận tiền từ Phan Thanh Hữu của Nguyễn Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An đã cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong vụ án của mình.
Đề nghị mức án với 2 cựu Thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển
Bị cáo Lê Văn Minh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4, có nhiệm vụ quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi pháp luật trên biển từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.
Bị cáo Lê Văn Minh. (Ảnh: Đình Hiếu).
Vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2021, Lê Văn Minh đã trực tiếp nhận và thông qua vợ, con nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.
Hành vi của Lê Văn Minh đã đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bị cáo Lê Xuân Thanh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4, có chức năng quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc của Định An tỉnh Trà Vinh; có chức năng bảo đảm trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi pháp luật trên biển.
Bị cáo Lê Xuân Thanh (áo tối màu, hàng sau). (Ảnh: Thông tấn quân sự).
Tuy nhiên, khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, Lê Xuân Thanh biết Hữu có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng qua các vùng biển nhưng vì động cơ vụ lợi đã đồng ý giúp đỡ Hữu và để vợ nhận của Phan Thanh Hữu số tiền 1,8 tỷ đồng, tạo điều kiện cho Hữu thực hiện việc vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng không bị bắt giữ, xử lý.
Hành vi của Lê Xuân Thanh đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự.
Các bị cáo ngồi nghe đại diện VKS đọc bản luận tội sáng 14/7. (Ảnh: Đình Hiếu).
Đại diện VKS đánh giá, đây là vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm", xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021 tại một số đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
VKS quân sự Trung ương khẳng định, 14 bị cáo bị truy tố như cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phùng Danh Thoại phạm tội "Buôn lậu", phạt tù 7-9 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Thế Anh chung thân về tội "Nhận hối lộ", 1-2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"; tổng hình phạt là chung thân.
Bị cáo Lê Văn Minh 15-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt;
Bị cáo Lê Văn Thanh 15 tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ từ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Cựu đại tá biên phòng: Không quen, không nhận tiền; 'trùm' buôn lậu xăng: Quen từ lâu, có hối lộ Bị cáo Thế Anh cho rằng không tự nguyện viết tâm thư khai báo tại giai đoạn điều tra và bị "ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm". Đại diện VKS sau đó đã yêu cầu "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu đối chất. Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh tại phiên tòa ngày 12-7 - Ảnh:...