Cuộc gặp VFF trong 10 tiếng thay đổi sự nghiệp HLV Park
HLV Park tiết lộ cuộc gặp người đứng đầu VFF trong khoảng 10 tiếng tại sân vận động Sangam ở Seoul giúp ông trở thành thuyền trưởng tuyển Việt Nam.
Sau những thành công với bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo được truyền thông Hàn Quốc ưu ái gọi “Guus Hiddink Việt Nam”.
G-enews đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với HLV Park và nghe ông kể lại những kỷ niệm đầu tiên trên hành trình trở thành thuyển trưởng tuyển Việt Nam.
Cuộc gặp ngắn ngủi với người đứng đầu VFF tại Hàn Quốc
- Xin chào HLV Park! Đầu tháng này, Hàn Quốc đã ra mắt huy chương kỷ niệm “HLV Park Hang-seo” để vinh danh những thành tích của ông với bóng đá Việt Nam. Ông cảm nhận gì về điều này?
- Thật vinh dự khi tôi trở thành người hùng đầu tiên của bóng đá Hàn Quốc được làm huy chương kỷ niệm. Tôi muốn bảy tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ của nhiều người với dự án này. Tuy nhiên, tôi hy vọng huy chương kỷ niệm này sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa Hàn Quốc và Việt Nam, hơn là vinh danh thành tích của cá nhân tôi.
Trong khoảng 3 năm sau khi tôi nhậm chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam, chúng ta có thể thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Việt Nam thông qua bóng đá. Trong quá trình này, nhiều người đã xem tôi như một biểu tưởng cầu nối giữa hai quốc gia. Vì vậy, tấm huy chương kỷ niệm này có nghĩa là tôi muốn làm việc chăm chỉ hơn trong vai trò kết nối đó.
HLV Park nhớ lại cơ duyên đến với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuấn Kiệt.
- Nhiều người tò mò về quá trình ông trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam. Chuyện đó đã diễn ra như thế nào?
- Năm 2017, khi tôi là huấn luyện viên của đội Changwon tại giải hạng Ba Hàn Quốc, tôi bắt đầu quen ông Lee Dong-jun của DJ Management. Quá trình trở thành huấn luyện viên tuyển Việt Nam bắt đầu từ đó.
Lúc ấy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang gặp khó khăn do thành tích thi đấu quốc tế kém của đội tuyển, nên đề nghị ông Dong-jun hỗ trợ tìm một huấn luyện viên người Hàn Quốc. Ông ấy đã đề xuất tôi với VFF. Hồ sơ sự nghiệp và thành tích của tôi được VFF chấp nhận. Tôi được bổ nhiệm làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Quá trình từ lúc đề xuất đến bổ nhiệm đều diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. 10 ngày sau lần đầu tôi nhận được điện thoại nói rằng VFF muốn chọn tôi, người đứng đầu VFF đã đích thân sang Hàn Quốc. Cuộc phỏng vấn được tổ chức tại sân vận động Sangam World Cup ở Seoul, kéo dài từ 10h đến 20h. Tất cả chỉ diễn ra trong một ngày.
Cuộc trò chuyện của tôi với trợ lý cao cấp Lee Young-jin trên chuyến bay đến Việt Nam lần đầu tiên cũng rất đáng nhớ. Lúc đó ở Hàn Quốc, những người đồng nghiệp ở thế hệ tôi bắt đầu lần lượt nghỉ hưu. Tôi đã có ý định giải nghệ hoặc thử thách bản thân trong một môi trường mới.
Video đang HOT
Trên chuyến bay đến Việt Nam, trợ lý Lee chia sẻ: “Điểm mạnh của các huấn luyện viên Hàn Quốc là sự chân thành. Dù có khó khăn, chúng ta cũng phải thể hiện tốt, phải cố gắng trở thành hình mẫu, truyền nhận thức đúng đắn cho các huấn luyện viên Hàn Quốc khác khi xuất ngoại. Ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng không được làm bất cứ điều gì cản đường đàn em của mình”.
Sau đó, tôi may mắn đạt được những thành công. Nhưng để không đánh mất mục tiêu, quyết tâm như ngày đầu, tôi cố gắng không quên những kỷ niệm thời gian khó.
- Ông đã nhận được rất nhiều tình cảm từ người hâm mộ Việt Nam?
- Tôi luôn nghĩ “sự nổi tiếng cũng giống như diễn xuất”. Tôi luôn cố gắng không quên tri ân sự ủng hộ và yêu mến của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc được yêu mến hay không với tư cách huấn luyện viên đội tuyển quốc gia chắc chắn bị tác động bởi thành tích của đội. Tôi cố gắng để không đắm chìm trong sự nổi tiếng khi từng có trải nghiệm này ở World Cup 2002.
Tôi thường chụp ảnh hoặc ký tặng để thay lời cảm ơn đến người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vì tôi không nói được tiếng Việt. Những việc làm đó không mất quá nhiều thời gian, nên tôi cố gắng hết sức để thể hiện lòng biết ơn chân thành đến nhiều người nhất có thế.
Sau ngôi á quân U23 châu Á năm 2018, chúng tôi được truyền thông biết đến nhiều. Rất đông người hâm mộ đã vây quanh, cổ vũ. Họ ném cả bỏng ngô, đồ ăn nhẹ cho các cầu thủ khi đi diễu hành. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí tương tự như văn hóa Hàn Quốc.
- Ông có biết hình ảnh đất nước Hàn Quốc thay đổi như thế nào tại Việt Nam, sau những thành công của mình?
- Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về người dân và khách du lịch Hàn Quốc được người Việt Nam phục vụ, tiếp đãi ưu ái tại các nhà hàng địa phương hoặc điểm du lịch ở Việt Nam.
Tôi biết ơn vì mỗi khi đội chơi tốt, đã tạo ra tác động tích cực đến giao lưu giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi vui mừng vì sự kết nối bóng đá giúp phát triển các mối quan hệ trong toàn xã hội, bao gồm cả kinh tế. Nếu tôi có thể đóng góp cho sự phát triển quan hệ ngoại giao bằng bất kỳ vai trò nào, tôi luôn sẵn lòng tham gia.
HLV Park thể hiện sự quan tâm với các học trò. Ảnh: Minh Chiến.
HLV Park không lập kế hoạch dài hạn
- Ông đã có năm thứ 5 gắn bó với bóng đá Việt Nam. Ông có gặp khó khăn gì trong cuộc sống không, chẳng hạn như khác biệt về ẩm thực và văn hóa?
- Tôi không gặp nhiều khó khăn khi sống ở Việt Nam. Tôi đang sống ở khu Mỹ Đình, nơi đặt trụ sở VFF và có khu phố Hàn Quốc gần đó nên không có vấn đề gì lớn trong việc giải quyết các chuyện nhỏ hàng ngày, như mua thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Tôi khá dễ tính trong việc ăn uống và thích ăn đồ Việt Nam. Khi không thể đi ăn quán bên ngoài vì bận công việc, tôi thường xuống nhà ăn của VFF. Ngay từ khi mới sang Việt Nam, tôi đã được chăm sóc tận tình từ người Hàn Quốc và các cán bộ địa phương, nên nhanh chóng thích nghi.
- Theo ông, văn hóa bóng đá Việt Nam cùng Hàn Quốc có gì giống và khác nhau?
- Trước hết, nếu chúng ta so sánh văn hóa bóng đá, có rất nhiều phóng viên bóng đá ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có khá nhiều trang báo mạng đưa các bài viết về thể thao, nhưng bóng đá phổ biến hơn nhiều so với các môn khác. Đây là lý do tôi cảm thấy người dân Việt Nam rất quan tâm đến bóng đá.
Văn hóa hâm mộ bóng đá của Việt Nam cũng cuồng nhiệt không kém gì Hàn Quốc. Cổ động viên của đội tuyển được tổ chức chuyên nghiệp. Họ cổ vũ rất nhiệt tình và ấn tượng, làm tôi nhớ lại không khí bóng đá World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với chính sách bóng đá của Việt Nam, về cơ bản, tôi chịu trách nhiệm công việc của đội tuyển quốc gia. Vì vậy, tôi không nghĩ nó quá khác biệt so với các nước.
- Với tư cách huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam, ông có thể cho biết về kế hoạch năm nay và dài hạn, đồng thời ông có thể đưa ra lời khuyên cho sự phát triển của bóng đá Hàn Quốc?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ đá các trận còn lại tại vòng loại thứ hai World Cup 2022. Đội tuyển Việt Nam đang đứng đầu bảng với 3 trận thắng và 2 trận hòa, có rất nhiều cơ hội để lần đầu tiên trong lịch sử tiến vào vòng loại cuối cùng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lịch thi đấu tháng 3 đã được thay đổi. Chúng tôi sẽ đá tập trung vào tháng 6.
Trong nửa cuối năm nay, chúng tôi còn tham dự SEA Games vào tháng 11, tiếp theo là AFF Cup tháng 12. Ở hai giải này, Việt Nam đang là nhà vô địch. Đặc biệt, SEA Games được tổ chức tại Việt Nam nên kỳ vọng của người hâm mộ sẽ cao hơn bao giờ hết.
Chiến lược mà tôi đang thực hiện là cố hết sức từng trận một, vì mục tiêu trước mắt thay vì lập kế hoạch dài hạn. Phương châm của tôi là tập trung vào hiện tại.
Cuối cùng, đã 4 năm kể từ khi tôi rời khỏi thế giới bóng đá Hàn Quốc. Xu hướng và văn hóa bóng đá Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều. Tôi không thể đưa ra lời khuyên vì không nắm được nhiều thông tin.
Thế hệ cầu thủ từng vào đến bán kết World Cup 2002 đang bắt đầu trở thành huấn luyện viên và làm việc cho Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc. Tôi hy vọng người hâm mộ sẽ ủng hộ, bởi họ là những tài năng với kinh nghiệm, bản lĩnh và chuyên môn phong phú trong quá trình trau dồi ở nước ngoài.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
CLB Tây Ninh không còn ai sau khi xin bỏ giải hạng Nhất
Tất cả cầu thủ, huấn luyện viên của CLB Tây Ninh đã rời đi sau khi đội bóng này gửi công văn xin rút khỏi giải hạng Nhất mùa 2021.
Hôm 13/1, CLB Tây Ninh trở thành đội bóng thứ 2 xin không thi đấu ở giải hạng Nhất mùa 2021, sau CLB Gia Định. Chiều 14/1, Zing có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh, về tình hình hiện tại của đội bóng này.
- Ông có thể chia sẻ lý do CLB Tây Ninh lại gửi công văn xin rút khỏi giải hạng Nhất?
- CLB Tây Ninh không đủ kinh phí để dự giải. Theo điều lệ, mỗi đội bóng tham dự phải đáp ứng được chi phí tối thiểu 15 tỷ đồng mỗi mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà tài trợ cũng gặp khó khăn. Hiện tại, CLB Tây Ninh có 10 tỷ đồng.
- Ông hay ban lãnh đạo đội bóng đã nói chuyện với địa phương về vấn đề này hay chưa?
- Chúng tôi đã xin Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí ở tỉnh không đủ để giúp đội bóng. Các lãnh đạo cũng đã kêu gọi vận động doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Tây Ninh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nên không thể đáp ứng được số tài trợ 5 tỷ.
Đội bóng đã thi đấu ở giải hạng Nhất cũng 15 năm nay, việc bỏ giải cũng khiến tôi rất xót. Chúng tôi không hề muốn điều này xảy ra, nhưng không còn cách nào khác.
Cầu thủ CLB Tây Ninh (áo đỏ) đều rời đội để đi tìm bến đỗ mới. Ảnh: CLB Tây Ninh.
- Như vậy, tương lai của các cầu thủ CLB Tây Ninh sẽ như thế nào?
- Chúng tôi để cầu thủ cũng như ban huấn luyện tự do đi tìm bến đỗ mới. Khi đội bóng không duy trì được, chúng tôi để họ tự do ra đi. Hiện tại, CLB Tây Ninh không còn ai.
- Vậy Công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh sẽ chuyển giao về đơn vị hay cơ quan nào?
- Tôi cũng chưa biết lương lai của công ty đi về đâu. Đội bóng không còn, thì công ty tồn tài cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đến khi nào nhận được tài trợ, đội bóng hồi sinh, thì chúng tôi lại xây dựng lại.
Hiện tại, chúng tôi vẫn chờ quyết định của VFF cũng như VPF. Có thể chúng tôi sẽ được chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Nhì, hạng Ba. Khi đó, CLB Tây Ninh sẽ sử dụng các cầu thủ trẻ lứa U19 để tham gia thi đấu. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể bổ sung từ nguồn cho mượn.
- Vậy CLB Tây Ninh sẽ xử lý 10 tỷ đồng như thế nào?
- Đội bóng thi đấu thì nhà đầu tư mới hỗ trợ. Đó là điều khoản trong hợp đồng. Giờ đây, tôi mong có thêm nhà tài trợ để CLB Tây Ninh trở lại với bóng đá. Thi đấu ở giải hạng Nhì hay hạng Ba cũng được, chúng tôi sẽ cố gắng để trở lại hạng Nhất. Đó chỉ là vấn đề thời gian. Điều quan trọng là cần thêm nhà tài trợ.
- Cám ơn ông vì cuộc trao đổi.
VFF sẵn sàng đưa ra án phạt nặng ở V.League 2021 VFF khẳng định những HLV và cầu thủ phát ngôn sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức, VPF, V.League sẽ bị phạt đình chỉ ít nhất 2 trận. Những thay đổi trong quy định kỷ luật và công tác trọng tài là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong buổi trao đổi thông tin về...