Cuộc đua khốc liệt vào Nhà Trắng: 270 lá phiếu đế chiến thắng
Theo hệ thống bầu cử lắt léo của Mỹ, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu chọn tổng thống và phó tổng thống. Thực chất, họ chọn đại cử tri trong một đại cử tri đoàn.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2012, Obama (phải) và Romney.
Dưới đây là cách thức hoạt động của hệ thống bầu cử đặc biệt này, hệ thống do những người sáng lập nước Mỹ đặt ra:
- Tổng cộng 538 lá phiếu của Đại cử tri đoàn được phân bổ cho 50 bang của nước Mỹ và Quận Columbia ( thủ đô nước Mỹ WashingtonDC).
- Ứng viên tổng thống phải giành được ít nhất 270 lá phiếu Đại cử tri đoàn hoặc hơn để giành chiến thắng.
- Trong trường hợp hai ứng cử viên giành được số phiếu bằng nhau, mỗi người 269 phiếu, thì Hạ viện, hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ, sẽ được triệu tập để chọn tổng thống.
- Mỗi bang và DC, có tối thiểu 3 lá phiếu Đại cư tri đoàn và những bang có dân số đông nhất sẽ có nhiều lá phiếu nhất.
Video đang HOT
- California có 55 lá phiếu Đại cử tri đoàn, Texas có 38, trong khi New York và Florida có 29. Vì vậy đây là những bang “chiến trường” lớn nhất, có quyết định lớn nhất đối với chiến thắng của các ứng cử viên.
- Gần 40 bang đã được chắc chắn là thuộc về đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
- Điều này có nghĩa là chiến trường phụ thuộc vào một nhóm các bang dao động.
- Florida là bang dao động lớn nhất xét về lá phiếu Đại cử tri đoàn. Sau đó là Ohio, với 18 lá phiếu, Bắc Caronlia với 15 và Virginia với 13.
-Ứng viên nào giành chiến thắng ở lá phiếu phổ thông ở một bang sẽ giành toàn bộ lá phiếu Đại cử tri đoàn ở bang đó, ngoại trừ Maine và Nebraska, hai bang dùng phương pháp được gọi là Phương pháp Maine mà trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri tổng thống thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau và như thế số phiếu đại cử tri của tiểu bang bị chia ra tại hai tiểu bang này.
- Các đảng chính trị (hoặc các ứng viên độc lập) ở mỗi bang phải đệ trình lên trưởng ban bầu cử của bang danh sách cá nhân cam kết đối với ứng viên tổng thống của họ và cân bằng về số lượng theo lá phiếu đại cử tri của bang.
- Người đảng Dân chủ và Cộng hòa chọn những cá nhân này hoặc là ở trong các đại hội đảng ở bang hoặc qua bổ nhiệm của các lãnh đạo đảng tại bang, trong khi các đảng thứ ba và ứng viên độc lập tự chọn.
- Các đại cử tri, lúc đó đã quyết định chọn ứng viên nào, sẽ nhóm họp trong đại hội bang vào ngày 17/12/2012, để chính thức bầu tổng thống và phó tổng thống kế tiếp của Mỹ.
- Giới phê bình cho rằng Đại cử tri đoàn không phải lúc nào cũng phản ánh nguyện vọng của cả nước. Năm 2000, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore giành chiến thắng xét về lá phiếu phổ thông, nhưng ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush lại giành được 271 phiếu Đại cử tri đoàn khi ông giành chiến thắng ở Florida.
- Trong khi đó những người ủng hộ cho rằng nếu thay đổi hệ thống bầu cử trên, nghĩa là bầu cử tổng thống trực tiếp, sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào tay người dân thành thị, không có lợi cho các bang nông thôn, với dân cư thưa thớt hơn.
Theo Dantri
Tổng thống Obama tiếp tục ghi điểm
Một lần nữa, ông Obama (phải) tỏ ra lấn lướt đối thủ Romney - Ảnh: AFP
Dù hai bên đều ăn miếng trả miếng nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn lấn lướt đối thủ Mitt Romney trong cuộc tranh luận lần cuối trên truyền hình.
Đối ngoại, chủ đề trong cuộc tranh luận cuối, vốn không phải là quan tâm chính của cử tri Mỹ hiện nay khi những hàng người chờ xin trợ cấp thất nghiệp đang dài dằng dặc. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Đông và châu Á -Thái Bình Dương đang có một số diễn biến gây quan ngại, chính sách đối ngoại - an ninh của Mỹ vẫn thu hút sự chú ý của dư luận ngoài nước. Trận "đấu khẩu" cuối cùng giữa Tổng thống Obama và đối thủ Romney vẫn khiến hơn 100 khách mời quốc tế chăm chú nhìn lên màn hình ở Trung tâm Meridian International, thủ đô Washington D.C, theo quan sát tại chỗ của PV Thanh Niên. Đôi lúc lại rộ lên những tràng cười tán thưởng mỗi khi hai ứng viên ra "đòn độc" nhằm vào nhau.
Ăn miếng trả miếng
Sau khi ghi điểm trong cuộc đối đầu lần thứ hai, ông Obama tỏ ra tự tin tấn công đối thủ Romney, người chọn phương án tiếp cận thận trọng hơn. Đương kim Tổng thống Mỹ vẽ nên chân dung đối thủ như một người non nớt về chính sách đối ngoại, thiếu kiên định để trở thành tổng tư lệnh quân đội mạnh nhất thế giới. Ông Obama tuyên bố: "Điều mà chúng ta cần làm ở Trung Đông là một sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định, chứ không phải kiểu lãnh đạo lan man, đầy sai lầm và khinh suất". Đáp lại, ứng viên Cộng hòa trả đũa bằng cách cáo buộc đối thủ đã cho phép "những làn sóng hỗn loạn" càn quét Trung Đông, tạo điều kiện cho al-Qaeda lợi dụng. Lập tức, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng cười khẩy châm biếm rằng thật đáng mừng khi ông Romney cuối cùng cũng nhận thức được mối đe dọa từ mạng lưới al-Qaeda. Pha nói móc này của Tổng thống Obama bắt nguồn từ việc ứng viên Romney cách đây chưa lâu đã khẳng định Nga là địch thủ số 1 của Mỹ. Ông Obama còn nói thêm rằng: "Mỗi lần đưa ra ý kiến, ông lại phạm sai lầm".
Đây không phải là lần duy nhất Tổng thống Mỹ nói móc đối thủ Romney. Khi ứng viên Cộng hòa phàn nàn rằng nước Mỹ hiện tại có ít số tàu chiến hơn hồi năm 1917, ông Obama lập tức châm chích: "Đúng, thưa thống đốc (ông Romney - NV), chúng ta cũng có ít ngựa và lưỡi lê hơn hồi đó, vì tính chất quân đội Mỹ đã thay đổi. Chúng ta có cái gọi là tàu sân bay, nơi máy bay có thể cất hạ cánh. Chúng ta có những chiếc tàu chạy bên dưới mặt nước mà mọi người gọi là tàu ngầm, thậm chí có cả tàu ngầm hạt nhân".
Quyết ăn miếng trả miếng, ứng viên Cộng hòa chỉ trích chuyến công du đến Trung Đông mà Tổng thống Obama thực hiện hồi đầu nhiệm kỳ là "chuyến đi tạ lỗi". Theo ứng viên Romney, ông Obama đi thăm nhiều nước tại khu vực này nhưng bỏ qua Israel, đồng minh thân cận của Mỹ. Vì thế, ông Romney cáo buộc Tổng thống Obama đã làm lộ điểm yếu của Mỹ trước đối thủ tại Trung Đông. Phản bác lại, ông Obama tuyên bố cáo buộc này là "điều trơ trẽn nhất" trong cuộc bầu cử năm 2012.
Khác biệt về Trung Quốc
Trong cuộc tranh luận lần này, Trung Quốc chiếm thời lượng không nhỏ khi 2 nước hiện vẫn giằng co trong quan hệ vừa là đối tác vừa là đối thủ. Trong phần bình luận trước buổi truyền hình trực tiếp tại Trung tâm Meridian International, Giáo sư Stephen Wayne thuộc ĐH Georgetown "cảnh báo" là sẽ chẳng thể tránh khỏi những lời không mấy dễ nghe về Bắc Kinh từ ông Obama lẫn Romney. Quả thực, cả hai ứng viên đều khẳng định sẽ không khoan nhượng với Bắc Kinh.
Ông Romney lại tập trung vào vấn đề kinh tế khi tuyên bố sẽ thẳng tay "xử lý" việc Trung Quốc "thao túng tiền tệ" bằng cách định giá thấp đồng nhân dân tệ để "cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu" và "đánh cắp công ăn việc làm của Mỹ". Trong khi đó, Tổng thống Obama lại nhấn mạnh sẽ khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ là cường quốc ở Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục hiện diện tại đây để đảm bảo an ninh cho các tàu bè và tự do hàng hải. Có mặt trong khán phòng tại Trung tâm Meridian International, PV Thanh Niên nhìn thấy nhiều nụ cười mỉm, nhiều ánh mắt khó diễn tả hướng về những gương mặt đăm chiêu của các vị khách từ Trung Quốc.
Kết thúc cuộc tranh luận, một khảo sát nhanh do Đài CBS thực hiện cho thấy 53% số người được hỏi khẳng định Tổng thống Obama đã thắng đợt ba. Con số này dành cho ứng viên Romney chỉ ở mức 23%. Tương tự, kết quả khảo sát của CNN cũng thiên về phía ông Obama với tỷ lệ 48% so với 40%.
Theo TNO
Bầu cử tổng tống Mỹ 2012 tốn kém kỷ lục: 6 tỷ USD Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm nay sẽ tiêu tốn 6 tỷ USD, trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, giới chuyên gia ngày 31/12 cho biết. Theo Trung tâm phản ứng chính trị, cơ quan phân tích chi phí bầu cử Mỹ tại opensecrets.org, riêng cuộc chạy đua giữa Tổng thống Obama và đối...