Cựu binh Mỹ và những đứa con rơi ở Việt Nam
Ngay sau khi rời Việt Nam vào năm 1970, James Copeland nhận được một lá thư từ người bạn gái Việt Nam. Cô thông báo đã có thai và ông là cha của đứa trẻ.
Cựu binh Mỹ James Copeland. Ảnh: NY Times
Nhận được tin, Copeland lại đăng ký tuyển quân, hy vọng sẽ được điều động trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang rút dần khỏi Việt Nam nên ông không có cách nào quay lại. Khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, Copland mất liên lạc với bạn gái.
Một thời gian sau, ông được nhận vào làm việc ở một nhà máy nhựa tại phía bắc của bang Mississippi và lập gia đình. Tuy nhiên, trong đầu ông vẫn luôn canh cánh một câu hỏi: liệu người bạn gái năm xưa có thực sự đã mang trong mình giọt máu của ông?
“Tôi có thể quên nhiều điều mà chúng tôi đã làm ở Việt Nam. Nhưng riêng điều đó, tôi không thể nào quên được”, người đàn ông 67 tuổi nói, nhắc đến nỗi dày vò về bạn gái cũ và đứa con.
Năm 2011, Copeland quyết định đi tìm câu trả lời cho điều mà nhiều cựu binh Mỹ khác hoặc chối bỏ, hoặc tìm cách cố quên đi sự thật, đó là, họ đã để lại những đứa con của mình trên mảnh đất Việt Nam.
Di sản chiến tranh
Câu chuyện của họ là một di sản bị lãng quên khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Tuy nhiên, đối với một số cựu binh, nhu cầu tìm lại con ruột trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những binh sĩ Mỹ ngày nào giờ đã ngấp nghé tuổi 70. Nhiều người trong số đó đã nghỉ hưu hoặc tàn tật và khao khát hàn gắn vết sẹo của chiến tranh.
Video đang HOT
Với những đứa con mang hai dòng máu Việt Nam và Mỹ, tìm lại được cội nguồn cũng là một nguyện vọng tha thiết.
“Tôi cần phải biết mình từ đâu đến”, Trinh Tran, 46 tuổi, một nhân viên bất động sản ở Houston, đang tìm cha trong vô vọng, nói. “Tôi luôn nghĩ rằng nếu không có ông ấy thì tôi cũng không tồn tại”.
Ước tính hàng chục nghìn quân nhân Mỹ đã có con với phụ nữ Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Một số đứa trẻ là kết quả của những mối tình dài, một số khác là kết quả những cuộc tình qua đêm chóng vánh. Chỉ có rất ít trong số những người cha Mỹ này từng thấy mặt con họ, và số người đưa con theo về Mỹ càng ít hơn.
Sau chiến tranh, những đứa trẻ được gọi là con lai Mỹ phải chịu đựng sự kỳ thị và cuộc sống khó khăn ở Việt Nam. Trước những báo cáo về điều kiện sống thiếu thốn của thế hệ này, Quốc hội Mỹ đã thông qua điều luật cho những đứa con lai một tình trạng di trú đặc biệt vào năm 1987. Kể từ đó, hơn 21.000 người, kèm theo 55.000 người thân, đã di cư sang Mỹ theo chương trình này và thêm hàng nghìn người được hưởng các chính sách di trú khác.
Nhiều người sang Mỹ với hy vọng được đoàn tụ với cha, nhưng họ đã không được chính phủ Mỹ hỗ trợ trong vấn đề này. Không tới 5% trong số họ tìm lại được cha đẻ.
Những cuộc tìm kiếm
Những đứa con lai Mỹ vẫn tiếp tục tìm cha, dù chỉ có trong tay những cái tên bị dịch sai, những ký ức nửa hư nửa thực và những bức ảnh đã phai nhòe theo năm tháng. Ở chiều ngược lại, một số cựu binh Mỹ cũng tiếp tục nỗ lực tìm con, trong tâm trạng bị chi phối bởi nỗi đau hoặc cảm giác tội lỗi.
“Giống như việc một người mẹ cho đứa con ruột đi làm con nuôi của người khác. Bà mẹ sẽ không bao giờ ngừng suy nghĩ về điều đó”, George Pettitt, ở trung tâm Wales, New York nói.
Ông Pettitt, 63 tuổi, nhập ngũ sau khi bỏ học cấp ba và đến Việt Nam khi mới 19 tuổi. Năm đó, ông có cảm tình với một thiếu nữ người Việt làm ở tiệm giặt là cho các binh sĩ. Chẳng bao lâu sau thì cô gái có bầu.
“Tôi chỉ định vui chơi với cô ấy”, ông nói. “Tôi không bao giờ có ý định làm cho cô ấy có thai”.
Khi quay về New York, ông mất liên lạc với bạn gái, sau đó làm nghề lái xe tải và lập gia đình. Nhưng khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe năm 2000, những ký ức về đứa con bị bỏ lại, mà ông tin là một đứa con trai, cứ ám ảnh tâm can Pettitt. Ông đã trả tiền để thuê một người đàn ông tìm giúp nhưng vô ích.
Năm nay, một người phụ nữ ở bang Virginia gọi điện cho ông báo rằng, cô nghĩ chồng cô có thể là người con trai mà ông tìm kiếm. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm DNA cho thấy điều ngược lại.
May mắn hơn Pettitt, có những cặp cha con Mỹ-Việt đã tìm thấy nhau.
Theo VNE
Mỹ bắt nghi phạm mới trong vụ gửi thư tẩm chất độc cho Obama
Hôm qua, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đã bắt giữ nghi phạm mới có tên James Everett Dutschke vì bị nghi đã gửi những bức thư tẩm chất độc ricin tới Tổng thống Obama, một thượng nghị sỹ và một thẩm phán.
Dutschke bị nghi đã gửi thư tẩm độc tới Tổng thống Obama
James Everett Dutschke bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Tupelo, bang Mississippi vào khoảng 12 giờ 50 phút sáng qua theo giờ địa phương. Tên này bị cáo buộc tội danh sở hữu một chất độc hóa học với ý định sử dụng làm vũ khí. Phát ngôn viên của FBI khẳng định với AFP.
Trước đó ông Scott Floyd, thành viên sở cảnh sát Tupelo cũng đã xác nhận về vụ bắt giữ. Tuy nhiên các chi tiết cụ thể hơn liên quan đến nghi phạm này chưa được công bố.
Nếu bị tòa án liên bang kết tội, Dutschke có thể phải đối mặt với mức án tối đa là tù chung thân kèm theo khoản phạt tiền 250.000 USD. Dự kiến vào thứ hai tới, nghi phạm sẽ được đưa ra xét xử tại một tòa án cấp quận tại bang Mississippi.
Hôm thứ Ba và thứ Tư vừa qua, các đặc vụ FBI cùng thành viên của lực lượng chống khủng bố thuộc lực lượng cảnh vệ quốc gia Mississippi đã lục soát nhà của Dutschke và địa điểm nơi từng là võ đường do tên này điều hành tại Tupelo.
Cơ quan điều tra đã chuyến hướng sang Dutschke sau khi nghi phạm đầu tiên là Paul Kevin Curtis được xác định vô tội. Các cuộc khám xét nhà của ông Curtis không cho thấy bằng chứng nào về việc người này đã gửi các bức thư tẩm chất độc ricin tới Tổng thống Obama, thượng nghị sỹ Roger Wicker và thẩm phán của Mississippi Sadie Holland.
Hal Neilson, luật sư của ông Curtis cho biết tên của Dutschke nằm trong danh sách một loạt người bị tình nghi có lí do để làm hại thân chủ mình.
Trước đây ông Curtis từng làm việc vài năm cùng Dutschke và họ đã thảo luận về việc phát hành một cuốn sách có tên "Missing Pieces" (tạm dịch: Những bộ phận bị đánh cắp), về âm mưu bán các bộ phận cơ thể người trên thị trường chợ đen. Nhưng rồi Dutschke quyết định không xuất bản.
Dù vậy ông Dutschke lại khẳng định với hãng tin AP rằng mình không biết rõ Curtis và rằng lần cuối cùng hai người liên lạc là năm 2010.
Và Dutschke còn cho rằng Curtis đã gài bẫy mình để thoát tội. "Tôi đoán Kevin đã vô vọng. Có cảm giác hắn ta muốn chạy khỏi một tội ác rõ ràng", Dutschke trả lời trên tờ Clarion Ledger trước khi bị bắt. "Nó đã khiến gia đình tôi trở nên rất không an toàn, khiến chúng tôi thành mục tiêu và điều đó thật vô lý và vô trách nhiệm".
Gia đình của thẩm phán Holland được cho là đã đối đầu với Dutschke trong một cuộc vận động chính trị tại thành phố Verona năm 2007 khi người này là ứng viên của đảng Cộng hòa và ganh đua cùng con trai của nhà Holland. Ông Holland khẳng định Dutschke có một bài diễn văn bôi nhọ gia đình mình và sau đó mẹ của tên này đã buộc hắn phải xin lỗi.
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng sư tử lai cực hiếm Chào đời hồi cuối tháng 8, chú sư tử Kiara khá khỏe mạnh nhờ sự chăm sóc cẩn thận của các chuyên gia vườn thú sau khi sư tử hổ cái Zita không đủ sữa cho con bú. Theo bà Roza Solovyova - người chăm sóc trực tiếp, hiện giờ Kiara trông giống sư tử con, chỉ có một vài sọc vằn của...