Cuộc đua Basel II trước cột mốc 2020
Theo lộ trình đã được Chính phủ đề ra, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II. Trong đó, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn quốc tế này.
Techcombank đã được nới room tín dụng từ 13% lên 17% sau khi đáp ứng chuẩn Basel II.
14 ngân hàng hoàn tất Basel II
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) cho biết, đã có 17 NHTM (15 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài) đăng ký áp dụng trước hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đến nay, đã có 13 ngân hàng Việt Nam được chấp thuận hoàn tất Basel II (Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank) và một ngân hàng ngoại là Shinhan Bank đã hoàn tất Basel II.
Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, các nhà băng sẽ nhận được một cơ chế “thoáng” hơn về room tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều ngân hàng.
Chẳng hạn, các ngân hàng ACB, Techcombank, VPBank, MBBank lần lượt được nới từ 13% lên 17%; VPBank từ 12% lên 16%.
Vì vậy, không còn cách nào khác, các nhà băng phải chạy đua thời gian hoàn tất Basel II để có điều kiện tốt hơn trong tăng trưởng tín dụng, cũng như kiểm soát rủi ro. Trong đó, một số nhà băng nhỏ cũng vừa hoàn tất Basel II như VietBank, Viet Capital Bank…
Theo lãnh đạo Viet Capital Bank, ngay từ đầu năm 2017, ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý rủi ro, Ngân hàng đã thành lập Dự án triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II và từng bước hoàn thành các hạng mục của lộ trình nhằm đảm bảo đáp ứng Basel II trước thời hạn.
Để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực, Ngân hàng đã hợp tác với đối tác tư vấn quốc tế là Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG để xây dựng công cụ và kiểm định kết quả thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank – ngân hàng mới nhất hoàn tất áp chuẩn Basel II cho biết, việc được NHNN cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41 là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của VietBank giai đoạn sắp tới, tạo nền tảng phát triển bền vững, minh bạch.
Là một trong những ngân hàng áp chuẩn Basel II từ cuối năm 2018, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, triển khai Basel II là biện pháp tối ưu để các NHTM trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Basel II cũng được xem như là rào chắn rủi ro hiệu quả trong hoạt động của Ngân hàng.
Các ngân hàng còn lại triển khai tới đâu?
Video đang HOT
BIDV, VietinBank, Sacombank, Eximbank đang chạy đua thời gian trước khi năm 2020 kết thúc.
Sacombank cho biết, đang trong quá trình triển khai để hoàn tất áp chuẩn Basel II. Trong khi đó,
VietinBank đang gặp khó trong quá trình tăng thêm vốn điều lệ, bởi room ngoại đã được lấp đầy 30%.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, VietinBank xin chia cổ tức bằng cổ phiếu giai đoạn 2017-2020.
Ngân hàng đã xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được khai thác tối đa.
Do tỷ lệ CAR đã ở mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank khó tăng trưởng tín dụng, trong khi cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn.
Do đó, hơn lúc nào hết, VietinBank mong muốn được sớm phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.
Với BIDV, ngân hàng này vừa hoàn tất thương vụ bán vốn cho cổ đông nước ngoài KEB Hana Bank thu về 20.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, qua đó hy vọng sớm hoàn tất Basel II.
Ở nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, các ngân hàng ABBank, Kienlongbank, BacA Bank, NCB, Nam A Bank cũng đang kỳ vọng sớm áp dụng thành công Basel II trong năm tới.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng đang từng bước triển khai, thực hiện hoàn thiện các hạng mục để trình NHNN về việc áp chuẩn quốc tế Basel II.
Bởi lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam nói chung, Nam A Bank nói riêng là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường “sức đề kháng” của Ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
Một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu để nâng cao hệ số an toàn vốn.
Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR ngân hàng đạt mức tối thiểu 8% – giảm 1% về mặt số học so với Basel I. Tuy nhiên, việc tính toán lại phức tạp hơn. Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%).
Trong đó, CAR của khối ngân hàng vốn nhà nước là 9,4%, khối NHTM cổ phần là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới.
Trong khi đó, không phải nhà băng nào cũng có thể dễ dàng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Nhiều ngân hàng chỉ tăng vốn từ nguồn thặng dư chia cổ tức.
Đơn cử, Nam A Bank vừa được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 3.890 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm từ thặng dư chia cổ tức năm 2018.
Theo kế hoạch, Nam A Bank sẽ nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong thời gian tới, trong đó có việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng Basel II.
Lợi ích mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là rõ ràng, nhưng không chỉ nhà băng nhỏ, mà ngay cả ngân hàng quy mô cũng khó sớm đáp ứng được tiêu chuẩn này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, Basel II không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra.
Hơn hết, càng về đích Basel II sớm thì càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn…
Vân Linh
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Khó gỡ "nút thắt" tín dụng
Các NHTM có vốn Nhà nước chiếm hơn 50% thị phần tín dụng. Nếu các ngân hàng này không tăng được vốn điều lệ, sẽ buộc phải thu hẹp tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM có vốn Nhà nước đã cải thiện tích cực, nhưng nhiều ngân hàng vẫn cần phải tăng vốn điều lệ mới có thể đáp ứng được chuẩn Basel II.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các khối ngân hàng thương mại.
An toàn vốn tốt hơn
Theo NHNN, đến cuối tháng 8/2019, CAR của khối NHTM có vốn Nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, CBBank, Ngân hàng Xây dựng, GPBank và OceanBank) lại tăng từ mức 9,52% cuối năm 2018 lên 9,65% vào cuối tháng 8/2019.
Có được kết quả này là do vốn tự có của khối NHTM Nhà nước tăng nhanh hơn so với tổng tài sản. Cụ thể đến cuối tháng 8, tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước là 5.123.339 tỷ đồng, tăng 5,35%, trong khi vốn tự có đạt 285.735 tỷ đồng, tăng 6,38% so với cuối năm 2018. Thế nhưng, vốn điều lệ của khối này chỉ tăng 0,78% lên 149.047 tỷ đồng.
Việc vốn điều lệ tăng chậm hơn tổng tài sản cho thấy, CAR của các NHTM Nhà nước được cải thiện chủ yếu nhờ tăng vốn cấp 2 và cơ cấu lại tài sản.
Quả vậy, theo SSI, trong 9 tháng đầu năm 2019, trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 155.306 tỷ đồng (không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do HNX không công bố) thì ngân hàng thương mại chiếm hơn 75.936 tỷ đồng (49%).
Đơn cử VietinBank vừa công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó, có 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
"Áp lực gia tăng vốn cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, để được tính vào vốn cấp 2, trái phiếu phát hành phải có kỳ hạn trên 5 năm", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Giải pháp tình thế
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 chỉ là giải pháp tình thế khi mà thời hạn Basel II đã cận kề. Bởi theo quy định của NHNN, bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày phát hành hoặc ngày ký hợp đồng, phần giá trị trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 theo quy định phải được khấu trừ 20% giá trị để đảm bảo đến ngày đầu tiên của năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, giá trị trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp tính vào vốn cấp 2 bằng 0.
Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, nếu lạm dụng phát hành trái phiếu sẽ tạo ra rủi ro cho ngân hàng trong tương lai, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng, bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Chưa kể, đến thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ đối mặt với áp lực huy động trái phiếu lớn để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.
Giải pháp lâu dài
Tăng vốn điều lệ vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng nói chung để tuân thủ Basel II. Đối với các ngân hàng quốc doanh, việc tăng vốn điều lệ còn có vai trò quan trọng hơn rất nhiều khi các ngân hàng này chiếm hơn 50% thị phần trong huy động và tín dụng của hệ thống.
Trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, NHNN cũng cho biết, việc mở rộng tín dụng của các NHTM Nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng chuẩn Basel II, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.
Bởi vậy, NHNN đang đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.
Đồng tình quan điểm này, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, không nên cào bằng cấp vốn mà dựa trên nền tảng lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, nếu cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ tối thiểu 65% vốn tại các NHTM nhà nước thì hầu như không cổ đông chiến lược nào mặn mà. Bởi vì, việc bỏ vốn mà không nắm quyền chi phối chỉ mang tính đầu tư tài chính. Do đó, Chính phủ nên hạ thấp tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước để các nhà đầu tư chiến lược có thể nắm giữ ít nhất 51% vốn của NHTM Nhà nước.
Hà Anh
Theo Enternews.vn
Ngân hàng trong nước vẫn loay hoay với Basel II Còn hơn 2 tháng nữa các NHTM cơ bản phải đáp ứng chuẩn mực của Basel II. Tuy nhiên, hiện nhiều ngân hàng đang gặp khó trong việc tăng vốn điều lệ. Đến thời điểm này, việc tăng vốn của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang trở nên rất nóng, nhất là khi Thông tư 41 về quy định tỷ...