Cuộc gọi định mệnh của Sir Alex giữ Ronaldo ở lại MU
Ronaldo gây sức ép để khiến Rooney bị đuổi trong trận tứ kết World Cup 2006. Sau đó, Sir Alex và Rooney phải ra sức thuyết phục Ronaldo trở lại MU.
Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về Cristiano Ronaldo ở chương 8 trong cuốn tự truyện có tên “Hồi ký của tôi” (My Autobiography) của Sir Alex Ferguson.
Cuốn tự truyện ghi lại thời điểm Cristiano Ronaldo không dám trở về Man United sau khi góp phần vào việc khiến Wayne Rooney bị đuổi trong trận tứ kết World Cup 2006.
Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch và chi tiết cũng kể lại việc Sir Alex đứng ra hòa giải và hàn gắn mối quan hệ giữa Ronaldo và Rooney.
Cái nháy mắt của Ronaldo khiến Rooney bị đuổi
Các cầu thủ Man United đối xử rất tốt với Ronaldo trên sân tập. Họ luôn giúp cậu ấy học hỏi. Lúc đầu, khi bị tắc bóng ở Carrington, cậu ấy sẽ hét lên một tiếng khủng khiếp. Tuy nhiên các cầu thủ khác đều không quan tâm tới điều đó.
Ronaldo rất thông minh và sớm hiểu ra không nên kêu gào quá nhiều trên sân tập. Khi nhận ra các cầu thủ khác không sẵn lòng làm khán giả nghe mình gào thét và đóng kịch nghiệp dư trên sân tập, Ronaldo đã dừng việc đó lại. Qua thời gian, thói quen này dần biến mất khỏi Ronaldo.
Cái nháy mắt của Cristiano Ronaldo sau thẻ đỏ của Wayne Rooney gây ra rất nhiều tranh cãi.
Sự kiện của chúng tôi với Ronaldo tất nhiên là ở World Cup 2006. Đó là khi cậu ấy nháy mắt về phía khu vực kỹ thuật của đội tuyển Bồ Đào Nha sau khi Wayne Rooney giẫm lên Ricardo Carvalho và bị đuổi khỏi sân sau đó.
Đúng là Ronaldo đã chạy đến trọng tài để gây sức ép và khiến Rooney gặp rắc rối. Tuy nhiên, điều này phổ biến trong bóng đá hiện đại. Lúc ấy Ronaldo chỉ suy nghĩ đến một điều là làm mọi cách để giúp đội tuyển Bồ Đào Nha giành chiến thắng. Cậu ấy không hề nghĩ đến việc phải thi đấu cho Man United trong mùa giải sau.
Đó là trận đấu ở World Cup. Ronaldo đã hối tiếc. Trong lần đầu tiên gặp gỡ sau trận đấu đó, rõ ràng Ronaldo đã hiểu những ảnh hưởng của sự cố này. Cái nháy mắt của cậu ấy đã bị hiểu sai. Huấn luyện viên Felipe Scolari ra hiệu để Ronaldo tránh xa mọi rắc rối. Vì vậy cái nháy mắt của Ronaldo không phải để thể hiện niềm vui đến khu vực kỹ thuật của Bồ Đào Nha rằng cậu ấy là nguyên nhân chính dẫn đến việc Rooney bị đuổi. Tôi tin Ronaldo khi cậu ấy nói cử chỉ của mình không hề có ý “Tôi đã lo liệu Rooney rồi, hắn sẽ bị đuổi khỏi sân”.
Cuộc hòa giải trong êm đẹp
Sự cố đó nhanh chóng làm rộ lên khả năng Ronaldo và Rooney sẽ bất hòa đến mức độ họ không bao giờ có thể chơi bóng cùng nhau ở Man United được nữa. Tuy nhiên, Rooney đã giải thoát Ronaldo khỏi sự cố khủng khiếp này. Rooney thật tuyệt vời.
Video đang HOT
Trong khi tận hưởng kỳ nghỉ, tôi đã nhắn tin cho Rooney và yêu cầu cậu ấy gọi cho tôi. Sau đó, Rooney đã đề nghị tổ chức cuộc phỏng vấn chung với Ronaldo để chứng tỏ không có bất kỳ vấn đề nào giữa họ.
Hôm sau tôi chuyển đề nghị của Rooney tới Mike Phelan. Dù vậy, ông ấy cho rằng cách giải quyết này có vẻ hơi gượng ép và giả tạo. Tôi nghĩ ông ấy đã đúng khi nói như vậy. Tuy nhiên, chính sự rộng lượng của Rooney là điều làm Ronaldo cảm thấy ấn tượng.
Wayne Rooney chủ động trấn an tinh thần của Cristiano Ronaldo.
Có lẽ Ronaldo cảm thấy không thể trở lại Manchester được nữa và báo chí Anh sẽ giết cậu ấy. Tuy nhiên, Rooney đã gọi cho Ronaldo vài lần để trấn an. Đây không phải là lần đầu tiên hai cầu thủ Man United đụng độ nhau trên đấu trường quốc tế.
Tôi sẽ kể lại cho bạn về trận Scotland gặp đội tuyển Anh vào năm 1965. Đó là trận đấu đầu tiên của Nobby Stiles cho đội tuyển Anh. Trong khi Denis Law đang đứng trong đội hình của Scotland, thì Nobby đến bên anh ấy và nói: “Chúc mọi chuyện tốt đẹp, Denis”. Sự thật là Nobby thần tượng Denis. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi Denis quát lên: “Cút khỏi đây đi, thằng người Anh kia!”. Sau đó, Nobby đã cảm thấy sững sờ và bỏ đi.
Tôi gặp Ronaldo ở Bồ Đào Nha và cùng ăn trưa. Người đại diện Jorge Mendes của cậu ấy cũng có mặt. Những cuộc điện thoại từ Rooney đã giúp Ronaldo thay đổi suy nghĩ và thoải mái hơn. Tôi nói với Ronaldo: “Cậu là một trong những cầu thủ dũng cảm nhất từng đến với Manchester United, nhưng nếu cậu ra đi vào lúc này là hèn nhát”.
Tôi dẫn ra trường hợp của David Beckham vào năm 1998. “Chuyện khi đó giống y như bây giờ”, tôi nói. “Người ta thậm chí còn treo hình nộm của cậu ta bên ngoài các quán rượu ở London. Chuyện đó cứ như kiểu Beckham là ác quỷ hiện hình vậy. Tuy nhiên, Beckham đã đủ can đảm để chiến đấu và vượt qua những điều ấy”.
Trận đấu đầu tiên của Beckham sau sự cố đó là gặp West Ham, nơi tồi tệ nhất để đến sau chuyện kịch tính đến thế với đội tuyển Anh. Tuy nhiên, David đã thi đấu tuyệt vời. Tôi tiếp tục khuyên nhủ Ronaldo: “Cậu phải vượt qua chuyện này”.
Cristiano Ronaldo đã ở lại Man United sau khi được Sir Alex thuyết phục.
Trận đấu tiếp theo của Ronaldo ở Man United cũng diễn ra ở London, gặp Charlton vào đêm thứ 4. Tôi bắt đầu theo dõi trận đấu ở khu vực dành cho các giám đốc, nơi có một gã CĐV của Charlton gào thét lăng mạ những câu không thể tin nổi. “Ê, thằng Bồ Đào Nha khốn kiếp” chỉ là một trong những câu lịch sự nhất của hắn ta.
Ở thời điểm hiệp một trận đấu chỉ còn 5 phút, Ronaldo nhận bóng, rê dắt qua 4 cầu thủ của Charlton và sút trúng mép dưới xà ngang. Gã CĐV quá khích kia lúc này không nhào ra khỏi ghế nữa. Hắn như quả bóng bị xì hơi. Có lẽ hắn nghĩ những tiếng chửi đã vô tình tiếp thêm động lực thi đấu cho Ronaldo.
Cuối cùng Ronaldo cũng ổn định tinh thần, khởi đầu mùa giải mới đầy suôn sẻ và mối quan hệ của cậu ấy với Rooney rất hòa thuận. Các chàng thanh niên sẽ có đôi lúc đụng độ nhau. Dù sao Rooney cũng sẽ bị đuổi khỏi sân sau tình huống ấy.
Hơn nữa, sự can thiệp của Ronaldo cũng không ảnh hưởng tới quyết định của trọng tài. Tôi thấy nhẹ nhõm khi sự cố trôi qua và chúng tôi có thể giữ Ronaldo ở lại, tiếp tục tiến lên và cùng nhau vô địch Champions League năm 2008 tại Moscow.
Bình Minh
Hé lộ ly kỳ về sự đối địch MU - Arsenal trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh
Sir Alex ngay không mất nhiều thời gian để nhận ra Wenger là mối đe dọa cho vị thế của mình ở Ngoại hạng Anh.
"Ông ấy nên giữ mấy ý tưởng của mình cho bóng đá Nhật Bản", Sir Alex phát biểu khi Wenger cập bến nước Anh vào năm 1996. Tất nhiên, vị chiến lược gia lão làng người Scotland chỉ gây hấn với những người mà ông coi là đối thủ thực sự. Quãng thời gian 8 năm sau đó đã chứng minh Sir Alex hoàn toàn đúng.
Sir Alex coi Wenger là đối thủ lớn nhất của ông
Một giai đoạn đi vào lịch sử đến năm 2005 chứng kiến "Cú ăn ba" vĩ đại của MU và mùa giải bất bại thần thánh của Arsenal. Sự đối địch giữa MU và Arsenal trong giai đoạn này là thứ chưa từng xuất hiện ở Ngoại hạng Anh, kể cả trước đó và về sau này.
Những sự kiện như "Pizza-gate", màn cãi cọ giữa Vieira-Keane trong đường hầm, xung đột Keown-Van Nistelrooy trên sân dường như sống cùng năm tháng. Arsenal từng đăng quang Ngoại hạng Anh ngay tại Old Trafford. MU giành chiến thắng ở trận bán kết FA Cup năm 1999 với một siêu phẩm của Ryan Giggs. Sau đó, chính MU chặn đứng chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal.
"Ông già ưa thử thách. Ông ấy cần một ai đó để cãi lộn và tranh giành. Arsenal. Arsenal. Wenger", Steve McClaren, người từng là trợ lý thân tín của Sir Alex, cho hay.
Tháng 10/1996 là thời điểm mọi thứ thay đổi. Arsenal bổ nhiệm một HLV không tên tuổi người Pháp, trong bối cảnh dàn sao trẻ của Sir Alex đang thăng hoa hơn bao giờ hết. Không một ai nghĩ họ sẽ cạnh tranh cùng MU, nhưng Wenger lại nghĩ khác.
Ông chiêu mộ Patrick Vieira và Nicolas Anelka, tạo nên một hàng thủ bốn người trứ danh, ăn tập cùng nhau, và thay thế lối chơi bóng dài dưới thời George Graham bằng nền tảng thể lực và sự khéo léo. Ông dùng truyền thông để đối đầu với Sir Alex. Chưa ai từng làm vậy với HLV lão làng của "Quỷ đỏ". Ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên 1997/98, Arsenal chặn đứng tham vọng hai lần liên tiếp lên ngôi Ngoại hạng Anh của MU với chiến thắng then chốt ở Old Trafford. Marc Overmars là người ghi bàn quyết định.
MU trở lại mạnh mẽ ở mùa sau đó với "Cú ăn ba" huyền thoại, nhưng ở đấu trường Ngoại hạng Anh, họ chỉ hơn Arsenal 1 điểm sau vòng cuối. Năm đó, Roy Keane bị đuổi ở trận bán kết FA Cup, Dennis Bergkamp bỏ lỡ một quả penalty, và Giggs cởi phăng chiếc áo, quay tròn trên đầu trong tình huống ăn mừng pha lập công mang về chiến thắng cho MU.
Giggs ăn mừng điên dại bàn thắng vào lưới Arsenal năm 1999
Dấu ấn trong thiên niên kỷ mới của Arsenal đến vào năm 2002 khi họ vô địch ngay tại Old Trafford sau một chiến thắng. "Hắn không bao giờ qua uống với HLV đối thủ lấy một ly. Ở đây là truyền thống rồi", Sir Alex hậm hực chứng kiến đội bóng kình địch ăn mừng ngay trên sân nhà của ông.
Tháng 9/2003, sự thù địch giữa MU và Arsenal được đẩy lên một mức mới. Ruud van Nistelrooy bỏ lỡ một quả penalty ở phút cuối cùng, khiến MU đánh rơi chiến thắng trước Arsenal tại Old Trafford. Sau tình huống đó, một loạt cầu thủ đội khách xông đến la hét vào mặt tiền đạo người Hà Lan. Martin Keown bị phạt 5.000 bảng Anh khi lấy tay đẩy mặt, "cà khịa" Van Nistelrooy. Lý giải sau đó của Keown, rằng "Ruud giẫm lên chân tôi nên tôi phải dùng tay đẩy để thoát khỏi anh ta", bị chế giễu trong một thời gian dài.
Sau này, Keown thừa nhận anh đã đi quá xa, nhưng "bầu không khí lúc đó là nguyên nhân khiến các cầu thủ như bị hùa theo và làm những điều điên rồ". Màn thoát thua trong gang tấc đó giúp Arsenal trải qua mùa giải 2003/04 mà không nhận bất kỳ thất bại nào.
Câu chuyện về sự đối địch giữa hai bên tiếp tục vào năm 2004, ở trận thắng 2-0 của MU, chấm dứt chuỗi bất bại nói trên của Arsenal, cũng tại Old Trafford. Sau khi trận đấu kết thúc, cầu thủ dự bị tuổi teen của đội khách Cesc Fabregas lia một miếng pizza trong đường hầm, rơi trúng Sir Alex.
"Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng la hét, rồi mấy gã to con như Rio Ferdinand, Thierry Henry và Sol Campbell lao vào nhau. Tôi chẳng biết phải làm gì vì chỉ là một thằng nhóc bé nhỏ và gầy gò. Nói thật là tôi không nhắm đến ai cả, nhưng MU là đối thủ, vậy là tôi cứ ném thôi", Fabregas chia sẻ nhiều năm sau đó.
Keane - Vieira là biểu tượng của sự đối địch MU - Arsenal
Tháng 2 sau đó, Keane và Vieira có một màn khẩu chiến trong đường hầm đi vào huyền thoại ở Ngoại hạng Anh. Vieira tỏ ra không hài lòng với cách cầu thủ MU chơi xấu Jose Antonio Reyes ở cuộc đối đầu trước đó, và thể hiện điều này với hậu vệ phải Gary Neville trong đường hầm sân Highbury. Keane trông thấy vào lập tức nhảy vào can thiệp, chỉ ngón tay thẳng mặt Vieira và gầm gừ: "Tao chờ mày ở ngoài kia".
"Hắn nên im miệng lại", Keane giải thích với trọng tài chính. Trước đó, Bergkamp nhận thấy sự bối rối và chột dạ của Vieira khi đụng phải một đối thủ "rắn mặt", đã phải tranh thủ ra an ủi. "Điều làm tôi tức điên là hắn nhắm vào Gary. Như là đấm vào điểm yếu của bọn tôi vậy", Keane vẫn bày tỏ sự tức tối với những chia sẻ nhiều năm sau này.
Một phần vẻ đẹp của sự đối địch MU - Arsenal, là cả hai đội cùng có những cầu thủ sở hữu cái đầu nóng, không bao giờ chịu lùi bước. Paul Scholes tiết lộ những buổi nói chuyện của MU trước các trận đấu với Arsenal "thường chẳng có chút gì liên quan đến chuyên môn". "Ferguson làm những gì ông ta muốn và coi những người khác ở dưới chân mình hết", Wenger từng nói về đối thủ lớn nhất của mình như vậy.
Chương cuối trong sự đối địch MU - Arsenal diễn ra ở trận chung kết FA Cup năm 2005. Arsenal trận đó không có Henry, chơi một thứ bóng đá phòng ngự lạ lẫm và lên ngôi nhờ thắng lợi ở loạt luân lưu. Vieira là người nâng cao chiếc cúp trong trận đấu cuối cùng của anh cho Arsenal, trước khi chuyển đến Juventus. Arsenal sau đó rơi vào một giai đoạn chảy máu tài năng, và dù được chơi trên một SVĐ mới, họ chưa bao giờ vươn trở lại đẳng cấp từng có.
Ở thời kỳ Arsenal đi xuống, mối quan hệ giữa Sir Alex và Wenger đột nhiên lại tốt lên, khi đỉnh cao của sự thù hận đã ở phía sau lưng.
Minh Đức
Để mua được Harry Kane, MU phải vượt qua 'cửa ải' này Tiền đạo Harry Kane đã thể hiện mong muốn rời Tottenham để tìm kiếm danh hiệu. Tuy nhiên việc chiêu mộ chân sút này với MU sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Về lý thuyết, MU có sự phục vụ của Harry Kane sẽ như hổ mọc thêm cánh. Nếu Harry Kane cập bến Old Trafford, đấy sẽ là vụ chuyển...