Cuộc sống không điện nước của xóm miền Tây ở Sài Gòn
Nhiều năm nay, xóm của dân ngụ cư từ miền Tây lên Sài Gòn làm rẫy vẫn sống trong những căn chòi, chịu cảnh không điện, không nước sạch.
Nằm sâu trong đồng lau sậy bên đường Nguyễn Văn Linh (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) là một khu đất rộng. Nơi đây, hơn chục năm nay là xóm ngụ cư của những người dân từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh.
“Hơn chục năm trước, chỉ có một vài người dân lên đây, thấy đất trống nên tôi dựng chòi trồng rau quả. Dần dà, ở đây giờ có khoảng 20 hộ cùng nhau cuốc đất làm rẫy, chứ ở quê hầu như ai cũng không có ruộng đất, thuê gì mần nấy”, bà Nguyễn Thị Ba (74 tuổi, quê Cần Thơ) cho hay.
Khu vực này vốn là đất của doanh nghiệp nhưng chưa đầu tư, chủ đất cho cư dân ở đây khai phá để không bị hoang hóa. Hàng ngày, những lô đất mới tiếp tục được làm cỏ, cày xới, đào luống… để trồng dưa leo, bí xanh, bầu, khổ qua…
Bà Võ Thị Mai (51 tuổi, quê Cần Thơ) là một trong những người lên đây làm rẫy từ khá sớm. Hiện, bà thuê một mẫu đất để trồng trọt. “Ở đây ai cũng trồng xen kẽ rau quả, trung bình cứ hơn hai tháng thu hoạch một loại rau rồi bán ngay cho chợ đầu mối Bình Điền. Công việc quần quật từ sáng đến tối”, bà nói.
Video đang HOT
Để có nguồn nước sạch, nhiều hộ phải quây bạt làm bể cạn. Nước được bơm lên từ ao ở cách đó không xa hoặc hứng nước mưa. Nguồn nước này chủ yếu dùng tắm rửa, giặt giũ trong khi ăn uống thì họ phải mua nước bình.
Hai vợ chồng anh Đỗ Văn Giữ (34 tuổi), chị Phan Thị Khen (23 tuổi) vừa rời quê Cần Thơ lên đây. Do chưa có đất làm rẫy nên hai người đi làm thuê cho hộ khác, với mức thù lao khoảng 300.000 đồng một ngày. Buổi chiều muộn, cả hai ra bờ ao tắm.
“Hồi mới tắm thì hơi ngứa nhưng riết thì quen à. Dân đây ai chẳng tắm nước ao tù, chứ làm gì có nước máy để sử dụng đâu”, chị Khen nói.
Không điện, cả xóm miền Tây chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống. Trong chòi của mình, anh Nguyễn Văn Thức dùng đèn pin để chiếu sáng khi sửa xe.
Nguồn điện của cư dân xóm miền Tây đến từ những bình ắc quy. “Mỗi khi sạc phải đi hơn chục cây số với giá 35.000 đồng cho một lần mà chỉ xài chưa được tuần là hết điện”, anh Thức cho biết.
Bữa ăn đạm bạc trong ánh đèn lay lắt của gia đình ông Nguyễn Văn Trí (50 tuổi, quê Hậu Giang). Hai vợ chồng ông đều không có ruộng đất, dắt díu nhau lên Sài Gòn bươn chải. Người con trai lớn mới lập gia đình cũng mang cả vợ con lên thành phố trồng rau trái với cha mẹ.
Những đứa trẻ được học lớp học tình thương ở quận 8. Ngày đi học, trưa về trông nhà hoặc phụ cha mẹ bón phân hái rau, đến tối nhiều em mới cặm cụi học bài trong ánh đèn khi tỏ khi mờ.
Nếu không học bài, bọn trẻ cũng chỉ biết làm bạn với điện thoại hay tha thẩn chơi trong xóm rồi đi ngủ sớm.
Buổi tối, như nhiều gia đình khác, cả nhà bảy người của ông Trần Văn Nghĩa (41 tuổi, quê Kiên Giang) chỉ quanh quẩn trong nhà. “Mang tiếng lên thành phố mà cả ngày cứ cắm mặt ở đây làm rẫy chứ có biết Sài Gòn hiện đại như thế nào đâu. Cũng muốn một lần lên trung tâm thành phố chơi mà không dám đi, sợ lạc đường lắm. Thôi thì ngồi tí rồi ngủ sớm, sáng mai lại lo trồng trọt, hy vọng Tết này có đủ tiền về quê”, ông Nghĩa cười.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Vụ nhánh cây rơi đè trúng nữ công nhân: Ước mơ dang dở của người mẹ
Để có 100 triệu đồng chữa bệnh tim cho con, đôi vợ chồng ở miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh đủ thứ nghề, người vợ không may gặp nạn tử vong khi bị nhánh cây "trên trời" đè trúng.
Nhánh cây rơi trúng nữ công nhân khiến nạn nhân tử vong
Liên quan đến vụ việc nữ công nhân Lâm Thị Diễm (25 tuổi, quê Bạc Liêu) bị nhánh cây trên đường nội bộ Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP.HCM) rơi trúng, người thân nạn nhân cho biết đã đưa chị Diễm về quê lo hậu sự sau 1 ngày cứu chữa.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), anh Nguyễn Văn Khanh (35 tuổi, chồng chị Diễm) như người mất hồn trong khi đợi làm thủ tục nhận bàn giao thi thể vợ. Thỉnh thoảng, nhiều cuộc điện thoại của người nhà gọi đến hỏi tình hình sức khỏe của chị Diễm thì được anh Khanh thông báo: "Vợ con mất rồi cô ơi".
Anh Khanh nói trong nấc nghẹn và cho biết, sáng hôm qua vợ anh dậy sớm nấu cơm, kho cá để sẵn cho 2 con nhỏ ở nhà ăn cả ngày, sau đó vợ chồng cùng đi làm. Đến 7h30 cùng ngày, anh nhận được hung tin từ đồng nghiệp của vợ báo chị Diễm bị nhánh cây dầu đè trúng khi đang ở trước cổng công ty.
"Tôi chạy đến nơi vợ làm rồi chạy đến bệnh viện thì chết điếng khi biết vợ bị thương nặng. Bác sĩ thông báo vợ tôi bị hôn mê sâu, xuất huyết não, gãy hàng loạt xương sườn, tiên lương rất xấu. Các bác sĩ nói tôi nên đưa vợ về vì không cứu chữa được nhưng tôi đã cầu xin chuyển vợ lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Chuyển lên đó thì đến tối vợ tôi đã không qua khỏi. Vợ tôi chết trong đau đớn", anh Khanh nói trong nước mắt.
Anh Nguyễn Văn Khanh (chồng nạn nhân) cho biết, từ đây hai con của anh sẽ vắng mẹ mãi mãi
Theo người thân, chị Diễm mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhiều năm về trước, thấy anh Khanh cùng cảnh ngộ, lại chịu khó làm ăn nên chị quyết định tiến đến hôn nhân với anh Khanh. Cả hai hạnh phúc khi lần lượt hai con gái chào đời. Tuy nhiên, một trong hai bé bị bệnh tim bẩm sinh.
Để có số tiền 100 triệu đồng phẫu thuật cho con, đôi vợ chồng rời quê lên Sài Gòn làm đủ thứ nghề với hy vọng sẽ có tiền mổ tim cho con.
"Ban ngày tôi làm thu gom rác dân lập với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ban đêm mua bánh mì thịt ra Quốc lộ 1 bán lại cho các tài xế xe tải kiếm tiền lời. Vợ thì xin làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung 1. Cả hai vợ chồng động viên cho nhau cùng cố gắng làm việc, tích góp để nuôi ước mơ một ngày nào đó, sẽ có tiền mổ tim cho con. Ước mơ chưa thực hiện được thì vợ đã bỏ tôi và hai con ra đi mãi mãi", nói đến đây anh Khanh nấc nghẹn.
Liên quan đến việc nhánh cây rơi trúng khiến chị Diễm tử vong, đại diện UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết, việc quản lý cây xanh trong KCX Linh Trung thuộc trách nhiệm của Ban quản lý Khu chế xuất. Phường cũng đã có công văn yêu cầu phía đơn vị này kiểm tra, cắt tỉa và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người qua lại để tránh xảy ra những tai nạn tương tự.
Theo Danviet
Người miền Tây ùn ùn trở lại Sài Gòn Chiều muộn 2/5, dòng xe từ miền Tây tấp nập đổ về Sài Gòn sau kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến cửa ngõ thành phố ùn tắc nghiêm trọng. 18h, xe xếp hàng dài trên Quốc lộ 1A, đoạn từ cầu Bình Điền đến đường Dương Đình Cúc (huyện Bình Chánh, TP HCM). Hàng nghìn xe nhích từng chút một. Ôtô cấp cứu...