Cuốn – Làm mới món cũ
Ngày Tết, mỗi gia đình thường chuẩn bị vài thiên bánh tráng, tôm khô, củ kiệu, dưa hành cùng nồi thịt kho tàu, chút rau sống, nước chấm chua ngọt để có một bữa ăn cuốn cách điệu với nguồn thực phẩm đặc trưng ngày Tết.
Đầu bếp Phạm Tuấn Anh (khoa bếp Á – Trường Du lịch khách sạn TP.HCM) chia sẻ: món cuốn là món ngon độc đáo, hấp dẫn, không cần sự chế biến cầu kỳ. Thịt, cá, hải sản có thể hấp, chiên, nướng tùy sở thích hay có khi chỉ là chà bông, xúc xích, thịt nguội bạn cũng làm cho bữa ăn phong phú, kích thích khẩu vị với đầy đủ chất dinh dưỡng. Bí quyết của món ăn này nằm ở sự kết hợp của các hương vị thực phẩm, các loại rau tươi, rau thơm và đặc biệt là kỹ thuật pha chế nước chấm chua ngọt, hay nước dùng từ thịt được sáng tạo bằng đủ loại gia vị.
Món cuốn đặc trưng các vùng miền như cuốn tai heo, nem chả kiểu Bắc, cuốn thịt nướng, cuốn ram miền Trung và cuốn kiểu bò bía Nam bộ. Bạn có thể làm mới món ăn cũ bằng nhiều hương vị khác nhau qua cách chọn các loại rau thơm làm điểm nhấn, hay dùng bánh phở cuốn thay cho bánh tráng, rong biển khô cuốn kiểu Hàn Quốc, Nhật Bản. Món cuốn ăn nóng hoặc nguội tùy theo nguồn thực phẩm bạn chọn, từ thịt ba chỉ luộc, gà xé phay đến cá hấp, bò nướng. Sự kích thích khẩu vị của thực khách từ món ăn này không chỉ ở cách trang trí của đĩa rau đẹp mắt, mùi thơm dậy lên từ thực phẩm, sự cay nồng hay chua ngọt của nước chấm mà còn từ sự chủ động của người ăn qua việc vừa chiên, nướng, vừa cuốn.
Để món cuốn đậm chất truyền thống, bạn có thể tìm thêm một số củ quả mang hương vị quê nhà như trái vả, trái sung kết hợp hàng chục loại rau nhà vườn, từ lá cóc, lá xoài, lá ổi non… Để bữa ăn ấn tượng, đậm đà khó quên, bạn chỉ cần lưu ý loại nước chấm, nước xốt đi cùng thực phẩm sao cho làm dậy mùi thức ăn, tôn vinh giá trị dinh dưỡng của rau quả tươi xanh và các loại thịt, cá.
Món cuốn ít chất béo, giảm lượng đạm và tăng cường các vitamin, khoáng chất, chất xơ từ rau củ nên cuốn được xem như “bài” giảm cân hiệu quả của người béo phì, cách giữ dáng của các bà, các cô.
Theo PNO
Tré Huế
Khi còn nhỏ, mỗi lần ba tôi ngồi lai rai với mấy người bạn lại bảo tôi đi mua một chùm tré về làm mồi. Mỗi lần như thế, ba lại thưởng cho tôi một hai cái tré. Nhưng hồi đó, tôi chỉ ăn tré suông chứ không thể ăn kèm với tỏi. Lớn lên mới biết, muốn tré ngon đậm đà thì cắn thêm một miếng tỏi mới đúng điệu.
Là một món ăn có "họ hàng" với nem chả, nhưng tré Huế lại được chế biến rất đặc biệt. Tré vừa được làm chín thịt như chả lại vừa được lên men như nem. Muốn có lọn tré đậm đà cần có tai heo, thịt ba chỉ, một ít thịt bò, riềng và mè. Mỗi loại thịt được sơ chế một cách khác nhau. Thịt bò rim cho thấm với nước mắm và đường. Thịt ba chỉ cần ram vàng. Tai heo luộc và làm sạch. Tất cả thịt đều được xắt chỉ và trộn thật đều với riềng, tỏi, mè và gia vị. Sau đó chỉ cần nắm chặt và gói lại là xong.
Tré ngày xưa gói bằng lá chuối ở trong và bọc tranh ở ngoài. Bây giờ, tré được gói đơn giản hơn, ở lớp trong cùng là lá ổi, bao ngoài thêm lớp lá dong rồi đến lớp lá chuối ngoài cùng. Sau đó, treo tré lên chỗ thoáng mát khoảng 2-3 ngày là có thể đem ra thưởng thức.
Mùi thơm của thịt bò rim, mè, riềng át đi vị ngán của thịt ba rọi. Khi ăn nghe tiếng sần sật rất vui tai, vui miệng. Vì thế, nhiều người đi đâu xa hoặc có dịp ghé Huế thường mua vài xâu tré làm quà.
Theo người lao động
6 món ngon làm từ bánh tráng bán ở Sài Gòn Chiếc bánh dân dã đến bình dị đấy lại là nguyên liệu không thể thiếu để cho ra đời những món ăn ngon. Hình ảnh chiếc bánh tráng đã trở nên quen thuộc, từ Nam ra Bắc đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp, từ gánh hàng trong trên phố hay trên bàn ăn của một nhà hàng sang trọng nào đó....