Cuộc sống “trong lồng kính” của thiếu niên 17 tuổi nặng 30 kg được ghép phổi với chi phí 5 tỉ đồng
Sau hơn 8 tháng được ghép phổi với sự tham gia của ê kíp gồm gần 500 người cùng tổng chi phí 5 tỉ đồng, nam bệnh nhân 17 tuổi, nặng 30 kg, đã phải sống trong lồng kính vô trùng.
Hơn 8 tháng sau ca ghép phổi, hiện bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (17 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) đã có thể nhúc nhắc đi lại và tập phục hồi chức năng trong khu vực hồi sức của Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực.
Sau hơn 8 tháng được ghép phổi, Nguyễn Văn Đ. đã có thể đi lại và tự ăn uống nhưng vẫn phải thở máy
Đây là khu vực cách ly với những yêu cầu khắt khe về vô trùng nên việc chăm sóc hầu như được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Bác sĩ Phạm Tiến Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết đến thời điểm này sức khoẻ bệnh nhân Đ. đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm sau phẫu thuật. Gần 1 tháng nay, dù tăng được hơn 1 kg nhưng số cân nặng và thân hình của Đ. vẫn khá nhỏ bé, cậu chỉ nặng hơn 30 kg.
Thanh niên 17 tuổi được ghép phổi vẫn được chăm sóc “trong lồng kính” để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng
Hiện mỗi ngày Đ. được tập phục hồi chức năng 1-2 tiếng với xe đạp vận động. Bệnh nhân tuy không còn phải thở máy liên tục trong ngày nhưng cuộc sống của thiếu niên này vẫn chỉ có thể loanh quanh trong khu vực hồi sức. Theo bác sĩ Quân, vấn đề được quan tâm nhiều nhất đối với bệnh nhân vẫn là dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Bệnh nhân đã tự ăn cháo, sữa, nước trái cây…
“Đến thời điểm này chúng tôi đánh giá phổi ghép cho bệnh nhân đã hoạt động tốt và người bệnh tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi. Với sự hồi phục hiện tại chúng tôi hy vọng một vài tháng nữa bệnh nhân có thể xuất viện và hoà nhập với cộng đồng” – bác sĩ Quân nói.
Việc quyết định ghép phổi đã cứu sống cậu thanh niên 17 tuổi tại thời điểm cận kề cái chết
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực thuộc Bệnh viện Việt Đức, đây là một ca ghép phổi rất đặc biệt từ người hiến chết não. Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng phải thở ô-xy do bệnh mô bào ở phổi đoạn cuối.
Sau 5 năm chống chọi với căn bệnh này, thân hình cậu thiếu niên 17 tuổi chỉ còn da bọc xương, cuộc sống gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối. Nếu không ghép phổi, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết.
Phòng điều trị bệnh nhân ghép phổi với những yêu khắt khe về vô trùng
“Có thể nói, ca bệnh của Đ. là một sự thử thách đối với bệnh nhận và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu rất nguy kịch. Sau 15 giờ chạy đua với thời gian, ngày 12-12-2018, ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầy khó khăn” – PGS Ước chia sẻ.
Sau ghép phổi, nhiều tháng nằm trên giường hồi sức ở phòng điều trị cách ly, bệnh nhân từng không ít lần phải đối mặt với những bất lợi về mặt sức khoẻ do cơ thể quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. hiện đang hồi phục rất tốt
Theo PGS Ước, trải qua hơn 8 tháng điều trị tích cực, các chức năng tim, gan của bệnh nhân không còn suy nữa. Phổi ghép cũng đã tốt hơn nhiều và không còn tình trạng nhiễm trùng. “Với một ca đại phẫu thuật như ghép phổi lại trên nền một bệnh nhân mắc bệnh lý phức tạp, suy dinh dưỡng nặng… thì diễn biến sức khỏe như hiện tại của bệnh nhân đang được đánh giá là tốt nên chúng tôi tin một ngày không xa cậu thanh niên nhỏ bé này sẽ được xuất viện, hoà nhập cuộc sống” – PGS Ước chia sẻ.
8 tháng, chi phí điều trị bệnh nhân ghép phổi gần 5 tỉ đồng
GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết hiện chi phí điều trị cho bệnh nhân ghép phổi nói trên đã lên tới số tiền khoảng 5 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này được sự hỗ trợ của bệnh viện và các nhà hảo tâm. Đây là trường hợp đầu tiên được ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức.
Mới đây, vào tháng 8-2019, ca ghép phổi thứ 2 cho nam bệnh nhân 30 tuổi cũng được thực hiện tại bệnh viện này. Hiện sức khoẻ bệnh nhân này đang tiến triển tốt.
Các chuyên gia ghép tạng cho biết ghép phổi được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Tại các nước có có “thâm niên” về ghép phổi, thời gian người bệnh phải điều trị sau ghép thường kéo dài từ 2-3 tháng.
Ngọc Dung
Theo nguoilaodong
Có được lấy tạng người hôn mê, chưa chết não?
Nhiều người vẫn nghĩ hôn mê là đã bị chết não, điều đó không đúng!
"Nếu một người đang trong tình trạng hôn mê, kể cả hôn mê lâu dài mà tiến hành lấy tạng thì không khác gì hành động giết người".
Đó là chia sẻ của GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức Hà Nội, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về ca ghép phổi thứ 2 và tuần ghép tạng từ người cho chết não tại BV chiều 19-8.
GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (giữa), cùng các bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật ghép tạng tại BV Việt Đức. Ảnh: AN HIỀN
Theo ông Giang, để xác định một người đã chết não hay chưa trải qua rất nhiều bước, phải thành lập một hội đồng đánh giá bệnh nhân chết não. Hội đồng bao gồm các chuyên gia về thần kinh, phẫu thuật thần kinh, chuyên gia về gây mê hồi sức, chuyên gia về giải phẫu bệnh, chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh...
Hội đồng sẽ phải thực hiện 3 lần đánh giá, kiểm tra xem tình trạng bệnh nhân đã chết não hay chưa dựa trên các tiêu chuẩn đã quy định. Mỗi lần đánh giá cách nhau 6 giờ đồng hồ.
Cạnh đó còn phải có những bằng chứng khoa học thông qua các máy móc phương tiện như làm siêu âm xuyên sọ, chụp mạch não, chụp mạch cảnh... để xác định não đã chết.
"Khi tôi đã đặt bút ký có nghĩa là tôi đã nhận được tổng cộng ba lần bản đánh giá của bảy chuyên gia trong hội đồng chết não của BV Hữu nghị Việt Đức. Bảy người này mỗi người đều có một đánh giá độc lập, họ đưa cho tôi một văn bản về mặt siêu âm thế nào, điện não ra sao, chẩn đoán hình ảnh thế nào để khi tôi đặt bút ký thì 100% là bệnh nhân đó đã chết não. Trường hợp hôn mê không phải là chết não thì không thể nào đem ra lấy tạng được", ông Giang cho biết.
Chia sẻ thêm về quá trình tìm bệnh nhân có chỉ số thích hợp để nhận nguồn tạng hiến từ người cho chết não, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, cho biết các ca ghép tạng đều phải thông qua Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia vì tại đây có danh sách chờ ghép. Sau khi có thông tin về một trường hợp chết não, trung tâm sẽ mở danh sách chờ ghép ra để đối chiếu xem có tương thích hay không.
"Hiện hơn 5.000 BV ở Mỹ đều có hội đồng đánh giá bệnh nhân chết não. Ở Việt Nam cũng nên cố gắng để tất cả BV có trung tâm ghép tạng cũng có hội đồng đánh giá này. Đặc biệt cần tăng cường truyền thông để người dân và cả chính các BS hiểu đúng về chết não mới có thể có thêm nhiều người hiến tạng", ông Sơn nói.
Trong 10 năm qua đã có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng tại BV Hữu nghị Việt Đức. Các BS đã tiến hành ghép 25 tim, 2 phổi, 54 gan và 99 thận, mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho nhiều mảnh đời.
Theo PLO
Bé trai 8 tuổi khỏe mạnh vẫn bị bắt mổ ung thư 13 lần, sự thật phía sau khiến nhiều người căm phẫn lên án ác mẫu tàn độc Trong vòng 8 năm, bé trai đáng thương ấy luôn phải làm theo mệnh lệnh của mẹ, giả vờ ốm đau, lên bàn mổ 13 lần, đến bệnh viện 323 lần và "bị giam cầm" trên chiếc xe lăn. Sự việc bị phát giác từ năm 2017 nhưng gần đây, người phụ nữ nhẫn tâm ấy mới chính thức cúi đầu nhận tội...