Cuộc ’soán ngôi’ của các ngân hàng tư nhân
Các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, ACB, HDBank tiếp tục cho thấy tốc độ bứt phá mạnh mẽ với kết quả kinh doanh vượt trội trong 9 tháng đầu năm 2019.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố đạt 8.860 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận của Techcombank hiện chỉ đứng sau Vietcombank (17.612 tỷ đồng) và Agribank (9.700 tỷ đồng).
Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của Techcombank đã giúp ngân hàng này vượt qua các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn như BIDV và có thể cả Vietinbank, dù ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính.
Techcombank không phải trường hợp cá biệt. Từ năm 2018 đến nay, các ngân hàng tư nhân cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ về kết quả kinh doanh. Lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân, theo đó, cũng dần đuổi kịp và vượt qua các ngân hàng cổ phần quốc doanh.
VPBank là ngôi sao khác trong ngành đã vươn lên mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Sau 9 tháng đầu năm ngân hàng này đạt gần 7.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của VPBank tăng mạnh sau một quý 3 kinh doanh hiệu quả. Kết thúc 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 26.333 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp lớn nhất vào tổng thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng tiếp tục là nguồn thu nhập lãi thuần, đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp hơn một nửa vào nguồn thu nhập lãi thuần của VPBank đến từ công ty cho vay tiêu dùng FE Credit.
Lợi nhuận của VPBank được cải thiện còn đến nhờ hoạt động tiết giảm chi phí. Riêng trong quý 3, VPBank đã cắt giảm 304 nhân viên và tính từ đầu năm, số lượng nhân viên của nhà băng này đã giảm 690 người. Nhờ đó, chi phí hoạt động không tăng so với cùng kỳ thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trước dự phòng trong quý vừa qua tăng mạnh.
Video đang HOT
Nguồn: BCTC ngân hàng
Một ngân hàng cổ phần khác là MBcũng đã tăng trưởng lợi nhuận 27% trong 9 tháng đầu năm 2019, đạt 7.616 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của MB cũng tăng trưởng nhanh và sắp vượt ngưỡng 400 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của MB, các mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng tích cực, riêng thu nhập lãi thuần tăng 26% đạt 13.111 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán lần lượt có lãi 2.312 tỷ, 472 tỷ, 421 tỷ, tăng tương ứng 37%, 56% và 50%. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 46% lên 1.579 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hồi nợ đã xử lý.
Sau Techcombank và VPBank, hàng loạt các ngân hàng tư nhân khác cũng báo cáo lợi nhuận ở mức cao như ACB (5.561 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ); HDBank (3.400 tỷ đồng, tăng 50%); VIB (2.915 tỷ đồng, tăng 70%); TPBank (2.404 tỷ đồng, tăng 50%),…
Sự hụt hơi của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV và Vietinbank do các ngân hàng này phải dành nguồn lực để xử lý nợ xấu trong khi tăng trưởng bị giới hạn bởi nguồn vốn kinh doanh.
Ngay trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc, BIDV công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 7.028 tỷ đồng. Lợi nhuận của BIDV sụt giảm do phải trích lập dự phòng lớn cho các khoản nợ xấu. Tới cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ 1,9% lên 2,09%. Trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến 12.194 tỷ đồng, tăng 70% so với hồi đầu năm.
Dù là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, lên tới 1,42 triệu tỷ đồng, song sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của BIDV đứng sau hàng loạt những cái tên tư nhân như Techcombank, MB, VPBank.
Chất lượng tài sản là một trong những lý do chính khiến hoạt động của các ngân hàng quốc doanh sa sút. Vietinbank dù chưa công bố báo cáo tài chính, song khó có thể kỳ vọng một quý 3 bứt phá của ngân hàng khi ngay từ quý 2 trước đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã giảm nhẹ so với cùng kỳ do chi phí trích lập dự phòng tăng cao.
Cả BIDV và Vietinbank đều đang “khát vốn”, khiến ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động cho vay. Tuy nhiên, BIDV hiện đã hoàn tất thỏa thuận bán 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank để thu về hơn 20.000 tỷ đồng, thương vụ đang được thực hiện những bước cuối cùng.
Với Vietinbank, ngân hàng vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn. Để giải quyết vấn đề trước mắt, cả BIDV và Vietinbank đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp 2 từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo quy định, dư địa tăng vốn cấp hai bị khống chế bởi quy mô vốn cấp một. Vì vậy, giải pháp trái phiếu chỉ là bước đi tình thế của ngân hàng để giải quyết một phần khó khăn trong ngắn hạn.
Theo Theleader.vn
Top 5 ngân hàng lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm gọi tên ai?
Vietcombank với gần 17.600 tỷ đồng lợi nhuận 9 tháng tiếp tục là quán quân của thị trường...
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đang sôi động hơn bao giờ hết, và các ngân hàng cũng không là ngoại lệ. Thống kê của chúng tôi cho thấy đến ngày 27/10 đã có hơn 20 ngân hàng công bố thông tin với hầu hết ghi nhận kết quả kinh doanh lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Top các ngân hàng lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm nay có sự thay đổi đôi chút so với bảng danh sách xếp hạng của 6 tháng đầu năm. BIDV đã bị tuột khỏi bảng xếp hạng top 5 khi cái tên khá bất ngờ là Agribank bứt tốc lên vị trí số 2.
Cụ thể, Vietcombank vẫn là quán quân về lợi nhuận khi 9 tháng đầu năm nay ngân hàng hợp nhất lãi trước thuế 17.592 tỷ đồng tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Các chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) và lợi nhuận trên vốn (ROAE) đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.
Đứng vị trí thứ 2 trong 9 tháng đầu năm nay không phải là Techcombank mà là Agribank - ngân hàng chưa cổ phần hoá và thường làm ăn kém hiệu quả hơn rất nhiều so với các ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối những năm trước đây. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 9.700 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm và cao hơn so với con số đạt được trong cả năm 2018.
Do bị Agribank vượt lên nên thời điểm này Techcombank bị rơi xuống vị trí thứ 3. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế 8.860 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, với riêng quý 3 đạt 3.198 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Ở vị trí thứ 4 về lợi nhuận 9 tháng đang có tên MBBank. Trong 3 quý vừa qua ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 7.616 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ.
Còn vị trí thứ 5 đang gọi tên VPBank với lợi nhuận 7.199 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm. Nhờ bứt tốc mạnh trong quý 3 với lợi nhuận 2.856 tỷ đồng, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm 2018 nên nhà băng này tạm thời lấy lại vị thế ở top 5 ngân hàng làm ăn tốt nhất, đồng thời sánh vai Techcombank và MB trong nhóm 3 ngân hàng cổ phần mạnh nhất.
Trong bảng xếp hạng top đầu trước đây vẫn luôn có mặt của BIDV nhưng trong 9 tháng vừa qua, đây lại là ngân hàng duy nhất trong nhóm hơn 20 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh phải ghi nhận lợi nhuận sụt giảm do tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, nên ngân hàng đang bị rơi xuống vị trí thứ 6. Song nếu xét về tổng lợi nhuận trước dự phòng thì BIDV đang là quán quân - mở ra triển vọng sáng cho ngân hàng này khi các khoản nợ xấu được xử lý triệt để thì lợi nhuận sẽ có những đột biến trong thời gian tới.
Một ngân hàng nữa cũng vẫn luôn góp mặt trong nhóm đầu đó là VietinBank, tuy nhiên đến thời điểm này ngân hàng vẫn chưa công bố kết quả hoạt động 9 tháng. Trong 6 tháng đầu năm ngân hàng lãi trước thuế 5.300 tỷ đồng. Nếu đà tăng trưởng của 2 quý trước được duy trì trong quý 3 thì bảng xếp hạng top 5 chắc chắn sẽ có sự thay đổi.
Ngoài những ngân hàng làm ăn tốt nhất kể trên thì trong mùa báo cáo tài chính quý 3 lần này còn ghi nhận nhiều sự đột biến khác như có những ngân hàng lợi nhuận tính theo lần, có những nhà băng nợ xấu tăng vọt, không ít các ngân hàng thay đổi đột ngột về nhân sự...Song một đặc điểm chung dễ nhận thấy trong bức tranh 9 tháng đó là hiệu quả kinh doanh ngày càng sáng sủa, cơ cấu nguồn thu của các nhà băng được thay đổi khi tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ ngày càng tăng, các hệ số về an toàn hoạt động được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu dù tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
Trước thềm sáp nhập Keb Hana: BIDV mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận 9 tháng sút giảm Tổng lợi nhuận từ hoạt động của BIDV 9 tháng tăng 8,8% song việc trích lập khủng lên tới 16.501 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau khi trích lập dự phòng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 7.028 tỷ đồng. Theo dự kiến, thương vụ BIDV bán cổ phần cho Keb Hana sẽ hoàn...