‘Cuộc đua kỳ thú’ trở lại với phiên bản người nổi tiếng
Tuy nhiên, cơ hội rộng mở với cả những người bình thường, ưa thích phiêu lưu và thử thách.
Vẫn là phiên bản người nổi tiếng như mùa thứ 2 nhưng Cuộc đua kỳ thú mùa 3 có những thay đổi hứa hẹn hấp dẫn ngay từ đầu.
Thay vì bó hẹp quy mô cuộc chơi trong giới sao – người nổi tiếng tự chọn bạn chơi là người thân/bạn bè/họ hàng/người yêu/đồng nghiệp – như năm trước, năm nay, ban tổ chức sẽ tiến hành tuyển sinh như mùa đầu tiên để không bỏ lỡ những người đua tiềm năng.
Những người muốn tham gia đua cùng sao sẽ bắt đầu quá trình thi tuyển của mình bằng cách gửi clip tự giới thiệu về fanpage chương trình từ ngày 19/3. Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ có nhiều chuyến mini bus đi tới một số tỉnh thành trong cả nước như Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Quảng Nam, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang… để đến gần hơn với các tay đua tiềm năng.
Tiếp sau đó, vòng chọn (audition) sẽ được tổ chức tại các thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM để xác định người chơi chính thức, sẵn sàng bước vào các cuộc đua cam go của mùa thứ 3.
Đặc biệt, vòng chọn sẽ có sự tham gia của các những người nổi tiếng đã được chọn vào danh sách đua. Nếu chưa có bạn đồng hành phù hợp hay bất ngờ bị hấp dẫn, các sao có thể chọn người chơi cùng từ chính những thí sinh ở đây.
Dù chỉ là một cánh cửa hẹp nhưng đây thực sự là cơ hội để những người ưa thích phiêu lưu và thử thách được thể hiện mình, và tham gia một trong những chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn nhất Việt Nam.
Tiến Đạt và Hari Won là một trong những cặp đôi được yêu thích nhất của Cuộc đua kỳ thú mùa năm ngoái.
Một điều khác biệt nữa của mùa thứ 3 là số đội chơi chỉ là 8 đội. Trước đó, mùa đầu tiên, Cuộc đua kỳ thú có 10 đội. Mùa thứ 2 là cuộc đua giữa 9 đội.
Lên sóng từ tháng 5/2012 và trải qua 2 mùa, Cuộc đua kỳ thú đang là chương trình truyền hình đáng xem nhất của màn ảnh nhỏ Việt. Bởi dù có yếu tố sao nhưng với tính chất của riêng mình, Cuộc đua kỳ thú miễn nhiễm trước những mặt trái và ồn ào không đáng có của showbiz.
Mỗi đội gồm 2 người, cùng nhau trải qua hàng loạt thử thách khắc nghiệt thách thức cả về trí tuệ, sức khỏe và tinh thần của người chơi. Một trong những đặc điểm hấp dẫn khác của Cuộc đua kỳ thú là người chơi sẽ được đi qua hàng chục địa danh nổi tiếng ở cả trong nước và quốc tế.
Năm ngoái, 2 cô người mẫu tưởng chừng như mong manh là Diệp Lâm Anh và Thu Hiền đã xuất sắc hoàn thành cuộc đua, trở thành người chiến thắng và là chủ nhân của giải thưởng 500 triệu đồng.
Khoảnh khắc về đích của Diệp Lâm Anh và Thu Hiền.
Cuộc đua kỳ thú đưa người chơi đến với những địa danh đẹp trên khắp đất nước và trải qua những thử thách chỉ có một lần trong đời.
Theo Tri thức
Những show thực tế Việt lên ngôi và tụt dốc năm 2013
Có thể coi "The Voice Kids" là chương trình thành công nhất trong năm, nhưng ngược lại "The Voice" năm nay lại không được đánh giá cao.
Không hề có dấu hiệu giảm nhiệt, năm 2013 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của truyền hình thực tế với hàng loạt chương trình mới ra mắt, thay phiên nhau chiếm sóng giờ vàng kéo dài từ thứ sáu đến chủ nhật. Nhờ vậy mà khán giả có nhiều hơn những sự lựa chọn thật sự chất lượng hay nội dung thật sự mới lạ, thú vị. Tuy nhiên, cũng vì thế, những chương trình không thật sự tạo ra điểm nhất khác biệt cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng bị quên lãng.
Cũng điểm danh những chương trình đã thăng hạng năm qua cũng như những show thực tế thất bại nặng nề khi không vượt qua được chính mình.
Thành công
Video đang HOT
1. The Voice Kids
Trái ngược với The Voice 2013, The Voice Kids thắng lớn trên mọi mặt trận. Không chỉ gây sốt tại vòng Giấu mặt, chương trình càng đi sâu vào trong càng nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của khán giả và giới truyền thông.
Có thể nói công đầu tiên là nhờ dàn thí sinh với Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy, Thu Hà, Hữu Đại, Linh Lan... những cô bé cậu bé đầy tài năng và ngây thơ cống hiến những màn trình diễn hết mình, không chút tính toán. Cảm xúc của người xem cũng được đẩy lên cao nhất với những tiết mục đầy màu sắc. Trong đó, những phần thi của cô bé dân ca Phương Mỹ Chi đều tạo ra những cơn sốt mà rất ít thí sinh trong các cuộc thi làm được.
Quang Anh trở thành quán quân đầu tiên của The Voice Kids. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
The Voice Kids cũng là một trong những chương trình gần như không dính scandal nào, ngoại trừ một vài vụ như chia sẻ của phụ huynh về việc đi thi vất vả hay công văn kêu gọi bầu chọn của Thanh Hóa cho Quang Anh. Kết quả cuối cùng dù không như dự đoán nhưng cũng nhận được sự đồng tình của số đông. Số tiền quảng cáo trong đêm chung kết cũng đạt đến mức kỷ lục nhờ lượng rating lớn.
Không quá lời nếu nói đây là chương trình thành công nhất năm.
2. Cuộc đua kỳ thú
Amazing Race là một trong rất ít các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam có chủ đề không liên quan đến ca hát, nhảy múa, mà thiên về trải nghiệm của 9 đội thông qua các thử thách từ thể lực đến trí tuệ trong chặng đua trải dọc chiều dài đất nước.
Sau mùa đầu tiên không tạo được hiệu ứng đáng kể, mùa thứ 2 đã bất ngờ tạo được cú hit đáng nể về rating lẫn sự quan tâm của truyền thông.
Với sự tham gia của dàn thí sinh là người nổi tiếng, Cuộc đua kỳ thú nhận được sự chú ý ngay từ khi chưa lên sóng. Tuy nhiên, lý do chính giúp chương trình thắng lớn lại là những tình huống rất thật và đời thường của các thí sinh ngôi sao khi được đặt vào những tình huống "dở khóc dở cười".
Hari - Đinh Tiến Đạt được khán giả yêu mến. Ảnh: BHD
Theo dõi Cuộc đua kỳ thú, người xem được đồng hành cùng các đội chơi để trải nghiệm rất nhiều cảnh đẹp, phong tục, tập quán của nhiều vùng trên đất nước. Những tranh cãi xung quanh cách ứng xử của các đội chơi cũng góp phần khiến Cuộc đua kỳ thú nhận được rất nhiều sự quan tâm của người xem. Tất nhiên, không thể không kể đến công khá lớn của cô nàng mang hai dòng máu Việt - Hàn Hari Won đã tạo nên cơn sốt nho nhỏ cho khán giả. Màn lên ngôi ngoạn mục của hai cô gái Diệp Lâm Anh - Thu Hiền cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người xem.
3. So you think you can dance
So với mùa đầu tiên, So you think you can dance có phần giảm nhiệt nhẹ nhưng vẫn là một trong những chương trình được khán giả đánh giá cao về nội dung và cảm xúc. Dù là một cuộc thi, nhưng người xem gần như không thể tìm ra những màn đấu đá, hiềm khích lẫn nhau, mà tất cả đều là sự đam mê, quyết tâm hay thậm chí là giúp đỡ nhau của những vũ công.
So you think you can dance tiếp tục là show thực tế yêu thích của khán giả cả nước.Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Bên cạnh những đêm trình diễn bỏng đầy đam mê, những giây phút sảng khoái nhờ màn tung hứng ăn ý giữa MC Trấn Thành và ban giám khảo hay khoảnh khắc xúc động trước sự đam mê và cống hiến của các thí sinh cũng góp phần lôi kéo khán giả theo dõi
Chiến thắng cuối cùng thuộc về "hot boy ổ chuột" Ngọc Thịnh không chỉ thuyết phục khán giả mà còn đọng lại trong lòng người xem về niềm đam mê của một chàng trai trẻ muốn đi đến cùng trên con đường đã chọn.
4. Vietnam's Next Top Model
Lần đầu tiên thực hiện phiên bản nam - nữ, Vietnam's Next Top Model nhanh chóng trở thành chương trình được theo dõi nhiều nhất trong gần 3 tháng phát sóng mặc cho sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sân chơi khác.
Ngay từ vòng casting, những thông tin từ chính thức đến bên lề đã đẩy sự tò mò của khán giả lên mức cao nhất. Sự xuất hiện của giám khảo Thanh Hằng, Adam, những thí sinh chuyển giới, bản sao của người nổi tiếng... đều nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Các cô gái nổi bật trong buổi casting tại Singapore. Ảnh: Multimedia
Đến những vòng trong, việc tìm ra những thí sinh có tiềm năng và cá tính nổi trội cũng được xem là một thành công lớn của cuộc thi này. Dù vậy, sự đa dạng trong thử thách và thể hiện của Thanh Hằng về sau lại không được lòng người xem.
Những luồng dư luận trái chiều nhau xung quanh thể hiện của gái quê Chà Mi, hot boy giỏi toán Văn Kiên cũng là một trong những "công thức" không bao giờ cũ để Vietnam's Next Top Model thu hút sự quan tâm của người xem và cánh báo chí. Để Chà Mi đi đến tận đêm chung kết nhưng phần thắng vẫn thuộc về người xứng đáng là Mâu Thanh Thủy được đánh giá là tính toán thông minh của ê-kíp thực hiện.
5. Vietnam Idol
Ngoài Hoàng Quyên, Vietnam Idol 2012 không có dàn thí sinh quá chất lượng, tuy nhiên vẫn có thể đánh giá là một mùa thành công khi khám phá ra nhiều cá tính âm nhạc khác biệt như Bảo Trâm, Yasuy, Phạm Hồng Phước, Hương Giang...
Nếu như ở The Voice, dàn thí sinh đều có ít nhiều kinh nghiệm hoặc được đào tạo, thì với Idol các gương mặt của top 10 gần như chưa được qua trường lớp mà chỉ hát theo bản năng và sở thích nên sự tiến bộ của họ qua từng vòng được thể hiện khá rõ. Dù vậy, chương trình chỉ thật sự hấp dẫn trong những chặng đua cuối với sự bứt phá của các thí sinh cũng như cách chọn bài mới mẻ, hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, câu chuyển của thí sinh chuyển giới Hương Giang cũng giúpVietnam Idol được nhắc đến nhiều hơn.
Yasuy và Hoàng Quyên - top 2 Vietnam Idol 2013. Ảnh: Ân Nguyễn
Sự tham gia lần đầu tiên của nữ ca sĩ Mỹ Tâm trong vai trò ban giám khảo góp phần rất lớn níu chân người xem theo dõi hằng đêm, nhưng cũng vì lý do này mà dàn thí sinh lại chịu nhiều thiệt thòi không nhận được nhiều sự chú ý bằng nữ ca sĩ này.
Nếu như ở các mùa trước, các quán quân đều nhận được sự ủng hộ của phần lớn khán giả, nhưng lần này Yasuy lại không được may mắn đó, thậm chí chiến thắng chàng trai người dân tộc Chu Ru còn gây ra rất nhiều tranh cãi cho đến tận bây giờ.
Vào tháng 12 năm nay, Vietnam Idol mùa thứ 5 đã phát sóng trên truyền hình và giống như truyền thống, các buổi thi Audition luôn là lực nam châm mạnh mẽ thu hút người xem dán mắt vào màn hình và bình luận rôm rả trên mạng xã hội. Việc xuất hiện dàn trai xinh, gái đẹp có tài năng và "lấn át" cả các thảm họa khiến khán giả kỳ vọng Idol sẽ có một mùa mới hấp dẫn.
Thất bại
1. Vietnam's Got Talent
Là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng, nhưng khán giả không thể nhớ nổi những cái tên bước vào chung kết, người thắng cuộc "lặn mất tăm" ngay sau khi đăng quang, bấy nhiêu cũng đủ để Vietnam's Got Talent mùa thứ 2 bị đánh giá là thất bại. Thực tế chuyện này đã được đoán ra từ sớm.
Những tiết mục nhảy múa xuất hiện dày đặc trong mùa thứ 2, nhưng không có gì đặc sắc. Ảnh: BHD
Sau mùa 1 rầm rộ, Vietnam's Got Talent trở lại với kỳ vọng sẽ tiếp tục là một sân chơi thú vị. Nhưng sự thật, chương trình đã diễn ra nhạt đến mức khán giả phải đặt câu hỏi phải chăng chương trình đang đi vào ngỏ cụt khi chỉ vừa bắt đầu.
Chương trình không thiếu tài năng, nhưng những tài năng này không có cá tính cũng như sự khác biệt khiến khán giả phải thích thú theo dõi. MC Thanh Bạch có lối dẫn dắt quá màu mè, ban giám khảo tung thí sinh lên mây càng khiến người xem đành phải nói lời chia tay.
2. Cặp đôi hoàn hảo
Nếu phải trao danh hiệu chương trình khiến khán giả mệt mỏi nhất khi theo dõi thì Cặp đôi hoàn hảo chính là chương trình sẽ nhận được giải.
Sau mùa đầu tiên thành công rực rỡ, Cặp đôi hoàn hảo trở lại với dàn thí sinh... không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên điều khiến khán giả chán ngán không phải vì những màn trình diễn không đặc sắc, mà bởi vì hàng loạt những scandal liên tiếp xảy ra.
Mùa 2 của Cặp đôi hoàn hảo ít ca khúc hay mà nhiều chiêu trò không cần thiết. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Đầu tiên là màn "đấu khẩu" của Mỹ Lệ và giám khảo Lưu Thiên Hương, rồi Thảo Trang, Thuận Việt lên tiếng cho rằng họ bị xử ép, tiếp đó còn có Kim Oanh, Phan Đình Tùng, Cát Phượng... Chưa kể đến việc yếu tố thương mại của nhà tài trợ cũng được đặt lên vị trí quá cao thể hiện qua các đoạn clip thí sinh ăn mì, cho ca sĩ mặc đồ làm từ bao bì mì gói và phát biểu về việc ăn mì, tặng một cặp mì bằng vàng...
Thể hiện nhạt nhòa của dàn ban giám khảo cùng 2 MC cũng khiến khán giả ngán ngẩm.
3. The Voice
Cũng giống như Cặp đôi hoàn hảo, The Voice sau mùa đầu tiên quá thành công thì sang năm sau đã nhanh chóng trở thành "bom xịt". Dù đã cố gắng thay đổi dàn huấn luyện viên đến màn "cướp" thí sinh, nhưng bấy nhiêu không đủ để cứu một mùa giải thất bại toàn tập.
The Voice 2013 gây ra nhiều tranh cãi bên lề. Ảnh: Thành Luân
The Voice 2013 có dàn thí sinh không kém phần chất lượng, thậm chí còn đồng đều hơn, nhưng đâu đó người ta vẫn thấy một "bản sao" của Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn hay các giọng ca "bác học" như Dương Hoàng Yến... Những gương mặt có cá tính khác biệt như Vũ Cát Tường, Âu Bảo Ngân, Hoàng Tôn cũng không giữ được sức nóng của mình trong các vòng sau. Do đó càng đi sâu vào các vòng trong, The Voice lại càng nhạt nhòa. Chưa kể việc thời gian diễn ra chương trình diễn ra quá dài gần 7 tháng.
Về dàn huấn luyện viên, dù đều là những cái tên hàng đầu của làng nhạc Việt nhưng họ cũng không thuyết phục khán gia bởi những nhận xét chuyên môn mà còn là "thủ phạm" của những màn tranh cãi bên lề cũng như trách móc nhau.
Có lẽ The Voice 2013 cũng là một trong những chương trình mà khán giả ít hào hứng theo dõi đêm công bố kết quả nhất.
4. Bước nhảy hoàn vũ
Diễn ra không mấy rầm rộ so với các năm trước, nhưng Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 4 lại được đánh giá là thành công về kết quả với sự lên ngôi xứng đáng của Yến Trang. Nhưng có lẽ cũng vì quá sạch, nên chương trình lại bị đánh giá là "nhạt" vì không tạo được nhiều hiệu ứng về mặt truyền thông.
Bước nhảy hoàn vũ 2013 "nhạt" vì thiếu điểm nhấn. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Đến mùa thứ 4 nhưng từ nội dung đến hình thức tổ chức lại không có sự đổi mới nên từng đêm thi diễn ra không còn nhận được sự hồi hộp theo dõi của khán giả như trước. Bên cạnh đó là sự phân chia chất lượng thí sinh quá rõ rệt ngay từ những ngày đầu cũng khiến Bước nhảy hoàn vũ 2013 không tạo ra bất ngờ - điều mà một chương trình truyền hình thực tế cần có. Chưa kể dàn thí sinh cũng không có nhân tố gây bất ngờ như Huỳnh Đông, Trương Nam Thành, Vân Trang từng làm được trong các mùa trước.
Dàn ban giám khảo với những gương mặt ca sĩ nổi tiếng thay phiên đảm nhân vị trí khách mời cũng không gây được hiệu ứng cần thiết khi họ không thể đưa ra được các nhận xét chuyên môn mà chỉ đánh giá sơ sài.
Dù "sạch" nhưng Bước nhảy hoàn vũ 2013 vẫn vướng tiếng xấu với tranh cãi của Hòa Hiệp khi anh cho rằng mình bị chấm điểm không công bằng.
5. Big Brother - Người giấu mặt
Đã bước qua một nửa chặng đường phát sóng nhưng Big Brother (Người giấu mặt) vẫn đang loay hoay để thu hút sự quan tâm của khán giả. Không có sự tham gia người nổi tiếng hay các yếu tố giải trí như ca hát, nhảy múa,Người giấu mặt chú trọng vào việc khai thác những tính cách trái ngược nhau cũng như nhưng mâu thuẫn của các thí sinh khi cùng nhau vào sống tại căn nhà chung trong 2 tháng.
Người giấu mặt gây nhiều tranh cãi. Ảnh: BHD
Ngay từ những ngày đầu, chương trình đã vấp phải sự phản đối của người xem bởi nội dung khá vô bổ. Đến khi những hình ảnh "lột đồ" phản cảm được phát sóng, cơn sóng tẩy chay càng tăng cao. Dù thời gian gần đây lượng người xem đã có phần cải thiện nhưng vẫn không đáng kể, thậm chí rất nhiều khán giả không hề biết đến sự tồn tại của chương trình này.
Big Brother là một trong những chương trình ăn khách nhất tại các nước phương Tây, nhưng khi du nhập vào Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với lối sống lẫn phong tục của người Việt. Chưa kể việc phát sóng hằng ngày cũng khiến khán giả khó theo dõi.
Theo Trí thức
Bội thực truyền hình thực tế Chưa bao giờ khán giả lại bội thực trước tình trạng "trăm hoa đua nở" chương trình truyền hình thực tế (THTT) trên sóng truyền hình như giai đoạn hiện nay. Chỉ cần bật tivi, là thấy hàng chục chương trình THTT trên khắp trên các kênh, từ đài truyền hình Trung ương đến địa phương, với nội dung na ná nhau. Bùng...