Cựu binh bỏ tiền túi xây, sửa 8 cây cầu
Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi ông Sản ‘ xây cầu’ ai cũng biết.
Tính từ cây cầu đầu tiên vào năm 2015, đến nay ông Sản đã bỏ tiền túi hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân.
Sinh năm 1954, năm 22 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) nhập ngũ. Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1984, ông xuất ngũ về quê mang theo mình những mảnh đạn còn găm trong người.
Ở tuổi 31, ông lấy vợ và sinh liền 3 người con trai. Chuyện cơm áo khiến người cựu chiến binh tất bật với cuộc sống mưu sinh, nghĩ cách làm giàu. Đã có thời điểm ông trắng tay, vào tận miền nam để tạm quên đi những thất bại.
Nhiều năm sau nhận thấy quê mình đang phát triển với nhu cầu xây dựng ngày một nhiều, ông Sản mạnh dạn mở một cửa hàng cho thuê cốp pha.
Làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khấm khá dần, ông bắt đầu nghĩ tới việc đóng góp cho cộng đồng.
Ông Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Thảo
Đặc điểm của địa phương ông là có nhiều con sông chảy qua nên trên địa bàn xã có tới chục cây cầu. ‘Cầu chợ Cát là cây cầu nối 2 xã Khánh Trung và Khánh Mậu, lại ngay sát chợ nên lượng người đi lại qua đây rất đông. Thế nhưng, suốt 60 năm từ khi tôi sinh ra, cây cầu vẫn thế. Trước khi xây cầu, người ta chỉ lấy 2 cây cột điện bắc qua sông. Ở đây đã từng xảy ra 4 vụ tai nạn, trong đó có 2 người chết khi đi qua cầu’ – ông kể.
Vì lý do ấy mà ý định xây cầu chợ Cát đã nung nấu trong thâm tâm ông từ rất lâu. Năm 2015, trước khi đề xuất với chính quyền, ông hỏi ý kiến vợ con cho ông sử dụng số tiền tiết kiệm suốt nhiều năm làm ăn để xây cầu. Đồng lòng với chồng, vợ ông và các con đồng ý ngay. Ông nói: ‘Số tiền không nhỏ, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của gia đình, nếu vợ con không đồng ý thì không làm được’.
Được vợ con ủng hộ, chính quyền khuyến khích, ông bắt tay vào thuê người thiết kế, thi công. Trong vòng 1 tháng, cây cầu rộng 3,5m được dựng lên chắc chắn, kiên cố cho đến bây giờ. Đầu bên này là chợ Cát nằm trên trục đường chính của xã Khánh Trung, đầu bên kia là địa phận xã Khánh Mậu.
Tổng chi phí cho toàn bộ công trình là 147 triệu đồng được ông bỏ tiền túi ra làm. Ở cây cầu đầu tiên, chi phí không phải là vấn đề lớn nhất ông Sản cần giải quyết, mà là ở cách thức thi công. ‘Lần đầu tiên xây cầu, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa xử lý các vấn đề phát sinh. Còn bây giờ đến cây cầu thứ 8 thì tôi nắm rõ như lòng bàn tay rồi’.
Video đang HOT
Cây cầu chợ Cát được ông Sản xây dựng vào năm 2015. Ảnh: Nguyễn Thảo
Sau cây cầu chợ Cát xây dựng vào năm 2015, những năm sau đó, năm nào ông cũng xây lại, làm mới 1-2 cây cầu. Trong đó, có một cây cầu dẫn vào trường mầm non xã rộng hơn 5m, trải bê tông phẳng lỳ, thay thế cho cây cầu nhỏ 2m trước đây đã bị xuống cấp. ‘Cây cầu mới nhất là vào tháng 10/2019′ – ông Sản chia sẻ.
Những cây cầu sau đó, có cây ông đóng góp toàn bộ chi phí, có những cây ông phải huy động sự góp sức của người dân trong xã. Đến nay, với việc xây dựng, sửa sang lại 8 cây cầu, ông Sản đã chi ra hơn 300 triệu đồng – số tiền không nhỏ với một ông lão ở vùng quê.
‘Tôi làm những việc ấy chỉ với mong muốn duy nhất là đóng góp chút ít sức lực của mình cho người dân quê hương, nhưng cũng có người khen, kẻ chê. Có người bảo tôi thừa tiền nên mới làm thế. Nghe vậy, tôi cũng chỉ bỏ ngoài tai’, người cựu chiến binh tâm sự.
Hiện đã 65 tuổi nhưng ông Sản và vợ vẫn hăng say lao động. Bà vẫn nhận cấy 8 sào ruộng, còn ông quản lý cửa hàng cốp pha mỗi tháng mang về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ông bảo, mấy năm nay thu nhập đã thấp hơn vì nhiều cửa hàng mọc lên.
Các con ông cũng đã trưởng thành và ra ở riêng hết. Ước mơ của ông bây giờ là mở rộng cây cầu chợ Cát thêm một làn 3,5m nữa để việc đi lại của bà con 2 xã thuận tiện hơn. Hiện tại với chiều rộng 3,5m, chỉ 1 xe ô tô đi lại được trên cầu.
‘Chi phí dự tính lên đến 250-300 triệu. Một mình tôi không thể làm được hết, nên trong thời gian tới, nếu làm, tôi rất cần sự ủng hộ, đóng góp của người dân trong xã’.
Ông bảo, làm từ thiện thì có rất nhiều hình thức, nhưng riêng ông muốn đóng góp cho những công trình mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, thay vì chỉ cho từng cá nhân riêng lẻ.
Với những đóng góp thiết thực của mình, năm 2018, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo Nguyễn Thảo – Ngọc Trang (Vietnamnet)
Cuộc hội ngộ của vợ chồng Italy và ân nhân Việt sau 45 năm biệt tăm
Bà Marie Hédiard đứng trước con ngõ nhỏ, chân luýnh quýnh vì biết khi cánh cửa mở ra, người bác sĩ ân nhân 45 năm trước sẽ xuất hiện.
Đúng như dự tính, khi bước vào ngôi nhà tường sơn màu vàng, bà đã nhìn thấy ân nhân. "Em chào chị Xiêm", bà Marie cất tiếng chào bằng tiếng Việt dù đã hàng chục năm không dùng.
Bà Xiêm đã 90 tuổi, bất động trên chiếc xe lăn. Bà Marie ngồi xuống, cầm lấy bàn tay gầy guộc của người bác sĩ già. Ký ức cứ thế tuôn ra. Bà kể rất nhiều chuyện mặc cho bà Xiêm chỉ nghe mà không thể trả lời. Khi kể về người con trai mang cái tên "rất Việt Nam" - Marco Thắng, nay đã là ông bố ba con... Ông Kurt, chồng Marie đứng bên cũng không ngăn nổi nước mắt.
Vợ chồng bà Marie hội ngộ bác sĩ Xiêm và con gái là bác sĩ Phương Lan (áo hoa). Đã nghỉ hưu, song bà Marie và chồng vẫn quản lý một công ty sản xuất các khóa học ngôn ngữ trực tuyến. Ảnh: Lê Lan
Câu chuyện giữa hai người phụ nữ ngược về tháng 4/1973. Marie, người Pháp đến Hà Nội cùng chồng - phóng viên người Italy, đưa tin về chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 và cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam.
Hầu hết người nước ngoài thời đó ở trong khách sạn Thống Nhất, Hoà Bình hoặc các đại sứ quán. Riêng Marie được tuyển dạy tiếng Pháp tại Đại học Ngoại thương. Ngày ngày cô giáo trẻ đạp xe tới trường và cùng sinh viên Việt trải qua giai đoạn lịch sử đặc biệt.
"Tôi không thể quên ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất. Lớp học, sân trường vỡ oà. Chúng tôi đã sung sướng nhảy nhót, ôm hôn nhau. Từ trái tim mình, tôi mong người Việt sẽ bớt khó khăn và sống trong hoà bình", bà Marie kể.
Đúng giai đoạn này, Marie phát hiện mình mang thai. Đây là một điều "thần kỳ" với một người phụ nữ bị xác định mắc bệnh vô sinh. Hơn một năm trước đó, Marie tới Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản trung ương) chạy chữa. Giáo sư Nguyễn Thị Xiêm là người điều trị cho bà. "Mẹ tôi tặng một con búp bê tự làm, mong tôi sẽ may mắn. Nhưng bác sĩ Xiêm mới là người mang đến phép màu này", bà nói.
Suốt 9 tháng thai kỳ, Marie được bác sĩ Xiêm tận tình theo dõi. Vị bác sĩ biết tiếng Pháp nên Marie thường xuyên gặp bà xin lời khuyên.
2h sáng một ngày đầu tháng 2/1976, Marie trở dạ. Nằm trên bàn đẻ giữa đất khách quê người, cô hoang mang và sợ hãi đến mức quên luôn cách rặn. Bỗng giọng nói quen thuộc của bác sĩ Xiêm vang lên. "Sự hiện diện của bác sĩ đã xoá tan mọi sợ hãi và tiếp thêm sức lực. Chỉ hơn một tiếng sau, tôi sinh một bé trai nặng 3,6 kg", bà Marie nhớ lại.
Con trai chào đời đúng 9 tháng sau ngày giải phóng, được đặt tên là Thắng Lợi, bên cạnh tên Marco. Chồng Marie đã chụp bức ảnh bác sĩ Xiêm bế Marco Thắng và giữ kỹ trong hành lý về nước cuối năm 1977. Hơn 40 năm qua, bức ảnh luôn nằm ở những trang đầu tiên trong cuốn album gia đình Marie.
Bà Marie (trái) và bác sĩ Xiêm tại Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, sau khi sinh Marco Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuộc sống ở Italy khó thích nghi hơn ở Việt Nam. Marie không có việc làm, không người thân và bạn bè, một mình vật lộn chăm sóc Marco Thắng và con gái. "Tôi thường nhớ về chị Liên giúp tôi trông con, thầy Dương dạy tiếng Việt và bác sĩ Xiêm đã mang Marco Thắng tới cho tôi. Việt Nam dù ngày đó có chiến tranh vẫn dễ dàng sống hơn khi tôi về quê chồng", bà nói.
Sau đó, Marie với người chồng đầu chia tay. Bà tìm được một công việc ở trường đại học và nơi đó đã gặp Kurt, người chồng thứ hai. Marco Thắng rất tự hào về nơi sinh của mình và luôn mong được quay trở về Việt Nam. "Nó luôn đòi mặc trang phục Việt trong các ngày lễ hội khiến con gái tôi cũng phải ghen tỵ", Marie kể.
Việt Nam và những ký ức không thể nào quên luôn thôi thúc Marie trở về. Hai chuyến đi năm 1998 và 2006 đều ngắn ngủi. Lần này, khi đã nghỉ hưu, vợ chồng bà muốn cả gia đình có một chuyến đi nước ngoài. Không một chút do dự, với Marie quyết định: Hà Nội.
"Trước chuyến đi tôi không thể tưởng tượng sẽ gặp được bác sĩ Xiêm. Tôi biết nhiều người lớn tuổi trong thời gian ở Việt Nam, nên đã nghĩ có lẽ không thể gặp lại ân nhân nữa", bà bộc bạch. Khi rời Rome, bà Marie mở album gia đình, chụp lại tấm ảnh xưa.
Đầu tháng 12/2019, vợ chồng bà tới Bệnh viện Phụ sản trung ương để tìm lại ân nhân với manh mối là tấm ảnh và cái tên Xiêm. Qua một số người, họ biết bác sĩ Xiêm đã về hưu từ 30 năm trước. Không ai nhớ chính xác địa chỉ nên bà Marie đành để lại số điện thoại và địa chỉ email rồi thấp thỏm chờ đợi.
Hôm sau, Marie nhận được thư từ con gái bà Xiêm - bác sĩ Lê Thị Phương Lan, hiện đã nghỉ hưu - hẹn gặp tại nhà riêng trên phố Bà Triệu. "Tôi vui mừng khôn xiết khi biết bà Xiêm còn sống", Marie nói.
Đại gia đình bà Marie đón Giáng Sinh 2019 tại Ninh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngày gặp lại, vợ chồng Marie dành hơn một giờ trò chuyện với gia đình ân nhân. Mặc dù vị bác sĩ già không thể nói, Marie thấy bàn tay bà Xiêm nắm tay mình rất chặt lúc kể chuyện xưa. "Tôi tin bác sĩ Xiêm nhớ tôi", bà nói và cho biết Marco Thắng, 44 tuổi hiện là một kỹ sư tin học đã rất vui mừng trước tin bà Xiêm còn sống.
Trong buổi trùng phùng này, vợ chồng bà Marie được gia đình bác sĩ Xiêm mời dự bữa cơm chiều 30 Tết - bữa cơm quan trọng nhất trong năm của gia đình họ - vợ chồng Marie đồng ý ngay lập tức. Điều đáng tiếc là gia đình anh Marco Thắng và em gái anh phải về Italy, không thể tham gia.
Anh Lê Đình Lộc, con trai bác sĩ Xiêm cho biết, cuộc trùng phùng sau 43 năm là một trong nhiều niềm vui mà mẹ anh luôn bất ngờ nhận được trong hơn nửa thế kỷ qua. Khi là cuộc viếng thăm của bác nông dân với người con nhờ bà mà được sinh ra, nay đã trưởng thành. Là bức thư của một cô giáo trên cao nguyên chưa có điều kiện gặp lại người mang hạnh phúc đến cho mình. Đôi khi chỉ là cuộc điện thoại của những người bà không thể nhớ ra trong hàng trăm bệnh nhân được chữa trị.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Phan Dương (VnExpress)
Lớp học 10.000 đồng và niềm vui bất tận Chúng tôi đến thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Uyên, tỉnh Bắc Giang vào một buổi sáng đẹp trời. Khi được hỏi về ngôi trường của cô giáo Nguyễn Thị Ngân, mọi người cười ấm áp rồi đứng lên vui vẻ chỉ đường. Đó là ngôi trường mẹ Ngân. Ngôi trường, hơn 20 năm nay vẫn đập những nhịp đập của...