Cuộc hội ngộ của 2 anh em bị bỏ rơi trong chiếc túi
Giống như nhiều anh chị em khác, Helen Ward và David McBride cũng có nhiều điểm chung về ngoại hình. Nhưng họ không hề biết đến sự tồn tại của nhau cho tới năm ngoái.
Cả hai đều cùng cha, cùng mẹ nhưng bị bỏ rơi ở 2 nơi khác nhau mà không hề có chút dấu tích nào về nguồn gốc của mình.
David được tìm thấy trong một chiếc túi đeo chéo đặt trong xe ô tô ở ngoại ô thành phố Belfast (Anh) vào một buổi sáng lạnh giá tháng Giêng năm 1962. Còn Helen bị bỏ rơi vào tháng 3/1968, cũng trong một chiếc túi đặt trong một bốt điện thoại ở thành phố Dundalk, Ireland.
Cả hai đều dành cả cuộc đời để đi tìm cha mẹ ruột của mình, sau đó họ tìm thấy nhau nhờ DNA vào năm ngoái.
Hai anh em David và Helen hội ngộ sau nhiều năm tìm kiếm cha mẹ ruột.
‘Thật là bất ngờ. Tôi đã từng tưởng tượng xem cha mẹ mình là ai, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có anh em’ – Helen chia sẻ.
Sau khi bị bỏ rơi, rất may mắn là cả hai đều được nhận nuôi trong những gia đình hạnh phúc. Nhưng điều đó không làm họ quên việc đi tìm gốc gác của mình.
David bắt đầu biết một chút sự thật năm 15 tuổi. Anh nộp đơn xin gia nhập quân đội chỉ để đi tìm giấy khai sinh của mình, trong đó nói rằng anh sinh vào khoảng ngày 6/1.
‘Tôi hỏi bố tôi rằng điều đó có nghĩa là gì, và ông đã nói với tôi mọi chuyện’ – anh nhớ lại. Tức là David đã được khoảng 14 ngày tuổi khi người ta phát hiện ra anh bị bỏ rơi.
‘Điều đó có nghĩa là trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, đã có ai đó nuôi tôi, giữ ấm cho tôi và yêu tôi’ – anh nói.
Nhưng dù đã rất cố gắng, anh vẫn không thể tìm thêm được chút thông tin nào. David hiện đang sống ở Birmingham (Anh) cùng vợ và 3 con.
Helen cũng chưa bao giờ được nghe kể đầy đủ về câu chuyện mình được sinh ra. ‘Năm 17 tuổi, tôi có hỏi bố, nhưng ông bảo ‘đừng nhắc lại những chuyện không hay’.
Cuối cùng, đến năm 2003, cùng với 3 con của mình, Helen đã mạnh dạn tới thăm trung tâm nhận con nuôi ở Drogheda, miền nam Ireland. Nhưng thật đáng buồn, giấy khai sinh của cô chỉ có vài thông tin đơn giản.
Đến năm 2019, cô lấy mẫu xét nghiệm DNA và đăng nó lên một cơ sở dữ liệu trực tuyến trong nỗ lực cuối cùng để tìm người thân.
Vài tháng sau, các nhà sản xuất chương trình tìm kiếm người thân Long Lost Family cũng đưa mẫu DNA của David lên cùng hệ thống này. Họ tìm thấy nhau trong hoàn cảnh như thế.
‘Tìm thấy Helen là một trong những món quà tuyệt vời nhất cuộc đời tôi’ – David nói.
‘Tìm thấy Helen là một trong những món quà tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Khi chúng tôi ngồi xuống nói chuyện, thế giới xung quanh chúng tôi dường như không tồn tại’ – David nói.
Sau khi tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu đã tìm ra dấu tích của cha mẹ họ. Chương trình này cho biết, người bố là quản lý một cửa hàng tới từ Dublin và đã qua đời năm 1993, trong khi người mẹ qua đời năm 2017.
Đằng sau sự thật ấy còn là một câu chuyện đau lòng. Bố của 2 người là một người theo đạo Tin lành đã có vợ và 14 người con, nhưng ông có quan hệ với mẹ họ – người kém ông 17 tuổi và theo đạo Công giáo.
Việc 2 người có con ngoài giá thú với nhau trong thời kỳ xung đột giáo phái căng thẳng sẽ gây ra tai tiếng lớn, vì thế người mẹ đã bỏ rơi 2 đứa con của mình. Từ đó, người mẹ cũng không kết hôn và sinh con nữa.
David và Helen đã tới thăm mộ mẹ, trò chuyện với 3 người anh chị em cùng cha khác mẹ.
18 tháng kinh hoàng nhất trong lịch sử: Mặt trời khuất lấp sau màn sương bí ẩn, con người không nhìn thấy bóng của mình vào giữa trưa
Các nhà khoa học tin rằng vào mùa xuân năm 536 đã xảy ra nhiều thảm kịch liên tiếp và bắt đầu thời kỳ khắc nghiệt nhất, đe doạ sự tồn vong của con người.
Năm 536, hầu hết Trái đất đã chìm vào bóng tối suốt 18 tháng khi một màn sương mù bí ẩn bao phủ châu Âu, Trung Đông và nhiều vùng ở châu Á. Màn sương này che khuất mặt trời, khiến nhiệt độ giảm đột ngột, các loại cây lương thực và sau đó là con người đều không thể sống nổi. Đây chính là một thời kỳ tăm tối nhất trong lịch sử.
Nhưng mãi đến năm 2018, các nhà nghiên cứu mới tìm được nguyên nhân gây ra sương mù chết chóc. Theo báo cáo trên ấn phẩm khoa học Antiquity (Cổ xưa), vào đầu năm 536 đã xảy ra vụ phun trào núi lửa ở Iceland, kéo theo tàn tro bao phủ khắp Bắc Bán Cầu và tạo ra màn sương mờ ảo như "địa ngục". Cũng giống như vụ phun trào Núi Tambora (Indonesia) năm 1815 - thảm hoạ núi lửa gây thương vong lớn nhất từng được ghi nhận, sự kiện ở Iceland năm 536 đủ làm khí hậu biến đổi một cách đột ngột và gây ra mất mùa, nạn đói ở khắp nơi trên thế giới.
Trạm nghiên cứu địa chất ở Colle Gnifetti (Italy) cũng giúp các nhà khoa học phát hiện chuyện gì đã xảy ra vào khoảng năm 536
Vậy, 18 tháng chìm trong tăm tối cụ thể đã diễn ra tàn khốc như thế nào? Ghi chép của nhà sử học Procopius ở Byzantine (Đế chế Đông La Mã) cho biết: "Mặt trời vẫn chiếu xuống như không có tia nắng ấm áp nào trong suốt cả năm đó". Sử gia Procopius còn cho biết "con người không thể tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh và hàng loạt tai ương khác".
Những ghi chép này không được xem trọng cho đến thập niên 1990, theo giáo sư lịch sử Michael McCormick từ Đại học Harvard. Vào thập niên đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát các vòng tròn trên thân cây cắt ngang ở Ireland, nhờ đó phát hiện điều dị thường quả thật đã xảy ra xoay quanh năm 536. Mùa hè ở châu Âu, châu Á trở nên lạnh hơn từ 1,5 đến 2 độ C, thậm chí Trung Quốc còn chứng kiến tuyết rơi. Về sau, khoa học gọi khoảng thời gian năm 536, sau khi xảy ra núi lửa phun trào che lấp bầu trời, là giai đoạn "Tiểu băng hà hậu kỳ cổ đại".
"Mọi thứ thay đổi kinh khủng và chỉ sau một đêm" - giáo sư McCormick giải thích. "Nhân loại đã trải qua nhiều cảnh tượng tang tóc".
Cassiodoris - một chính trị gia La Mã - thuật lại trong các tài liệu: "Chúng tôi nhìn thấy hiện tượng kỳ lạ là con người không phản chiếu bóng xuống mặt đất ngay cả vào buổi trưa". Ngoài ra, ông viết rằng Mặt trời đã đổi sang màu xanh lam ảm đạm, Mặt trăng thì mất đi vầng sáng và "tất cả mùa vụ như trộn lẫn vào nhau".
(Ảnh minh hoạ)
Chưa hết, những ai có thể sống sót qua năm 536 còn phải chịu đựng các thảm hoạ núi lửa phun trào năm 540 và 547, khiến cho Bắc Bán Cầu tốn rất nhiều thời gian mới phục hồi như trước. "Thời kỳ Tiểu băng hà hậu cổ đại đã bắt đầu từ mùa xuân năm 536 và kéo dài đến tận năm 660 ở Tây Âu, còn ở Trung Á là đến năm 680 mới chấm dứt" - theo giáo sư McCormick nhận định.
Năm 536 còn chính là dấu mốc khởi đầu quãng thời gian khắc nghiệt nhất trong lịch sử loài người. Do khí hậu lạnh giá và nạn đói hoành hành, nền kinh tế châu Âu suy thoái trầm trọng. Đến năm 541, dịch hạch lại bùng phát và cướp đi sinh mạng của 1/3, thậm chí là một nửa dân số Đế chế Đông La Mã.
Đại dịch hạch đầu tiên xảy ra khoảng năm 541-542 chính là hậu quả kéo dài từ chuỗi thảm hoạ năm 536.
Theo nhà khoa học về Trái đất và khí hậu - giáo sư Andrei Kurbatov ở Đại học Maine, có lẽ đã xảy ra nhiều vụ phun trào núi lửa liên hoàn mới gây ra màn sương mù đặc quánh như vậy, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bằng chứng cụ thể. Dù sao, họ vẫn tin rằng năm 536 là vô cùng đáng sợ, khiến hàng triệu triệu người lâm vào đường cùng và khung cảnh chẳng khác gì tận thế. Tuy nhiên, con người vẫn có thể vượt qua và phát triển vượt bậc cho đến ngày nay, tức là đã 1484 năm trôi qua.
Phát hiện sàn móng công trình La Mã cổ sau 100 năm tìm kiếm Các nhà khảo cổ phát hiện sàn khảm từ thời La Mã Cổ Đại dài vài mét nghi thuộc ngôi biệt thự cổ ở miền bắc nước Ý sau gần 100 năm tìm kiếm. Nền văn minh La mã cổ đại đã có lịch sử lâu đời và để lại nhiều giá trị to lớn cho nhân loại ngày nay trong nhiều lĩnh...