Cuộc sống như ở ngục tù khi gồng mình giữ tiếng dâu ngoan
Đi đâu làm gì cô cũng phải xin phép, bố mẹ chồng e hèm một câu thì thôi coi như chẳng dám xách xe ra khỏi nhà nữa. Chưa hết, cô lúc nào cũng phải nhìn thái độ bố mẹ chồng mà nói năng, cư xử…
Ảnh minh hoạ
Hồi đầu về ra mắt, Trang tâm đắc gia đình nhà Trung lắm. Mới nhìn ngoài nề nếp khuôn phép, ở lâu thì biết bố mẹ chồng tương lai chu đáo, tận tình, cái gì cũng lo cho từ A đến Z. Vậy là Trang quyết định theo Trung về sống chung trong ngôi nhà ấy. Trang cứ nghĩ mình sẽ chẳng phải nghĩ ngợi gì cả, mọi thứ cứ để kệ ông bà lo thôi. Việc của mình chỉ cần cơm ngày ba bữa, thỉnh thoảng rủ chồng đi chơi, còn sinh cháu thì sau cũng có người trông hộ luôn rồi.
Thế nhưng đùng một cái, Trang vỡ mộng hoàn toàn khi sáng sớm đầu tiên sau đêm tân hôn đã nghe bố chồng hò hét: “Trung đâu, chưa dậy tập thể dục à? 5h sáng rồi đấy!”. Trang hốt hoảng, dù bố chồng không gọi cô, nhưng cô cũng biết là ám chỉ ai rồi đấy. Đang luống cuống mò dậy mặc áo quần thì Trang đã thấy dáng bố chồng đứng ngay trước cửa phòng, vừa vươn vai tập thể dục vừa gọi liên hồi tên con trai.
Video đang HOT
Từ hôm đấy là cô hiểu, mình mất luôn quyền được dậy muộn. Tóm lại đêm có làm gì thì làm, sáng cứ đúng 5h là phải dậy tập tành, rồi vừa quét nhà vừa ngáp hoặc vừa làm đồ ăn sáng vừa ngủ gục ở cái ghế nhựa. Có những hôm không phải làm gì thì cô cũng phải dậy sớm, chỉ để… điểm danh. Ở với bố mẹ chồng được 1 tháng thôi, mà cô cảm giác như trải qua 1 năm thức khuya dậy sớm… luyện thi đại học như ngày xưa vậy.
Rồi vì cái nề nếp gia phong mà Trang còn cực khổ hơn. Đi đâu làm gì cô cũng phải xin phép, bố mẹ chồng a hèm một câu thì thôi coi như chẳng dám xách xe ra khỏi nhà nữa. Chưa hết, cô lúc nào cũng phải nhìn thái độ bố mẹ chồng mà nói năng, cư xử. Bố mẹ chồng Trang chỉ cần biết con cái đi ăn ở ngoài là kiểu gì cũng la lối om sòm và ca cho một bài dài tận 30 phút để nói về tác hại của thức ăn ở ngoài hay việc duy trì mâm cơm đủ người trong nhà quan trọng như thế nào.
Mẹ chồng Trang lại rảnh, ngày nào cũng đi chợ, mua về một đống thức ăn từ túi to, túi bé, chiều theo sở thích ăn mỗi người mỗi khác trong nhà và ngồi… đợi cô đi làm về để chế biến, bày biện. Nhiều hôm Trang tức phát khóc, bạn bè tụ tập, đồng nghiệp hội họp, cô đều không được tham gia, đành bao phen muối mặt cáo bận vì phải về nhà “đoàn tụ” mỗi ngày cùng gia đình chồng. Bởi cô biết, mình muốn được thương thì phải theo nếp nhà người ta, như lời mẹ cô dặn trước lúc lên xe hoa: “Nhập gia tùy tục con ạ!”.
Trang xác định về làm dâu rồi thì phận mình chẳng khác gì bé mọn nhất trong nhà. Nghĩa là việc gì cũng phải lăn xả vào mà làm, nói cái gì cũng không được cãi và thỉnh thoảng thì không quên mua chút quà biếu bố mẹ chồng kiểu như tiện đường nghĩ đến bố mẹ vất vả nên con mua. “Nịnh, im lặng và siêng năng hết sức” là ba nguyên tắc Trang nghĩ mình nhất quyết phải tuyệt đối tuân theo nếu không muốn bị đẩy ra rìa hoàn toàn trong gia đình nhà chồng.
Chẳng thế mà cô luôn được tiếng là con dâu ngoan, lúc nào cũng được bố mẹ chồng tự hào khoe với họ hàng, làng xóm. Nào là: “Cái Trang nhà tôi chăm chỉ, biết điều lại ngoan ngoãn nữa. Nói gì cũng nghe, bảo gì cũng làm, mà không bảo nó cũng tự biết để làm đấy!”. Bố mẹ cô thì lại càng hãnh diện vì con gái, thấy con gái đi lấy chồng được khen ngợi thì rất mát mặt, mát lòng. Nhưng Trang chỉ cảm thấy mình vui được vài phút giây như thế thôi, còn cuộc sống ngày nào cũng phải gồng lên sao mà mệt quá…
Thỉnh thoảng cô dựa vào vai chồng, tâm sự với chồng thì Trung cũng chỉ cười hì hì cho qua: “Thôi cố lên, em được bố mẹ khen sướng thế còn gì?”. Anh nào có hiểu cho nỗi khổ của cô! Lắm lúc Trang chỉ muốn tung hê tất cả, sống đúng với bản chất của mình mà mặc kệ hết luôn. Cứ thích ngủ nướng thì ngủ nướng, thích lười biếng đi ăn nhà hàng cũng phóng xe đi, hẹn hò bạn bè thì chỉ cần a lô là có mặt hay bố mẹ chồng nói cái gì không vừa ý là phải nói lại như với bố mẹ mình mới được…
Chứ cứ phải giữ kẽ từng li từng tí, từng giờ từng phút trong nhà chồng, cô cảm thấy kiệt sức mất rồi, lại còn lạc lõng chông chênh vì chẳng ai biết được nỗi lòng của cô. Sao được tiếng là nàng dâu ngoan, mà cô thấy mình chẳng khác gì đang ở ngục tù thế này?
Theo Afamily
Tâm sự của cô dâu 'số hưởng' được hạnh phúc trong gia đình nhà chồng
Con đi làm dâu nhưng lại được "hưởng" cuộc sống thoải mái giống như ở nhà mẹ đẻ, điều đó khiến con thật hạnh phúc.
ảnh minh họa
Ngày con về nhà mình ra mắt, thấy mẹ có phần không ưa con, con đã lo lắng rất nhiều, sợ rằng "cuộc chiến" mẹ chồng nàng dâu sẽ bùng nổ, nhưng con đã nhầm. Trước khi về làm con dâu của mẹ, con đã học hỏi nhiều điều từ những người đi trước. Có thể nói, con đã trang bị cho mình một hành trang để làm con dâu tốt. Mới về làm dâu biết bao điều con chưa quen.
Con làm việc gì cũng sợ không vừa lòng mẹ và mọi người trong gia đình. Nhiều lần như thế con sẵn sàng đón nhận cái nhìn không hài lòng từ mẹ nhưng trái lại, mẹ lại cười vui vẻ nói với con: "Làm hỏng thì mẹ con mình cùng nhau làm lại mẹ sẽ dạy con". Con thấy xúc động vô cùng, trong lòng tràn ngập niềm vui.
Có bầu, con ở nhà, quanh đi quẩn lại với những việc nhỏ nhặt như dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. Thấy con cứ lủi thủi một mình mẹ liền rủ con đi chợ mua sắm, đưa con về nhà bố mẹ đẻ chơi để con thoải mái tâm lý.
Con về làm dâu muốn những công việc nhỏ nhặt trong gia đình với mẹ. Nhưng mẹ sợ con mang bầu làm nhiều sẽ mệt nên cứ âm thầm làm hết mọi việc. Một năm làm dâu nhà mẹ, chưa lần nào con thấy mẹ nhíu mày khi con hậu đậu, con gắt gỏng. Mấy chị em hàng xóm hay than ngắn thở dài vì mẹ chồng khó tính, nghe họ kể, con thấy sao mình may mắn quá. Con thấy những điều con lo lắng, sợ hãi trước kia là thừa. Mái ấm gia đình nhà chồng không khác gì so với nơi con từng sinh ra và lớn lên.
Theo Eva
Ai đó nói với em rằng: 'Em đừng gồng mình tỏ ra mạnh mẽ nữa, có anh ở đây rồi'?... Cô gái mạnh mẽ của tôi, cô trách người yêu cô không đủ sâu, cô trách người không đủ kiên trì với cô, cô trách cái cách mà người yêu cô sao cực đoan quá, cô trách người không đủ hiểu cô. Nhưng cô nhìn lại bản thân mình xem, rõ ràng đã tự tạo cho mình một vỏ bọc quá hoàn hảo,...