Cuối năm, hàng dỏm tung hoành
Một cơ sở sản xuất bột cà ri nhái bị cơ quan chức năng tại TP.HCM phát hiện
Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như thực phẩm khô, gia vị thực phẩm, hàng thời trang, vật liệu xây dựng, hóa mỹ phẩm… tăng vọt. Đây cũng là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tung ra dồn dập…
Các nhà sản xuất hàng chính hãng trong nước đang đối mặt với hàng ngoại nhập ở hai cuộc chiến: cuộc chiến với hàng nhập khẩu chính ngạch (cùng chủng loại) và cuộc chiến với hàng dỏm, hàng giả nhập lậu. Doanh thu của một số doanh nghiệp trong nước đã bị sụt giảm nặng nề.
Chào bán giá rẻ
“Nước mắm NN thật được các nhân viên tiếp thị và phân phối chào bán giá sỉ 16.000 đồng/chai 750ml. Cũng kiểu dáng chai y chang, nhãn hiệu, địa chỉ công ty, các thông số về thành phần, chỉ tiêu chất lượng giống hệt trên nhãn của sản phẩm “xịn”, nhưng do một nhóm tiếp thị khác vừa đến chào giá bán sỉ chỉ 11.000 đồng/chai” – chị Nguyễn Nga, chủ một tiệm tạp hóa ở khu phố 16, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết.
Theo chị Nga, người chào hàng khẳng định không phải hàng thật nhưng họ dụ các tiệm tạp hóa bằng giá bán loại nước mắm này rẻ hơn hàng thật tới hơn 30% và còn đang có chiến dịch mua một thùng tặng một thùng!
Vỏ ngoại, ruột nội Những năm gần đây, bánh kẹo ngoại (chủ yếu là bánh hộp thiếc) dần mất ưu thế trên thị trường bởi giá cao. Tuy nhiên, tâm lý chuộng bánh ngoại dùng để biếu tặng cho sang vẫn tạo điều kiện cho những loại bánh hộp ngoại chất lượng phập phù có đất sống. Tình trạng làm giả nhiều nhất là vỏ ngoại, ruột nội với hộp thiếc đẹp, giá không rẻ nhưng lập lờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bánh kém. Tại khu vực chợ Bình Tây, chợ sỉ đường Lê Quang Sung (Q.6), từ đầu tháng 12 các mặt hàng bánh kẹo đã được trưng bày đầy ắp cửa hàng. Khi hỏi mua bánh hộp, người bán thường giới thiệu các loại bánh trong nước nhưng nếu thấy khách có nhu cầu lấy hàng nhiều, người bán lập tức tư vấn sang “nhập hàng ngoại, bán dễ lời hơn”. Đa số bánh ngoại loại hộp thiếc trọng lượng 500-700gr được bày bán ở những khu vực này là hàng ghi xuất xứ Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, không ít trong số đó là hộp bánh thương hiệu ngoại nhưng bên trong là bánh được nhập xá, đóng gói tại VN. Chưa kể để tăng lợi nhuận, người bán còn trộn cả hàng cơ sở trong nước vào do tem dán trên bao bì một số loại bánh ngoại chỉ là loại keo nilông, mở ra dán lại khá dễ dàng. Bánh ngoại được nhập dạng xá trong các thùng nhựa loại 20 lít, sau đó được chiết sang từng gói nhỏ và đóng hộp. Với công đoạn đóng và mở này, nếu không đảm bảo vệ sinh, bánh dễ bị xuống chất lượng và nhiễm khuẩn. Theo Cục Quản lý thị trường, hiện số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt đến con số 3.000-5.000 vụ/năm. Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng, thậm chí ở cả những trung tâm thương mại sang trọng. Tiêu dùng hàng gian, hàng giả là sự lãng phí ghê gớm tiền của và ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng ở mặt hàng gia vị thực phẩm, Đội phòng ngừa đấu tranh và sở hữu trí tuệ thuộc Công an TP.HCM vừa tạm giữ 1.500 gói bột cà ri 20g, 2.700m2 bao bì đã in sẵn và năm ống đồng (khuôn mẫu in bao bì) của cơ sở sản xuất gia vị thực phẩm Thành Phát (khu phố 16, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).
Cơ sở Thành Phát đã bị bắt quả tang đang sản xuất, buôn bán và in bao bì vi phạm nhãn hiệu, nhái sản phẩm bột cà ri của Công ty liên doanh sản xuất gia vị thực phẩm Việt Ấn (Vianco). Theo Vianco, tại TP.HCM đang có cả chục cơ sở sản xuất các loại sản phẩm gia vị thực phẩm nhái, giả sản phẩm của Vianco.
Đội phòng ngừa đấu tranh và sở hữu trí tuệ – Công an TP.HCM bắt quả tang công nhân cơ sở Thành Phát sản xuất bột cà ri nhái sản phẩm của Công ty liên doanh sản xuất gia vị thực phẩm Việt Ấn
Video đang HOT
Các cơ sở làm giả “đánh” hàng ồ ạt ra chợ Bình Tây, chiếm lĩnh khâu bán sỉ. Do đó hàng giả theo tiểu thương buôn hàng từ chợ Bình Tây đi khắp TP.HCM tiêu thụ, thậm chí công ty còn phát hiện hàng giả ở Bến Tre, An Giang…
Tại các tiệm tạp hóa ở những quận vùng ven như Tân Phú, Bình Tân… cũng xuất hiện các loại hóa mỹ phẩm giả. Một số tiệm tạp hóa khẳng định nước xả quần áo của thương hiệu C không rõ nguồn gốc đang được chào hàng với giá giao tận nơi khoảng 1.000 đồng/bịch, trong khi giá sỉ của hàng chính hãng là 1.350 đồng/bịch.
Vật liệu xây dựng cũng bị “dính” khi nhu cầu sửa, trang trí lại nhà cửa của người dân tăng vọt, khiến không ít nhà “sản xuất” giả mạo lao vào kiếm lời. Đội Quản lý thị trường Tân Phú vừa phạt gần 48 triệu đồng và tịch thu 168 bao (40kg/bao) bột trét tường cao cấp dùng cho sơn nước hiệu AB Duluxusa (giả mạo nhãn hiệu Dulux đã được đăng ký bảo hộ), 802 bao bì nhãn hiệu AB Duluxusa. Đơn vị vi phạm là chi nhánh Công ty TNHH thương mại sản xuất Tân An Bình (địa chỉ tại D12 Lê Thúc Hoạch, P.Tân Quý, Q.Tân Phú).
Ngoài ra, tại trụ sở công ty này ở P.Bình Hưng Hòa, Q,Bình Tân, lực lượng quản lý thị trường còn bắt giữ tới 996 bao bột trét tường giả mạo nhãn hiệu Dulux và Joton.
Phập phù nguồn gốc
Một thực tế tiếp tục tồn tại ở các chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1)… là thực phẩm dỏm, nhái và không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan. Mặt hàng phổ biến là bột ngọt, đường, thực phẩm khô và nhiều loại hạt, bánh kẹo tiêu thụ dịp tết. Năm ngoái, khi rộ lên thông tin hạt dưa có chứa hóa chất độc hại, nhiều điểm bán hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí đã được đóng gói với nhãn mác đầy đủ.
Nhưng năm nay thì ngược lại hoàn toàn. Tại chợ Bình Tây, các mặt hàng này được chứa trong những bao lớn, không có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, nơi sản xuất. Chỉ khi người mua hỏi, các tiểu thương cho biết hàng nhập về từ Trung Quốc. Tại chợ Bến Thành, thậm chí người bán hàng còn không biết hàng xuất xứ từ đâu, dù giá các loại hạt này thấp nhất cũng phải 120.000 đồng/kg.
Tương tự, bột ngọt Trung Quốc cũng đang được bày bán với số lượng lớn do rẻ hơn 20% so với hàng có nguồn gốc xuất xứ đầy đủ. Chị Thúy Đào, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết thông thường mỗi ngày sạp chỉ bán khoảng hai bao (50kg/bao), nhưng đón sức mua dịp tết tăng, nguồn hàng chuẩn bị có thể đáp ứng 4-5 bao/ngày.
Theo quan sát, chỉ khi hàng còn đóng trong bao, người tiêu dùng mới có thể nhận biết xuất xứ qua vài chữ Trung Quốc viết trên bao. Nhưng khi hàng xẻ ra bán lẻ, loại hàng hóa này không hề có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, chất lượng… cho người sử dụng.
Tình trạng thông tin nhãn mác phập phù còn phổ biến ở các loại hàng nông sản ngoại nhập. Đội quản lý thị trường 4A đã kiểm tra ba sạp tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức) và niêm phong 2.700 thùng cà rốt (10kg/thùng) do Trung Quốc sản xuất không có nhãn tiếng Việt, không hóa đơn chứng từ.
Kiểm tra ba sạp trái cây ở chợ Tam Bình, lực lượng quản lý thị trường cũng niêm phong giao chủ hàng bảo quản 212 thùng táo xuất xứ Trung Quốc nhập lậu và 1.212 thùng táo Trung Quốc không có nhãn tiếng Việt.
Tại trung tâm thương mại Saigon Square, chợ Bến Thành và một số điểm bán thời trang trên phố, nhiều mặt hàng quần áo, túi xách,…cũng không ghi xuất xứ. Trong số đó nhiều mặt hàng là hàng giả mạo thương hiệu. Tuần trước, chỉ riêng nhóm hàng thời trang, đội quản lý thị trường 3A đã phát hiện trên 10 vụ hàng giả, không thông tin xuất xứ. Qua kiểm tra cho thấy đa số là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp khốn đốn
Ông Châu Thịnh Lân, tổng giám đốc Vianco, cho biết không chỉ sản phẩm bột cà ri mà cả bột ngũ vị hương, bột vani… của công ty đều bị làm giả. Do đã thâu tóm được đầu mối phân phối, trung chuyển hàng tại chợ Bình Tây nên các cơ sở làm giả, nhái sản phẩm của công ty đang đẩy mạnh đưa hàng ra thị trường khiến doanh số của hầu hết sản phẩm của Vianco giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi phải liên tục thay đổi bao bì nhưng các cơ sở làm giả cũng nhanh chóng thay theo. “Nhà sản xuất chân chính phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để quảng bá, làm thương hiệu nhưng người hưởng thành quả lại là những đối tượng làm giả với giá rẻ hơn. Doanh nghiệp không thể tự xoay xở được” – ông Lân bức xúc. Theo ông Lân, hiện công ty đang làm loại bao bì có in tem chống hàng giả trực tiếp lên bao bì với hi vọng các cơ sở nhỏ lẻ khó có thể nhái được mẫu mới này.
Theo ông Hoàng Nhâm Nam – phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần đường Biên Hòa, khi phát hiện sản phẩm đường tinh luyện Biên Hòa bị làm giả trên thị trường, ngay lập tức công ty đã phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. “Hàng giả đã sử dụng đường nhập khẩu từ Thái Lan (không có thương hiệu), sau đó sang chiết đóng gói thành loại 0,5kg và 1kg, sử dụng thương hiệu của đường Biên Hòa để bán ra ngoài thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Nam nói.
Hà Nội: hàng không rõ nguồn gốc vẫn tràn ngập Dạo quanh các phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Hàng Giấy… hay một số địa điểm kinh doanh bán lẻ dễ nhận thấy hàng hóa ở đây chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc. Phần lớn những mặt hàng bánh kẹo là của Trung Quốc, ngoài vỏ bao là tiếng Trung nhưng không ghi rõ nơi xuất xứ bằng tiếng Việt. Một vài sản phẩm như hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười hay các loại ô mai… ghi địa chỉ nơi xuất xứ nhưng không cụ thể, hàng của Trung Quốc chỉ ghi tên sản phẩm. Chủ một kiôt chuyên buôn bán ô mai, mứt các loại đặc sản ở chợ Đồng Xuân cho biết phần lớn mặt hàng ở đây được nhập chủ yếu từ Trung Quốc nên không ghi nhãn mác, nếu có cũng chỉ do các chủ cửa hàng tự ghi và thường không ghi cụ thể. Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán phổ biến tại các chợ ở Hà Nội
Theo Tuổi trẻ
"Kẹo đồ chơi" náo loạn cổng trường
Một học sinh vừa mua bánh que cay
Theo tìm hiểu của PV, bánh que, "kẹo đồ chơi"- thứ kẹo có kèm đồ chơi, tranh ảnh siêu nhân - được bày bán nhiều nhất tại các cổng trường. Có những đứa trẻ đã coi đó như quà sáng, quà chiều. Giá một gói bánh que cay, "kẹo đồ chơi" ở đây là 2.000 đồng.
Bày bán khắp nơi
Sau một thời gian im ắng, gần đây, trên thị trường lại bán nhan nhản bánh que cay, "kẹo đồ chơi", đủ màu sắc chi chít chữ Trung Quốc, là thứ mà trẻ em rất thích. Điều đáng lo ngại, chất lượng của loại bánh, kẹo này ra sao, không cơ quan nào thẩm định, chỉ có các phụ huynh lo lắng bởi trẻ nhỏ rất thích ăn sản phẩm này...
Chỉ trong vòng 20 phút đứng trước cổng trường Tiểu học Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), tôi đã bắt gặp hàng chục em học sinh mua loại bánh que cay này. Chị Hải - một phụ huynh than phiền: "Mấy đứa trẻ nhà tôi mê loại bánh que cay này lắm. Ngày nào chúng cũng đòi mua. Chúng bảo rằng, bánh được tẩm ớt, ăn vừa cay vừa ngon". Theo chị Hải thì trước cổng trường học của con chị có nhiều hàng quán bày bán bánh que cay, "kẹo đồ chơi".
Thấy đứa con học lớp 2 đứng đợi ở cổng trường, trên tay cầm gói kẹo có bao bì khá bắt mắt, chị Quế Lâm, ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cảnh giác cầm lên xem xét kỹ. Bao bì in hình một cậu bé giống trong phim hoạt hình mà con trai chị vẫn gọi là "Ben -then". Chị chỉ đọc được duy nhất chữ "Ben 10", còn lại đều là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không thấy ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Biết đây là kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chị Lâm yêu cầu con bỏ đi nhưng thằng bé tỏ ra rất tiếc. Nó rơm rớm nước mắt: "Gần đủ bộ sưu tập ảnh của con rồi!".
Không rõ nguồn gốc
Bánh que cay được bày bán toàn chữ Trung Quốc
Chúng tôi qua trường Tiểu học Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có khá nhiều hàng bán loại bánh que cay, "kẹo đồ chơi". Hàng chị Thu "béo", bán mấy thứ đồ chơi và loại bánh kẹo này. Tôi hỏi: " Sao chị toàn bán bánh kẹo không rõ nguồn gốc thế? ". Chị này trả lời: "Họ đưa hàng thì tôi bán. Chỉ toàn bánh, kẹo này thôi. Bọn trẻ thích lắm, ngày nào chị cũng bán được 40-50 gói".
Theo ghi nhận của PV, tại các chợ Đồng Xuân, Thành Công chợ Mơ, Trương Định... bánh que cay, "kẹo đồ chơi" được bày bán khá công khai, với giá từ 1.500 đồng - 2.000đồng/gói. Chủ một sạp hàng trong chợ Trương Định giới thiệu hàng loạt mẫu "kẹo đồ chơi" có gắn nhãn sơ sài in chữ Trung Quốc. Ngoài ra, không có thông tin nào khác về xuất xứ hay thành phần kẹo. Nghe chủ hàng nói: Loại "kẹo đồ chơi" ăn như kẹo cao su trong nước sản xuất. Khi hỏi về tính độc hại của loại kẹo này, chủ sạp hàng trả lời tỉnh bơ: "Tôi chưa nghe ai nói kẹo này có hại. Mà có ai cấm đâu?". Theo tìm hiểu của PV, loại kẹo này được các cửa hàng bán lẻ lấy vào với giá 500-800 đồng /gói. Thế nhưng khi bán đến các em nhỏ thường gấp đôi, gấp ba.
Chúng tôi mua 10 gói bánh que cay với giá 20.000 đồng, 5 gói "kẹo đồ chơi" mong tìm ra những thông tin đáng tin cậy về loại bánh này này. Thế nhưng, ngoài vỏ không có ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không có một thông tin nào khẳng định cho chất lượng để người tiêu dùng yên tâm. Khi bóc những gói bánh ra, bánh bị chảy nước, gia vị, bột ớt - thứ được tẩm ở bánh que cay dính keo vào nhau. Nếm thử, toàn vị cay của ớt. Kiểm tra bằng giác quan thôi, chúng tôi đã thấy những gói bánh này không đảm bảo an toàn: "Kẹo đồ chơi" được đựng trong bao bì sặc sỡ có một chiếc kẹo và kèm theo đó là một món đồ chơi, có khi là đồ chơi ghép hình, có khi chỉ là những hình ảnh siêu nhân khiến trẻ rất thích.
Ít nhất là gây hại đường ruột
Đem thắc mắc về bánh que cay (thực chất là tẩm bột ớt) nhận định về khả năng gây độc của loại bánh que cay, một chuyên viên Viện Dinh dưỡng cho rằng, sản phẩm không rõ nguồn gốc lại bị chảy nước dùng không đảm bảo. Để có thể nhận định chính xác thì cần phải phân tích mẫu một cách chi tiết. Nhưng dù có hóa chất độc hay không, thì loại bánh que cay, "kẹo đồ chơi" không rõ nguồn gốc vẫn được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em vì có thể gây nguy hiểm.
BS. Gia Khánh - Khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, chưa biết cụ thể bánh que cay được tẩm ướp chất gì nhưng chỉ vị cay thôi cũng không tốt cho trẻ, vì hệ tiêu hóa của trẻ còn kém. Trẻ dùng loại bánh này thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường ruột.
Tịch thu, tiêu huỷ hàng không nhãn mác, nguồn gốc Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi kẹo mút phát sáng bị phát hiện có chất gây ung thư, ngành Y tế và Quản lý thị trường đã đi kiểm tra, thu hồi rất quyết liệt. Theo như báo phản ánh việc các cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt là vi phạm Nghị Định số 89 của Chính phủ. Những trường hợp này nếu bị phát hiện hàng hoá phải tịch thu tiêu hủy và bị xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin mà báo phản ánh.
Theo Đời sống & Pháp luật
Hàng "nóng" từ A-Z Hàng loạt cửa hàng bán bao cao su đang là điểm cung cấp các loại thuốc, dụng cụ kích dục không rõ nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều mối nguy... Thời gian gần đây,các cửa hàng bán bao cao su, dụng cụ hỗ trợ tình dục... xuất hiện khắp nơi ở TP.HCM, cùng với những lời quảng cáo rầm rộ trên mạng lẫn...