Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam: 30 triệu đồng cho giải Nhất
Chiều 20.9, tại trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN), Ban tổ chức cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN) 2016 trên báo NTNN đã tổ chức họp chấm chung khảo Cuộc thi.
Sau khi thống nhất, hội đồng chấm giải Chung khảo đã thống nhất trao giải cho 11 tác phẩm gồm: 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Toàn cảnh buổi chấm chung Chung khảo cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam 2016.
Cuộc thi viết THNDVN được Báo NTNN phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền chính thức tổ chức phát động từ ngày 8.10.2015 và kết thúc vào ngày 15.9.2016. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, kể từ tháng 10.2013, Báo NTNN phối hợp tổ chức cuộc thi viết THNDVN. Sau 11 tháng tổ chức và phát động, cuộc thi đã thu hút được đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn cả nước gửi bài tham dự. Kết quả, đã có 971 tác phẩm được gửi đến Báo NTNN tham dự cuộc thi, trong đó có gần 200 tác phẩm được lựa chọn để đăng tải trên Báo NTNN hàng ngày, Báo điện tử Dân Việt, ấn phẩm Trang Trại Việt, Thế giới Tiếp thị.
Các thành viên Ban Giám khảo chấm Chung khảo cuộc thi viết.
Sau khi kết thúc, ngày 15.9, Ban Sơ khảo cuộc thi viết do Phó Tổng biên tập Báo NTNN Nguyễn Văn Hoài là Trưởng ban đã họp, xét duyệt và chọn được ra 24 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban Giám khảo tiến hành chấm các giải thưởng của cuộc thi. Và để khách quan hơn, ngoài 24 bài được chọn ở vòng sơ khảo, Ban Sơ khao đã gửi thêm 24 tác phẩm khác để Ban Giám khảo có thể tiếp tục tìm thêm các tác phẩm có chất lượng.
Video đang HOT
Nhà văn Văn Chinh đánh giá cuộc thi năm nay có nhiều bài viết chất lượng, phản ánh những vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp.
Theo nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo NTNN, điểm mới của cuộc thi viết năm này, đó là việc Ban Tổ chức cuộc thi đã quyết định tăng dung lượng, số chữ nhiều hơn cho các bài viết. Nếu như năm trước, các bài viết đăng trên báo giấy chỉ có 1 trang, năm nay đã có nhiều bài viết được đăng thêm ở các trang khác. Điều này đã giúp các tác giả mạnh dạn thể hiện văn phong, sử dụng ngôn ngữ sinh động nên đã lột tả được những điều tốt đẹp của nhân vật.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Giám khảo cho rằng năm sau nên mở rộng ra về các địa phương để thu hút các cây viết chuyên nghiệp.
Đánh giá về cuộc thi lần thứ 3 này, nhà văn Đinh Văn Chinh bày tỏ: Sau khi đọc kĩ các bài viết ngoài các chủ đề theo yêu cầu của cuộc thi, nhiều tác giả đã bám theo các vấn đề nóng của đất nước, xã hội, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm. Thực tế, các bài viết về nông sản sạch, các gương và mô hình về sản xuất, cung ứng nông sản sạch chiếm tỷ lệ lớn trong các bài dự thi. Trong số này, có nhiều bài rất chất lượng như: Chàng trai bỏ phố về quê trồng lúa sạch, Người giữ hồn trà “trăm năm tuổi”, “Ông trùm” bơ sáp Mã Dưỡng, Cầm cố sổ đỏ lập vườn dưa lưới VietGAP…Thêm nữa, có rất nhiều giống cây, hạt gạo, con giống được tôn vinh. Về cơ bản, các tác giả đã chăm chút vào những sản phẩm lành, sạch. Và có 3 tác phẩm đã lọt vào chung khảo.
Hội đồng chấm giải Chung khảo thống nhất trao giải cho 11 tác phẩm như sau: Giải nhất: Máy nông nghiệp 12 trong 1 “made in Tạ Đình Huy” -Trần Dũng Giải nhì: Người “lái” con thuyền HTX kiểu mới – Trần Trọng Trung Giải nhì: Anh Kế “gà” làm giàu bằng cánh tay teo quắp – Văn Chiển Giải ba: Cầm cố sổ đỏ lập vườn dưa lưới VietGAP – Trần Đáng Giải ba: Chàng trai bỏ phố về quê trồng lúa sạch – Chí Trung – Đăng Khôi Giải ba: Người đánh liều với lợn Mỹ – Kim Oanh Giải khuyến khích: Vườn lan đẹp như mộng của ông lão 70 tuổi – Minh Trung Giải khuyến khích: Tiền tỷ để trong rừng – Xuân Khang Giải khuyến khích: Hái tiền tử từ vườn địa lan rừng – An Vũ Giải khuyến khích: Thuần phục cá tiến vui nơi lưng đèo hiểm ác – Huy Hoàng Giải khuyến khích: Người rung đùi làm vườn – Nguyên Vỹ
Ban Giám khảo cuộc thi gồm 5 thành viên là những người có uy tín trong lĩnh vực báo chí, văn học được thành lập trên Quyết định của Tổng Biên tập Báo NTNN, gồm: Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi do Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn làm Trưởng ban. Các thành viên khác, gồm: Nhà báo Nguyễn Văn Hoài- Phó TBT Báo NTNN làm Phó Ban; ông Trần Bá Dung- Trưởng Ban Nghiệp vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam làm ủy viên; Nhà văn Đinh Văn Chinh- Thư ký tòa soạn Tạp chí Nhà văn và tác phẩm làm ủy viên và Nhà báo Lê Bảo Trung- Phó Trưởng Ban Nông nghiệp, Báo Nhân dân làm ủy viên.
Theo Danviet
Lão nông thu nhập tiền tỷ trên vùng đất Bom Bo
Hơn 20 năm lên khai hoang tại vùng đất Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước), lão nông Đào Ngọc Chuẩn đã gây dựng được 1 vườn cao su bạt ngàn cùng trang trại hàng ngàn con heo. Ông được xem là một trong những nông dân giỏi nhất tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
"Phú tại sơn lâm..."
Theo chỉ dẫn của ông Chuẩn, chúng tôi chạy ngược từ thị xã Đồng Xoài theo hướng Quốc lộ 14 đi về thẳng ngã 3 Minh Hưng rồi rẽ vào đường ĐT 760 hướng căn cứ địa cách mạng Bom Bo. Ông Chuẩn dặn cứ đến Bom Bo hỏi ông nhiều người biết, sẽ chỉ đường đến tận nơi. Quả như lời ông nói, chỉ một lần dừng chân bên đường hỏi thăm, chúng tôi đã được người dân chỉ đường đến tận trang trại của ông. Người dân nơi đây cho biết, ông Chuẩn sinh sống lâu năm và có tiếng ở vùng đất Bom Bo. Trang trại của ông nằm trên 1 ngọn đồi, cách biệt với khu dân cư và được xem là vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhưng thường xuyên có các đoàn khách đến thăm.
Lão nông Đào Ngọc Chuẩn bên trại heo của gia đình. Ảnh: H.K
Chúng tôi đi theo con đường mòn chạy xuyên qua rừng cao su bạt ngàn của gia đình ông Chuẩn. Mặc dù là rẫy nhưng đường mòn dẫn vào trang trại của ông đều đã được rải đá, cứng hóa để tiện vận chuyển nông sản. Ước tính số tiền làm đường nội bộ tiêu tốn của ông vài trăm triệu đồng.
Trên đường đi, lọt vào tầm mắt chúng tôi là những hàng cao su thẳng tắp hàng chục năm tuổi và đang trong giai đoạn phát triển tươi tốt. Ông Chuẩn cho biết, tổng diện tích đất cao su của gia đình là gần 30ha. Hiện nay dù giá đang thấp nhưng mỗi ngày trừ đi chi phí vợ chồng ông cũng thu được từ 5 - 6 triệu đồng tiền lãi bán mủ cao su.
Theo chân ông Chuẩn đến thăm trại heo gồm 150 heo đẻ, 1.100 heo thịt trên diện tích 1ha. Trại heo được ông chia làm nhiều khu vực dành cho các loại heo khác nhau. Chuồng trại đều được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, có vòi uống nước tự động, có đèn sưởi ấm, bố trí cả chỗ vui chơi cho heo... Riêng đàn heo nái đều có sổ ghi thông tin từng con. Dù trang trại ông cách biệt với khu dân cư, nhưng vấn đề môi trường luôn được đảm bảo khi ông xây dựng hầm biogas để thu gom, xử lý chất thải.
Ông còn xây dựng bể chứa nước thải chăn nuôi rồi dùng máy bơm tưới cho cao su theo các đường ống nhánh. "Từ khi trồng cao su tôi chưa bao giờ phải mua phân bón. Toàn bộ phân của trại heo đủ để bón cho vườn cao su, nước thải trại heo cũng được thu gom vào bể rồi bật máy tưới cho cây. Nhờ cách này mà vườn cao su nhà tôi luôn xanh tốt, cho chất lượng mủ cao. Cách làm này giúp gia đình tiết kiệm được đáng kể tiền chi phí vật tư, phân bón..."- ông Chuẩn phấn khởi nói.
Chia sẻ về thu nhập từ trang trại, ông Chuẩn cho biết riêng mức thu nhập từ cao su mỗi tháng gia đình có lãi gần 50 triệu đồng. Còn với đàn heo, mỗi năm xuất hơn 3.000 con. Tổng lãi ròng từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình mỗi năm đạt hơn 2,3 tỷ đồng. Không chỉ vậy, trang trại của gia đình ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Thành công nhờ biết giữ đất
Chỉ tay về phía vườn cao su bạt ngàn, ông Đào Ngọc Chuẩn cho biết, trước đây khu vực này rất hoang sơ, dân cư thưa thớt. Nguyên 1 vùng đất bạt ngàn trải dài chỉ toàn cỏ tranh, lồ ô và cây bụi, chỉ nhìn thôi nhiều người đã nhức mắt e ngại. Năm 1994, gia đình ông lên khai hoang và gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông cùng những người làm công phát từng bụi cỏ, lùm cây, mọi việc đều làm thủ công chứ chưa có máy móc như bây giờ. Nhờ chịu khó nên diện tích đất nhà ông dần dần được mở rộng. "Thời điểm đó mối lo sợ nhất của tôi là "bà hỏa". Ở đây, đất đai, khí hậu vào mùa khô quá cằn, nắng như rang, rẫy thì đầy cỏ nên chỉ 1 mồi lửa nhỏ thôi cũng đủ thiêu rụi tất cả. Để chống cháy, từ 1 - 2 giờ sáng vợ chồng tôi đã phải dậy gom lá, cỏ khô..."- ông Chuẩn nhớ lại.
Thời gian đầu, gia đình ông Chuẩn trồng điều, xoài và một số loại cây trồng ngắn ngày. Sau thấy hiệu quả không cao, ông chuyển toàn bộ sang trồng cao su. Nhờ trồng sớm, đúng thời điểm cao su giá cao ngất ngưởng, ông lại trúng mùa và có điều kiện mở rộng sản xuất. Năm 2009, ông xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi heo nhưng phải mất 3 năm ròng rã mới có lãi ổn định. Để thành công, ông đến các mô hình chăn nuôi heo an toàn từ những trang trại lớn ở ngoài tỉnh học tập. "Tôi phải thường xuyên vay tiền ngân hàng để làm vốn đầu tư. Tôi đi vay nhiều đến nỗi quen luôn giám đốc ngân hàng và tới nay nếu chỉ tính tiền lãi không cũng đã xây được vài căn nhà. Làm ròng rã hơn 20 năm trời với thu nhập tiền tỷ mỗi năm, nhưng cách đây 2 năm tôi mới trả hết nợ ngân hàng" - ông Chuẩn thổ lộ.
Ông Chuẩn bảo, gia đình ông đã dồn hết tâm huyết vào mảnh đất này. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào, dù đã trải qua khó khăn, ông vẫn quyết không bỏ cuộc. "Ở đây trước kia cũng có nhiều người lên khai phá đất, có người khai phá được vài chục mẫu nhưng ít người giữ được rẫy, đa số họ bán dần lấy tiền tiêu xài. Từ khi khai phá đất, tôi luôn cố gắng giữ cho bằng được, chỉ mua thêm chứ không bao giờ bán đi. Nhờ vậy, hiện nay cuộc sống của tôi được ổn định và thấy quyết định của mình là đúng đắn"- ông Chuẩn chia sẻ.
Theo Danviet
Vinh danh nông dân xuất sắc 2015 Sáng 7.10 tại Hà Nội, Ban tổ chức Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" đã tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015". Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức. Chương trình do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban...