Cuộc sống trong những chiếc hộp 3 m2 ở Hàn Quốc
Những căn phòng chật chội 3 m2 giá hơn 300 USD/tháng ở Hàn Quốc là nơi sinh viên, công nhân trẻ, người nước ngoài sống để tìm giấc mơ của mình.
Căn phòng nhỏ 3m2 của Wong. Ảnh: Straits Times
Theo Straits Times, Lydia Wong, một cô gái 24 tuổi người Singapore tới Hàn Quốc để theo đuổi giấc mơ K-pop, đang sống trong một chiếc hộp theo đúng nghĩa đen. Căn phòng cô ở không có cửa sổ, tường mỏng đến mức nghe rõ mồn một mọi âm thanh phát ra từ phòng bên. Tuy nhiên, đối với Wong, căn phòng được trang bị đầy đủ nhu cầu thiết yếu.
Đó là một chiếc bàn học nhỏ, tủ lạnh mini, quạt máy, kệ tủ trên đầu giường đủ để đựng sách vở, quần áo, tivi và giàn phơi quần áo trên trần nhà. Căn phòng ngột ngạt nhưng đối với Wong, người đến thủ đô Seoul từ tháng hai để học tiếng Hàn, khá ấm cúng và tiền thuê phải chăng “cho một sinh viên nghèo”. Cô thuê nó giá 250.000 won/tháng (304 USD), bao gồm cả tiền Internet wifi.
“Lúc đầu, tôi cũng e ngại vì phòng không có cửa sổ, tuy nhiên, tôi nhanh chóng thích nghi”, Wong nói. Cô là một người hâm mộ K-pop, mơ ước được làm việc trong ngành giải trí Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp khóa tiếng Hàn tháng 11 tới.
“Tôi là người dễ sống và không hay đòi hỏi, chỉ cần đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản là được”.
Căn phòng Wong ở nằm trong gosiwon, một dạng nhà trọ độc đáo của Hàn Quốc. Nó ra đời từ thập niên 1980, nhằm đáp ứng nhu cầu ôn thi của sinh viên. Tại đây, họ nhét mình vào những căn phỏng nhỏ, chỉ rộng 3-6 m2, với nhà tắm và bếp công cộng, rồi vùi đầu vào sách vở chuẩn bị cho thi cử trong nhiều tháng trời. Ngoải ra, nhà trọ còn cung cấp miễn phí gạo, kim chi, mỳ ăn liền cho khách.
Tuy nhiên, kể từ năm 2000, gosiwon với ý nghĩa ban đầu là nơi ôn thi, đã trở thành nhà ở cho những người thu nhập thấp. Họ không đủ khả năng thuê nhà lớn hơn vì chi phí sinh hoạt tăng cao, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là giới trẻ, khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Seoul ở mức 8,4%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 3,4 %.
Gosiwon thu hút những người đang tìm việc, người ngoại quốc đến học tiếng Hàn hoặc tìm việc, người lao động chân tay, thất nghiệp, thậm chí là cả hộ gia đình.
Andy Lee, ca sỹ lai Mỹ-Hàn, thành viên nhóm nhạc nổi tiếng Shinhwa, cũng từng công khai anh phải ở gosiwon trong suốt những năm 1990, khi phải sống một mình ở Seoul còn gia đình thì ở Mỹ.
Để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng, số lượng gosiwon đã tăng gần gấp đôi trong vài năm qua, từ 6.597 nhà trọ năm 2010 lên 11.457 năm ngoái, theo chính quyền thành phố. Khoảng 80% gosiwon nằm ở Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận.
Năm 2011, có 138.805 người sống ở gosiwon, 62% trong đó là người thất nghiệp, theo báo cáo năm 2013 của chính quyền Seoul. Không có dữ liệu nhân khẩu học chính thức về cư dân gosiwon, tuy nhiên, theo báo chí địa phương, có gần một nửa người sống trong gosiwon là học sinh đang chuẩn bị thi cử. Ở một số vùng nghèo, gần 90% người trung niên không có việc làm, và nhiều người trong số họ phải sống ở gosiwon trong nhiều năm.
Gosiwon rất phổ biến vì giá rẻ, chỉ từ 200.000 – 500.000 won/tháng (240-600 USD), và không phải trả tiền đặt cọc. Nếu thuê nhà thông thường, khách hàng phải đặt cọc 50-80% giá trị tài sản.
Tại Seoul, để thuê một căn hộ rộng 25 m2, khách phải đặt cọc tới 50 triệu won (hơn 60.000 USD). Chủ nhà sẽ đem tiền đặt cọc đi đầu tư lấy lãi, và hoàn trả khách tiền đặt cọc sau 2-3 năm thuê nhà. Chủ nhà luôn là người có lợi, nếu lãi suất tiền gửi giảm, có khi chủ nhà còn bắt khách đặt cọc 90% giá trị tài sản, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.
Đối với những người người không có tiền tiết kiệm, hoặc gia đình không mấy khá giả, gosiwon là lựa chọn hợp lý.
Video đang HOT
Tại Silim-dong, phía tây Seoul, gần đại học quốc gia Seoul danh tiếng thậm chí còn có cả gosichon-làng cho thuê phòng trọ ôn thi.
Khu vực này san sát những tòa nhà đang sửa chữa, chuyển đổi thành phòng đơn cho thuê, các lớp luyện thi, quán ăn và cà phê giá rẻ cho học sinh sinh viên – những người đang chật vật ôn luyện, mong thi đỗ công chức hoặc trúng tuyển vào trường đại học mơ ước.
Lee Sung Jin học tại quán cà phê gần nhà trọ. Ảnh: Kim Jinha
Lee Sung Jin, 32 tuổi, đang học ôn thi công chức diễn ra tháng ba năm sau. Anh sống trong một gosiwon rẻ tiền, chỉ 120.000 won/ tháng (120 USD).
“Tôi chọn gosiwon loại rẻ nhất. Phòng chật không thành vấn đề, vì tôi chỉ dùng nó để ngủ”, Lee nói.
Charles Chu, người điều hành nhà trọ Bobo Memberstel mới xây 4 năm nay gần ga điện ngầm đại học quốc gia Seoul cho biết, khách thuê là sinh viên chiếm khoảng 60%, 20% là nhân viên văn phòng, còn lại là người nước ngoài.
Việc kinh doanh ngày càng cạnh tranh, gosiwon mọc lên như nấm, Chu quyết định thay đổi hướng kinh doanh, tập trung vào người nước ngoài đến Seoul học tiếng hay trao đổi học tập. Ông cho biết, khách hàng hầu hết chỉ ở trong vòng 6 tháng, nhưng có một chàng trai đã ở đó 4 năm.
“Cậu ta không có nhà riêng, và phải sống xa gia đình. Gosiwon là nơi duy nhất cậu ấy đủ tiền thuê”, Chu nói. Trước đây, gosiwon chỉ mọc lên ở gần các trường đại học nhưng nay, có thể tìm thấy nó ở hầu khắp thành phố, với những cái tên lai tiếng Anh và tiếng Hàn.
Gần tòa thị chính, nơi tập trung văn phòng nhiều tập đoàn lớn, gosiwon nhắm vào đối tượng khách hàng là dân cổ cồn trắng. Họ chấp nhận sống trong những căn phòng chật hẹp để đi làm cho gần, còn hơn tốn thời gian đi lại. Tuy nhiên, sống trong gosiwon, bạn cần phải từ bỏ nhiều thói quen ưa thích, như là không được phép mời bạn bè đến nhà.
Trở lại với Wong, cô gái người Singapore sống gần đại học Konkuk phía đông Seoul – nơi cô đang theo học tiếng Hàn, cho biết căn phòng rất bí vì không có cửa sổ nên mỗi khi đi ngủ, cô luôn để cửa khép hờ và khóa dây xích cho an toàn.
“Căn phòng mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Mỗi khi trời trở lạnh, tôi phải mặc tới ba lớp quần áo”, Wong nói.
Vấn đề an toàn
Căn phòng bé nhỏ có tường gỗ và đầy ắp sách vở, giấy tờ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Năm 2010, một tòa nhà gosiwon bị cháy gần Sincheong-dong, Seoul khiến 11 người thiệt mạng. Năm 2008, một đám cháy khác ở tỉnh Gyeonggi cũng khiến 7 người chết, khiến dư luận xôn xao về sự an toàn trong các gosiwon. Chính phủ Hàn Quốc sau đó ra quy định, những gosiwon xây dựng sau năm 2010 phải được trang bị hệ thống chữa cháy và cho kiểm tra thường xuyên.
Wong cho biết, hỏa hoạn là mối nguy nhưng “luôn có bình cứu hỏa trong mỗi góc” tòa nhà. Điều khiến Wong vui thích khi sống ở đây là cô không bao giờ thấy cô đơn. Wong thường xuyên nói chuyện với hàng xóm là nhân viên văn phòng, hoặc người ngoại tỉnh đến tìm việc.
Giá thuê một căn phòng rộng 5-6 m2 có toilet riêng khoảng 365 USD/tháng. Ảnh: Gsall
Park Jee Hoon, một người ngoại tỉnh lên Seoul học đại học, từng sống trong một gosiwon. Anh nâng cấp nó lên thành căn phòng rộng 16 m2 và ở cùng bạn. Họ chia đôi mỗi tháng 370.000 won (370 USD) tiền thuê cho căn phòng có đầy đủ nhà bếp, phòng tắm.
“Nếu không có chỗ ở giá như gosiwon, người như tôi không bao giờ có đủ khả năng xa quê lên Seoul tìm việc”, Park nói. Làm bồi bàn gần nhà ở khu Silim-dong, chàng trai 21 tuổi học ngành khoa học máy tính đang trăn trở về tương lai.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Bộ trưởng Xây dựng: Nhà xưởng, nhà trọ đang biến công nhân trẻ thành... máy
Gạt bỏ quan điểm siết quản lý công nhân thuê trọ tại nhà dân, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề, không thể để người phải bỏ tiền thuê nhà lại không có quyền gì trong chỗ ở hợp pháp của mình, hết giờ làm chỉ biết về nhà trọ để ngủ.
Ngày 7/11, Bộ trưởng Xây dựng có chuyến đi thị sát việc đầu tư nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - khu vực có nhà máy lớn của Samsung tại Việt Nam.
Người thuê nhà sống cảnh... ăn nhờ ở đậu
Bộ trưởng Xây dựng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng thăm cuộc sống của nữ công nhân Samsung tại một khu nhà trọ trong dân.
Tại khu nhà trọ của bà Trần Thị Thúy (xóm An Bình, xã Yên Bình), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ghi nhận mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo an toàn cho công nhân thuê.
Trên khu đất 300m2, bà Thuý xây 2 dãy nhà 3 tầng với tổng cộng 42 căn phòng, diện tích khoảng 15-16m2/phòng, có khu vệ sinh khép kín.
Cô gái thuê trọ tên Chu Thị Loan (SN 1993, quê ở Tuyên Quang) vừa tan ca làm đêm về đến căn phòng trọ cho biết cô chung phòng với 2 chị em khác. Mới dọn đến ở, căn phòng của 3 nữ công nhân khá giản đơn với 1 chiếc giường đôi cũng đủ chỗ ngủ vì 3 người làm lệch ca nhau. Mức giá tiền thuê nhà tính ra khoảng 350.000 đồng/tháng, với nữ công nhân trẻ là hợp lý, chấp nhận được.
Lương tháng 5,5 triệu đồng, gần như đủ cả 3 bữa đã ăn tại công ty, cô chỉ nấu ăn cùng các chị em tại nhà trọ vào ngày chủ nhật mỗi tuần, chi phí 1 tháng tính ra khoảng 1 triệu đồng, còn giữ lại được 4 - 4,5 triệu đồng gửi về quê cho chồng con.
Đánh giá đây là khu nhà trọ tốt cho công nhân so với nhiều nơi chỉ là nhà cấp 4, mái tôn xập xệ, không đảm bảo nhưng Bộ trưởng Xây dựng vẫn đề nghị thiết kế mẫu nhà với diện tích rộng hơn đôi chút (thêm 1-2m2) để ngoài khu phụ, chỗ ngủ, người thuê trọ thu xếp được một góc phòng rộng rãi, thoáng hơn làm nơi nấu ăn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng hỏi cặn kẽ giá điện, nước cung cấp cho người ở trọ. Bà chủ khu nhà cho biết tiền điện vẫn tính theo giá kinh doanh, dịch vụ với mức 3.000 đồng/kwh, 25.000 đồng tiền nước sinh hoạt/người/tháng. Bà Thuý giải thích, chưa có điện bán trực tiếp đến các phòng trọ, bà vẫn phải kéo đường điện từ gia đình mình ở lô đất gần đó sang. Nước sinh hoạt là nước giếng khoan, bà chủ xác định, dù đã khoan sâu 60m nhưng chính gia đình sử dụng, bà Thuý cũng sợ chất lượng nước không đảm bảo vì vẫn có mùi.
Bộ trưởng Xây dựng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo thêm để điện, nước sớm đưa về khu vực này. Đại diện chính quyền địa phương thông tin, hệ thống đường ống cấp nước sạch đã xây dựng đầy đủ, chỉ chờ đấu nối đầu nguồn, khu vực sẽ sớm được cấp nước. Đường điện cũng đang được đốc thúc kéo về xóm An Bình.
Mô hình nhà trọ kiên cố, quy củ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cơ bản do người dân xây dựng cần được khuyến khích đầu tư.
Đại diện lãnh đạo tỉnh nêu thêm yêu cầu chủ nhà trọ phải cam kết giữ an ninh trật tự trong khu vực, quản lý chặt người thuê trọ, tránh để tình trạng công nhân đưa bạn bè đến tụ tập, sinh hoạt thiếu lành mạnh, gây phức tạp tình hình...
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, chỉ cần yêu cầu người đến ở làm thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng để quản lý tại địa phương đúng như quy định của pháp luật nhưng không được quá khắt khe với người thuê nhà.
"Không thể để người dân đến bỏ tiền thuê nhà để ở mà lại thành ra không có quyền gì cả. Mỗi người phải được toàn quyền tự do trong chỗ ở mình đã thuê một cách hợp pháp. Quan điểm chung cũng là làm sao để đảm bảo những nhu cầu cơ bản của công nhân, được đi lại, sinh hoạt, tham gia hoạt động, môi trường cộng đồng... Coi họ như những người ăn nhờ ở đậu là không được" - ông Dũng cương quyết.
Bộ trưởng Xây dựng cũng phân tích thêm, công nhân đều là những thanh niên trẻ, phải tạo điều kiện cho lực lượng lao động này có cuộc sống phù hợp với độ tuổi, không biến mỗi cá nhân thành máy móc, chỉ biết hết giờ làm việc là về ngủ, hôm sau lại vào nhà máy.
Khuyến khích người xây nhà trọ vay tiền gói 30.000 tỷ đồng
Làm việc với lãnh đạo Công ty điện tử Samsung Việt Nam sau đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng ký túc xá cho công nhân.
Sau khi đi vào sản xuất từ tháng 3/2014 đến nay, Samsung đã hoàn thành 9 toà nhà, cung cấp chỗ ở cho 8.000 lao động, sang năm sau, thêm nhiều nhà nữa sẽ được đưa vào khai thác, đảm bảo nơi ở cho thêm 6.000 lao động.
Tuy nhiên, theo báo cáo của doanh nghiệp, dự kiến đến 2016, nhà máy vận hành đầy đủ sẽ thu hút khoảng 58.000 lao động. Ngoài 13.000 chỗ trong ký túc xá (ưu tiên cho khu vực lao động trực tiếp sản xuất, đứng dây chuyền tại nhà máy) và 23.000 chỗ trọ tại chỗ cũng như các địa bàn lân cận do người dân làm, vẫn còn thiếu khoảng 20.000 chỗ ở nữa cho công nhân. Lãnh đạo Samsung Thái Nguyên đề nghị Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm hướng giải quyết vấn đề.
Theo rà soát, tại khu công nghiệp Yên Bình vẫn đang thiếu hàng chục nghìn chỗ ở cho công nhân của riêng nhà máy Samsung Việt Nam.
Tại cuộc họp nhanh tại Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Phách cũng thông tin, việc phát triển khu công nghiệp Yên Bình tại huyện Phổ Yên tạo ra vấn đề phát sinh đột biến nhất là yêu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Ông Phách lo ngại, đến giữa năm sau, việc thiếu hụt 20.000 chỗ ở cho công nhân tại đây sẽ gây áp lực chính sách xã hội rất lớn.
Mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo để cho công nhân thuê như ở xóm An Bình cũng không nhiều. Chỉ khu vực này, bà con nông dân bị giải toả đất mới có được khoản vốn lớn, có điều kiện để xây dựng nhà như thế, còn hầu hết khu vực lân cận vẫn chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ cho thuê.
Chia sẻ với những thách thức Thái Nguyên phải đối mặt trong cơ hội chuyển đổi đột phá, năng động hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng nhà ở cho công nhân với nguồn vốn vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Xây dựng, chính quyền cần vận động tới từng hộ dân có đất, có chủ trương chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang làm dịch vụ làm hồ sơ để vay tiền đầu tư xây nhà trọ, triệt để không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT... cho những hộ kinh doanh phòng trọ này.
Trở lại vấn đề đảm bảo điều kiện sống cho công nhân thuê trọ, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh thách thức về cơ cấu giới tính trong khu công nghiệp vì đến 80% số lao động tại đây là nữ.
"Chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề này vì nếu không cân bằng được yếu tố giới tính ở đây, hệ quả xã hội phải giải quyết sau này sẽ rất lớn. Chúng tôi đã có những bài học lớn khi còn ở địa phương (Bộ trưởng Xây dựng nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc - PV)" - ông Dũng nhấn mạnh, cần tính ngay việc phần lớn số nữ công nhân hiện nay ít năm tới đều có nhu cầu lập gia đình, có chồng con để lo quỹ nhà không chỉ để cho thuê mà còn để bán cho các gia đình trẻ, đầu tư hạ tầng như trường học, bệnh viện... để phục vụ nhu cầu của lực lượng lao động này.
P.Thảo
Theo Dantri