Cuộc đua tàu đổ bộ Mỹ – Trung
Giữa lúc tình hình châu Á – Thái Bình Dương có nhiều biến động, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tăng cường phương tiện đổ bộ tấn công.
Hồi đầu tuần, tờ China Daily đưa tin Quân khu Nam Kinh của Trung Quốc đang tiến hành một chuỗi các cuộc tập trận tấn công đổ bộ. Cuối tháng trước, Lực lượng Phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ cũng tiến hành tập trận bao gồm nội dung bảo vệ đảo. Các thông tin trên xuất hiện giữa lúc căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển đang dâng cao trong khu vực, cũng như Mỹ và Trung Quốc liên tục hé lộ các kế hoạch tăng cường tàu đổ bộ mới.
Trung Quốc “tích cực sao chép”
Mới đây, diễn đàn quân sự trên trang mạng của Hoàn Cầu thời báo tung ra một loạt hình ảnh thiết kế chi tiết của tàu đổ bộ lớp LHD 081 chuyên chở trực thăng mà Bắc Kinh đang tích cực phát triển. Trước đó, tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly dẫn nguồn tin quân sự cho hay tàu này dài 211 m, đạt tốc độ tối đa 23 hải lý/giờ (khoảng 40 km/giờ), tầm hoạt động gần 13.000 km. Tàu LHD 081 có thể chở theo 8 máy bay trực thăng hạng nặng cùng 1.000 binh sĩ và một số khí tài khác. Đặc biệt, sàn tàu này được thiết kế cho phép 4 trực thăng đáp hoặc cất cánh cùng lúc. Dù thông tin về vũ khí của LHD 081 chưa được xác định nhưng theo giới chuyên gia, nó sẽ vẫn được trang bị các loại pháo, tên lửa đáp ứng tối thiểu nhu cầu phòng thủ. Dự kiến, chiếc LHD 081 đầu tiên sẽ được biên chế cho hải quân Trung Quốc vào năm 2014.
Mô hình tàu LHD 081 do Trung Quốc hé lộ gần đây – Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
Mặc dù giới quân sự Trung Quốc rất tự hào về chiến hạm này nhưng một số chuyên gia lại nhận xét đây chỉ là một “đứa con lai” sao chép từ tàu khu trục lớp Hyuga chuyên chở máy bay trực thăng của Nhật và tàu đổ bộ lớp Mistral (Pháp). Ngoài ra, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhiều năm, LHD 081 vẫn chưa đủ tầm so sánh với tàu Hyuga hay tàu Mistral về khả năng chuyên chở lẫn tác chiến. Đồng thời, LHD 081 có tầm vóc chưa bằng một nửa tàu đổ bộ lớp Wasp mà Mỹ sở hữu từ hơn 20 năm qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh kế hoạch để sớm hoàn thiện chỉ tiêu sở hữu 6 chiếc tàu mẹ đổ bộ lớp LPD 071. Tàu này dài 210 m, tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ và tầm hoạt động 11.000 km, theo trang Sinodefence. LPD 071 được giới thiệu là có thể chở theo 4 trực thăng quân sự hạng nặng cùng 800 binh sĩ và khoảng 20 xe tấn công hạng nhẹ. Tuy nhiên, dù là niềm tự hào của hải quân Trung Quốc nhưng chiến hạm này cũng bị cho là “bản copy” từ tàu mẹ đổ bộ lớp San Antonio của Mỹ. Mặt khác, trong khi Washington đã sở hữu 6 chiếc và đang đóng thêm 6 tàu lớp San Antonio thì Bắc Kinh vẫn đang lẹt đẹt hoàn thiện chiếc LPD 071 thứ 3. Hai chiếc đầu tiên đã được biên chế cho Hạm đội Nam Hải từ cuối năm 2007.
Video đang HOT
Mỹ nhiều hàng khủng
Hiện tại, Mỹ sở hữu lực lượng tàu đổ bộ mạnh nhất thế giới với 8 chiếc lớp Wasp, 6 chiếc lớp San Antonio cùng nhiều loại khác. Trong đó, tàu lớp San Antonio cho phép cùng lúc cất/hạ cánh 4 trực thăng hạng nặng CH-46 Sea Knight hoặc 2 máy bay đa nhiệm V-22 Osprey. Ngoài ra, tàu lớp Wasp được cho là có quy mô ngang ngửa tàu sân bay của nhiều nước khi đủ sức mang theo 42 trực thăng quân sự. Thậm chí, máy bay tiêm kích cũng có thể được triển khai tác chiến từ tàu này. Vì thế nhiều chuyên gia nhận định Washington thực tế có đến gần 20 tàu sân bay thứ thiệt khi tính luôn 8 chiếc lớp Wasp.
Mô hình tàu đổ bộ lớp America của Mỹ – Ảnh: Navy.mil
Bên cạnh đó, chuyên trang The Diplomat đưa tin giới chức quân sự Mỹ vẫn ra sức vận động chính phủ tăng cường lực lượng đổ bộ nhằm đối phó nhiều nguy cơ. Trong đó có việc Trung Quốc đang hiện đại hóa hải quân. Vì thế, Washington đang tích cực thúc đẩy kế hoạch chế tạo các loại tàu đổ bộ thế hệ mới. Trong số này, lớp America được cho là “siêu tàu đổ bộ” sánh ngang hàng không mẫu hạm hiện đại nhất của các nước khác, theo trang Defense Industry Daily. Với độ choán nước hơn 45.000 tấn, tàu này có thể chở hàng chục trực thăng quân sự hoặc 20 chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay cường kích AV-8B Harrier II. Tất nhiên, tàu lớp America còn sở hữu các loại tên lửa và pháo để tự phòng vệ khi cần thiết, dù luôn được hộ tống bởi các chiến hạm khác. Dự kiến, Mỹ sẽ trang bị chiếc America đầu tiên vào năm sau trong tổng số 5 chiếc mà nước này dự định đóng.
Ngoài ra, Washington cũng đang xúc tiến 2 chương trình tàu đổ bộ cơ động (Mobile Landing Flatform – MLF) và tàu đổ bộ tốc độ cao (Joint High Speed Vessel – JHSV). Trong đó, chiến hạm MLF
có tầm hoạt động khoảng 17.000 km và cho phép thay đổi thiết kế sàn tàu theo từng nhu cầu chuyên chở khác nhau. Tàu JHSV được thiết kế như các tàu đổ bộ cỡ nhỏ thông thường nhưng có tốc độ lên đến 80 km/giờ và sở hữu một bãi đáp máy bay bên trên chứ không chỉ chuyên chở xe bọc thép. Dự kiến sẽ ra mắt trong vài năm tới, tàu JHSV và MLF được đánh giá sẽ kết hợp cùng các loại tàu đổ bộ cỡ lớn khác của Mỹ để tạo nên một lực lượng đổ bộ toàn diện ở nhiều quy mô khác nhau.
Các loại phương tiện đổ bộ phổ biến
Thông thường, một phương án đổ bộ tấn công bao gồm hoạt động của nhiều loại phương tiện khác nhau:
- Tàu mẹ đổ bộ: Hiểu đơn giản thì đây là tàu vận chuyển đường dài trọng tải hàng chục ngàn tấn. Loại tàu này có thể mang nhiều loại khí tài khác nhau, đủ sức chứa máy bay, tàu đổ bộ cỡ nhỏ, xe tấn công hạng nhẹ… Ba loại tàu mẹ đổ bộ phổ biến là: LST (chuyên vận chuyển xe tăng), LPD (tàu vận chuyển nhiều phương tiện mà trọng tâm là tàu đổ bộ cỡ nhỏ), LHD (tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng). Tuy nhiên, thực tế rất khó phân định 3 loại này vì hải quân các nước thường có xu hướng phát triển tàu mẹ đổ bộ đa dụng, bao hàm cả LST, LDP lẫn LHD.
- Tàu đổ bộ cỡ nhỏ: Là loại tàu thường chở theo vài xe bọc thép hoặc xe tấn công bộ binh hạng nhẹ cùng một nhóm nhỏ binh sĩ. Loại tàu này thường xuất phát từ tàu mẹ đổ bộ. Thông thường, tàu đổ bộ cỡ nhỏ cũng được trang bị một số hỏa lực hạng nhẹ để phục vụ quá trình tấn công vào đất liền.
- Tàu đệm khí: Loại tàu di chuyển trên lớp đệm khí tốc độ cao, thậm chí có thể đạt vận tốc đến 100 km/giờ chuyên phục vụ các giai đoạn tấn công nhanh.
- Xe tấn công hạng nhẹ: Loại xe này được bọc thép và mang theo một số hỏa lực như súng máy, pháo cỡ nhỏ, tên lửa hạng nhẹ dùng để chở binh sĩ và hỗ trợ tấn công. Thông thường, xe xuất phát từ các loại tàu đổ bộ.
Theo TNO
Philippines sắm tên lửa cho chiến hạm "khủng"
Theo một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Philippines (DND), lực lượng Hải quân sẽ trang bị cho chiếc tàu chiến lớn nhất của nước này nhiều tên lửa chống hạm hiện đại.
Hôm qua, một quan chức giấu tên của DND cho biết, hệ thống vũ khí của tàu Gregorio del Pilar sẽ được nâng cấp bằng các tên lửa chống hạm được ông này miêu tả là hệ thống vũ khí phòng thủ hiện đại, "vượt đường chân trời" và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Gregorio del Pilar là tàu chiến đã hết hạn sử dụng của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ được Philippines mua lại hồi tháng 8/2011. Mặc dù được coi là "luôn sẵn sàng chiến đấu" nhưng Mỹ đã gỡ bỏ hầu hết các trang thiết bị nhạy cảm nhất của con tàu trước khi chuyển giao cho Philippines. Tuy nhiên, đây vẫn là tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất của quốc gia Đông Nam Á này.
Gregorio del Pilar - tàu chiến hiện đại nhất của Philippines
Tàu chiến lớp Hamilton có lượng giãn nước 3.250 tấn, dài 115m, trang bị hệ thống động cơ kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ tuốc bin khí cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h, tầm hoạt động 26.000 km.
Cũng theo nguồn tin trên, Hải quân Philippines dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một tàu chiến "Dallas" lớp Hamilton nữa từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và chiến hạm này cũng sẽ được trang bị các tên lửa hiện đại.
"Những nâng cấp này sẽ cho phép các tàu chiến lớp Hamilton của chúng tôi có khả năng tác chiến tốt hơn. Nó chắc chắn sẽ thỏa mãn khả năng răn đe tối thiểu của chúng tôi khi cần phải phòng thủ hải quân", vị quan chức của DND nhấn mạnh.
Theo VNN
Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu giai đoạn nước rút Nhiều quốc gia trên thế giới đang háo hức dõi theo bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, không chỉ bởi Mỹ là một cường quốc mà còn bởi những cuộc tranh cử kiểu này thường có diễn biến kịch tính như phim truyền hình dài tập. Tổng chi phí cho cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới (gồm bầu cử...