Cuộc sống không như mơ của những đứa trẻ ở Nhà Trắng
Cuộc sống của con cái các tổng thống Mỹ đôi khi trở nên khó khăn bởi sự soi mói cũng như đánh giá quá khắt khe từ dư luận.
Barron đi bên cạnh cha mẹ trong lễ diễu hành ngày nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump. Ảnh: AFP
Barron, 10 tuổi, con trai út Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 20/1 trở thành mục tiêu công kích của nhà biên kịch Katie Rich từ chương trình truyền hình nổi tiếng “Saturday Night Live” khi cô đem cậu bé ra châm chọc trên mạng xã hội Twitter. Thậm chí tại Chicago, diễn viên hài kịch Shannon Noll còn vào vai Barron trong chương trình tạp kỹ bán vé mang tên “ Barron Trump: Chưa chịu đi ngủ” đang được công chiếu tại một rạp hát tại khu Hyde Park.
Theo AP, cả hai trường hợp trên đều làm sống lại một vấn đề muôn thuở rằng đôi khi những đứa trẻ ở Nhà Trắng phải chịu những cái nhìn quá khắc nghiệt từ công chúng.
“Saturday Night Live” hồi năm 1992 cũng đem Chelsea Clinton, con gái tổng thống Mỹ Bill Clinton và đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, ra làm trò đùa. Bà Clinton lúc bấy giờ vô cùng giận dữ, công khai chỉ trích những lời đùa cợt ác ý. Mike Meyers, thành viên tham gia chương trình, đã phải gửi thư xin lỗi gia đình Clinton.
“Tôi nghĩ những cô bé, cậu bé ấy đều có những giới hạn nhất định”, Lisa Caputo, người từng đảm nhận vị trí thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời tổng thống Bill Clinton, nói về việc “Saturday Night Live” chế nhạo Chelsea. “Chúng không hề tranh cử và không mang bất kỳ vai trò chính thức nào”.
Ngay sau khi đăng dòng tweet về Barron, Katie Rich lập tức bị đình chỉ công việc vô thời hạn. Cô đã viết một dòng tweet khác cho biết muốn “gửi lời xin lỗi chân thành” vì những bình luận “thiếu tinh tế” và thực sự hối tiếc bởi hành động của mình.
Giới quan sát nhận định hầu như tất cả các tổng thống và đệ nhất phu nhân Mỹ đều tìm kiếm cuộc sống bình yên, ít bị chú ý cho con cái mình ở bên trong Nhà Trắng, ngoại trừ những người tự nguyện đưa con cái ra trước ánh đèn sân khấu.
Vài ngày sau sự cố liên quan đến biên kịch Rich, Nhà Trắng ra lời kêu gọi công chúng tôn trọng quyền riêng tư đối với Barron.
“Có một truyền thống lâu đời rằng con cái tổng thống được trao cơ hội lớn lên bên ngoài sân khấu chính trị”, văn phòng báo chí Nhà Trắng viết trong một thông cáo. “Nhà Trắng hy vọng có thể duy trì truyền thống này”.
Cùng tuần, Trump nói với người dẫn chương trình Sean Hannity từ kênh Fox News rằng NBC thật “đáng xấu hổ” khi “công kích” Barron.
“Điều đó không dễ dàng gì đối với con trai tôi. Tin tôi đi”, ông Trump nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nhưng trái với Barron, những người con khác của ông Trump, Don Jr., Eric, Ivanka và Tiffany, lại đang tận hưởng hào quang từ người cha nổi tiếng. Don Jr. và Eric vẫn cai quản đế chế kinh doanh gia đình. Ivanka có thể gia nhập bộ máy chính quyền. Cả ba đều từng xuất hiện tại những cuộc họp do cha mình tổ chức trước và sau khi ông nhậm chức.
Chelsea Clinton, con gái cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, từng là nạn nhân của những câu đùa ác ý từ chương trình “Saturday Night Live”. Ảnh: Reuters
Doug Wead, tác giả một cuốn sách viết về con cái các tổng thống Mỹ, cho rằng chứng kiến việc một bộ phận người lớn dùng những đứa trẻ vô tội làm công cụ công kích tổng thống là điều “vô cùng đau lòng”. Theo ông, con cái tổng thống phải chịu cảnh trở thành mục tiêu soi mói, châm chọc, bởi họ thường bị coi là những tiếng nói yếu ớt hơn cả.
“Barron không thể chống trả”, Wead cho hay.
Theo Anita McBride, cựu chánh văn phòng làm việc cho đệ nhất phu nhân Laura Bush, tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle đã làm rất tốt trong việc bảo vệ hai cô con gái khỏi những ánh mắt dò xét từ công chúng.
Hồi năm 2000, George W. Bush đắc cử tổng thống. Các con gái ông lúc bấy giờ đang là sinh viên đại học nên không đến sống tại Nhà Trắng. Dù vậy, việc họ từng uống rượu khi chưa đủ tuổi đã được truyền thông đem ra bàn tán sôi nổi.
“Tại sao một ngày 24 giờ của đứa trẻ này lại khác biệt với mọi người”, McBride nói về Barron.
Chelsea Clinton cũng lên tiếng bảo vệ Barron trên Twitter, khẳng định cậu bé “xứng đáng có cơ hội như bao đứa trẻ khác – được làm trẻ con”.
Thông điệp ủng hộ từ Chelsea lập tức hướng sự chú ý từ công chúng vào câu lạc bộ “những đứa trẻ ở Nhà Trắng”. Họ dường như luôn tìm cách để ủng hộ, bao bọc lẫn nhau.
Jenna và Barbara Bush, con gái cựu tổng thống George W. Bush, mới đây dành lời khen ngợi Malia và Sasha Obama, hai ái nữ nhà Obama, vì đã vượt qua “áp lực không thể tin nổi tại Nhà Trắng” và chịu đựng được “sự chỉ trích khắc nghiệt từ bên ngoài nhắm vào cha mẹ các em”.
“Hãy nhớ những thứ các em nhìn, những người các em gặp, những bài học các em có được và để chúng hướng các em tới những thay đổi tích cực. Chúng tôi chắc chắn các em có thể”, Jenna và Barbar viết trong bức thư gửi tới hai con gái tổng thống Obama.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cuộc sống không vợ con của Trump trong Nhà Trắng
Sống ở Nhà Trắng nhưng không gần vợ con, cũng không có bè bạn để trò chuyện, ông Trump chỉ có TV, Twitter để giao tiếp với bên ngoài trong giờ nghỉ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Trong một bài viết đăng trên NYTimes hôm 6/2, hai phóng viên Maggie Haberman và Glenn Thrush kể về cuộc sống của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hơn hai tuần chuyển vào Nhà Trắng, nơi ông gần như chỉ có một mình mỗi khi đêm xuống.
Cứ khoảng 18h30, ông Trump lại bước lên khu nhà ở tại tầng trên của tòa nhà để nghỉ ngơi, xả hơi và thỉnh thoảng lướt Twitter. Với việc Đệ nhất phu nhân Melania cùng cậu con trai út Barron đang ở New York, ông không có người thân thích nào trong Nhà Trắng, ngoại trừ trợ lý an ninh Keith Schiller, người đã đi theo ông từ lâu.
Mỗi khi không xem tivi hoặc nói chuyện điện thoại với các trợ lý cũ hoặc các cố vấn, Trump thường đi lang thang trong Nhà Trắng, khám phá những ngóc ngách trong ngôi nhà mới rộng lớn này.
Theo Washington Post, những thông tin mà các quan chức Nhà Trắng cung cấp cho giới phóng viên cho thấy hình ảnh của Trump chỉ biết bầu bạn với chiếc TV và điện thoại, phần nào hé lộ về cuộc sống của một tổng thống mới nhậm chức.
Trong chiến dịch tranh cử cũng như phần lớn cuộc đời làm kinh doanh của mình, Trump chưa bao giờ phải chịu cảnh một mình như vậy. Là một tỷ phú nổi tiếng giàu có, ông luôn có một đội ngũ trợ lý vây quanh, thường xuyên tiếp xúc với các doanh nhân thành đạt cũng như các chính trị gia quyền lực. Nhưng khi nói đến bạn bè, Trump dường như không có một người bạn nào đúng nghĩa.
Trong quá trình viết cuốn sách "Hé lộ về Trump", hai tác giả Marc Fisher và Michael Kranish đã hỏi ông về tình bạn. Trump thẳng thắn thừa nhận rằng phần lớn bạn của ông đều có liên quan đến việc kinh doanh, vì "đó là những người duy nhất tôi gặp".
"Có những người tôi đã không liên lạc suốt nhiều năm trời, nhưng tôi nghĩ họ là bạn bè. Tôi cho là mình có rất nhiều bạn, nhưng họ không giống như bạn bè của những người khác, kiểu bên nhau suốt ngày rồi ra ngoài đi ăn với nhau", Trump nói.
Khi được hỏi liệu có người nào mà ông sẽ nghĩ tới khi gặp rắc rối cá nhân hoặc cần tham khảo điều gì hay không, Trump khẳng định gia đình mới là nơi ông hướng về. "Tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt, cũng như kẻ thù hay, nhưng tôi nghĩ nhiều về gia đình hơn hết thảy".
Trong cuộc trò chuyện không được ghi âm sau đó, Fisher nói rằng Trump đã liệt kê ra tên ba đối tác kinh doanh được ông coi là bạn nhưng đã không gặp trong vài năm qua. Khi Fisher liên lạc với hai trong số ba người này, họ tỏ ra ngạc nhiên khi Trump nói rằng họ là bạn bè của ông.
Bình luận viên Chris Cillizza cho rằng những người xung quanh Trump được chia làm hai nhóm: gia đình và những người làm việc cho ông. Những người làm việc dưới quyền ông sẽ không bao giờ trở thành người bạn thực sự của tỷ phú và giờ là Tổng thống này.
Có thể thấy ông Trump là người đàn ông của gia đình, luôn thích ở quanh những người thân thích. Ở New York, ông xây một khách sạn hoành tráng, nơi ông và cả gia đình sinh sống, làm việc. Trong chiến dịch tranh cử, Trump luôn sử dụng máy bay riêng của mình với những đứa con vây quanh, tạo ra bong bóng gia đình an toàn, thoải mái giữa những sóng gió của chính trường.
Thế nhưng chiếc bong bóng gia đình đó không còn được như trước ngay khi Trump nhậm chức. Vợ và con trai út quyết định không chuyển đến Nhà Trắng, trong khi các con trai lớn Eric và Don đang mải mê điều hành công việc kinh doanh của gia đình ở New York, thậm chí về lý thuyết không được hỏi ý kiến của bố với những vấn đề liên quan đến Tập đoàn Trump. Cô con gái Ivanka cùng chồng thì đang phải làm quen với cuộc sống mới ở thủ đô.
Tổng thống truyền hình thời gian thực
Xa rời không gian thoải mái ở Tháp Trump, thiếu vắng các thành viên trong gia đình, không có những người bạn thân để trò chuyện, người đàn ông đang nắm giữ một trong những vị trí quyền lực nhất cũng như căng thẳng nhất thế giới này dường như trở nên đơn độc trong Nhà Trắng.
Bình luận viên John Cassidy của NewYorker cho rằng thực tế này phần nào lý giải cách ông Trump nhìn nhận mọi thứ diễn ra bên ngoài qua màn hình TV, cũng như những phản ứng của ông với thực tế trong suốt thời gian đầu nhậm chức.
Trước đây, ông Trump được biết đến như một ngôi sao truyền hình thực tế, nhưng khi bước chân vào Nhà Trắng, ông trở thành một "Tổng thống truyền hình thời gian thực", khi cho lắp đặt TV truyền hình cáp trong phòng Bầu dục, phòng ăn để có thể theo dõi sát sao tin tức diễn ra bên ngoài.
Các lãnh đạo thế giới thường không có thói quen như vậy. Tổng thống Obama cho biết ông không xem bất cứ chương trình truyền hình nào, ngoại trừ kênh thể thao ESPN. Vợ chồng Tổng thống Ronald và Nancy Reagan chỉ lướt qua bản tin buổi tối trước khi xem một bộ phim cũ. Thủ tướng Đức Margaret Thatcher thậm chí còn không xem bất cứ chương trình tin tức hay đọc tờ báo nào. Thư ký báo chí Bernard Ingham có trách nhiệm trình lên bản báo cáo tình hình hàng ngày để bà cập nhật thông tin.
Để ra quyết sách, các lãnh đạo này thường dựa vào các bản báo cáo của trợ lý và cơ quan tình báo, chứ không phải bản tin trên truyền hình. Trump thì ngược lại, ông từng tuyên bố không cần đến báo cáo tình báo hàng ngày, cũng có vẻ không hứng thú với các tài liệu báo cáo khác.
Trump bước vào phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng. Ảnh: White House
Phần lớn những thông tin mà Trump thu nhận được là qua các bản tin truyền hình, rồi sau đó tung ra những phản ứng gần như tức thì của mình với các thông tin gây bất lợi cho ông. Ngay cả khi đi nghỉ cuối tuần cùng gia đình, ông vẫn không thể bỏ được thói quen này. Ông đã tung ra những dòng tweet đầy giận dữ nhắm vào một thẩm phán liên bang vào sáng thứ hai, sau khi các hãng tin lớn của Mỹ đưa tin về việc thẩm phán này ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông.
"Bất cứ khảo sát tiêu cực nào cũng đều là tin giả, giống như khảo sát của CNN, ABC, NBC trong cuộc bầu cử", ông viết trên Twitter. "Xin lỗi, người dân muốn đảm bảo an ninh biên giới và thẩm tra gắt gao".
Trí Dũng
Theo VNE
Sự vắng bóng bất thường của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ được gần hai tuần nhưng lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng thay vì thực hiện bổn phận của mình. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump. Ảnh: AFP Bà Melania hôm 20/1 tham gia đầy đủ các sự kiện trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của chồng, ông Donald Trump. Song...