Cuộc đua phim Tết 2022 có còn sức nóng?
Bốn phim Việt cùng ra mắt vào ngày 1/2, hứa hẹn cuộc đua phòng vé sôi động, dù vẫn còn đó nỗi lo dịch bệnh.
Ngày 17/1, nhà phát hành công bố phim Mưu kế thượng lưu sẽ khởi chiếu ngày 1/2 (tức mùng Một Tết). Đây là tác phẩm thứ tư gia nhập đường đua mùa Tết, hứa hẹn sự vận động tích cực ở phòng vé.
Cuộc tham gia đường đua Tết vào phút chót
Loạt phim Tết năm nay mang nhiều màu sắc, từ hài hước, lãng mạn, hành động đến cả kinh dị. Chìa khóa trăm tỷ là dự án nặng ký với bộ đôi Kiều Minh Tuấn, Thu Trang đóng chính. Tác phẩm chuyển thể từ phim Key of Life nổi tiếng của Nhật Bản. Trong phim, một sát thủ khét tiếng vô tình mất trí sau tai nạn, rồi trở thành một diễn viên quần chúng. Chuyện trớ trêu xảy ra khi anh chàng quên hẳn cuộc đời sát thủ để trở thành một ngôi sao hành động. Với Võ Thanh Hòa ở ghế đạo diễn, dự án nhiều khả năng màu sắc hài và hành động giống Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử.
Poster phim Mưu kế thượng lưu có sự tham gia của Thiên An, Anh Tú.
10 tháng sau khi dời lịch, dự án 1990 của đạo diễn Nhất Trung ấn định ra mắt dịp Tết 2022. Ba diễn viên Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My hóa thân ba cô bạn với cá tính khác biệt. Khi bước vào ngưỡng cửa 30, họ đối mặt hàng loạt vấn đề về tình yêu, hôn nhân, sự nghiệp và phải cùng nhau vượt qua thời điểm sóng gió này. Những hình ảnh đầu tiên cho thấy không khí lãng mạn và hoài niệm trong tác phẩm.
Nhà không bán quy tụ nghệ sĩ Kim Xuân, Việt Hương, Nam Em lại mang màu sắc kinh dị vào mùa Tết 2022. Trong phim, bà Ngọc (NSND Kim Xuân) – một Việt kiều Mỹ – dẫn theo cháu ngoại và người chị Thúy Liễu (Việt Hương) về thăm quê. Bà và em trai là ông Ngà (Minh Hoàng) muốn nhanh chóng bán ngôi nhà được thừa kế nhưng nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Khác Chìa khóa trăm tỷ và 1990 đều là phim dời lịch, Nhà không bán mới ghi hình từ tháng 11/2021.
Thu Trang (phải) và Kiều Minh Tuấn trong Chìa khóa trăm tỷ.
Mưu kế thượng lưu (đạo diễn Trần Bửu Lộc) là phim cuối cùng nhập cuộc, khi Tết chỉ còn hai tuần. Thiên An vào vai Ngân (Diana), một cô gái sống giữa hai thế giới siêu giàu và siêu nghèo với quan điểm sống, tiêu chuẩn hạnh phúc khác nhau. Đóng cặp cùng cô là Anh Tú trong vai một chàng công tử thừa mứa vật chất.
Phim nào sẽ lên ngôi mùa Tết?
Có thể thấy bốn dự án năm nay đều có điểm mạnh nhờ tên tuổi ngôi sao. 1990 quy tụ ba diễn viên nữ có sức hút, trong đó Lan Ngọc từng “xưng hậu” mùa Tết 2019 khi đóng cùng Trấn Thành trong Cua lại vợ bầu. Chìa khóa trăm tỷ có Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Anh Tú và Jun Vũ.
Anh Tú cũng sẽ xuất hiện trong Mưu kế thượng lưu bên cạnh Thiên An, cô gái được biết đến nhiều nhờ sự việc với ca sĩ Jack. Chỉ mới ghi dấu trong các MV, đây là lần đầu Thiên An có dịp chứng tỏ khả năng diễn xuất trên màn ảnh rộng. Dự án này có thể là ẩn số tiềm tàng ở cuộc đua sắp tới. Cuối cùng, Nhà không bán cũng có át chủ bài là danh hài Việt Hương.
Video đang HOT
Dàn diễn viên Nhà không bán.
So về thực lực, Chìa khóa trăm tỷ có phần trội hơn cả. Tác phẩm được giới thiệu là “phim hài duy nhất trong mùa Tết”, đánh vào tâm lý thích tiếng cười của khán giả trong giai đoạn này. Thu Trang cũng là ngôi sao đang có chuỗi thành tích doanh thu ấn tượng, với nhiều phim ăn khách liên tiếp.
Với giá vé cao, lượng khán giả đông, mùa Tết luôn là thời điểm sôi nổi của điện ảnh Việt. Các phim Cua lại vợ bầu, Gái già lắm xhiêu 3, Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh đều từng cán mốc trăm tỷ vào giai đoạn này. Nhưng sắp tới, dù dẫn đầu, Chìa khóa trăm tỷ dường như sẽ khó đạt doanh thu như tựa đề.
Nguyên nhân là thị trường đang yếu đi thấy rõ so với trước. Dịch bệnh khiến nhiều địa phương chưa mở rạp, ngoài ra đời sống người dân cũng sa sút. Rạp chiếu bóng có thể không phải một lựa chọn dễ dàng như hồi hai năm trước. Một ví dụ đáng ngại là bom tấn Spider-Man: No Way Home đạt độ phủ truyền thông cực mạnh trong tháng 12 nhưng vẫn chưa thể cán mốc trăm tỷ.
Ba diễn viên nữ nổi tiếng quy tụ trong 1990.
Sau Chìa khóa trăm tỷ, 1990 có phần nhỉnh hơn hai dự án còn lại, song cũng đứng trước câu hỏi về chất lượng. Những thước phim giới thiệu tác phẩm này chưa tạo được hiệu ứng tương ứng với tên tuổi dàn sao. Ngoài ra, mùa Tết còn Trạng Tí, ra rạp lại từ ngày 1/2. Với nhãn P (cho mọi lứa tuổi), phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có thể hy vọng hút thêm một số khán giả nhí để cải thiện thành tích.
Sau mùa Tết, dịp lễ 14/2 cũng chứng kiến hai phim Việt cạnh tranh (đều công chiếu ngày 11/2). Phim kinh dị Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn sẽ khai thác các truyền thuyết đô thị Việt Nam, có diễn viên Mạc Can, Khả Như, Vân Trang. Còn Bẫy ngọt ngào cũng mới công bố ngày ra mắt sau nhiều lần dời lịch. Tác phẩm quy tụ dàn sao Minh Hằng, Bảo Anh, Diệu Nhi, Thuận Nguyễn trong vai một nhóm bạn trải qua nhiều sóng gió.
Dù còn không ít nỗi lo, việc các nhà sản xuất tự tin công bố phim là tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài ì ạch. Doanh thu trong giai đoạn tới cũng sẽ mang ý nghĩa quyết định trong việc đánh giá liệu thị trường đã chuyển biến tích cực hay chưa.
Khi phim chuyển thể lên ngôi
Phim remake, chuyển thể được các nhà làm phim ưu tiên lựa chọn bởi tính hiệu quả và khả năng sinh lời.
Dù nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, dòng phim chuyển thể, remake vẫn gặt hái thành công vang dội và ngày càng được ưa chuộng. Với nhiều dự án mới được công bố, có thể thấy chuyển thể và remake tiếp tục là hướng đi an toàn của điện ảnh trong tương lai.
Chuyển thể và remake được coi là hướng đi an toàn cho điện ảnh.
Chuyển thể và remake vẫn là xu hướng
Từ Chìa khoá trăm tỷ được làm lại từ Key Of Life của Nhật Bản, Chuyện ma gần nhà lấy cảm hứng từ truyền thuyết đô thị kinh dị truyền miệng tại Việt Nam, cho đến hai bộ phim vừa công bố là Đất rừng phương Nam - tác phẩm chuyển thể dựa trên tiểu thuyết và phim truyền hình cùng tên - hay Người đẹp Tây Đô, dự án khai thác tựa phim nổi tiếng cùng tên ra mắt năm 1996 do đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện, tất cả đều dựa trên những ý tưởng, sản phẩm đã ra mắt và từng tạo tiếng vang lớn.
Một lý do dễ thấy để nhà sản xuất Việt Nam lựa chọn chuyển thể hay remake là vì họ sẽ có "một nền tảng bền vững có sẵn" để dựa vào. Các dự án này thường có thời gian sản xuất ngắn, và phim gốc được chọn để làm lại vốn đạt thành công vang dội. Do đó, nhà làm phim chỉ cần đảm bảo chất lượng tác phẩm và thêm thắt yếu tố chắc chắn có khả năng sinh lời. Điều này dễ dàng hấp dẫn nhà đầu tư hơn là những ý tưởng mới còn nằm trên trang giấy, với khả năng thu hồi vốn khó đánh giá chuẩn xác.
Các tựa phim chuyển thể và remake liên tục gặt hái thành công thương mại ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình như bộ phim Perfetti sconosciuti do Italy sản xuất vào năm 2016. Chỉ trong 5 năm, bộ phim này đã có 18 phiên bản remake, trải dài từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á.
Tác phẩm Tiệc trăng máu - bản Việt của Perfetti sconosciuti - ra rạp năm 2020 đã thu về hơn 175 tỷ đồng, qua đó lọt vào danh sách 4 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Ngoài ra, Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Anh trai yêu quái đều là những phim phiên bản Việt để lại dấu ấn và đạt doanh thu ấn tượng.
Ở lĩnh vực chuyển thể, Chàng vợ của em, tác phẩm có nội dung dựa trên tiểu thuyết bán chạy Busy Woman Seeks Wife của nữ nhà văn Annie Sanders, Cô gái đến từ hôm qua và Mắt biếc, dự án chuyển thể từ 2 quyển sách được yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay Tấm Cám: Chuyện chưa kể đều giành thắng lợi tại phòng vé.
Dòng phim này sớm đạt thành công lớn tại Hollywood vào giai đoạn đầu những năm 2000 đến khoảng năm 2015, với loạt thương hiệu đình đám, mang về doanh thu khổng lồ lên đến hàng tỷ USD như Harry Potter, The Hunger Games, Twilight, Divergent...
Ở thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới, Trung Quốc, những tác phẩm bùng nổ phòng vé trong vài năm gần đây đa phần có nội dung rút ra từ sự kiện lịch sử, chủ yếu là cuộc kháng chiến chống Nhật. Ngoài ra, bản remake của loạt nhân vật cổ tích trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm và Lục Tây Tinh, hay truyền thuyết về T hanh Xà Bạch Xà, Tây du ký cũng được thực hiện vô số lần mà vẫn tiếp tục thu về doanh thu cao.
Phim chuyển thể sớm gặt hái thành công vang dội tại Hollywood.
Nhìn chung, chuyển thể, remake hay tái khởi động vẫn là xu hướng làm phim thương mại phổ biến trên toàn thế giới, trong đó bao gồm Việt Nam, bởi độ an toàn, dễ sản xuất và tính phù hợp cho các thị trường điện ảnh đang phát triển. Lĩnh vực này dường như sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt trong ít nhất 5 năm nữa.
Ý tưởng mới mang đến nhiều thử thách
Giữa thời đại bùng nổ của nền công nghiệp điện ảnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhiều bước tiến trong việc phát triển ý tưởng kịch bản riêng, qua đó đạt được một số thành công nhất định.
Tuy nhiên, số lượng ý tưởng gốc được đưa lên màn ảnh còn khá hạn chế. Khi một số tác phẩm mang màu sắc, chủ đề na ná với dự án đã quá quen thuộc tại Hollywood hay nền điện ảnh lớn khác, khó có thể gọi đây là "ý tưởng gốc". Ví dụ, phim Nắng với sự góp mặt của Thu Trang khiến người ta liên tưởng đến Miracle In Cell No. 7 của Hàn Quốc, hay I Am Sam từng gây sốt tại Mỹ và Cua lại vợ bầu dường như sử dụng lại toàn bộ kịch bản của Nhật ký tiểu thư Jones.
Việc mang ý tưởng mới lên màn ảnh rộng đòi hỏi khoảng thời gian dài phát triển, vì không ai muốn đặt cược tiền vào nơi không có gì chắc chắn. Từ xây dựng nội dung mới đến tìm kiếm đầu tư đều có tỷ lệ thành công khá mong manh. Vậy nên, phải rất lâu, điện ảnh Thái Lan mới có được một Bad Genius hay Friendzone.
Năm 2015, đạo diễn Hàm Trần thực hiện dự án Siêu trộm, một trong những phim đầu tiên trên thế giới làm về tiền ảo - khái niệm còn khá lạ lùng với đa phần khán giả lúc bấy giờ. Kết cục, phim thất bại thê thảm vào mùa Tết 2016, khiến nhà sản xuất lỗ hơn chục tỷ đồng.
Một ví dụ nổi bật khác là Em chưa 18. Ngay từ những ngày đầu phát triển dự án về chủ đề lạ lẫm là tâm sinh lý tuổi teen, cho đến khi có được hai cái tên "không ai biết đến" là Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn, nhiều nhà đầu tư đã quyết định rút vốn. Dù về sau Em chưa 18 trở thành cú hit bất ngờ, cho đến hiện tại, số lượng phim làm từ ý tưởng gốc đạt thành tích như phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bên cạnh đó, số tiền chi trả cho nhân sự của phim điện ảnh tại Việt Nam luôn là vấn đề chưa có lời giải.
"Đối với một dự án điện ảnh Việt Nam hiện tại, số tiền trả cho nhóm biên kịch chỉ ở khoảng 2 - 3%, thậm chí dưới mức 1% tổng chi phí, trong khi ở Hollywood, số tiền này có thể lên đến 10% - 15%. Do vậy, khó mà đòi hỏi họ làm việc hăng say và đam mê. Để mở đầu dự án phim thì phải có ý tưởng kịch bản. Mà để tăng được mức lương xứng đáng cho vị trí này thì tổng chi phí cho dự án phải tăng, dẫn đến mức tiền thu về để huề vốn cũng đội lên", đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Việc đem ý tưởng mới lên màn ảnh Việt còn gặp nhiều thử thách.
Ý tưởng mới bị khán giả kìm hãm?
Có thể thấy, câu chuyện hay ý tưởng có sẵn, đã gây tiếng vang trước đó là cơ sở an toàn hơn để lập ra dự án phim thương mại.
"Hòa nghĩ remake hay không, không quan trọng. Thực tế, không riêng tôi mà nhiều nhà làm phim tại Việt Nam chỉ sử dụng ý tưởng và câu chuyện của bản gốc. Còn lại, kịch bản sẽ được làm mới hoàn toàn. Tôi không cố gắng giữ lại mọi tinh hoa hay góc máy trong bản gốc. Trọng tâm của hai phiên bản cũng phải đem đến sự khác biệt. Như với Nghề siêu dễ - phiên bản làm lại của bom tấn Hàn Extreme Job - mọi lời đồn đoán hiện tại đều không đúng đâu, tôi đã thay đổi rất nhiều", đạo diễn Võ Thanh Hòa định nghĩa cách làm phim remake từ kinh nghiệm bản thân.
Theo đạo diễn sinh năm 1989, việc biến bộ phim truyền hình có dung lượng 11 tập, tình tiết dàn trải thành phiên bản điện ảnh dài khoảng 2 giờ đồng hồ như Đất rừng phương Nam là thử thách không hề dễ với đội ngũ thực hiện và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Bản màn ảnh nhỏ và bản chiếu rạp phải mang hai tinh thần khác nhau, dù đều dùng chất liệu từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi. Vì vậy, giống với đa phần khán giả, đạo diễn Võ Thanh Hòa mong đợi được xem Đất rừng phương Nam trên màn ảnh lớn.
Dù đòi hỏi nhiều ý tưởng mới táo bạo, thực tế khán giả Việt Nam chưa có thói quen nhìn nhận sự khác biệt, và mặc định chỉ những khái niệm quen thuộc mới là điều chính xác.
Khán giả không sai khi lên tiếng. Tuy vậy, chính sự đánh giá thiếu khách quan đã kìm hãm "ý tưởng mới" của nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam. Kết quả, họ ôm đam mê thầm lặng cùng sự độc đáo riêng của mình ra nước ngoài để tìm bến đỗ an tâm hơn. Từ đó, sản phẩm họ làm ra cũng mang quốc tịch nước khác, trong khi người xem vẫn mãi loay hoay, trách cứ tại sao Việt Nam liên tục làm phim remake, chuyển thể mà có quá ít nội dung mang tính nguyên bản.
Chìa Khóa Trăm Tỷ: Tham vọng mở khóa kho báu "trăm tỷ" màn ảnh Việt Chìa Khóa Trăm Tỷ là phim điện ảnh Việt Nam được làm lại từ nguyên tác Key Of Life của Nhật Bản, hứa hẹn sẽ tiếp nối thành công dòng phim remake. Góp mặt trên đường đua điện ảnh Việt Nam thời gian tới là bộ phim Chìa Khóa Trăm Tỷ của đạo diễn Võ Thanh Hòa. Sự hài hước và duyên dáng...