Cúp Quốc gia hay nhất lịch sử: Biểu tượng thắng COVID-19 của bóng đá Việt Nam
Hà Nội FC thể hiện quyền lực tuyệt đối ở mùa giải Cúp Quốc gia đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Mùa giải 2020 chứng kiến sự vươn mình của Cúp Quốc gia cả về khía cạnh sức hút và tầm vóc. Trong bối cảnh đặc biệt, giải đấu thường bị gọi là “sân chơi hạng hai” trở thành biểu tượng thắng COVID-19 của bóng đá Việt Nam, được các CLB lớn đầu tư thi đấu và thu hút sự chú ý của giới mộ điệu.
Biểu tượng thắng COVID-19
Một trong những trận đấu đáng nhớ nhất mùa giải này là cuộc so tài giữa Nam Định và HAGL trên sân Thiên Trường. Sau thời gian xã hội nói chung và bóng đá nói riêng ngưng trệ vì COVID-19, hình ảnh biển người đến sân xem bóng đá là biểu tượng của chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh.
CĐV Nam Định tạo nên hình ảnh đẹp.
Hình ảnh khán giả Việt Nam nô nức xem bóng đá là giấc mơ của hầu hết các giải đấu trên thế giới lúc ấy. Khi các giải châu Âu phải tạm hoãn, bóng đá Hàn Quốc đá không khán giả, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia tranh cãi về thời gian tổ chức giải, sức sống của bóng đá Việt Nam tạo nên hình ảnh đẹp vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao thông thường.
Và trận đấu với hàng vạn khán giả ấy nằm trong khuôn khổ Cúp Quốc gia.
Lần tái xuất thứ hai của Cúp Quốc gia không rực rỡ như trước. Sân Hàng Đẫy vắng bóng khán giả khi Hà Nội FC gặp CLB TP.HCM, hay Viettel gặp Bình Dương. Tuy nhiên, gần 5.000 CĐV đến sân cổ vũ Bà Rịa Vũng Tàu ở trận tứ kết cũng là mơ ước với rất nhiều giải đấu, vốn đang tranh cãi là có hay không có khán giả.
Như sự sắp đặt của lịch sử, ở cả hai lần bóng đá Việt Nam phải hoãn lại do dịch bệnh, Cúp Quốc gia luôn là pháo hiệu đánh dấu sự trở lại. Giải đấu này không chỉ có sứ mệnh thắp lại nhiệt huyết cho bóng đá Việt, mà còn là hình mẫu để V-League, hay các nhà hoạch định, điều hành giải đấu nhìn vào.
Cúp Quốc gia hấp dẫn và kịch tính.
Từ cách vận hành thực tiễn của Cúp Quốc gia, ban tổ chức sẽ tính đường điều chỉnh để tổ chức V-League cho phù hợp. Là sân chơi từng không được quan tâm nhiều, Cúp Quốc gia đã có vị thế mới. Khi sân chơi này được nâng tầm, người hâm mộ sẽ có thêm một lựa chọn hấp dẫn nữa để theo dõi mỗi mùa.
Hà Nội FC thống trị
Hà Nội FC có thể gặp khó ở V-League, nhưng Cúp Quốc gia là câu chuyện khác. Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm đã cuốn phăng mọi vật cản trên đường lên ngôi vô địch. 4 chiến thắng, 17 bàn thắng, đó là đẳng cấp.
Đội bóng Thủ đô khởi đầu thuận lợi khi gặp Đồng Tháp và Cần Thơ, hai đối thủ không được đánh giá cao ở vòng 1/8 và tứ kết.
Thử thách thực sự chỉ đến ở bán kết khi Hà Nội FC gặp đội giàu tham vọng là CLB TP.HCM. Dù vậy, trên sân nhà Hàng Đẫy, Quang Hải cùng đồng đội đã ghi 5 bàn vào lưới đối thủ với lối chơi tấn công đẹp mắt và thuyết phục.
Hà Nội FC thể hiện quyền lực vượt trội.
Ở trận chung kết, Hà Nội FC gặp CLB Viettel, đội có nhiều tuyển thủ quốc gia và là cái tên khả dĩ nhất có thể thách thức thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Hà Nội FC gặp bất lợi khi thủng lưới ở phút 75, nhưng sự quật khởi trong 10 phút cuối giúp CLB Thủ đô hoàn tất cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Hà Nội FC đã thể hiện được hết tinh hoa ở Cúp Quốc gia, với sức mạnh tấn công hủy diệt, sự uyển chuyển, kết dính đẹp mắt và bản lĩnh của nhà vô địch. Đây sẽ là bước đà thuận lợi để đội bóng áo tím trở lại cuộc đua vô địch V-League.
CLB TP.HCM, CLB Viettel đầy hứa hẹn
Hà Nội FC sẽ không “đơn độc” trên hành trình chinh phục Cúp Quốc gia mùa tới. CLB TP.HCM sẽ là đối trọng đáng gờm. Đội bóng của HLV Chung Hae Seong thua Hà Nội FC tới 1-5 ở bán kết khi thiếu Công Phượng, Huy Toàn, Hữu Tuấn, lại phải đá với bộ đôi ngoại binh mới mẻ.
Nếu có lực lượng tốt nhất và sự kết dính, CLB TP.HCM có thể gây khó khăn cho Hà Nội FC nhiều hơn những gì thể hiện ở 45 phút đầu.
CLB TP.HCM là thế lực đang lên.
CLB TP.HCM có tham vọng, thực lực, thể hiện ở đầu tư mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng với hàng loạt nội binh, ngoại binh giỏi cập bến. HLV Chung Hae Seong cần thời gian để xây dựng đội bóng mạnh. Đạt được sự kết dính, CLB TP.HCM sẽ là đối trọng thách thức ngôi vô địch.
Tương tự là CLB Viettel – đội đã chơi rất hay trong trận chung kết và chỉ thiếu một chút tập trung trong 10 phút cuối để bảo toàn thành quả. CLB Viettel cũng đang từng bước xây dựng lực lượng mạnh để cạnh tranh danh hiệu. Những thế lực mới để chống lại thế thống trị của Hà Nội FC đang được hình thành và xây dựng.
Mùa sau, Cúp Quốc gia sẽ hấp dẫn và cạnh tranh hơn.
Bóng đá châu Á ứng phó với đại dịch: Lá cờ đầu Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm, bóng đá thế giới nói chung và châu Á nói riêng chứng kiến một cơn "đại hồng thuỷ" lớn nhất trong lịch sử.
Tuyệt đại đa số các hoạt động bóng đá bị đóng băng. Các nền bóng đá đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguồn thu và kéo chậm sự phát triển. Nhưng trong bức tranh với gam mầu xám ấy, V.League như một điểm sáng hy vọng.
Tấm gương Việt Nam
Trong phiên họp gần nhất, Chủ tịch FIFA đã thực sự ấn tượng với thông tin mà VFF cung cấp. Theo đó, bất luận đại dịch mang đến những tác động tiêu cực nhưng đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã tổ chức được hơn 400 trận đấu. Từ V.League, hạng Nhất QG, bóng đá nữ, futsal đến các sân chơi trẻ, phong trào đều nhập cuộc. Các khán đài thực sự là ngày hội với thống kê trung bình khán giả một trận đấu cao nhất trong nhiều năm qua. Đó thực sự là một thành công ấn tượng của bóng đá Việt Nam. Thành công đó không chỉ có ý nghĩa với bóng đá Việt Nam mà còn là cảm hứng cho nhiều nền bóng đá. Việt Nam trở thành tấm gương của chiến thắng dịch bệnh. Bóng đá Việt Nam là minh chứng tuyệt vời nhất về sứ mệnh của bóng đá với cuộc sống cộng đồng và hình ảnh quốc gia.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giới truyền thông và đại gia đình bóng đá thế giới thật sự lên cơn sốt với bóng đá Việt Nam. Khi cả thế giới đóng băng, hoặc cố lắm đá không khán giả thì mỗi cuối tuần, NHM Việt Nam lại hồ hởi đến sân. Khi ấy, bóng đá không chỉ là sự tiếp nối các kế hoạch đã định sẵn, mà còn là kênh truyền thông hữu hiệu nhất về một Việt Nam ổn định và an toàn. Thông qua bóng đá, bạn bè thế giới ấn tượng về quyết tâm chính trị, năng lực quản trị, hành động của chính phủ Việt Nam. Và trong sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến thắng đại dịch và một Việt Nam an toàn mang đến cơ hội để chúng ta "dọn ổ đón đại bàng". Nói thế để thấy, bóng đá không chỉ là cuộc đua tranh của các đội bóng mà còn có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội. Ý thức được điều này sẽ góp phần định vị đúng vị thế, vai trò và sứ mệnh của bóng đá trong đời sống xã hội.
Tổ trọng tài, 2 đội trưởng của Hà Nội FC và HAGL chụp ảnh lưu niệm trước một trận đấu tại V.League - Ảnh: Đức Cường
Bảo vệ cuộc chơi
V.League là điểm đến của sự chú ý của bóng đá thế giới. NHM tự hào về một sân chơi hấp dẫn, minh bạch nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, để có được sự thừa nhận này, bóng đá Việt Nam đã có hành trình đi qua giông tố. Khi đại dịch bùng phát, giải đấu trì hoãn, những người làm bóng đá phải trăn trở tìm mọi giải pháp ứng biến. Thế nhưng, phải thẳng thắn thừa nhận là không phải lúc nào nỗ lực ấy cũng được hưởng ứng khi mà nội bộ người làm bóng đá vẫn có khác biệt, hoặc tính toán khác nhau. Đã có những phản ứng với kế hoạch tái khởi tranh bóng đá khi đại dịch vẫn còn. Ngoài ra, có những đội bóng không muốn xuống hạng và trong hậu trường đã có cuộc vận động nhằm thúc đẩy kế hoạch này dù nó có thể khiến giải đấu mất đi sức hấp dẫn và ảnh hưởng quyền lợi các đội hạng nhất. Ngoài ra, phải kể đến áp lực vì quỹ thời eo hẹp do còn dành chỗ cho hoạt động của các ĐTQG.
Dù đối diện với những tranh cãi, khác biệt về mục đích, quan điểm, nhưng rất mừng, bóng đá Việt Nam vẫn duy trì được hệ thống của mình. Lấy sự bất biến về quan điểm bảo vệ cuộc chơi ứng biến những thay đổi của thời cuộc, bóng đá Việt Nam đã có quyết định dũng cảm và đúng đắn khi đưa các hoạt động trở lại. Nó đảm bảo sức sống và giảm thiểu tối đa những rủi ro cho nền bóng đá. Và thực tế thì tất cả đã biết, bóng đá đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Thế nhưng, đại dịch tái bùng phát đang đặt ra những thách thức lớn cho nền bóng đá. Các nhà quản lý đang đứng trước lựa chọn khó khăn khi phải cân bằng lợi ích của tất cả các bên. Nhưng dù có thế nào thì quyền lợi của bóng đá, tương lai của bóng đá phải được đặt lên hàng đầu.
Nước và lửa ở V-League Năm năm trở lại đây, các cuộc đối đầu giữa HAGL và Hà Nội luôn diễn ra căng thẳng, thậm chí có phần quyết liệt cả trong và ngoài sân cỏ. Sự đối nghịch về hình ảnh, cá tính giữa bầu Hiển với bầu Đức dường như cũng tạo thêm "gia vị" cho những lần đôi bên gặp nhau. Pha đi bóng của...