Cuộc hội ngộ xúc động của các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Azerbaijan
Bao kỷ niệm của tuổi trẻ, những bài hát quen thuộc thời sinh viên, những năm tháng khổ luyện nơi xứ người… đã được ôn lại trong suốt hành trình trở lại thăm trường cũ của các lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Và hành trình ấy cũng khiến nhiều người không giấu được đôi mắt rưng rưng…
Lãnh đạo Đại học Dầu khí Quốc gia Azerbaijan đón đoàn lưu học sinh Việt Nam trở lại thăm trường cũ
“Hồi đó đi tàu mấy nghìn cây số, cả tháng trời mới tới nơi, chứ làm gì được đi máy bay như bây giờ”, cựu du học sinh Phạm Quốc Bảo, nguyên Vụ trưởng Vụ đối ngoại, văn phòng Quốc hội, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia, kể về hành trình tới Baku năm xưa trên chuyến bay trở lại thăm Azerbaijan.
“Ngày ấy, sinh viên nào không ăn được, ngủ được thì gầy rộc đi. Cả tháng trời chứ có ít đâu. Có người còn chưa từng đi tàu nên bị say”, anh Bảo kể tiếp.
Những kỷ niệm như thế không thiếu trong hành trình trở lại thăm mái trường xưa của gần 40 cựu sinh viên Việt Nam tại Baku đầu tháng 5/2015.
Khi Azerbaijan còn là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đã được cử sang Baku học tập. Trong thời gian từ 1967-1985, có trên 2.000 sinh viên Việt Nam đã đến Azerbaijan học tại các trường đại học ở Baku. Họ đã trở về quê hương và góp phần xây dựng đất nước.
Nhiều du học sinh tại Baku khi trở về đã có các đóng góp lớn lao cho nước nhà, gặt hái những thành công trong sự nghiệp và có vị trí trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ, các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Những lưu học sinh thuộc các khóa đầu giờ đã nghỉ hưu. Nhưng tất cả các cựu sinh viên tại Baku đều có chung một mong ước trở lại thăm trường xưa.
Viện trưởng Viện dầu khí quốc gia Việt Nam Phan Ngọc Trung (phải) vui mừng gặp lại thầy giáo cũ
Sau 30, 40 năm, thậm chí có người hơn 40 năm, các lưu học sinh tại Baku đã có dịp trở lại mảnh đất gắn liền với những năm tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Những năm tháng khổ luyện
“Hồi đó vui lắm. Ngoài hăng say học tập, các sinh viên Việt Nam rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ. Chúng tôi ai cũng biết hát và có các đoàn văn nghệ đi biểu diễn ở khắp nơi”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhớ lại thời học tập tại Đại học Quốc gia Baku (Đại học Tổng hợp Baku).
Trong những câu chuyện kể về thời sinh viên, chị Hà không ít lần rưng rưng nước mắt vì xúc động khi nhớ đến các kỷ niệm trong suốt quá trình học, đặc biệt là tình cảm của các cô, các thầy dạy cho mình. Đa số thầy cô đã ra đi nhưng tình yêu thương và trách nhiệm làm thầy đã cung cấp các kiến thức cơ bản quan trọng nhất mà họ đã mang theo trong suốt hành trang làm khoa học và quản lý. Hơn thế nữa các thầy cô đã gieo vào những sinh viên Việt Nam sự yêu nghề sâu sắc để họ đi con đường khoa học, quản lý với thành công vững chắc. Đó cũng là tâm trạng của tất cả các cựu lưu học sinh khác trong chuyến trở lại Baku lần này.
Video đang HOT
Các cựu lưu học sinh tại Đại học Tổng hợp Baku cho hay, thời đó một phụ nữ phụ trách nhà ăn của trường rất thương các sinh viên Việt Nam. Mỗi một rúp mà sinh viên đáng lẽ phải trả thì bà ấy chỉ tính 60 kopec. Bà thấy sinh viên Việt Nam nghèo, bà thương những đứa trẻ trong chiến tranh, bố mẹ sống trong chiến tranh không biết sống chết ra sao. Người Việt Nam có truyền thống yêu nước nhớ nguồn, nên những tình cảm ấy các lưu học sinh không bao giờ quên được.
Lãnh đạo Đại học Dầu khí Quốc gia Azberbaijan chụp ảnh lưu niệm với đoàn lưu học sinh Việt Nam
Anh Nguyễn Tuấn Hoa, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Baku, là một trong những du học sinh đầu tiên đến Baku năm 1967.
“Năm 1967, các sinh viên được tuyển sang Liên Xô học tập khá đông. Khi ấy, chiến tranh đang rất khốc liệt, bom đạn dữ dội. Các sinh viên Việt Nam khi đó mới sang rất gầy gò, ốm yếu khiến các thầy cô rất thương. Người Liên Xô rất đồng cảm với Việt Nam vì họ cũng mới thoát khỏi chiến tranh, họ hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Họ đã thể hiện tình cảm đó qua sự dạy dỗ đối với các sinh viên Việt Nam”.
Anh Hoa cho hay, khi vào học tại Đại học Tổng hợp Baku, các sinh viên Việt Nam phải học chung với sinh viên nước ngoài chứ không có lớp học riêng, hoàn toàn phải học tiếng Nga và phải theo kịp bài giảng của thầy. Thầy nói nhanh, trong khi tiếng Nga của học sinh Việt Nam chưa đủ nên rất nôn nóng làm thế nào để theo được bài giảng của thầy. Thầy đã yêu cầu các sinh viên bản địa giúp sinh viên Việt Nam.
Những tháng đầu tiên mới vào học, sinh viên Việt Nam phải mượn vở của các học sinh bản địa để chép lại và vào thư viện để bổ sung lại bài. Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ. Ban đầu thầy rất ái ngại về sức khỏe và khả năng tiếng Nga của sinh viên Việt Nam, nhưng bằng sự nỗ lực, chỉ đến cuối năm đầu tiên các sinh viên Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu cả lớp.
Đoàn cựu lưu học sinh Việt Nam chụp ảnh với cán bộ trường Đại học Tổng hợp Baku trong chuyến thăm trường
Thầy, trò cùng khóc khi Bác mất
“Thành tích ấy khiến các thầy và các bạn cùng lớp vô cùng ngạc nhiên. Các bạn cùng lớp đã hỏi chúng tôi bí quyết để học tốt, chúng tôi trả lời rằng: “Việt Nam đang chiến tranh, sang đây chỉ có việc học thôi nên phải cố gắng hết mình”. Chúng tôi lên lớp từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, sau đó ăn vội rồi lại vào thư viện học đến 10 giờ tối. Về nhà ăn uống xong lại học tiếp đến 2 giờ sáng mới ngủ và 6 giờ hôm sau đã dậy. Cứ như vậy mấy năm trời và bù lại chúng tôi học rất giỏi”, anh Hoa nhớ lại những tháng ngày học tập gian khổ tại nước bạn.
Các cựu sinh viên Việt Nam tại Baku nói rằng tình thầy trò sâu đậm là điều mà họ không bao giờ quên được. Các thầy cô giáo chăm sóc, lo lắng cho các sinh viên Việt Nam như con cháu mình, dành tình cảm nhiều hơn cả so với các sinh viên khác.
Một trong những kỷ niệm khiến anh Hoa nhớ mãi không quên là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, các sinh Việt Nam đã khóc ròng trong nhiều ngày. “Các thầy cô giáo nhìn sinh viên Việt Nam thương lắm nên đến tận ký túc xá để động viên nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đứng nghiêm trang lặng lẽ khóc bên di ảnh của Người thì chính các thầy cũng không cầm được nước mắt. Khi thấy chúng tôi trong đau thương vẫn học tập miệt mài, các thầy còn nói “thôi học vừa phải thôi, còn phải giữ sức khỏe để học tiếp nữa”… Đó là những kỷ niệm suốt đời chúng tôi không bao giờ quên được. Không có thầy nào lại khuyên trò học ít thôi cả. Tình cảm đó là vô bờ vô bến”, anh Hoa nói.
Các cựu lưu học sinh Việt Nam cất tiếng hát ở mái trường xưa
Baku ngày trở lại
Và khi trở lại Baku sau 30-40 năm, các lưu học sinh Việt Nam đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi tới 95% của diện mạo thành phố. Những con đường thân quen từ ký túc tới giảng đường không còn, những ngôi nhà nhỏ, những con phố nhỏ giờ đây đã được thay bằng các đường phố rộng thênh thang, những tòa nhà cao tầng kiên cố. Nhưng những kỷ niệm xưa vẫn hiện về vẹn nguyên như ngày nào.
“5 năm ngày ấy như một cuốn phim. Các kỷ niệm hiện về rõ như mới hôm qua”, chị Hà rưng rưng.
Các lưu học sinh Việt Nam đã không kìm được xúc động, thậm chí còn òa khóc nức nở khi tới thăm mái trường xưa yêu dấu. Đoàn lưu học sinh Việt Nam đã trở lại thăm Đại học Tổng hợp Baku và Đại học Dầu khí quốc gia Azerbaijan, nơi họ được đón tiếp trong không khí nồng ấm tình thầy trò.
Phần lớn các thầy cô giáo ngày đó nay đã qua đời. Các lưu học sinh chỉ gặp lại các lãnh đạo nhà trường, các giảng viên đa phần còn trẻ nhưng tình cảm vẫn nồng ấm như thuở nào. Những kỷ niệm kể lại có thể không giống nhau, nhưng chữ “tình” vẫn vẹn nguyên đó.
Những du học sinh ngày đó lại cất vang các bài hát quen thuộc năm xưa như Telebe (Sinh viên), Chiều Mátxcơva, Đôi bờ, Thanh niên sôi nổi, Cây thùy dương, Giai điệu… trên giảng đường. Xen lẫn trong tiếng vỗ tay mỗi lần kết thúc các màn biểu diễn ngẫu hứng ấy là tiếng sụt sịt, đôi khi nức nở của những người trong cuộc. Sự xúc động, nghẹn ngào cũng trào dâng trong lòng những người ngoài cuộc chứng kiến các cuộc hội ngộ hiếm có.
Một tiết mục văn nghệ sôi nổi của các cựu lưu học sinh Việt Nam trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn do Bộ trưởng giáo dục Azerbaijan Mikayil Cabbarov chủ trì
Vun đắp những ước mơ
Các bài hát ấy không chỉ vang lên trên giảng đường mà còn trong suốt chuyến thăm thủ đô Baku để rồi những bạn trẻ Azerbaijan không hiểu nhiều về các du học sinh Việt Nam cũng đồng cảm. Những tiếng cổ vũ “hát lại đi, hát lại đi” bằng tiếng Azerbaijan sau mỗi tiết mục ngẫu hứng trong bữa tiệc chia tay khiến ai ai đều trào dâng một tâm trạng lưu luyến khó tả.
Kết thúc hành trình đầy cảm xúc, các lưu học sinh Việt Nam trở về với tâm trạng mãn nguyện, bởi ước mơ nhiều năm qua đã trở thành hiện thực. Và họ lại đang ấp ủ những ước mơ khác, để vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Azerbaijan. Đó là kế hoạch thành lập hội thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan, là các dự án hợp tác về kinh tế biển, dầu khí, nông nghiệp, khoa học, giáo dục…
“Truyền thống cần phải được bổ sung và vun đắp bằng các nội dung mới phù hợp với thời đại, phù hợp với tiềm năng của hai đất nước”, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Baku, đúc kết sau chuyến trở lại Baku mà ông nói là thành công hơn mong đợi.
An Bình
Baku – Tháng 5/2015
Theo Dantri
Đẩy nhanh dự án xây dựng trường Đại học Việt - Nhật
Chiều 12/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp ông Hiroshige Seko, Phó Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản và đoàn đại biểu Nhật Bản đang có chuyến làm việc tại Việt Nam về dự án xây dựng trường Đại học Việt - Nhật.
Thông qua ông Hiroshige Seko, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời thăm hỏi đến Nhật hoàng, Hoàng hậu và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp ông Hiroshige Seko, Phó Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản và đoàn đại biểu Nhật Bản .
Theo Chủ tịch nước, trường Đại học Việt - Nhật là một dự án rất quan trọng và đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ hai nước cũng như Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt. Việc xây dựng trường đại học này sẽ giúp Việt Nam bỏ qua khâu trung gian để tiếp cận một cách trực tiếp với nền giáo dục Nhật Bản ở những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao. Đây cũng là cách quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, dự án trường Đại học Việt - Nhật đang được triển khai rất nhanh và dự kiến mùa thu năm 2016 sẽ bắt đầu khai giảng các chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên. Chủ tịch nước cho rằng, hai bên cần xây dựng lịch trình cụ thể, chặt chẽ và khoa học để thúc đẩy nhanh dự án này. Với quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản, trường Đại học Việt - Nhật này sẽ sớm trở thành hiện thực, qua đó khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Chân thành cảm ơn Chủ tịch nước đã tiếp đoàn, ông Hiroshige Seko cho biết, mục đích chính của đoàn đại biểu Nhật Bản sang Việt Nam lần này là để làm việc với các đơn vị tại Việt Nam nhằm tiếp tục thúc đẩy dự án trường Đại học Việt - Nhật. Đoàn cũng đã thảo luận, trao đổi với Đại học Quốc gia Hà Nội về các chương trình đào tạo thạc sĩ, xây dựng đội ngũ giảng viên cho trường. Dự kiến tháng 6/2015, Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia, giáo sư sang làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội để phối hợp triển khai dự án. Ông Hiroshige Seko cũng khẳng định, dự án trường Đại học Việt - Nhật rất quan trọng, vì thế Chính phủ Nhật Bản đã và đang thúc đẩy để cố gắng hoàn thành sớm dự án này.
Dự án trường Đại học Việt - Nhật có tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD, trong đó 200 triệu USD là vốn ODA của Nhật Bản, 100 triệu USD vốn doanh nghiệp Nhật Bản, số còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Đây sẽ là trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vũ Tiến Lực
Theo TTXVN
Đưa chó nghiệp vụ huấn luyện từ Mỹ về Việt Nam để bảo vệ tê giác Đại sứ toàn cầu WildAid cam kết cung cấp chó nghiệp vụ được huấn luyện tại Hoa Kỳ, có thể phân biệt được nguồn hơi từ sản phẩn hổ, tê tê, sừng tê giác, ngà voi... cho Hải quan Việt Nam, nhằm ngăn chặn tốt nạn buôn bán động vật hoang dã. Đó là một trong những nội dung của cuộc họp báo...