Cuộc giải cứu cuối cùng của người hùng Đạ Dâng
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn bàng hoàng khi biết tin Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn hy sinh tại tiểu khu 67 chính là vị tổng chỉ huy cuộc giải cứu công nhân thủy điện Đạ Dâng 6 năm trước.
Khi phóng viên liên hệ với thiếu tướng Bùi Văn Sơn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, vị tướng vừa nghỉ hưu cũng đang theo dõi sự cố bi thảm khiến 13 cán bộ, chiến sĩ tại Thừa Thiên – Huế hy sinh.
Đọc báo và thấy danh sách người hy sinh có Phó tư lệnh quân khu, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn… ông Sơn bảo thiệt hại như vậy là quá lớn. Phóng viên cung cấp thêm thông tin vị Cục phó hy sinh là đại tá Nguyễn Hữu Hùng. Năm 2014, ông Hùng là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh.
Lúc này, thiếu tướng Sơn mới sững sờ. Cái tên vị chỉ huy công binh kéo ông về ký ức 6 năm trước. Hai người đã gặp nhau tại sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng).
Hành trình từ Hà Nội đến Rào Trăng
Sáng 11/10 tại Hà Nội, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, dự cuộc họp ứng phó mưa lũ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Sau khi thông báo kết quả giải cứu thành công các thuyền viên tàu Vietship 01, ông nhận lệnh cùng đoàn công tác hành quân vào miền Trung, nơi bão số 6 cùng nhiều cơn áp thấp chuẩn bị cập bờ.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 11/10. Ảnh: Ngọc Hà.
Ngày 12/10, thông tin về vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3 đến bất ngờ khi đoàn công tác của đại tá Hùng đang dừng chân tại thị xã Hương Trà, cách đó vài chục km.
Ông lập tức di chuyển đến hiện trường. Vị Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn nằm trong đoàn công tác 21 người do thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, dẫn đầu hành quân vào nơi xảy ra sự cố.
Đường 71 dẫn vào thủy điện bị chia cắt nham nhở với hàng chục điểm sạt lở, ngập sâu. Cả đoàn băng rừng di chuyển trong đêm tối và dừng nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 7 (tiểu khu 67).
Qua một đêm, mạng xã hội tràn ngập những thông tin chưa được kiểm chứng về 13 cán bộ chiến sĩ bị mất liên lạc trên đường tiếp cận cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3.
Phóng viên Zing nhấc máy gọi ngay cho đại tá Nguyễn Hữu Hùng, hy vọng mong manh rằng ông vẫn đang làm việc ở Sở chỉ huy tiền phương. Cả 3 cuộc gọi cho đại tá Hùng trong sáng hôm đó đều là “thuê bao quý khách vừa gọi…”.
Video đang HOT
Vị chỉ huy của những cuộc giải cứu thủy điện
“Ôi trời, tôi đọc báo mà chẳng biết ông Hùng đó chính là Hùng ngày xưa ở Đạ Dâng”, thiếu tướng Sơn thốt lên.
Ngày 16/12/2014, thiếu tướng Bùi Văn Sơn khi đó mới nhậm chức Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng được 6 tháng. Ông là một trong những lãnh đạo cấp cao đầu tiên của tỉnh có mặt tại hiện trường vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (giữa) nở nụ cười hạnh phúc khi 12 công nhân tại thủy điện Đạ Dâng được giải cứu thành công. Ảnh: Trường Nguyên.
Trong những giờ đầu của cuộc giải cứu, lực lượng cứu hộ đã luồn thành công một ống thép qua lớp bùn đất dày 30 m để thông hơi và tiếp lương thực cho 12 người mắc kẹt. Phương án đào một đoạn đường hầm chạy vòng qua khối bùn đất sạt lở để giải cứu các công nhân được vạch ra. Tuy nhiên, tiến độ đào rất chậm.
Ngày 17/12/2014, đại tá Nguyễn Hữu Hùng (khi đó là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh) có mặt tại hiện trường.
“Thấy việc chậm tiến độ có thể ảnh hưởng tới tính mạng của các nạn nhân, anh ấy đề xuất tung lực lượng công binh vào, chọn phương án đào thẳng để giảm được thời gian và quãng đường phải đào”, đại tá Sơn nhớ lại.
Đề xuất của vị chỉ huy lực lượng công binh khi đó đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lo ngại từ các lực lượng tham gia cứu hộ. Phương án đào đường vòng, khoét sâu vào vách bên phải của hầm được nhiều ý kiến ủng hộ vì nó tác động vào nền đất cứng, an toàn hơn cho lực lượng cứu hộ.
Có 2 lý do để đại tá Hùng quyết tâm đào thẳng. Thứ nhất là ông đưa ra được biện pháp đào “hầm trong cát” giúp tạo một lối thông qua khối bùn đất nhão, có căn cứ khoa học về độ an toàn. Lý do thứ 2 là sức khỏe của các nạn nhân bên trong đang ngày càng suy kiệt, họ không thể chờ đợi quá lâu.
Chiều 18/12/2014, ông Hoàng Trung Hải (Phó thủ tướng thời điểm đó) đến kiểm tra hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Ông bày tỏ sốt ruột và đánh giá việc đào hầm cứu nạn theo đường vòng mất 3 ngày là quá chậm.
Đó chính là cơ hội để đại tá Nguyễn Hữu Hùng trình bày phương án đào thẳng tiết kiệm thời gian của mình. Phó thủ tướng đồng ý và giao nhiệm vụ cho đại tá Hùng làm tổng chỉ huy tất cả các lực lượng thi công trong hầm thủy điện Đạ Dâng.
Hơn 100 chiến sĩ công binh tinh nhuệ lập tức được tung vào hiện trường để đào một hầm cứu nạn thẳng đến vị trí các nạn nhân. Lối đào thẳng do đại tá Hùng đề xuất ban đầu chỉ được phê duyệt như hướng dự phòng. Sau cùng, đó lại là lối đầu tiên tiếp cận được người bị nạn và đưa tất cả ra ngoài an toàn.
Sau sự kiện cứu nạn thành công 12 công nhân tại thủy điện Đạ Dâng, thiếu tướng Sơn và đại tá Hùng không có dịp làm việc thêm với nhau. Thời gian gặp gỡ đại tá Hùng ngắn ngủi nhưng ông Sơn nói rằng đó là con người để lại nhiều ấn tượng.
“Giờ anh nhắc thì tôi nhớ rồi, đúng là cậu Hùng năm đó tham gia giải cứu thủy điện cùng tôi, dáng người cao cao, khuôn mặt lúc nào cũng hiện lên vẻ quyết đoán. Mất mát lớn quá”, giọng thiếu tướng Sơn run run.
Vị tướng công an nhận xét đại tá Nguyễn Hữu Hùng mang đầy đủ phẩm chất của một người lính công binh, dám nghĩ, dám làm. Khi anh em chưa đồng tình thì người đồng đội sẽ kiên trì thuyết phục cho bằng được
“Hùng để lại trong tôi cảm tình rất lớn. Một con người trách nhiệm, nhưng cũng rất gần gũi”, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Như cái lần quyết tâm đào thẳng vào khối đất đá sạt lở ở Đạ Dâng, vị đại tá đã hành quân thẳng vào Rào Trăng 3 bất chấp mưa gió và đêm tối. Ông không hề biết trước đó sẽ là cuộc giải cứu thủy điện cuối cùng.
Vụ Rào Trăng 3: Danh tính 13 cán bộ, chiến sỹ Đoàn công tác hy sinh
Công tác xác định danh tính những cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất.
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích tại khu vực nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67. (Ảnh: TTXVN phát)
Tối 15/10, sau khi lực lượng chức năng đưa 13 thi thể của Đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 về Bệnh viện quân y 268 (thành phố Huế, Thừa Thiên- Huế), công tác xác định danh tính những cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đã hoàn tất.
Các cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn đã hy sinh gồm:
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
2. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến, Quân khu 4.
3. Trung tá Bùi Phi Công, Cục phó Cục Hậu cần, Quân khu 4.
4. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng Phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Quân khu 4.
5. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4.
6. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Lữ đoàn 80, Quân khu 4.
7. Thượng úy Đinh Văn Trung, Đài trưởng Đài 15W, Lữ đoàn 80, Quân khu 4.
8. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
9. Trung tá Trần Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
10. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
11. Thượng úy Trương Anh Quốc, Trạm Điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
12. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
13 Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hướng.
Trước đó, trưa 12/10, sau khi nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.
Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ôtô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13km.
Đến khoảng 21 giờ ngày cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ.
Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên khu nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở./.
Thủ tướng chia buồn với gia đình cán bộ, chiến sỹ hy sinh và công nhân tử nạn, mất tích Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bà tỉnh Thừa Thiên-Huế. Công điện gửi Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn...