Cựu cầu thủ SLNA Phạm Hải Nam: Hậu vệ cánh phải xuất sắc một thời
Theo đánh giá của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, Phạm Hải Nam là một trong những hậu vệ cánh phải xuất sắc nhất mà ông từng được dẫn dắt.
Bên cạnh nền tảng thể lực sung mãn, cựu cầu thủ SLNA còn thi đấu rất nhiệt tình, máu lửa và lên công về thủ nhịp nhàng như một cỗ máy.
Khởi đầu như mơ
Phạm Hải Nam sinh năm 1982 tại xã Mậu Đức thuộc huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Lên 6 tuổi, gia đình Phạm Hải Nam chuyển xuống Vinh định cư. Nhờ vậy mà Phạm Hải Nam mới có cơ hội trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Đó chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cựu tuyển thủ U23 Việt Nam.
Nói như thế không có nghĩa, con đường đến với “môn thể thao vua” của Phạm Hải Nam chỉ toàn là thuận lợi, may mắn. Phải gần 10 năm sau, kể từ khi cùng gia đình xuống sinh sống ở thành phố Vinh, Phạm Hải Nam mới xin vào tập tại lò đào tạo SLNA, theo diện dự thính (không phải học viên chính thức).
Tuy nhiên, trước thềm VCK U16 Quốc gia 1998 (nay là VCK U15 Quốc gia), được tổ chức trên sân Vinh, do thành phần tham dự của đội U16 SLNA bị khuyết ở vị trí hậu vệ cánh phải, nên Ban huấn luyện đành phải đăng ký Phạm Hải Nam vào danh sách của đội bóng. Thật bất ngờ là Phạm Hải Nam lại thi đấu rất xuất sắc, góp phần giúp U15 SLNA giành được chức vô địch.
Phạm Hải Nam trong màu áo SLNA. Ảnh: FBNV
Bắt đầu từ thời điểm đó trở đi, Phạm Hải Nam trở thành đồng đội của Nguyễn Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn, Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Công Mạnh, Lê Quốc Vượng… ở các đội trẻ của SLNA. Nhờ tài năng và những nỗ lực không biết mệt mỏi, Phạm Hải Nam đã bắt kịp các đồng đội cùng trang lứa, thậm chí là còn nhỉnh hơn một số người.
Phần thưởng cho Phạm Hải Nam là một vị trí chính thức trong đội hình U18 SLNA chinh chiến tại VCK U18 Quốc gia 1999 (nay là VCK U19 Quốc gia). Tại giải đấu diễn ra trên sân Hà Tĩnh và sân Vinh, Phạm Hải Nam tiếp tục thi đấu ấn tượng và góp công không nhỏ vào thành tích vô địch của đội nhà. Vị trí hậu vệ cánh phải tại các đội trẻ của SLNA, từ U19 đến U21, đều do Phạm Hải Nam đảm nhiệm.
Đúng 1 năm sau, tại VCK U21 Quốc gia 2000, Phạm Hải Nam lại được HLV Hoàng Đăng Hồng trọng dụng. Không có gì bất ngờ, khi Phạm Hải Nam là một trong những gương mặt thi đấu xuất sắc nhất của U21 SLNA, đội bóng đã giành được chức vô địch một cách đầy thuyết phục. Trong trận chung kết, đội bóng trẻ đến từ xứ Nghệ đã lội ngược dòng thành công để vượt qua U21 Long An với tỉ số 3 – 2 (bị dẫn trước 0 – 2).
Video đang HOT
Phạm Hải Nam trong màu áo Hòa Phát Hà Nội. Ảnh: FBNV
Trước khi từ giã màu áo các đội trẻ của SLNA, Phạm Hải Nam cũng kịp giành thêm một chức vô địch nữa. Tại VCK U 21 Quốc gia 2001, diễn ra trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), Phạm Hải Nam đã cùng các đồng đội bảo vệ thành công chức vô địch, với thắng lợi 1 – 0 trước U21 Đà Nẵng. Lần này, “thuyền trưởng” của U21 SLNA là cựu danh thủ Hà Thìn, người gắn bó với đội bóng xứ Nghệ suốt 47 năm trên những cương vị khác nhau.
Kết thúc bất ngờ
Mặc dù chưa được đôn lên thi đấu ở đội 1 SLNA, nhưng cuối năm 2002, Phạm Hải Nam vẫn được cựu HLV Nguyễn Thành Vinh (khi đó đang là quyền HLV trưởng) triệu tập vào thành phần dự tuyển U23 Việt Nam, chuẩn bị cho SEA Games 22. Điều khá bất ngờ là tại mùa giải 2003, Phạm Hải Nam lại không được SLNA đăng ký vào danh sách thi đấu và phải xách hành lý vào khoác áo Đà Nẵng, theo hình thức cho mượn.
Với những màn trình diễn xuất sắc tại sân Chi Lăng, Phạm Hải Nam đã được cựu HLV Alfred Riedl triệu tập vào thành phần U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22, giải đấu mà Việt Nam là Quốc gia đăng cai. Đáng tiếc, Phạm Hải Nam chỉ là phương án dự phòng cho người đàn anh Nguyễn Minh Phương ở vị trí hậu vệ cánh phải, bất chấp tại Giải LG Cup 2003, Phạm Hải Nam mới là sự lựa chọn số 1 của vị chiến lược gia người Áo.
Trở về từ SEA Games 22, ngay lập tức, Phạm Hải Nam được SLNA đôn lên đội 1 thi đấu ở mùa giải 2004, bên cạnh những Dương Hồng Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hồ Thanh Thưởng, Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Tân Thịnh, Phan Như Thuật, Phạm Văn Quyến… Và đương nhiên, vị trí hậu vệ cánh phải của đội chủ sân Vinh được giao cho Phạm Hải Nam nắm giữ. Một quyết định không lấy gì làm bất ngờ của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh.
Phạm Hải Nam đang phụ trách đào tạo trẻ tại CLB Hà Nội. Ảnh: FBNV
Sau 3 mùa giải thi đấu cho đội bóng quê hương (2004 – 2006), dưới thời cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, cựu HLV Nguyễn Văn Thịnh, cựu HLV Hà Thìn và HLV Nguyễn Quang Hải, hậu vệ cánh phải sinh năm 1982 đã quyết định rời sân Vinh để gia nhập Hòa Phát Hà Nội, đội bóng vừa giành quyền lên chơi tại đấu trường V.League. Thêm một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp cầu thủ của Phạm Hải Nam.
Mùa giải đầu tiên tại sân Hàng Đẫy trôi qua chưa được bao lâu, cựu cầu thủ SLNA đã gặp phải chấn thương rất nặng (thoát vị đĩa đệm). Sau chuyến đi Singapore “tiền mất mà tật vẫn mang”, Phạm Hải Nam được Hòa Phát Hà Nội đưa vào Đà Nẵng chữa trị. Những tưởng, với chấn thương cột sống nghiêm trọng đó, Phạm Hải Nam sẽ phải chia tay sân cỏ ở tuổi 26. Rất may là quá trình điều trị đã thu được kết quả khá tốt, một thời gian sau Phạm Hải Nam đã tái xuất trong màu áo đội bóng thủ đô, nhưng phong độ đã không còn được như trước.
Kết thúc mùa giải 2011, Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải thể, Phạm Hải Nam đã chuyển sang khoác áo CLB BĐ Hà Nội (đội bóng tiếp quản đa số nhân sự của Hòa Phát Hà Nội). Dẫu vậy, Phạm Hải Nam cũng chỉ gắn bó với CLB BĐ Hà Nội đến hết mùa giải 2012, rồi chính thức giã từ sân cỏ. Có thể khẳng định, chấn thương đã khiến Phạm Hải Nam không còn là chính mình ở giai đoạn chín muồi của sự nghiệp cầu thủ. Nếu không gặp phải chấn thương cột sống, nhiều khả năng, Phạm Hải Nam sẽ còn chơi bóng đỉnh cao thêm nhiều năm nữa.
Thời gian qua, Phạm Hải Nam làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ T&T – VSH (cơ sở 2 của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ T&T Hà Nội đặt tại thị xã Cửa Lò). Lúc này, Phạm Hải Nam đang có mặt tại thủ đô để dẫn dắt U15 Hà Nội, chuẩn bị tham dự VCK U15 Quốc gia 2020./.
Điểm danh 4 HLV của bóng đá xứ Nghệ đã và đang trên tuyển
Trong địa hạt bóng đá Việt Nam, xứ Nghệ không chỉ là cái nôi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng, mà còn là nơi cung cấp không ít HLV cho các đội tuyển Quốc gia. Sau đây là 4 gương mặt đáng chú ý nhất.
1. Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh
Cuối năm 2002, ông Vinh "Nghệ" được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bổ nhiệm vào vị trí quyền HLV trưởng U23 Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, bộ khung của U23 dần được hình thành với hàng loạt gương mặt chất lượng như Nguyễn Thế Anh, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Văn Tài Em...
HLV Nguyễn Thành Vinh thời còn dẫn dắt đội tuyển. Ảnh tư liệu
Sau những chuyến tập huấn tại Italia và Áo, U23 Việt Nam được trao cho cựu HLV Alfred Riedl tiếp quản, còn cựu HLV Nguyễn Thành Vinh lui xuống đảm nhiệm chức vụ trợ lý. Chiến thắng 1 - 0 trước Đội tuyển Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup 2004 (diễn ra vào ngày 19/10/2003) và thành tích giành chiếc Huy chương Bạc tại SEA Games 22 của thầy trò HLV Alfred Riedl, có công rất lớn của ông Vinh "Nghệ".
Ở cấp độ Đội tuyển Việt Nam, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh chỉ giữ vai trò quyền HLV trưởng trong vòng 2 tháng (từ tháng 1 - tháng 3/2004), trước khi trao lại cho cựu HLV Tavares. Trận đấu duy nhất của Đội tuyển Việt Nam dưới sự chỉ đạo của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh là chiến thắng với tỉ số 4 - 0 trước Đội tuyển Maldives tại vòng loại World Cup 2006 (18/2/2004). Đặc biệt, ông Vinh "Nghệ" chính là HLV đầu tiên áp dụng sơ đồ 4 - 4 - 2 cho các đội tuyển Việt Nam.
2. Cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng
Sau khi chia tay cựu HLV Miura (1/2016), dưới sự hậu thuẫn của bầu Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã đồng ý ngồi vào "chiếc ghế nóng" ở cả U23 Việt Nam lẫn Đội tuyển Việt Nam. Tiếc rằng, cựu HLV trưởng SLNA đã không thể đáp ứng được sự kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Tại AFF Cup 2016, Đội tuyển Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng phải dừng bước ngay ở vòng bán kết với thất bại chung cuộc 3 - 4 trước Đội tuyển Indonesia của cựu HLV Alfred Riedl. 1 năm sau, tại SEA Games 29, đến lượt U23 bị loại cay đắng ở vòng đấu bảng, với trận thua tan tác trước U23 Thái Lan (0 - 3). Đây là "giọt nước tràn ly" khiến cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng phải tuyên bố từ chức.
Hữu Thắng từng có quãng thời gian là HLV trưởng Việt Nam. Ảnh tư liệu
Lúc này, cựu HLV SLNA và Đội tuyển Việt Nam đang giữ vị trí Chủ tịch CLB TP.HCM, đội bóng đã giành vị trí á quân tại V.League 2019. Với tài năng và kinh nghiệm dày dạn, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng đang từng bước xây dựng CLB TP.HCM trở thành một thế lực đáng gờm, một đối trọng xứng tầm của CLB Hà Nội.
3. HLV Đinh Văn Dũng
Nhờ những thành tích ấn tượng với các đội trẻ của SLNA và U21 tuyển chọn Việt Nam trong nhiều năm liền, vị chiến lược gia quê gốc Thanh Hóa đã được VFF chỉ định làm "thuyền trưởng" U16 Việt Nam tại vòng loại U16 châu Á và Giải bóng đá các nước tiểu vùng sông Mekong, đều diễn ra vào năm 2013. Tuy nhiên, cả đội bóng do HLV Đinh Văn Dũng dẫn dắt đã không có được kết quả như mong đợi.
HLV Đinh Văn Dũng chỉ đạo học trò. Ảnh: Khả Hòa
Thời gian qua, cựu tiền vệ SLNA vẫn thường xuyên có mặt trong thành phần U19 tuyển chọn Việt Nam, U21 tuyển chọn Việt Nam và U20 Việt Nam, dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. Đừng quên, HLV Đinh Văn Dũng là một trong những trợ lý của HLV Hoàng Anh Tuấn tại VCK U20 thế giới năm 2017, được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hiện tại, ông Dũng "Thanh Hóa" đang là HLV trưởng của U13 SLNA.
4. HLV Dương Hồng Sơn
Dù chỉ là một HLV còn rất trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, nhưng cựu thủ môn SLNA đang chứng tỏ được tài năng và sự "mát tay" của mình trên cương vị mới. Bên cạnh những danh hiệu ở cấp CLB như vô địch Giải hạng Nhì QG 2018 (HLV trưởng Trẻ Hà Nội) hay vô địch Giải U19 QG 2019 (HLV trưởng U19 Hà Nội), vị chiến lược gia sinh năm 1982 còn giúp U21 tuyển chọn Việt Nam lên ngôi tại Giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2019, được tổ chức tại Đà Nẵng.
HLV Dương Hồng Sơn. Ảnh: Zing
Với những thành tích ấn tượng như vậy, HLV Dương Hồng Sơn đã được VFF bổ nhiệm vào vị trí "thuyền trưởng" U20 Việt Nam. Giải đấu đầu tiên của thầy trò HLV Dương Hồng Sơn là BTV Cup 2019, diễn ra trên sân Gò Đậu (Bình Dương). Tại giải đấu này, U20 Việt Nam cán đích ở vị trí á quân. Được biết, người phụ trách vai trò HLV thủ môn của U20 Việt Nam là cựu thủ môn Nguyễn Viết Nam, "người gác đền" số 1 của SLNA tại mùa giải 2012.
Ngoài 4 gương mặt nổi tiếng nêu trên, những năm vừa qua trong thành phần Ban huấn luyện của các đội tuyển Quốc gia còn xuất hiện 2 gương mặt từng khoác áo đội bóng xứ Nghệ. Đó là Võ Văn Hạnh (HLV thủ môn của Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016) và Nguyễn Thế Anh (HLV thủ môn của U23 Việt Nam tại SEA Games 30). Trong quá khứ, Võ Văn Hạnh và Nguyễn Thế Anh từng thi đấu cho SLNA ở vị trí thủ môn.
Nhìn lại lịch sử hào hùng của CLB SLNA ở đấu trường V.League Không chỉ là một CLB giàu bản sắc nhất nhì Việt Nam, SLNA còn là nơi sản sinh ra rất nhiều tài năng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) là đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam, có trụ sở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và được đánh giá là một...