Cựu binh Mỹ tuyệt vọng cứu đồng đội cũ kẹt ở Afghanistan
Kiernan giúp phiên dịch viên Afghanistan của mình nộp đơn xin visa vào Mỹ từ năm 2015, song tức giận và thất vọng vì không thể làm gì hơn.
Cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ James Kiernan ngày 16/8 thúc giục phiên dịch viên Afghanistan của mình đốt tài liệu mà người này thu thập hơn một thập kỷ, nhằm chứng minh từng làm việc cho Mỹ, sau khi có thông tin Taliban gõ cửa từng ngôi nhà để khám xét ở thủ đô Kabul.
“Tôi ước gì mình biết đổ lỗi cho ai”, Kiernan nói. “Tôi không thể đợi cho tới lúc chúng ta buộc những người đó chịu trách nhiệm về hành động phản bội này. Chắc chắn có những người nắm quyền cho rằng đây không phải là trường hợp ưu tiên”.
Phiên dịch viên của Kiernan đã phải ẩn náu cùng gia đình suốt ngày 16/8. Cựu binh Mỹ dành gần như cả ngày hôm đó để gọi điện cho tất cả mối quan hệ mà anh biết để có thể xin visa trước khi quá muộn cho người đồng đội cũ từng hỗ trợ mình rất nhiều trong thời kỳ tham chiến ở Afghanistan. Cứ 12 tiếng một lần, anh lại gọi cho người phiên dịch này để kiểm tra tình hình.
Nhiều cựu binh Mỹ nói rằng họ có mối quan hệ gắn bó lâu dài với các phiên dịch viên Afghanistan, những người dùng cùng bữa, ngủ chung giường và đôi khi cứu mạng họ.
James Kiernan trong một lần làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Ảnh: Washington Post.
Chiến thắng của Taliban trước quân đội chính phủ khiến hàng nghìn đồng đội cũ của binh sĩ và cựu binh Mỹ mắc kẹt và đối mặt rủi ro ở Afghanistan. Điều này khiến các cựu binh Mỹ điên cuồng tìm mọi cách đưa các phiên dịch viên ra nước ngoài, đồng thời khiến họ cảm thấy cay đắng, tội lỗi và xấu hổ trước cách nước Mỹ bỏ rơi những người này.
“Một số người hoàn toàn đặc biệt”, Kiernan nói về những người Afghanistan hỗ trợ lực lượng Mỹ trong suốt 20 hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Á. “Không phải chúng tôi không biết điều này sẽ tới. Tôi thấy vô cùng cay đắng khi chúng ta từ bỏ mối quan hệ bạn bè thân thiết và bỏ rơi đồng minh của mình”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 cho biết vẫn ủng hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, dù thừa nhận lối thoát cho chiến dịch quân sự 20 năm “không hề hoàn hảo”.
Chính quyền Biden cho biết khoảng 22.000 người Afghanistan có thể được di tản trong những tuần tới, dù cơ chế của hoạt động này chưa được xác định, trong lúc hàng nghìn người chen chân tìm lối thoát an toàn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 17/8 khẳng định Taliban sẽ cho phép mọi người đến sân bay một cách an toàn, dù có báo cáo cho biết nhóm vũ trang này đã lập nhiều chốt kiểm soát an ninh trên đường phố Kabul và các tuyến đường đến sân bay.
Giống Kiernan, cựu binh Doug Livermore mất ngủ trong nhiều ngày qua. Livermore có lúc dành 20 tiếng mỗi ngày để gọi điện, trả lời email và cố gắng giúp đỡ những người nộp đơn xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt để tới Mỹ định cư.
Cựu đặc nhiệm lục quân Livermore hiện là thành viên hội đồng quản trị tổ chức Không ai bị bỏ lại với nhiệm vụ “đảm bảo Mỹ giữ lời hứa với các phiên dịch viên Afghanistan và Iraq”.
Livermore chỉ dừng lại khi máy tính gặp sự cố vào đêm 16/8 sau 48 tiếng làm việc liên tục, buộc cựu binh này phải nghỉ ngơi. “Những người này đầu tư vào giấc mơ Mỹ ngay cả trước khi họ thành công dân Mỹ, khi họ chiến đấu cùng chúng tôi”, Livermore nói.
Hàng trăm người tập trung bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul hôm 17/8. Ảnh: AP .
Tổ chức Không ai bị bỏ lại thành lập năm 2013, khi một phiên dịch viên Afghanistan gặp khó khăn trong quá trình xin thị thực nhập cảnh đặc biệt vào Mỹ và muốn giúp đỡ những người chung cảnh ngộ.
Tổ chức này tăng cường nỗ lực sơ tán các phiên dịch viên Afghanistan sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Trung Á vào đầu năm ngoái.
Các thành viên tổ chức mua vé từ nhiều hãng hàng không thương mại và tìm mọi cách để tăng tốc độ duyệt đơn xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ, song tất cả nỗ lực trên tan vỡ khi Taliban tiến vào Kabul và hoàn tất quá trình kiểm soát Afghanistan.
Khi đó, tổ chức Không ai bị bỏ lại ngập trong email và những lời cầu cứu tuyệt vọng. Nhiều cuộc gọi trong số này đến từ các cựu binh Mỹ, những người đã kết nối lại với phiên dịch viên Afghanistan của họ.
Ismail Hussainy, người có 4 năm làm phiên dịch viên, cố vấn và bảo vệ cho một nhà thầu thuộc đơn vị công binh lục quân Mỹ ở sân bay Bagram, cho biết ông đã cố gắng xin thị thực Mỹ từ năm 2014. Đơn xin thị thực của Hussainy bị từ chối sau khi giám sát viên cũ, người viết thư giới thiệu cho ông, qua đời. Hussainy nói không thể tìm thấy người Mỹ nào khác bảo lãnh cho mình.
“Cuộc sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm”, Hussainy cho biết trong cuộc điện thoại từ Kabul, nơi ông sống cùng cha mẹ, vợ và 4 người con. Hussainy gần đây kết nối lại với một đồng nghiệp Mỹ tại Bagram là Ryan Jackson, người cam kết sẽ bảo lãnh và giúp đỡ cho ông trong quá trình xin thị thực.
Jackson lùng sục trên mạng Internet để tìm các địa chỉ liên hệ, song chỉ nhận được địa chỉ hòm thư hay số điện thoại chung chung và không hề được hồi đáp. “Tôi chẳng biết chúng tôi sẽ đi đâu về đâu”, Jackson nói. “Chẳng có một đầu mối liên hệ nào”.
Andrew Darlington, cựu binh thủy quân lục chiến từng được triển khai tới Afghanistan hai lần, nỗ lực để đưa phiên dịch viên của mình là Sayed Obaidullah Amin rời khỏi quốc gia Trung Á. Darlington dành nhiều ngày để thuyết phục Amin di tản, đồng nghĩa với việc phiên dịch viên Afghanistan phải bỏ lại vợ con.
“Anh sẽ bị Taliban giết đấy”, Darlington cảnh báo. Phiên dịch viên Amin sau đó trả lời “tôi sẽ đi một mình”, dường như chấp nhận bỏ lại gia đình. Tuy nhiên, Amin sau đó không thể tiếp tục với lựa chọn khó khăn như vậy. Darlington cho biết Amin ngày 17/8 trở về với gia đình mình, chọn ở lại Kabul để chờ đợi.
Darlington cùng nhiều cựu binh Mỹ khác muốn đưa đồng đội cũ ở Afghanistan ra nước ngoài và đưa những câu chuyện về tình trạng chậm trễ hay nhầm lẫn đến giới lãnh đạo. “Hãy gây áp lực lên Washington để họ bắt tay vào làm việc. Những người ở Afghanistan không còn thời gian nữa”, Darlington nói
Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban ngày 17/8 sau khi kiểm soát Kabul. Video: AP, NY Times.
Cựu binh Kiernan nói những phiên dịch viên Afghanistan giúp Mỹ hoàn thành các sứ mệnh của mình. Kiernan kể lại một chuyến đột kích trong đêm của các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ, song không tìm thấy thành viên Taliban bị nghi có mặt tại địa điểm đó và cho rằng thông tin tình báo bị sai.
Phiên dịch viên của Kiernan phát hiện một phụ nữ mặc áo trùm kín đầu đang ôm một em bé khóc dữ dội, nhưng không có động thái dỗ dành nào. Khi phiên dịch viên đến bên người này để hỏi về em bé, một giọng nam trung cất tiếng trả lời.
“Anh ta biết đó là một người đàn ông. Gã này sau đó ném em bé và bỏ chạy”, Kiernan nói và cho biết phiên dịch viên Afghanistan đỡ được em bé khi thủy quân lục chiến Mỹ đuổi theo bắt thành viên Taliban nói trên. “Kẻ đó đã thấy mặt và có thể nhận ra anh ấy. Taliban đã thả nhiều tù nhân khi nhóm này đánh chiếm lãnh thổ những ngày qua”.
Cựu binh Kiernan cho biết phiên dịch viên Afghanistan của mình và gia đình ở Herat khi Taliban vây hãm thành phố này hồi tuần trước. Người này sau đó đưa gia đình chạy đến thủ đô Kabul.
Kiernan khuyên người đồng đội cũ đốt bỏ mọi thư khen ngợi, thư giới thiệu và các giấy tờ khác được phía Mỹ cấp trong nhiều năm, kiểm tra tài khoản xã hội, xóa tin nhắn và lịch sử cuộc gọi phòng trường hợp thành viên Taliban đến nhà khám xét.
“Tôi rất phẫn nộ với giới chức Mỹ”, Kiernan nói. “Không thể đổ toàn bộ trách nhiệm lên vai Tổng thống Biden, song trong nhiều tháng chúng ta biết rằng vẫn còn đồng minh kẹt lại đó, gồm các phóng viên và phiên dịch viên. Họ từng đưa tay ra giúp chúng ta khi cần”.
Lý do Mỹ không mặn mà điều quân tới Haiti
Haiti đề nghị Mỹ điều quân giúp ổn định đất nước sau vụ ám sát Tổng thống Moise, song Biden dường như không muốn tăng cường can thiệp quân sự.
"Chúng tôi đã nhận yêu cầu và đang phân tích nó", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói ngày 10/7, sau khi có thông tin Haiti đề nghị Mỹ triển khai lực lượng quân sự hỗ trợ nước này đảm bảo an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise tại tư dinh hôm 7/7.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ tới nay bày tỏ thận trọng về bất cứ hoạt động triển khai quân nào tới Haiti. Chính quyền Tổng thống Joe Biden chia buồn sâu sắc với Haiti và lo ngại trước nguy cơ xảy ra cuộc di cư ồ ạt như thập niên 1990, song không mấy mặn mà với kịch bản điều quân, dù là lực lượng nhỏ nhất, tới nước này.
Giới chức Mỹ cho biết sẽ cử các quan chức thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa đến thủ đô Port-au-Prince để đánh giá xem có thể hỗ trợ Haiti thế nào trong điều tra vụ ám sát Tổng thống Moise.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết yêu cầu triển khai quân của Haiti "rất rộng và chưa nêu rõ số lượng hoặc loại quân binh chủng cần thiết". Một quan chức cấp cao của Mỹ nói thẳng rằng nước này "chưa có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự" cho Haiti.
Binh sĩ Mỹ dỡ hàng viện trợ từ trực thăng xuống sân bay ở thủ đô Port-au-Price của Haiti tháng 1/2010. Ảnh: US Navy .
Biden có thể coi việc triển khai quân đội Mỹ tới Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Moise đi ngược lại chính sách cốt lõi của mình là củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước ngoài, thay vì mở rộng lực lượng.
Yêu cầu của Haiti được đưa ra vài giờ sau khi Biden phát biểu về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 20 năm không mang lại kết quả rõ ràng.
Các quan chức Mỹ đang tìm cách khác để hỗ trợ Haiti đảm bảo an ninh thay vì đưa quân tới nước này. Những giải pháp khác có thể bao gồm tăng cường đào tạo và hỗ trợ cảnh sát cùng quân đội Haiti, trong những chương trình do Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ chịu trách nhiệm.
Năm 2010, khi một trận động đất tàn phá Haiti, khiến hàng trăm nghìn người chết và bị thương, tổng thống Mỹ Barack Obama đã triển khai một lực lượng quân sự nhỏ đảm bảo an ninh tại đây trong vài tháng. Chiến dịch quân sự này được coi là thành công, dù không giải quyết gốc rễ vấn đề tại quốc gia này.
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tuần tra tại thủ đô Port-au-Prince của Hait tháng 4/2004. Ảnh: KairosPhotos/ Paul Jeffrey .
Báo cáo công bố năm 2013 của hãng nghiên cứu RAND nhận định chiến dịch quân sự này của Obama "có nguy cơ sa lầy", bởi giới chức Haiti dường như muốn quân Mỹ "hiện diện vô thời hạn" và có thể đi đến một cam kết an ninh lâu dài hơn.
Biden sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khác với việc triển khai binh sĩ Mỹ tới Haiti nếu không phải để cứu trợ nhân đạo sau thảm họa tự nhiên. Chúng gồm nguy cơ khi sa vào môi trường chính trị hỗn loạn và việc các băng đảng có vũ trang hoành hành tại Haiti.
Cựu tổng thống Mỹ Woodrow Wilson năm 1915 điều thủy quân lục chiến tới Haiti sau khi tổng thống nước này là Vilbrun Guillaume Sam bị sát hại, bắt đầu hai thập kỷ Mỹ chiếm đóng quốc gia này và nhiều năm bất ổn sau đó.
Lý do khiến chính quyền Biden thận trọng với quyết định điều quân tới Haiti nằm ở việc yêu cầu triển khai lực lượng của nước này còn mơ hồ, bao gồm câu hỏi lính Mỹ sẽ làm gì tại đây.
Lính Mỹ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti năm 1994. Ảnh: Corbis/VGC.
Cựu đô đốc Mỹ James Stavridis cho rằng cách tiếp cận tốt nhất với Haiti là Mỹ hỗ trợ xây dựng một lực lượng ổn định thông qua Liên Hợp Quốc, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ hoặc Liên minh Các quốc gia Mỹ Latinh. "Việc hiện diện quân sự tại quốc gia này rất khó xảy ra, đặc biệt là khi chúng tôi đang kết thúc các chiến dịch ở Afghanistan", cựu đô đốc Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, Biden có thể đối mặt với áp lực phải hành động, đặc biệt là khi tình hình chính trị và an ninh ở Haiti trở nên xấu đi. Một số nhà hoạt động đang tìm cách hối thúc Biden đảm bảo rằng Mỹ không đứng ngoài lề nếu Haiti chìm sâu hơn vào hỗn loạn.
Nguy cơ dân tị nạn Haiti chạy khỏi đất nước và tới bang Florida của Mỹ, với số lượng tương tự cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990, có thể buộc Biden phải ra tay.
Tổng thống Mỹ khi đó là George H.W. Bush ra lệnh giữ một số người tị nạn Haiti tại căn cứ hải quân Guantanamo, khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội. Cựu tổng thống Clinton sau đó điều tuần duyên Mỹ hồi hương người tị nạn Haiti bị chặn trên biển.
Cựu đô đốc Stavridis nói nguy cơ xảy ra làn sóng tị nạn từ Haiti có thể sẽ thay đổi tính toán của chính quyền Biden, đồng thời nhận định quân đội Mỹ đã xây dựng những kế hoạch dự phòng để đối phó với tình huống này.
Taliban kiểm soát tỉnh biên giới trọng yếu của Afghanistan Các tay súng Taliban đẩy mạnh chiến dịch ở tỉnh miền tây Herat, kiểm soát hai cửa khẩu biên giới quan trọng giữa Afghanistan với Iran và Turkmenistan. Quan chức Afghanistan giấu tên hôm nay cho biết phần lớn tỉnh Herat ở miền tây nước này đã rơi vào tay Taliban, chỉ trừ thủ phủ Herat cùng quận Gozara và Injil lân cận....