Cựu đại sứ Pháp kể bí mật Hà Nội bằng phim
Cựu đại sứ Jean Noel Poirier sẽ hé lộ những “bí mật” của Hà Nội qua thước phim tài liệu ông dành tặng riêng Việt Nam.
Cựu đại sứ Pháp Jean Noel Poirier (phải) và nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo trong buổi trò chuyện. Ảnh: Trọng Giáp.
Tại Ngôi nhà Di sản trên phố Hàng Đào, khi xưa là đình Đồng Lạc, khoảng 40 khán giả từ trẻ đến già chiều qua đổ dồn sự chú ý vào hai khách mời, một Việt, một Pháp. Những câu chuyện về lịch sử, kiến trúc, con người Hà Nội dần dần được hai khách mời mở ra.
Ông Nguyễn Hữu Bảo, tác giả ký sự ảnh “Hà Nội dấu yêu”, chia sẻ hơn 20 tấm ảnh đẹp về thủ đô trong tiếng nhạc không lời của bài “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Nhiếp ảnh gia đã cần mẫn chụp từng khoảnh khắc của thành phố suốt hơn 40 năm qua. Còn ông Jean Noel Poirier, đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2016, trình chiếu trailer bộ phim tài liệu ông mới phát hành, với tựa đề: “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi).
“Nhiều đại sứ, sau khi hết nhiệm kỳ, hay viết một quyển sách về kỷ niệm của họ. Thực tế là tôi quá lười viết sách, nên tôi quyết định quay một bộ phim”, ông Poirier nói về tác phẩm hợp tác cùng anh trai, nhà làm phim Henri Louis Poirier.
Đoạn trailer chưa đầy hai phút khiến một số khán giả ngỡ ngàng khi vắng bóng những công trình kiến trúc đặc trưng của Pháp như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên hay Nhà thờ Đức Bà. Hà Nội trong phim ông hiện lên mộc mạc và chân thật, với hình ảnh về người dân lao động, đường phố, chợ, các khu tập thể cũ sơn vôi ve.
Một người thợ điềm tĩnh cắt tóc gần đường ray khi tàu hỏa đang tới, một tài xế xe ôm nằm nghiêng mình trên xe máy đỗ vỉa hè, một cụ già tóc bạc kéo đàn vĩ cầm trong căn phòng nhỏ, người phụ nữ đội nón, đạp xe chở đầy chổi lông gà, chổi chít hay bé gái đôi mắt tròn xoe ngồi chơi trên xích đu.
Video đang HOT
Poirier cho rằng mục đích bộ phim không phải dành cho người nước ngoài khám phá Hà Nội. Khi thực hiện, cựu đại sứ trước hết muốn giới thiệu với người Hà Nội hình ảnh thành phố qua góc nhìn của chính ông. “Tôi cố gắng nắm bắt linh hồn của Hà Nội. Có lẽ tôi thấy một số nét đẹp, một số bí mật của Hà Nội mà người Hà Nội lại không lưu ý đến, không thấy là điều thú vị”, ông nói.
Ông Poirier tại hành lang một nhà tập thể cũ trong phim. Ảnh chụp màn hình: Nhân vật cung cấp.
Bộ phim ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của ông về kiến trúc, ẩm thực Hà Nội, nhưng điều ông muốn nhấn mạnh nhất chính là con người, một “bí quyết rất duyên” của thủ đô. Theo ông, linh hồn của Hà Nội không phải do các chuyên gia đô thị, hay kiến trúc sư tạo nên, mà chính là nhờ người dân nơi đây.
Mỗi khi đi dạo, lái xe máy hoặc đạp xe trong thành phố, ông luôn thấy rất vui, tưởng chừng như đang xem kịch vì những chi tiết đời sống hiện hữu khắp nơi. “Người dân Hà Nội có cách sống trong thành phố rất riêng. Họ sống trên vỉa hè, ăn cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm ăn trên vỉa hè. Cho một người du lịch đi loanh quanh thành phố, nhìn thấy người dân trên vỉa hè có thể hiểu nhiều về tính cách, tập quán, thói quen của người Việt Nam”, ông nhận định.
Với những “chuồng cọp” cơi nới thường bị coi là xộc xệch, nhếch nhác tại các khu tập thể ở Thành Công, Giảng Võ quanh Núi Trúc, ông Poirier lại cho rằng đó là hình ảnh đặc trưng. “Tôi nghĩ khi những kiến trúc sư Liên Xô quay trở lại khu tập thể, có lẽ họ sẽ cảm giác đây là Sao Hỏa, không thể nhận ra kiến trúc như ý định xây dựng ban đầu họ đem đến khu này”.
Dù hiểu những khu tập thể này sẽ dần biến mất trong quy hoạch đô thị hiện tại, ông vẫn cho rằng có thể sẽ rất đáng giá và thú vị khi giữ lại một vài khu tập thể như minh chứng sống của lịch sử Hà Nội.
Bộ phim dự kiến được đài truyền hình Việt Nam phát sóng vào ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Còn hôm nay, ông sẽ bay về Campuchia, nơi vợ ông đang giữ trọng trách đại sứ Pháp. Trước khi được bổ nhiệm làm tân đại sứ tại đất nước láng giềng của Việt Nam, bà Eva Nguyễn Bình, một người gốc Việt, đã làm tham tán hợp tác và văn hoá tại đại sứ quán Pháp ở Việt Nam.
Hết nhiệm kỳ đại sứ, ông Poirier hiện là tổng giám đốc một công ty tư vấn về chiến lược cho các công ty Việt Nam và nước ngoài, đồng thời làm việc cho một quỹ đầu tư ở Singapore. Hồi tháng 5, ông được chính phủ Việt Nam trao Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho quan hệ hai nước.
Ngồi cạnh nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, con trai chủ Hiệu tơ lụa “Tam Kỳ” lừng danh thời Pháp thuộc ở số 48 Hàng Đào, cựu đại sứ Pháp tự nhận mình là “người Hà Nội mới”. Cuối buổi ra về, ông đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, đạp ga chiếc xe scooter Italy màu bạc, rồi hoà lẫn vào dòng xe tấp nập.
Ông Poirier và anh trai trong quá trình làm phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trọng Giáp
Theo VNE
Trung Quốc phản bác chỉ trích về cái chết của Lưu Hiểu Ba
Trung Quốc cho rằng cái chết của Lưu Hiểu Ba là vấn đề nội bộ nước này, bác bỏ mọi chỉ trích từ bên ngoài về vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: CRI.
"Trung Quốc là một quốc gia thượng tôn pháp luật. Giải quyết vụ Lưu Hiểu Ba là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Các quốc gia bên ngoài không ở đúng vị trí, có những bình luận không phù hợp", Xinhua dẫn lời Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay nói.
Theo các bác sĩ, Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, qua đời lúc 17h35 ngày 13/7 vì suy đa tạng và mọi nỗ lực cứu chữa đều không thành. Lưu được Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nỗ lực đấu tranh vì "một Trung Quốc cởi mở và dân chủ hơn" trong hơn hai thập kỷ. Ông lĩnh án 11 năm tù vào năm 2009.
Trung Quốc sau đó bị nhiều quốc gia chỉ trích vì từ chối để Lưu ra nước ngoài chữa trị.
"Chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về cái chết của Lưu", Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Hội đồng Nobel, cho biết trong một thông báo. Reiss-Andersen cho rằng Bắc Kinh nên chuyển Lưu đến một cơ sở có đủ khả năng chữa trị trước khi bệnh quá nặng.
"Lưu Hiểu Ba nên được cho tự chọn nơi chữa trị ở nước ngoài", theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Đức, Pháp, Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc đều gửi lời chia buồn và gọi Lưu là một "chiến binh vì tự do".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tránh đề cập đến Lưu khi hai người có cuộc họp báo chung ở Paris. Nhà Trắng phát thông cáo cho biết ông Trump "đau buồn sâu sắc" khi biết tin Lưu qua đời. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn kêu gọi chấm dứt quản thúc tại gia với vợ ông Lưu.
Như Tâm
Theo VNE
Gần 4.000 quân sẽ duyệt binh kỷ niệm quốc khánh Pháp Gần 4.000 binh sĩ cùng nhiều máy bay, xe tăng và thiết bị quân sự sẽ tham gia duyệt binh mừng quốc khánh Pháp trên đại độ Champs-Elysées. Xe quân sự Pháp trên đại lộ Champs-Elysées trong lễ duyệt binh năm 2013. Ảnh: AFP. Trưa ngày 14/7 Pháp sẽ tổ chức duyệt binh quy mô tại đại độ Champs-Elysées, Paris nhân kỷ niệm...