Cuộc sống mới của anh em ông Đoàn Văn Vươn: Hồi sinh trên “đất dữ”
Ông gọi khu đầm Ruộc là “mảnh đất dữ” bởi chính ở đó, anh em ông đã phải vất vả hết cả tuổi xuân để thuần hóa thiên nhiên, rồi cũng vì nó mà mất 4 năm ở tù. Cởi áo tù trở về, anh em ông Vươn lại quần quật bắt tay gây dựng lại cuộc sống trên mảnh đất này. Nói là dữ vậy thôi, nhưng ông luôn yêu nơi này…
Nuôi vịt biển – nuôi sạch để tạo thương hiệu
Đầm Ruộc (Tiên Lãng, Hải Phòng) – nơi 4 năm trước xảy ra vụ chống cưỡng chế thu hồi đầm tôm của anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý rúng động dư luận – nay đã thay da đổi thịt. Chúng tôi trở lại khu đầm này vào đúng đợt anh em ông Vươn đang mạnh tay cải tạo, quy hoạch lại vùng nước. Đàn vịt biển trong tình trạng luôn “cháy” hàng, những tải sả giống đang liên tục được gieo xuống hứa hẹn những mẻ tinh dầu chất lượng…
Hạnh phúc khi được trở lại với khu đầm thân thuộc.
Trong cái lạnh còn sót lại cuối mùa đông, ông Vươn chia sẻ, chưa năm nào lạnh như năm nay, thủy hải sản chết nhiều gây khó khăn cho nuôi trồng. May mắn ông được một người quen (biết đến ông sau vụ cưỡng chế đầm tôm) làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu giống ở Hà Nội giới thiệu cho giống vịt biển.
“Từ những kiến thức khoa học có được cộng với sự giúp đỡ của họ, tôi nhận thấy tính chất con nước của khu đầm rất phù hợp với việc nuôi giống vịt này. Anh em tôi đã mạnh dạn đưa giống vịt mới về cải tạo đầm áng nuôi thử”, ông Vươn nói về cơ duyên đến với giống vịt biển.
Đàn vịt biển chờ đẻ trứng của anh em ông Vươn
Không phụ công anh em ông, đàn vịt lớn lên sau bao mồ hồi đổ xuống. Những lứa vịt đầu tay đã theo chân ông Vươn lên tận Hà Nội để cung cấp ra thị trường với quy trình sản xuất vịt sạch. Người tiêu dùng đón nhận sản phẩm của người nông dân có cuộc đời lận đận ấy bằng cả tấm lòng cảm thông và sự đánh giá nghiêm khắc về một sản phẩm sạch.
Đến thời điểm này, đàn vịt thương phẩm của ông Vươn đã không đủ cung ứng ra thị trường. Hiện hai anh em ông đang tập trung chăm sóc và thử nghiệm nuôi 600 con vịt biển giống để chúng đẻ trứng. Giấc mơ về một thương hiệu mang tên ” vịt sạch ông Vươn” hy vọng sẽ không còn xa đối với người nông dân này.
Ông tâm sự: “Để nuôi được vịt biển nguồn nước phải sạch, phải đảm bảo được độ mặn phù hợp. Ngoài ra để vịt lớn nhưng không có sự tác động của thức ăn công nghiệp, anh em tôi phải tự tạo thức ăn riêng cho chúng. Đây là lúc tôi tận dụng nhiều nhất những kiến thức của những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học. Thức ăn cho giống vịt này được pha trộn hỗn hợp giữa thóc, ngô, cá tươi và men sinh học. Từ lúc nuôi đến lúc bán, vịt từ 2 lạng tăng lên 3kg với chu kỳ 3 tháng/đàn. Anh em tôi tuân thủ quy trình nuôi “bình tĩnh” và kiên quyết với thức ăn sạch để đưa sản phẩm đạt chất lượng đến người tiêu dùng. Thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi và thị trường tiêu thụ để khi nhắc đến thương hiệu “vịt sạch ông Vươn” ai ai cũng hài lòng”.
Thức ăn cho vịt là hỗn hợp sạch từ lúa, cá tươi và men sinh học
Mỗi con vịt biển hiện nay ông Vươn bán với giá 200 nghìn đồng. Các cửa hàng vịt sạch trên Hà Nội là nơi tiêu thụ số lượng lớn cho đàn thủy cầm của ông. Nhiều người dân trong vùng cũng tìm đến mua về vừa để ăn, vừa để ủng hộ quyết tâm gây dựng lại cuộc sống của gia đình người nông dân “đặc biệt” này.
Quyết làm giàu trên đất cũ
Từ ngày được ân xá trở về với gia đình, quê hương, anh em ông Vươn chưa có một ngày ngơi nghỉ. Ông kể: “Ngày cởi áo tù khoác lại chiếc áo nông dân, trở lại khu đầm, tôi không cầm được nước mắt. Đầm nương tan hoang, bờ cõi bị xói mòn sau 4 năm thiếu cải tạo, mặt nước phủ đặc rêu rong lạnh lẽo, trong tay chúng tôi lại không một đồng vốn để có thể nhanh chóng gầy dựng lại. Thế nhưng đã xác định tương lai gia đình mình gắn bó với khu đầm này nên anh em chỉ biết động viên nhau vượt khó, lội ngược nước để làm lại cuộc đời”.
Nói là làm, việc đầu tiên của anh em ông Vươn sau những ngày trở về là phát quang bờ bụi, đắp lại bờ đầm và quan trọng nhất là mở rộng con đường dẫn thẳng từ khu dân cư vào khu đầm đủ để xe cơ giới vào tận nơi. Có những thứ bằng sức người, bằng mồ hồi sẽ đắp nên được, nhưng đồng vốn thì không thể cố mà có. “Tôi may mắn khi được mọi người yêu quý tin tưởng, không thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, anh em tôi được bàn bè, bà con cho vay mỗi người một ít. Dù là vay lãi nhưng cũng là cơ sở bước đầu đề cải tạo lại đầm Ruộc”, ông Vươn chia sẻ.
Video đang HOT
Hai anh em đồng lòng làm lại cuộc đời.
Điều khiến chúng tôi nể phục ở người nông dân này là sự bình thản và tâm thái an nhiên sau những sóng gió đã qua. Anh em ông vẫn vui vẻ và đầy lạc quan cho những mơ ước sắp tới. Ông Đoàn Văn Quý tâm sự: “Tôi là phận làm em, thuận theo anh cùng anh ra sức làm lại đầm áng. Nuôi vịt hay trồng sả, thả cá, xuống tôm…chủ trương đều do anh quyết. Tôi tin vào anh mình vì bao năm nay chưa ngày nào anh thôi nghĩ cho gia đình và các em”.
Anh em ông Vươn, ông Quý là người ít nói, hay cười, anh bảo em nghe, người dùng trí tuệ, người vận dụng cơ bắp, rất hòa thuận và vui vẻ, đồng lòng kiến tạo một cuộc sống lương thiện.
Ông Vươn cho hay, mới đây một trung tâm dược liệu Hải Dương đã về đầm ký hợp đồng cho hai anh em ông trồng cây sả dược liệu. Loại sả phù hợp trên chân đất sạ hai và có sức chịu mặn tốt. Toàn bộ bờ đầm, bờ kè của khu nước rộng hơn 40ha đang được xuống giống phủ xanh bởi cây sả, cung cấp cho hoạt động bào chế trong y tế.
Anh em ông mong muốn tận dụng từng mét đất, từng vùng nước của khu đầm để tạo nên hiệu quả kinh tế cao nhất, bù đắp cho những năm tháng ngồi tù.
Nụ cười trên đầm Ruộc.
Ông Vươn cũng không quên cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho anh em ông sớm trở về để gây dựng lại sự nghiệp. Ông nói: “4 năm trước chúng tôi không làm được vì luôn luôn phải đối mặt với cảnh mất đầm, nhưng giờ đây thì chúng tôi yên tâm rồi, yên tâm để gây dựng. Nay mai con cái chúng tôi từ khu đầm này sẽ trưởng thành lại kế nghiệp tôi và chú Quý. Gia đình truyền thống nông nghiệp mà”.
Ngôi nhà tình nghĩa ông được mọi người xây tặng
Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ rộng chừng 15m2 lợp tôn mới được cất lên bên cạnh bờ đầm, ông kể: “Đây là ngôi nhà tình nghĩa. Căn nhà xưa đã bị phá đi. Khi tôi còn ngồi tù, bác Khang và mấy anh luật sư đã góp tiền xây dựng nên gian nhà này. Khi tôi trở về đã có ngay chỗ ngả lưng nghỉ sức sau những giờ lao động vất vả. Tôi giờ khó khăn thật nhưng tôi vẫn bảo em tôi, vợ con tôi phải cố gắng từng giờ để không phụ lòng tin, niềm thương mến của tất cả mọi người”.
Thu Hằng
Theo Dantri
Anh em ông Đoàn Văn Vươn ra cải tạo đầm thủy sản sau ngày đặc xá, tự do
Ngày đầu sau khi được đặc xá trở về, anh em ông Đoàn Văn Vươn lai bắt tay làm những công việc quen thuộc với mong muốn sớm kiến thiết lại khu đầm nuôi trồng thủy sản.
Ông Vươn (phải) và ông Quý sắp xếp lại đống lưới bên khu nhà cũ bị phá dỡ trong vụ cưỡng chế đầu năm 2012.
Ngay từ sáng sớm nay (1.9), ông Vươn và em trai Đoàn Văn Quý đã đón tiếp nhiều hàng xóm tới thăm hỏi, động viên. Trở về sau hơn 3 năm 7 tháng trong tù, anh em ông Vươn quên cách dùng điện thoại, đi xe máy không vững và không nhớ tên nhiều người quen biết.
Tranh thủ buổi sáng 2 anh em ông Vươn đi thăm một vòng khu đầm ngoài đê. Đi trên con đường bê tông bé xíu, mọc đầy cỏ dại, ông Vươn cho biết phải mất nhiều ngày mới làm xong để tiện đi lại, nhất là khi chạy bão.
Bà Hiền, vợ ông Quý dậy sớm nấu ăn cho cả nhà
Trên nền nhà cũ, giờ chỉ còn lại căn nhà nhỏ được các thành viên trong Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng góp sức dựng nên trước Tết năm 2012. Căn nhà cạnh vạt rừng ngập mặn, phía ngoài kia là biển khơi, vợ con của ông Vươn vẫn đang ở đây. Dường như họ muốn sống gần với biển, với rừng sú, vẹt và cả vườn chuối mật xác xơ.
Mặc dù chỉ là những tấm bờ rô xi măng ghép tạm nhưng nó đã giúp vợ con ông Vươn, Quý tránh sương gió, bão bùng suốt hơn 3 năm qua ở nơi cửa biển heo hút.
Ông Vươn không khỏi xúc động khi nhìn vào một số mảng tường đổ, vẫn còn sót lại một vài dòng chữ của người dân ở Thanh Hà, Kim Thành (Hải Dương), Móng Cái, Tây Ka Long (Quảng Ninh)... ghi lại lúc về thăm, chia sẻ với gia đình ông.
Ngay từ sáng sớm đã có nhiều người tới thăm hỏi và uống chén rượu mừng với anh em ông Vươn
Nhìn vườn chuối tiêu điều cạnh đầm tôm, anh em ông Vươn không khỏi xót xa "nhưng đành phải chấp nhận vì nhà thiếu đi người đàn ông, mọi lo toan đè nặng lên 2 người phụ nữ thì giữ được nhà cửa đã là tốt rồi".
Ông Quý cho biết, vườn chuối mật trước đây đã từng mang lại cho gia đình khoản thu nhập để "lấy ngắn nuôi dài". Những ngày sắp tới sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại. Còn ông Vươn đã có ý tưởng nuôi lại đàn vịt đẻ và kiểm tra bờ đầm, dọn dẹp để phát triển thủy sản.
Ông Vươn gắp thức ăn cho mẹ trong bữa ăn tối đầu tiên tại gia đình ngay sau khi đặc xá
Ngày anh em ông Vươn trở về, những đứa trẻ trong nhà không rời bố nửa bước. Bé Đoàn Hải Long, con ông Quý cười nụ: "Đêm qua được nằm bên cạnh bố ngủ thấy khác hơn".
Ngay từ sáng sớm, bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Quý đã dậy nấu bữa sáng cho mọi người. Bà cho biết thật sự hạnh phúc khi những sóng gió đã đi qua. "Suốt hơn 3 năm qua, chị em tôi không ngừng cố gắng, sống tốt hơn để cho người ta thấy rằng mình không gục ngã", bà Hiền tâm sự.
Ông Vươn thắp hương cho con gái xấu số trong căn nhà cấp 4 ở ngoài đầm
Cuộc sống ngày đầu sau vụ cưỡng chế, bà Hiền cùng bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn lần mò trong vườn chuối rậm rạp để tìm những buồng chuối già cắt bán lấy tiền trang trải từng ngày. Bà Thương cho biết, những công việc nặng nhọc mà anh em ông Vươn trước đây vẫn hay làm giờ trở nên đơn giản với chị em bà.
"Thời gian đầu, lưới đánh cá loại lớn bị mất nên chị em tôi mua mấy tay lưới loại nhỏ bắt cá, tôm. Cứ hôm nào mưa bão đổ về là phải mặc áo phao đi kiểm tra một loạt bờ đầm xem có bị vỡ không, hay cống có bị nước cuốn trôi không. Nhiều lúc gió quật ngã nhưng lại lóp ngóp đứng lên đi tiếp", bà Thương kể.
Ông Quý thắp hương cho bố.
Tối qua ở nhà công vụ của Tổng đội TNXP, cách nhà cũ chừng 500m gia đình ông Vươn, ông Quý cùng họ hàng và một số bạn bè quây quần bên mâm cơm. Họ kể cho nhau nghe về những câu chuyện trong thời gian ở tù, ở nhà và dự định làm ăn.
Ông Vươn thi thoảng gắp thức ăn cho mẹ là bà Trần Thị Mạp, 84 tuổi ngồi cạnh. Bà Mạp chia sẻ: "Suốt hơn 3 năm 7 tháng qua bà mong ngóng tin con từng ngày. Từ hôm nghe tin 2 con trai được ra tù, tôi cảm thấy phấn chấn, khỏe hơn rất nhiều".
Đứng nhìn khu chuồng lợn bị phá, ông Vươn xót xa cho biết nếu không có cưỡng chế thì đã xuất chuồng bao đàn lợn
Anh em ông Vươn đi thuyền thăm nom một vòng đầm nuôi tôm
Kiểm tra săm hứng cá ở cửa cống
Vườn chuối trở nên tiêu điều trong thời gian anh em ông Vươn đi tù
Ông Quý cho biết sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại
Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Theo Thanhnien
Ông Đoàn Văn Vươn đòi tài sản Từ năm 2012, Công an TP Hải Phòng đã có công văn đề nghị UBND huyện Tiên Lãng trả lại tài sản đã tạm giữ cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn nhưng đến nay, chính quyền địa phương chưa thực hiện. Ông Đoàn Văn Vươn tiếp thị sản phẩm thịt vịt nuôi tại nhà với cửa hàng ở Hà Nội - Ảnh:...