Cuộc sống “lên dây cót” chiến tranh tại căn cứ quân sự Mỹ sát Triều Tiên
Tất cả các binh sĩ đóng tại doanh trại Humphreys của Mỹ ở Hàn Quốc đều chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột quân sự với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các binh sĩ Mỹ tại doanh trại Humphreys thường xuyên phải tham gia các bài tập huấn luyện để chuẩn bị cho kịch bản xung đột (Ảnh: ABC News)
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn và không loại trừ phương án quân sự với Triều Tiên, các binh sĩ Mỹ đóng tại doanh trại Humphreys ở Pyeongtaek, Hàn Quốc luôn trong tư thế sẵn sàng để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên bất cứ lúc nào. Humphreys là căn cứ quân sự đồ sộ trị giá 11 tỷ USD và là doanh trại quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Nằm cách biên giới phía nam của Triều Tiên chỉ 120 km, doanh trại Humphreys được xem là trung tâm hậu cần, đại bản doanh của binh sĩ và là mắt xích quan trọng trong các kế hoạch tác chiến của Mỹ khi phải đối phó với Triều Tiên – quốc gia từng tuyên bố đạt được năng lực hạt nhân hoàn thiện. Humphreys cũng được xem là thành phố thu nhỏ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên với cơ sở hạ tầng hiện đại.
Sẵn sàng chiến đấu “ngay đêm nay”
Hạ sĩ quan Mary Myers (Ảnh: ABC News)
6 giờ sáng, khi trời vẫn còn mù sương và giá lạnh, hàng nghìn binh sĩ đóng quân tại doanh trại Humphreys vẫn miệt mài thực hiện các bài tập huấn luyện hàng ngày để chuẩn bị cho kịch bản xung đột. Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, toàn bộ doanh trại luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
“Đây là những gì chúng tôi được huấn luyện trong suốt quãng thời gian này. Chúng tôi hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ và sẵn sàng cho chiến tranh”, Hạ sĩ quan Mary Myers cho biết.
Tại một căn hộ rộng rãi bên trong doanh trại Humphreys, Mary Myers đánh thức các con dậy để chuẩn bị đi học. Mary là cựu binh sĩ Mỹ từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan và giờ đây xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể là cuộc chiến lớn nhất trong sự nghiệp nhà binh của cô. Mary cho biết các binh sĩ ở Humphreys đều đã sẵn sàng.
Một khu mua sắm mới được mở tại doanh trại Humphreys (Ảnh: ABC News)
Nếu xung đột xảy ra, các con của Mary sẽ được sơ tán trong vài giờ đồng hồ, còn cô sẽ được triệu tập ngay lập tức.
“Tất cả những gì chúng tôi làm bây giờ là tập trung tinh thần “sẵn sàng chiến đấu trong tối nay” và sự thật đúng là như vậy. Khi đó, hãy bỏ các con lại và chiến đấu!”, Mary nói với ABC News.
Hiện có khoảng 25.000 người Mỹ đang sinh sống tại doanh trại Humphreys, bao gồm các binh sĩ, gia đình của họ và các nhà thầu. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 42.000 người vào năm 2020. Các trường học dành cho con cái của các binh sĩ đóng quân tại Humphreys cũng được xây dựng trong khuôn viên doanh trại này.
Sau khi đưa con tới một trong số 6 ngôi trường ở Humphreys, Mary di chuyển tới nơi cô làm việc. Nữ sĩ quan cho biết việc có gia đình bên cạnh khiến cô trở thành một binh sĩ tốt hơn.
“Nếu bạn chăm sóc gia đình của các binh sĩ, thì họ sẵn sàng phụng sự lại bạn. Chỉ huy hiểu điều này”, Mary cho biết.
Video đang HOT
Máy bay “chết chóc” nhất
Các binh sĩ Mỹ kiểm tra kỹ thuật máy bay Apache (Ảnh: ABC News)
Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, doanh trại Humphreys sẽ là trung tâm chỉ huy cho lực lượng tình báo và thông tin liên lạc. Do vậy, phần lớn vũ khí tấn công tại doanh trại này đều được giữ bí mật. Trực thăng tấn công Apache là một trong số ít những phương tiện chiến đấu mà phóng viên ABC News được tiếp cận tại Humphreys.
“Cho đến nay chúng là máy bay hiện đại nhất thế giới. Mẫu máy bay chết chóc nhất này có khả năng tấn công các mục tiêu ở bất kỳ chiến trường nào trong mọi điều kiện”, Chuẩn úy Rocky Myers phụ trách phi đội gồm 23 chiếc Apache cho biết.
Nếu xung đột xảy ra, các trực thăng Apache sẽ được triển khai trong đợt tấn công đầu tiên nhằm vào Triều Tiên. Theo Chuẩn úy Myers, Apache là trực thăng hoạt động với sự hỗ trợ của công nghệ máy tính và có thế mạnh trong các hoạt động truy lùng cũng như hủy diệt, do vậy Triều Tiên không thể “địch” nổi với hệ thống vũ khí này của Mỹ.
“Chúng tôi phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ cho chỉ huy các cấp để có thể “chiến đấu ngay đêm nay” và duy trì vị thế số một (của Mỹ) trên bán đảo Triều Tiên”, ông Myers nhấn mạnh.
Với các cuộc tập trận và huấn luyện diễn ra liên tục suốt 24 giờ trong ngày, nhịp sống tại Humphreys dường như không bao giờ dừng lại – như phát ngôn viên Lục quân Mỹ, Trung tá Peggy Kageleiry, từng tuyên bố “Mỹ là lực lượng chiến đấu mạnh nhất trong lịch sử”.
“Chúng tôi huấn luyện để chuẩn bị cho xung đột trong mọi thời điểm. Nhiệm vụ của chúng tôi là luôn trong tư thế sẵn sàng và chúng tôi đang thực thi nhiệm vụ đó ngay tại đây. Tôi rất tự tin vào năng lực của chúng tôi khi phải đối phó với tình huống xung đột”, Trung tá Peggy nói.
Không uống rượu say
Các binh sĩ tại Humphreys bị cấm tới một số quán bar địa phương (Ảnh: ABC News)
Là người phụ trách đời sống và phúc lợi của các binh sĩ Mỹ bên trong doanh trại Humphreys, Hạ sĩ quan Mary Myers có nhiệm vụ giảm thiểu những hành vi thiếu chuẩn mực của các binh sĩ Mỹ tại đây. Trong một cuộc họp, Myers yêu cầu các nhân viên của mình nhắc nhở các binh sĩ về hậu quả của việc uống quá nhiều rượu. Myers hiểu rằng chỉ cần xảy ra một vụ gây gổ ở trong hoặc ngoài doanh trại cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới nhiệm vụ chung của các binh sĩ.
“Chúng tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay, vì thế họ không thể say rượu. Họ luôn phải mang theo điện thoại bên mình”, Myers cho biết.
Theo Hạ sĩ quan Mỹ, việc cắt giảm lượng tiêu thụ bia rượu đối với các binh sĩ góp phần quan trọng vào việc kiểm soát các hành vi gây gổ của binh sĩ do uống quá đà. Ngoài ra, các binh sĩ Mỹ tại Humphreys phải tuân thủ theo lệnh giờ giới nghiêm và bị cấm lui tới một số quán bar ở địa phương.
Thành Đạt
Theo Dantri
Doanh trại quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ sát sườn Triều Tiên
Được xem là doanh trại quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài với trị giá 11 tỷ USD, Humphreys được xem như một thành phố thu nhỏ của Mỹ tại Hàn Quốc và có thể trở thành "đại bản doanh" của quân đội Mỹ nếu xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Donald Trump đã tới thăm doanh trại Humphreys, căn cứ quân sự đồ sộ trị giá 11 tỷ USD và là doanh trại quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. Trong ảnh: Tổng thống Trump chụp ảnh cùng các sĩ quan quân sự thuộc Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Lục quân số 8 tại Doanh trại Humphreys ngày 7/11. (Ảnh: AP)
Được xây dựng tại khu vực nông thôn ở thành phố Pyeongtaek, doanh trại Humphreys nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 64 km về phía nam và cách Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi ngăn biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc và là khu vực được vũ trang dày đặc bậc nhất thế giới, khoảng 96 km. Doanh trại này giống một thành phố thu nhỏ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Cuộc sống tại doanh trại Humphreys mang nhiều nét đặc trưng của đô thị Mỹ và việc xây dựng doanh trại này từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người dân địa phương. Chính phủ Mỹ đã phải đàm phán và đền bù cho người dân Hàn Quốc để có thể xây dựng doanh trại Humphreys. Trong ảnh: Người biểu tình phản đối dự án xây dựng doanh trại Humphreys tại Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Trong hàng chục năm, quân đội Mỹ phải nỗ lực để di dời trụ sở của lực lượng này từ thủ đô Seoul xuống khu vực phía nam xa hơn nhằm tránh tầm bắn của pháo binh Triều Tiên. Đại tá Scott W. Mueller, chỉ huy doanh trại Humphreys, cho biết họ đã xây dựng toàn bộ khu vực này "từ con số không". Hồi tháng 7, Đơn vị Lục quân số 8, trung đoàn giám sát tất cả các binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, đã chuyển tới doanh trại Humphreys. (Ảnh: Business Insider)
Hiện có khoảng 25.000 người Mỹ đang sinh sống tại doanh trại Humphreys, bao gồm các binh sĩ, gia đình của các binh sĩ và các nhà thầu. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 42.000 người vào năm 2020. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Nhiều công trình đã được xây dựng trong khuôn khổ doanh trại Humphreys, gồm các khu chung cư, sân thể thao, khu giải trí, quán ăn nhanh, sân golf, công viên nước,... Hồi tháng 10, doanh trại Humphreys tiếp tục khánh thành một trung tâm thú y, phòng khám nha khoa và khu vực bán đồ ăn cho binh sĩ. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Một trung tâm mua sắm trị giá 64 triệu USD rộng gần 30.000 m2 cũng đã được khai trương tại doanh trại Humphreys hồi đầu tháng 11, bày bán tất cả các mặt hàng từ thực phẩm tới tivi và thậm chí có cả quán cafe. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Trường phổ thông Humphreys nhận giảng dạy các học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, đào tạo khoảng 360 học sinh là con của các quân nhân và các nhân viên làm việc tại doanh trại Humphreys. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Các khu vui chơi thể thao là nơi các binh sĩ Mỹ và những người sống tại doanh trại Humphreys có thể tới thư giãn sau giờ làm việc. (Ảnh: Anthony Langley)
Nhiều nhà thờ đã được xây dựng bên trọng doanh trại Humphreys. Dự kiến các nhà thờ mới vẫn sẽ tiếp tục được xây dựng trong thời gian tới. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Một cửa hàng ăn nhanh tại doanh trại Humphreys. (Ảnh: AP)
Trong thời gian rảnh rỗi, các binh sĩ có thể tới trung tâm hoạt động cộng đồng tại doanh trại Humphreys để tham gia các trò chơi. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Doanh trại Humphreys cũng có rạp chiếu phim, trung tâm thể hình và bể bơi. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Là một doanh trại quân sự nên Humphreys cũng có các khu vực huấn luyện và trường bắn. Doanh trại này cũng được xây dựng kiên cố để đối phó với nguy cơ tấn công từ Triều Tiên. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Doanh trại Humphreys là nơi luyện tập của nhiều tân binh trong quân đội Mỹ. Theo Đại tá Julius A. Rigoe Jr., mục tiêu huấn luyện tại doanh trại này để giúp các binh sĩ trẻ hiểu rằng "vào bất kỳ thời điểm nào Triều Tiên cũng có thể vượt qua lằn ranh, do vậy việc chuẩn bị sẵn sàng tinh thần tác chiến sẽ quyết định việc họ có thể sống hay chết". (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Các binh sĩ có thể sử dụng chính các tòa nhà trong doanh trại Humphreys để làm nơi tập luyện, ví dụ như phòng tập thể hình trong doanh trại có thể biến thành nơi diễn tập giải cứu con tin. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Doanh trại Humphreys cũng là nơi diễn ra các cuộc họp giữa các quan chức quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Thành Đạt
Theo Dantri
Căn cứ Mỹ bảo vệ 300 triệu người trước tên lửa Triều Tiên Các nhân viên quân sự Mỹ ở căn cứ Fort Greely, bang Alaska được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bờ đông nước Mỹ khỏi mọi mối đe dọa từ Triều Tiên. Sỹ quan Mỹ làm việc tại căn cứ Fort Greely. Vì lý do an ninh nên bảng tên đều bị xóa đi. Ảnh: CNN. "Địa điểm va...