Cuối tuần sống chậm tại Đường Lâm cổ trấn
Ngoại thành Hà Nội có một cổ trấn chính là Đường Lâm – điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tạm thời tránh xa nơi phố thị xô bồ.
Nhắc đến làng quê Bắc Bộ, nhiều người nhớ đến cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng… Tất cả những điều này đều có thể được tìm thấy tại Đường Lâm. Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 45 km, làng cổ vẫn giữ nét mộc mạc từ quá khứ, hấp dẫn các du khách muốn được trải nghiệm một ngày bình yên, tìm về những nét Việt xưa cũ. Trong hàng vạn ngôi làng của cả nước, đây là ngôi làng đầu tiên nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Buổi sáng
Cổng làng Mông Phụ – Đình làng Mông Phụ – Đi dạo
Từ Hà Nội, bạn có thể đến Đường Lâm bằng xe buýt, xe khách, hoặc xe máy. Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng.
Có nhiều lối vào làng cổ, nhưng cổng Mông Phụ vẫn là nơi được du khách chọn làm điểm khởi hành tham quan nhiều nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cổng làng vẫn còn rất nguyên vẹn, thấm đậm cái hồn làng quê miền Bắc. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực mà người dân sinh sống. Cổng làng Mông Phụ như lời chào mộc mạc, vẫy mời du khách vào khám phá cổ trấn xứ Đoài. Bước qua cánh cổng, thời gian trôi chậm lại, hành trình tìm về quá khứ bắt đầu.
Nằm giữa làng cổ là đình Mông Phụ. Tương truyền rằng đình làng Mông Phụ được xây trên trán một con rồng. Đình được xây dựng từ năm 1684 dưới đời vua Lê Hiển Tông, mang đậm lối kiến trúc cổ của người Việt xưa, được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đây là khu vực nhộn nhịp nhất của làng, khi mọi hoạt động tập thể và quan trọng đều diễn ra ở đây. Đứng cạnh sân đình, du khách cảm nhận được không khí xưa cũ khi nhìn thấy những quán ăn, quán nước rất đậm hồn quê.
Từ đình làng Mông Phụ, du khách có thể tham quan các con đường cổ nằm xung quanh. Khác Hội An với những căn nhà cổ được sơn vàng, ở Đường Lâm các căn nhà cổ đều được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, gạch đất nung, ngói…
Ghé thăm một số nhà cổ tại đây, bạn có thể mua tương nếp để làm quà. Những chum tương được bày ngoài sân, thoảng trong không khí mùi mặn mà đặc trưng. Du khách có thể được tự tay mở các chum tương đang được ủ và nghe chủ nhà giải thích kỹ lưỡng về quá trình làm ra một chai tương nếp đúng điệu.
Người dân bày chum tương nếp trước sân nhà.
Buổi trưa
Thưởng thức quà quê tại nhà cổ
Không chỉ là một ngôi làng bảo tồn những nét kiến trúc cổ xưa đặc biệt, đến Đường Lâm bạn còn có cơ hội được thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng. Có nhiều nhà cổ được tận dụng làm nhà hàng, trong đó nổi tiếng phải kể đến nhà cổ chú Vững.
Buổi trưa thật yên bình khi thực khách được ngồi bên sông, thưởng thức những món quà quê giản dị, hít thở không khí trong lành yên tĩnh nơi làng quê. Bạn có thể thử món đặc sản như thịt quay đòn gánh, bánh tẻ, kẹo dồi, gà mía – những thứ làm nên tên tuổi Đường Lâm nói riêng và Sơn Tây nói chung.
Video đang HOT
Buổi chiều
Tham quan chùa Mía – Khám phá “đất hai vua”
Ngôi làng không chỉ thu hút du khách yêu thích hoài cổ mà còn hấp dẫn du khách muốn tìm về tâm linh. Chùa Mía giữ kỷ lục Guinness Việt Nam về lượng tượng Phật cổ nhiều nhất khi lưu giữ tới 287 bức tượng cổ, trong đó lưu giữ được 6 pho tượng bằng đồng, 107 pho tượng gỗ và 174 pho tượng đất nung. Ngôi chùa linh thiêng có nhiều bí ẩn xoay quanh. Người dân địa phương nói rằng không ai được chụp ảnh và quay phim trong chùa. Tương truyền, nhiều du khách đã chụp ảnh quay phim và khi xem lại, những hình ảnh và video sẽ biến mất hoặc không còn hoàn chỉnh nữa. Đi chùa, du khách thường cầu sức khỏe và bình an nhưng riêng đến với chùa Mía, đến ban thờ Bà chùa Mía, bạn có thể cầu tài, lộc, công danh.
Người dân Đường Lâm tự hào là con cháu của “vùng đất hai vua” khi đây là nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc – Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và vua Ngô Quyền. Có nhiều đền thờ hai vị vua trên cả nước, nhưng Đường Lâm là nơi lưu giữ đền thờ được đặt chính tại nơi mà hai vua đã sinh ra.
Đi lễ tại hai đền thờ này, bạn cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử thú vị. Đó là núi Hổ Gầm. Tương truyền, đây là nơi Phùng Hưng tay không giết hổ dữ để bảo vệ dân lành.
Gần đền thờ Ngô Quyền có rặng duối cổ gồm 18 cây. Tương truyền, Ngô Quyền đã buộc voi vào đây. Rặng duối cổ có niên đại hơn 1000 năm. Gắn với vua Ngô Quyền, hiện tại ở đền thờ ngài vẫn còn lưu giữ 2 chiếc cọc từ trận chiến Bạch Đằng lịch sử.
Cọc Bạch Đằng trưng bày tại đền thờ Ngô Quyền.
Dọc đường đến thăm hai di tích lịch sử, du khách sẽ ngửi thấy mùi thơm thoảng trong gió. Đó chính là mùi sắn người dân phơi ngoài đường, giúp du khách có cơ hội được thưởng thức một mùi hương rất “quê”. Đường Lâm luôn bình dị như thế, khiến bất kì ai rời đi cũng phải xao xuyến.
Ngày 28/11, Làng cổ Đường Lâm đánh dấu kỉ niệm 15 năm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (2005 – 2020) và tổ chức các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản. Di sản sống có tuổi đời hàng chục thế kỷ này được mỗi người dân Đường Lâm bảo tồn, nâng niu, gìn giữ đến ngày nay.
Cũng vào ngày này, đoàn famtrip với chủ đề “Truy tìm kho báu làng cổ Đường Lâm” với hơn 20 doanh nghiệp du lịch tham gia dưới sự tài trợ của AZA Travel, đã tham quan và khảo sát làng cổ, tạo cơ hội cho du lịch tại Đường Lâm phát triển hơn trong tương lai.
24h ăn chơi khắp Lạng Sơn
Nếu chỉ có 1 ngày ở Lạng Sơn, bạn hãy ghé thăm những địa điểm đặc trưng như Ải Chi Lăng, núi Phai Vệ, cửa khẩu Hữu Nghị...
Nằm ở phía Đông Bắc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh địa đầu của Tổ quốc. Nơi đây sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Dưới đây là gợi ý lịch trình 1 ngày bạn có thể tham khảo cho chuyến đi Lạng Sơn sắp tới.
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng là thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh là núi cao, có sông Thương chảy qua. Chiều dài của Ải gần 20 km, nơi rộng nhất khoảng 3 km. Đây từng là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt của dân tộc ta với quân xâm lược phương Bắc trong quá khứ.
Trong các ngọn núi, có thể kể đến núi Mặt Quỷ cách cửa Ải Chi Lăng ngày nay chừng 100 m. Núi được đặt tên như vậy vì trên vách núi có một hình dáng khuôn mặt được người dân cho rằng giống mặt quỷ. Thú vị là người dân nơi đây không coi núi là biểu tượng của cái ác, mà núi như một vị thần hộ mệnh, bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng.
Đến thăm Ải Chi Lăng, du khách có thể đăng ký nghe thuyết minh viên của Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng kể về lịch sử, lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng và giữ nước.
Tại đây còn có đặc sản na được nhiều người ưa chuộng. Mùa na từ tháng 7 đến hết tháng 9. Bạn có thể tham quan vườn na để xem từng gánh na được bà con hái trên núi, đưa xuống đất thông qua hệ thống ròng rọc tự chế khá thú vị. Giống na Chi Lăng thích nghi tốt trên đất núi đá, cho vị ngọt sắc, thịt dai, khác so với na được trồng ở nơi khác.
Cửa khẩu Hữu Nghị
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc. Đây là cửa khẩu nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117. Du khách đến đây sẽ được nghe thuyết minh về ý nghĩa cột mốc này.
Vào thời điểm không có dịch bệnh, du khách có thể đăng ký làm giấy thông hành để "xuất ngoại". Từ cửa khẩu, bắt taxi di chuyển vào thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) cách khoảng 15 km để tham quan, ăn uống.
Thành Nhà Mạc - Núi Tô Thị
Thành nhà Mạc dựa vào núi nàng Tô Thị. Đây là một căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ VII. Dấu tích hiện nay của Thành gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300 m, mặt thành rộng khoảng 1 m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Để lên cổng thành, du khách cần đi qua hơn 100 bậc tam cấp. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng. Du khách đứng trên thành nhìn về phía đông có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn.
Du khách check-in tại lối lên cổng thành.
Động Tam Thanh - Chùa Tam Thanh
Nằm trong lòng thành phố Lạng Sơn, Động Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh và Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc. Trong động có chùa Tam Thanh.
Đi sâu vào trong động có hồ Âm Ty, nước trong mát quanh năm, không vơi cạn. Trên trần hang có nhiều nhũ đá với những hình thù sinh động. Từ Động Tam Thanh, có đường dẫn lên Lầu Vọng Thị để du khách ngắm nhìn tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng. Sau đó, du khách có thể tham quan nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Giá vé tham quan động Tam Thanh là 20.000 đồng/ người.
Núi Phai Vệ
Di tích núi Phai Vệ nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Theo nghiên cứu, núi Phai Vệ được người cổ đại lựa chọn làm nơi cư trú, là địa điểm quan trọng trong quá trình phát triển con người trong thời kỳ tiền sử, cũng là nơi bộ đội trú ẩn trong suốt kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Núi trông như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa lòng thành phố, có cột cờ cao 80 m. Có 4 tuyến đường để lên cột cờ núi Phai Vệ, với 535 bậc đá. Đứng trên cột cờ có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng quanh co uốn lượn. Du khách nên ghé địa điểm này vào khoảng 17h - 18h để ngắm hoàng hôn.
Chợ đêm Kỳ Lừa
Sau bữa tối, du khách có thể tham quan nhịp sống Lạng Sơn về đêm. Chợ Kỳ Lừa nằm ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc. Chợ mỗi tháng họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Vào ngày diễn ra phiên chợ, nam thanh nữ tú các dân tộc sẽ đến đây mua sắm và gặp gỡ, giao duyên, qua những lời ca. Du khách đến chợ có thể mua đồ gia dụng, đồ điện tử hoặc thưởng thức một số đặc sản xứ Lạng.
Vào cuối tháng 10/2020, Lạng Sơn khai trương thêm tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa, mở cửa từ 8h - 24h thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các gian hàng lưu niệm, ẩm thực sẽ được tổ chức xung quanh chợ Kỳ Lừa và các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri.
Ẩm thực
Ẩm thực Lạng Sơn mang nét đặc trưng riêng với những đặc sản như vịt quay, khâu nhục, bánh ngải, phở chua, bánh Coóng Phù,... Một số địa chỉ gợi ý cho du khách là:
- Nhà hàng Mạnh Hà - Lợn quay & Vịt quay tại ngã tư Sơn Hà, Hữu Lũng, Lạng Sơn
- Nhà hàng Vịt quay mắc mật tại 12 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
- Phở chua tại 194 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
- Bánh cuốn trứng tại 2 Đại Huề, 119 Bắc Sơn, 14 Nguyễn Du.
Di chuyển
Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội khoảng 155 km. Bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội đi Lạng Sơn từ bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm, giá vé dao động từ 100.000 - 170.000 đồng/ người. Thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ.
Nếu muốn đi xe máy, bạn đi theo đường quốc lộ 1, thời gian chạy xe khoảng 4 - 5 tiếng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển. Bên cạnh đó, bạn có thể đi tàu hỏa từ ga Hà Nội đến ga Đồng Đăng, tuy nhiên phương tiện này không thuận tiện và phổ biến với du khách.
Lưu trú
Với khách sạn có tiêu chuẩn 2 - 3 sao, du khách có thể chọn: khách sạn Hoàng Dương tại số 202 Phai Vệ, Vi's Boutique tại số 185 Trần Đăng Ninh, Song Long tại số 122 Lý Thường Kiệt... với mức giá từ 300.000 - 600.000 đồng/ đêm.
Với khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao, Lạng Sơn có khách sạn Mường Thanh tại số 68 Ngô Quyền và Vinpearl Hotel tại số 27 Trần Hưng Đạo, với giá phòng từ 750.000 - 1.500.000 đồng/ đêm.
Varanasi: Vùng đất của những linh hồn Hồi còn nhỏ, mẹ tôi bảo rằng tên tôi cũng là tên của một dòng sông - sông Hằng. Từ đó tôi cứ mãi nhớ cái tên sông Hằng ở Ấn Độ và ước ao được một lần ngắm nhìn dòng sông ấy. Chắc có lẽ đã hơn mười năm, tôi vẫn giữ nguyện vọng này và cái hình ảnh mơ hồ về...