Cuộc hôn nhân của cô gái Việt và thầy giáo Ireland: Lần đầu gặp rể, bố vợ “mặt hình sự” nhưng thay đổi thái độ hoàn toàn sau khi nói chuyện với bà thông gia
Khi đó, cặp đôi đang nằm ở nhà xem Tivi thì Conor chộp lấy cọng dây cột tóc trên giường rồi hỏi Thanh có chịu cưới không. Thanh đứng hình rồi bật cười nói: “Ơ thế anh không quỳ xuống à?”.
Có những cuộc tình đến nhẹ nhàng và hiển nhiên như vốn dĩ nó phải vậy. Hai bên thuận lợi tìm đến nhau, nảy sinh tình yêu và cuối cùng có cái kết đẹp nhất – về chung một nhà. Câu chuyện của Hà Thanh và ông xã là Conor cũng như thế.
Màn cầu hôn không nhẫn cưới
Hà Thanh 32 tuổi, đang làm việc tại một công ty phân phối nội thất châu Âu tại Việt Nam. Ông xã Thanh là người Ireland, sống ở Việt Nam đã 6 năm và làm công việc giáo viên.
Thanh gặp Conor lần đầu tiên khi cả hai đến một quán cà phê nhạc Rock tại Sài Gòn. Thanh mê mẩn dòng nhạc này và nhóm nhạc Ireland Cranberries. Conor cũng là người Ireland và cơ may làm sao, chính vì nguyên nhân lớn đó khiến anh chàng ngoại quốc có cơ hội hẹn gặp cô gái Việt xinh đẹp.
Ngay lần gặp đầu tiên, cả hai đã nói đủ thứ chuyện về nhiều lĩnh vực cho đến khi quán đóng cửa, phải “đuổi khéo” cặp đôi về. Ra ngoài, Conor chủ động hẹn Thanh đi ăn mì Quảng vào ngày mai.
Sau buổi ăn mì đó, Thanh lại rủ anh đi uống sữa đậu nành và sủi cảo. Cặp đôi liên tục có lí do gặp nhau và thành một đôi lúc nào không biết.
“3 tháng sau bữa hẹn hò đầu tiên, anh quay về Ireland thăm gia đình. Lúc đó anh bảo sẽ sớm về với cô bạn gái nhỏ nhắn xinh xắn của anh. Đến lúc đó mình mới nhận ra hai đứa đã là bạn trai – bạn gái của nhau rồi”, Thanh nhớ lại.
Trong chuyến về thăm nhà đó, Conor đã giới thiệu Thanh với cả nhà. Lúc đó là tháng 9 nhưng nhân lúc Conor về nước, gia đình tổ chức Giáng Sinh sớm và Conor chính thức giới thiệu Thanh.
Thanh kể: “Chị gái anh hỏi mình bao giờ em đến thăm chúng tôi. Lúc đó mình cảm thấy ấm áp và cảm nhận được sự chân thành từ anh và gia đình anh”.
Sau 2 năm yêu đương, cặp đôi quyết định tổ chức đám cưới. Màn cầu hôn đến bây giờ nhớ lại Thanh vẫn thấy bật cười. Khi đó, cặp đôi đang nằm ở nhà xem Tivi thì Conor chộp lấy cọng dây cột tóc trên giường rồi hỏi Thanh có chịu cưới không. Thanh đứng hình rồi bật cười nói: “Ơ thế anh không quỳ xuống à?”.
Conor giữ nguyên quần đùi, áo ba lỗ và quỳ xuống sàn hỏi: “Mình cưới nhau nha em?”.
Lúc này, Thanh lại nghĩ: “Tèo rồi, không có nhẫn hột xoàn rồi” . Ai dè sau màn cầu hôn đó 1 tháng, Thanh được Conor nhắc đến chuyện tặng nhẫn.
Thành và Conor.
Thanh kể: “Anh bảo mình thích cái nào cứ chọn để anh mua tặng. Anh bảo nhẫn đính hôn mình thấy nó mỗi ngày, đeo nó trọn đời nên muốn mình có một chiếc nhẫn thật ưng ý. Mình chọn Claddagh Ring, là chiếc nhẫn biểu tượng cho tình yêu, tình bạn và lòng chung thuỷ, xuất phát của biểu tượng này là từ quê nhà anh – Galway, Ireland. Sau này khi gia đình anh biết, rất quý vì mình đã chọn Claddagh Ring”.
Mẹ chồng góp công lớn trong chuyện hôn nhân
Có lẽ, điều khó khăn duy nhất trong mối quan hệ của cả hai chính là ba Thanh. Ba cô là người truyền thống, có thời gian sống bên nước ngoài nên cho rằng văn hóa phương Tây khác xa Việt Nam. Ba cô không ủng hộ mối quan hệ của cả hai. Thanh mất rất nhiều thời gian để thuyết phục.
Trong lần gặp Conor đầu tiên, ba Thanh thậm chí mặt rất “hình sự”, không nói câu nào vì không đồng ý.
2 năm trước, Thanh sang Ireland để du lịch và gặp gỡ gia đình Conor. Cô nhận được ự yêu mến và quý trọng từ những người trong nhà. Vài tháng sau, mẹ Conor sang Việt Nam du lịch và có ý muốn thăm gia đình Thanh. Cũng chính cuộc gặp gỡ bước ngoặt này khiến mối quan hệ của Thanh và Conor nhận được tất cả sự ủng hộ.
Thanh chia sẻ: “Mình ngạc nhiên lắm vì sau buổi gặp mẹ chồng, ba mình thay đổi hoàn toàn thái độ. Ba nói: ‘Conor sinh ra trong gia đình gia giáo đàng hoàng, mẹ nó nói chuyện rất lịch sự, điềm đạm nên ba thấy yên tâm rồi’. Hơn thế, suốt thời gian dài ba thấy anh ấy đi làm chăm chỉ, không đi chơi đêm, không đi bar… nên ba đã tin và chấp nhận”.
Ảnh cưới của cặp đôi.
Bây giờ, trong mắt ba Thanh, Conor là rể quý, đi đâu ông cũng khoe: “Tui có con rể Ireland”. Thậm chí ông mua đồ cho mình thì vẫn tìm để mua nước hoa tặng con rể.
Đám cưới của Thanh và Conor được tổ chức vào đầu năm 2020. Khi đó Thanh vừa sinh bé được 3 tháng. Khi đó có 40 người của đoàn nhà trai từ nhiều nước như Ireland, Hà Lan, Úc… đều bay về.
Hôn lễ tổ chức ở tầng cao nhất của một tòa cao ốc giữa thành phố. Thanh vẫn hạnh phúc khi nhớ đến quang cảnh tuyệt vời của hôm đó. Cô đã có một đám cưới như mong muốn bao lâu.
Sau hôn lễ, cuộc sống của Thanh và Conor rất hạnh phúc. Tự bản thân cô nhận thấy rằng họ không có điều gì phải khiên cưỡng hay chịu đựng nhau. Mọi chuyện cứ vậy mà hòa hợp, nhẹ nhàng.
Thanh kể: “Anh Conor từng nói với mình rằng chưa bao giờ tin vào hôn nhân và thậm chí chưa bao giờ muốn ở lâu một nơi nào. Anh ấy đã thăm thú, du lịch và sống tại 60 quốc gia rồi. Nhưng sau khi gặp mình, anh bắt đầu có ý muốn ổn định xây dựng cuộc sống”.
Hai vợ chồng và con trai trong đám cưới.
Hiện tại, cặp đôi vẫn đang từng ngày tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi chính thức trở thành vợ chồng. Dù đám cưới mới diễn ra 10 tháng nhưng họ đã đăng ký kết hôn được 1,5 năm. Với Thanh, trong hôn nhân của cô cần nhất sự chia sẻ.
Hạnh phúc, vui vẻ thì chia sẻ niềm vui đó để nó nhân lên, còn khi buồn thì chia sẻ cũng giúp nỗi buồn san nữa và vơi đi nhanh hơn, chia sẻ để hiểu nhau nữa.
Mỗi ngày, cặp đôi đều kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra trong ngày. Chuyện vui cũng như có điều khúc mắc, lăn tăn, Thanh đều chọn chồng là người tâm sự. Hai bên cũng thẳng thắn đưa ra góc nhìn, quan điểm riêng. Có sự sẻ chia ấy đã khiến họ ngày càng hiểu nhau và yêu thương nhiều hơn.
Đúng là câu chuyện tình yêu dễ thương của cặp đôi vợ Việt chồng Tây. Chúc cho vợ chồng Thanh sẽ luôn hạnh phúc và có nhiều niềm vui hơn nữa nhé!
Thị trấn 'tổ tiên của Biden' ăn mừng chiến thắng
Cờ Mỹ đã tung bay cả tuần nay trên các con phố ở thị trấn Ballina, nơi tổ tiên của tổng thống đắc cử Biden từng sinh sống.
16 đời tổ tiên của Joe Biden, ứng viên Dân chủ vừa đắc cử tổng thống Mỹ, sinh ra ở Ireland, theo thông tin từ chiến dịch Người Ireland ủng hộ Biden. Trong đó, Edward Blewitt, ông tổ của Biden, đã sinh sống ở Ballina, thị trấn ở phía tây Ireland.
Ngày 7/11, sau khi CNN "xướng tên" Biden trở thành ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng, cư dân Ballina đã đổ ra đường để ăn mừng thành công của người họ hàng xa.
"Tôi nghĩ Ballina đã cứu cả thế giới đêm nay, bởi không có Ballina, sẽ không có Joe Biden", Smiler Mitchell, cư dân địa phương, nói.
Joe Blewitt (trái), anh em họ xa của Joe Biden, ăn mừng chiến thắng cùng gia đình ở thị trấn Ballina, Ireland hôm 7/11. Ảnh: PA.
Bóng bay phấp phới trên những chiếc ôtô trong khi đám đông hát vang bài "The Green and Red of Mayo", bản ballad nổi tiếng về hạt, nơi có thị trấn Ballina. Một mô hình ôtô với Biden ngồi ghế trước bằng bìa các tông để biển số "PENNSYLVANIA BIDEN #1". Pennsylvania, nơi Biden từng sống thời nhỏ, là bang cuối Biden thắng để hội đủ ít nhất 270 phiếu đại cử tri, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.
Trước thềm bầu cử, cộng đồng này đã tổ chức sự kiện "Diễu hành ủng hộ Biden" bằng ôtô khắp các cây cầu bắc qua sông Moy, đi qua nhà thờ biểu tượng của thị trấn và dừng trước bước bích họa Biden ở quảng trường trung tâm.
"Ballina luôn là thị trấn không được chú ý phía tây Ireland, phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá khứ", theo chính trị gia địa phương Mark Duffy. "Nhưng chúng tôi nghĩ giờ là lúc tỏa sáng và nỗ lực hết mình. Chúng tôi mong muốn chào đón nhiều du khách từ Mỹ và nhiều nơi khác".
Ông thêm rằng thị trấn này là nơi tuyệt đẹp của thế giới với nhiều hồ, núi và cây cối bao quanh.
Ông Biden vẫn còn họ hàng xa trong thị trấn này. Joe Blewitt, anh em họ đời thứ ba, người từng gặp tổng thống đắc cử vài lần, cho biết Biden "rất thân thiện". "Ông ấy là người đàn ông của gia đình", Blewitt nói với CNN qua điện thoại.
Nhưng Ballina không phải thị trấn duy nhất ở Ireland có mối liên hệ với Biden. Ở phía đông quốc gia này, tại thị trấn Carlingford, hạt Louth, một ban nhạc cộng đồng chuẩn bị cho ra mắt bài hát riêng dành cho Biden vào trưa 8/11.
James Finnegan, ông tổ của Biden, đã tới New York bằng con tàu Marchioness of Bute năm 1850 xuất phát từ Carlingford, thị trấn bờ biển cách thủ đô Dublin hơn 100 km.
Để vinh danh chiến thắng của Biden, linh mục ở Carlingford dự định thực hiện nghi lễ rung chuông nhà thờ với sự tham dự của nhiều học sinh và thành viên cộng đồng.
Joe Biden trên sân khấu phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6/11. Ảnh: AFP.
Paul Allen, người lãnh đạo chiến dịch Người Ireland ủng hộ Biden, nói rằng thị trấn này rất vui mừng vì kết quả của Biden. "Joe Biden là một người Mỹ gốc Ireland. Và chiến thắng này cho thấy sự kết hợp giữa quyết tâm và làm việc chăm chỉ có thể làm được những gì", ông nói.
Chiến dịch này đã thúc giục người Ireland trên khắp thế giới gọi điện cho họ hàng ở Mỹ và đề nghị họ bầu cho Biden.
"Ý tá làm việc ở Chicago, lính cứu hỏa ở Boston, cảnh sát ở New York, hay công nhân xây dựng ở Mỹ. Đó là mối liên hệ giữa những người Mỹ gốc Ireland", Allen nói.
Cộng đồng Carlingford đã tổ chức lễ đón Biden vào năm 2016 và trước chuyến thăm, ông đã viết một bức thư với nội dung: "Đông Bắc Pennsylvania sẽ được khắc ghi trong tim tôi. Nhưng Ireland sẽ được khắc ghi trong tâm hồn tôi".
Thủ tướng Ireland Micheal Martin là một trong số lãnh đạo đầu tiên chúc mừng chiến thắng của Biden.
Thêm nhiều bữa tiệc ăn mừng chiến thắng dự kiến được tổ chức ở Ballina. Thị trấn đã kết nghĩa với Scranton ở bang Pennsylvania này cũng là quê hương của nữ tổng thống đầu tiên của Ireland Mary Robinson, người đắc cử 30 năm trước cũng vào một ngày thứ 7.
"Thông điệp của bà ấy là hy vọng và ánh sáng cho những cộng đồng hải ngoại", chính trị gia Mark Duffy nói. "30 năm sau ngày đó, một trong những hậu duệ của cộng đồng hải ngoại, những người đã rời đi khi Ballina chìm trong thời gian đen tối, đã tiếp tục nắm giữ vị trí cao nhất của đất nước".
32 năm Biden hiện thực hoá giấc mơ tổng thống. Video: Vox.
Cuộc sống sau 11 năm của cô bé sinh ra không có một giọt máu trong cơ thể Maisy Vignes, cô bé xinh xắn người Ireland từng khiến cả thế giới choáng váng bởi sinh ra mà không có một giọt máu nào trong cơ thể. Em bé "ma" chào đời không một giọt máu trong cơ thể Tháng 12/2009, Emma Vignes được chồng đưa tới bệnh viện Warerford, Anh khám thai vì 3 ngày liền cô không cảm thấy em...