Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi là vòng luẩn quẩn
Mỗi lần cãi nhau họ lại dùng những từ “đầu đường xó chợ”, thô tục nhất. Khi nguôi dần đi, gia đình lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, chỉ tôi là đau đớn.
Ảnh minh họa
Chung sống với nhau 17 năm, có một con chung là tôi nhưng cuộc sống của ba mẹ không thể hòa hợp, vài tuần ba mẹ lại lục đục và ly dị là điều có thể xảy ra khi sức chịu đựng vượt quá giới hạn. Tôi không muốn chuyện đó xảy ra vì ba mẹ sẽ phải chịu cảnh đơn chiếc khi tuổi già và càng không muốn hai người phải sống trong một cuộc hôn nhân gượng ép. Tôi viết bài viết này dưới góc nhìn của một người con với mong muốn tìm được hướng giải quyết cho cuộc hôn nhân này.
Ba mẹ tôi có quá nhiều khác biệt: khác biệt tuổi tác (ba hơn mẹ cả một con giáp), khác biệt về nếp sống (ba người Hà Nội còn mẹ người miền Tây), khác biệt về trình độ học vấn (ba là kỹ sư). Ba là trụ cột chính trong gia đình, còn mẹ chỉ học tới lớp tám là bỏ đi học nghề may. Hai người chỉ có một điểm chung là từng một lần đổ vỡ. Họ đến với nhau qua thư từ trong chuyên mục tìm bạn trên báo đài ngày xưa. Đến bây giờ dù đã qua tuổi nghỉ hưu nhưng ba vẫn đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình và tất cả những vấn đề ba mẹ tôi gặp phải cũng chính là những vấn đề các đôi vợ chồng trẻ có thể đang phải đối mặt.
Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đến từ ba, dù đã qua tuổi hưu nhưng ba vẫn phải đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình, nuôi tôi ăn học. Mẹ ở nhà nội trợ và có một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm thêm. Thay vì đưa tiền cho mẹ giữ để chi tiêu điện nước trong gia đình thì ba mỗi tháng chỉ đưa một khoản tiền nhất định cho mẹ gọi là tiền chợ. Mỗi lần đưa tiền cho mẹ, ba lại hằn học, bực bội, cằn nhằn và nói những câu không hay, mẹ tự ái và gia đình lại lục đục.
Mẹ muốn chi tiêu gì như đi khám bệnh, mua đồ Tết cũng phải ngửa tay xin tiền ba. Mọi chi tiêu đều phải thông qua ba và mẹ không có quyền quyết định. Mẹ lại thích mua sắm quần áo, biết mặc đồ mốt và làm đẹp nên đôi khi vung tiền hơi quá tay. Chỉ có tiền bán hàng là tiền riêng của mẹ nhưng bán tạp hóa lời vài ba đồng thì không thể đủ thỏa mãn niềm ham thích mua sắm, làm đẹp của mẹ. Vậy là gia đình lại lục đục khi mẹ đòi nắm chi tiêu mà ba thì quá gia trưởng.
Ở ngoài xã hội, ba rất biết cách cư xử, được nhiều đồng nghiệp nể trọng và quý mến nhưng khi về gia đình ba lại không biết cách tôn trọng mẹ, quá khô khan; trong khi đó mẹ dễ tự ái, hay làm quá và thích được chiều chuộng. Ba hay nói những câu khó nghe khi mẹ làm gì không vừa lòng. Khi nói chuyện bình thường với mẹ, ba cũng bắt bẻ, nghiến răng và nói những câu nặng nề.
Mẹ nói chuyện nhiều lúc quá thật thà đến ngây ngô. Đôi khi ba kể chuyện này nọ trong bữa cơm, mẹ hay nói những câu khiến ba bực mình, gia đình lại lục đục. Nhiều lúc nghe ba mẹ nói chuyện quả đúng kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Ba không thích bày tỏ tình cảm bằng lời nói, hay tỏ ra quá thân mật nhưng mẹ lại yêu bằng tai. Hai người quá khác biệt nhưng duyên số khiến họ đến với nhau để rồi cuộc sống hôn nhân không như mong muốn.
Ngoài những điều như trên ba mẹ tôi chẳng còn điều gì đáng nói. Ba không rượu chè, không gái gú, không bài bạc, đến giờ vẫn còn đi làm để nuôi gia đình, nuôi tôi ăn học. Mẹ luôn muốn vun đắp cho gia đình, duy trì những bữa cơm nhà. Có những lúc, ba kể chuyện vui để làm mẹ cười, có lúc ba hay mẹ ốm thì người kia luôn hết mực quan tâm, rồi có lúc gia đình đi du lịch vui vẻ, ba cũng mua quà tặng mẹ vào những dịp đặc biệt. Vậy mà ai cũng nói họ còn sống bên nhau chỉ vì tôi. Tôi thật sự chẳng thể hiểu hôn nhân là như thế nào.
Mỗi lần cãi nhau họ lại dùng những từ ngữ “đầu đường xó chợ”, những từ ngữ lưu manh và thô tục nhất để chì chiết nhau. Có không ít lần họ làm tổn thương thể xác của nhau, nếu tôi không can ngăn chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Những tưởng đó họ sẽ rất khó để nhìn mặt nhưng khi nguôi dần đi, gia đình lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, chỉ có đứa con là đau đớn nhất.
Cuộc hôn nhân của ba mẹ cứ như một vòng lẩn quẩn. Hôm nay có thể nói những lời sắc nhất để hạ nhục nhau nhưng hôm sau cuộc sống lại tiếp diễn thật vui vẻ và hạnh phúc, chỉ biết rằng những mâu thuẫn và xung đột vẫn còn đó và đợi đến lúc sẽ bùng nổ, khi vết thương quá lớn sẽ chẳng còn gì có thể chữa lành. Làm một người con, tôi muốn hành động trước khi điều đó xảy ra. Tôi phải làm gì để họ hiểu nhau hơn một chút, hay tất cả những điều tốt đẹp chỉ là lừa dối? Quả thật nếu không có tôi, họ có còn sống với nhau đến tận giờ không?
Theo VNE