Cựu cán bộ Bộ công an rất ân hận vì tuồn tài liệu mật cho ông Nguyễn Đức Chung
Ngày 11/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ông Nguyễn Đức Chung – Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng đồng phạm ra xét xử sơ thẩm. Theo luật sư bào chữa cho người chiếm đoạt tài liệu rồi chuyển cho ông Chung, thân chủ của bà rất ân hận, tiếc nuối.
Cựu cán bộ Bộ Công an sức khỏe tốt
Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, 8h sáng mai, ông Nguyễn Đức Chung và 3 đồng phạm khác sẽ bị đưa ra xét xử sơ thẩm trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu cán bộ Bộ Công an Phạm Quang Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo Nguyễn Hoàng Trung (nguyên cán bộ Công an an TP.Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội), Nguyễn Anh Ngọc (nguyên Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội) bị VKSND Tối cao truy tố cùng với tội danh như cựu Chủ tịch Hà Nội, nhưng theo khoản 1, Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Đức Chung đã thông qua Phạm Quang Dũng để nắm bắt thông tin quá trình điều tra “Vụ án Công ty Nhật Cường”.
Trao đổi riêng với PV Dân Việt, luật sư Ngô Kim Lan (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Dũng) cho biết, cựu cán bộ Bộ Công an tỏ ra rất ân hận, ăn năn trước hành vi vi phạm của mình.
Theo chia sẻ từ luật sư Ngô Kim Lan, hiện tại tinh thần của cựu Cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an bình thường, sức khỏe tốt.
“Dũng rất buồn, day dứt. Bất kỳ một buổi lấy cung nào cũng ôm mặt, thể hiện sự nuối tiếc, ân hận” – luật sư Lan cho biết.
Theo vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, khi bào chữa cho bị cáo Dũng, bà không thấy áp lực gì. Bà cảm thấy tiếc nuối cho Dũng bởi Dũng còn trẻ, còn nhiều cơ hội, tuy nhiên đã có hành vi vi phạm mà mất tương lai.
Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Dũng cũng thông tin, trong những lần tiếp xúc, bị cáo này nói tiếc nuối cho bố mẹ, cho vợ con vì đã đặt hi vọng vào bị cáo này, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của Dũng mà Dũng dẫn tới vòng lao lý.
Trước phiên sơ thẩm của vụ án, luật sư Kim Lan cho biết, bà cũng chuẩn bị bào chữa cho thân chủ như nhiều vụ án.
Video đang HOT
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Dũng (ngoài cùng bên phải), bị cáo Dũng đã tỏ ra rất ân hận, ăn năn trước hành vi vi phạm của mình.
“Tôi cũng như mọi vụ án khác, cũng sao chụp hồ sơ, viết bài bảo vệ” – luật sư Ngô Kim Lan nói.
Theo cáo trạng, để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã thông qua ông Phan Huy Lệ – Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành giới thiêu, làm quen với cháu ruột ông Lệ là Phạm Quang Dũng.
Dũng thời điểm đó là người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”.
5 lần chiếm đoạt tài liệu mật
Kết quả điều tra xác định, Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường”, trong đó có 2 lần Dũng chuyển 7 tài liệu cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Cụ thể, lần 1 vào khoảng đầu tháng 8/2019, lúc này Phạm Quang Dũng dùng điện thoại chụp 1 tài liệu là “Kế hoạch điều tra (tiếp theo kế hoạch điều tra ngày 28/6/2019) vụ án Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại & kỹ thuật Dịch vụ Nhật Cường ngày 5/8/2019″.
Dũng khai không nhớ đã dùng điện thoại chụp tài liệu này của ai trong đơn vị. Sau đó Dũng đã gọi điện qua ứng dụng “Viber” để trao đổi nội dung tài liệu cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ điện thoại của Phạm Quang Dũng, phát hiện còn lưu file ảnh chụp tài liệu này.
Nhà chức trách xác định, ông Nguyễn Đức Chung là chủ mưu trong vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan tới “Vụ án Công ty Nhật Cường”. Trong ảnh là thời điểm cơ quan chức năng tiến hành khám xét nhà riêng ông Chung vào cuối tháng 8/2020. Ảnh: Nguyễn Hòa
Lần thứ 2, trong khoảng thời gian từ ngày 19/8/2019 đến ngày 24/8/2019, Dũng đã photo tại cơ quan để mang về nhà 3 tài liệu. 3 tài liệu này gồm báo cáo đề xuất về việc liên quan Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18/8/2019; báo cáo sơ kết vụ án về việc liên quan Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18/8/2019; báo cáo ngày 9/8/2019 về kết quả điều tra từ ngày 5/8/2019 đến 9/8/2019.
Trước khi chuyển tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung, từ 22 giờ 55 phút đến 23 giờ 7 phút ngày 24/8/2019, Phạm Quang Dũng đã sử dụng điện thoại di động chụp ảnh, lưu giữ 3 tài liệu, báo cáo trên tại nhà Dũng.
Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ điện thoại của Dũng, trong đó còn lưu giữ 3 tài liệu trên. Dũng khai không nhớ lấy và chụp tài liệu trên của ai trong đơn vị.
Tối ngày 25/8/2019, Dũng đã liên hệ, thông báo cho Nguyễn Đức Chung về việc có tài liệu và cho người đến nhận, đồng thời cho 3 tài liệu trên và 1 tài liệu là “Bảng tổng hợp thu/chi của Công ty Nhật Cường Software từ năm 2017 đến năm 2019″ (đây là tài liệu mà Dũng có được khi tham gia kiểm tra, khôi phục hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường vào đầu tháng 7/2019) cho vào 1 phong bì khổ A4, dán kín.
Theo yêu cầu của ông Nguyễn Đức Chung, từ 19 giờ 32 phút đến 22 giờ 37 phút cùng ngày, Nguyễn Hoàng Trung đã gọi điện, nhắn tin qua ứng dụng Zalo với Dũng để hẹn gặp và nhận phong bì chứa 4 tài liệu trên.
Ngay sau đó, Nguyễn Hoàng Trung đã mang tài liệu đến nhà và đưa cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Trung thừa nhận việc chuyển tài liệu trên, tuy nhiên nói không biết đây là tài liệu liên quan vụ án “Công ty Nhật Cường”.
Ở lần chiếm đoạt thứ 3, khoảng ngày 4/9/2019, Dũng đã photo tại cơ quan để mang về nhà 1 tài liệu là “Báo cáo đề xuất việc liên quan Sở thông tin và truyền thông Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, đề ngày 29/8/2019″.
Cơ quan Anh ninh điều tra đã thu giữ tài liệu trên điện thoại di động của Dũng, Dũng cũng khai không nhớ lấy và photo tài liệu này của ai trong đơn vị. Ở lần này, Dũng khai gọi điện qua Viber để trao đổi thông tin, tài liệu cho ông Chung.
Lần thứ 4, khoảng cuối tháng 2/2020, đầu tháng 3/2020, Dũng đã lấy 1 tài liệu là “Báo cáo tình hình, kết quả công tác tháng 2/2020/BC-C03-P1 ngày 24/2/2020 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an”.
Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ tài liệu này tại nhà Dũng, Dũng khai không nhớ lấy và photo tài liệu của ai trong đơn vị. Tài liệu này Dũng khai chưa chuyển cho cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Lần cuối cùng Dũng thực hiện chiếm đoạt tài liệu là vào khoảng ngày 4/6/2020. Theo đó, khoảng 23h ngày 4/6/2020, Dũng đã đột nhập vào phòng làm việc của Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Trước đó Dũng đã lấy và đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của Trưởng phòng 14. Ở lần đột nhập này, Dũng dùng điện thoại chụp 3 tài liệu gồm 26 trang, tương ứng với 26 file ảnh chụp tại bàn làm việc của Trưởng phòng 14.
Các tài liệu gồm báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng Buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường ngày 6/5/2020; tài liệu báo cáo đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường ngày 30/5/2020; báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP.Hà Nội từ 2017 đến 2019, tháng 6/2020.
Tại sao phải xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung?
TAND TP Hà Nội vừa có quyết định đưa ra xét xử vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường vào ngày 11/12 tới. Vụ án được xét xử kín.
Dự kiến vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với cáo buộc ông Nguyễn Đức Chung chủ mưu, sẽ được xét xử kín.
Các bị cáo gồm có: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).
Bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung gồm có 4 luật sư: Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Tú, Trần Hoàng Anh và Nguyễn Thị Hoài Linh.
Tại sao phải xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung?
Cáo trạng xác định ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu trong vụ án chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường. Cụ thể, từ tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố, điều tra vụ án hình sự buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Trong hồ sơ vụ án có tên của ông Nguyễn Đức Chung và bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ông Chung biết điều này nên thông qua một giám đốc công ty để liên hệ với bị can Phạm Quang Dũng - khi ấy đang là một trong những người điều tra vụ án Nhật Cường. Ngày 16/6/2019, ông Chung đặt vấn đề về việc lấy tài liệu liên quan đến vụ án và được bị can Dũng đồng ý.
Để có tài liệu đưa cho ông Chung, bị can Dũng đã in những tài liệu mình có sẵn đưa cho bị can Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung). Ngoài ra, đối với các tài liệu không có sẵn thì Dũng thực hiện hành vi lấy trộm, đánh chìa khóa phòng lãnh đạo để vào trộm tài liệu. Sau đó, Dũng gửi tài liệu cho ông Chung hoặc đưa bản giấy cho bị can Nguyễn Hoàng Trung.
Bị can Trung và bị can Nguyễn Anh Ngọc thực hiện hành vi sắp xếp và chỉnh sửa các tài liệu mật, che phần chữ ký của điều tra viên và in ra bản giấy đưa cho ông Chung.
Cáo trạng xác định: Bị can Phạm Quang Dũng 5 lần thu thập 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Dũng gửi tổng cộng 6 tài liệu "Mật" cho ông Nguyễn Đức Chung.
Bị can Dũng đã tự thú khai ra toàn bộ hành vi phạm tội. Trong phần lời khai, Dũng có nhắc đến 10.000 USD được ông Chung "tặng" trong một chiếc phong bì. Đối với hành vi này, cơ quan điều tra tách riêng để điều tra sau.
Nói về vấn đề xét xử kín, luật sư Trương Anh Tú - (Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Hà Nội) cho biết: "Việc xét xử kín là áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai.
Xét xử kín có nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như trong trường hợp công khai. Ngoài Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín mà chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án, hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai".
Theo luật sư Trương Anh Tú, không phải ngẫu nhiên mà pháp luật có quy định về việc xét xử kín trong một số trường hợp. Việc xét xử kín nếu nhằm đảm bảo lợi ích của đương sự, bị cáo hay lợi ích của nhà nước thì việc xét xử kín là rất cần thiết.
Cụ thể tại điều 103 Hiến pháp 2013: "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín."
Ngoài ra, các trường hợp phải xét xử kín được quy định cụ thể tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: "Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Như vậy, trong trường hợp này các tài liệu bị các bị cáo chiếm đoạt là tài liệu trong quá trình điều tra vụ án Nhật Cường, như vậy các tài liệu này được xác định là tài liệu mật theo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, do đó HĐXX quyết định xử kín là đúng luật. Tuy nhiên, kết quả vụ án cũng sẽ được công khai cho người dân được biết", luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Vụ Nguyễn Đức Chung: Phan Huy Lệ Hà Thành Group "móc nối" Phạm Quang Dũng là sao? Ông Phan Huy Lệ là người giới thiệu cho ông Nguyễn Đức Chung làm quen với ông Phạm Quang Dũng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc bị can Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung. Cơ quan...